Phù nề vùng nách có thể là dấu hiệu tắc nghẽn hệ bạch huyết

Các kỹ thuật giúp bạch huyết lưu thông dễ dàng hơn có thể bảo vệ hệ miễn dịch và giúp cơ thể giải tỏa cảm xúc.

Vùng nách có thể cho chúng ta biết nhiều thông tin về trạng thái của hệ miễn dịch. Trên thực tế, nếu không có vùng lõm ở nách (vùng nách bị phù nề), đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạch huyết đang ứ đọng trong các mô và khiến bạn có nguy cơ bị bệnh.

Đó là vì vùng nách nằm ở điểm cuối của hệ thống dẫn lưu bạch huyết. Một số thói quen phụ nữ như sử dụng các sản phẩm ngăn tiết mồ hôi, cạo lông nách và mặc quần áo bó sát, đặc biệt là áo ngực – có thể ức chế dòng bạch huyết ở vùng nách, làm cho vùng nách có hiện tượng “phù.”

Ngoài ra, vùng cánh tay không được vận động nhiều như các bộ phận khác của cơ thể, theo bà Kelly Kennedy, nhà trị liệu xoa bóp đã được chứng nhận của trung tâm sức khỏe The True Wellness Center ở thị trấn North Wales, tiểu bang Pennsylvania. Trong đại dịch COVID-19, bà Kennedy chuyển mối quan tâm sang hệ bạch huyết nhằm trợ giúp mọi người tăng sức đề kháng.

Bà nói với The Epoch Times rằng, “Tôi ngồi cả ngày và làm việc với máy tính. Hầu như tôi không cử động vùng nách. Bởi vì tôi không vận động cánh tay đủ nhiều nên bạch huyết không được dẫn lưu và đây là nơi bạch huyết bị tắc nghẽn nhiều nhất.”

Mạng lưới hệ bạch huyết

Các hạch bạch huyết thường sưng lên nếu cơ thể đang chống chọi với nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Trong trường hợp chấn thương, phẫu thuật, nhiễm trùng và ung thư, khi hệ bạch huyết bị quá tải, thậm chí có thể gây ra tình trạng phù bạch huyết. Phù bạch huyết là tình trạng bạch huyết bị tắc nghẽn và ứ đọng trong các mô mềm gây sưng tấy tiến triển ở cánh tay, chân, bàn chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Phù nề vùng nách có thể là dấu hiệu tắc nghẽn hệ bạch huyết
Hệ bạch huyết của con người là cơ quan điều hành mạng lưới miễn dịch. (Ảnh: The Epoch Times)

Phù bạch huyết cũng có thể do thói quen của lối sống hiện đại gây ra. các yếu tố nguy cơ của phù bạch huyết là béo phì và lối sống ít vận động. Vì vậy, duy trì sự lưu thông của dòng bạch huyết có thể làm giảm thiểu các triệu chứng phù bạch huyết.

Vai trò của tình trạng béo phì đối với bệnh phù bạch huyết là rất đa dạng, theo Academy of Lymphatic Studies (Viện Nghiên cứu Hệ bạch huyết), nơi cung cấp các khóa học và chứng nhận trong lĩnh vực này.

“Mỡ thừa trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng dưới và đùi, có thể cản trở sự lưu thông của dòng bạch huyết, dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch bạch huyết,” bản tin của tổ chức này viết. “Hơn nữa, tình trạng béo phì có thể gây viêm mạn tính, làm suy giảm chức năng của hệ bạch huyết. Chứng viêm mạn tính làm tổn thương các mạch bạch huyết mỏng manh, làm trầm trọng thêm tình trạng ứ dịch và sưng tấy liên quan đến phù bạch huyết.”

Có năm nhóm hạch bạch huyết ở vùng nách, nằm ở vùng cánh tay trên, trong và xung quanh nách. Giống như dòng máu và là một phần của hệ thống tương tự như hệ tim mạch, dòng bạch huyết chảy từ các chi hướng về phía tim. Tuy nhiên, hệ bạch huyết không có cơ quan đảm nhận chức năng bơm máu như tim [để đưa máu đi khắp cơ thể].

Thay vào đó, hệ bạch huyết là một hệ thống giảm áp chân không vốn dựa vào sự chuyển động của cơ thể để dòng bạch huyết tuần hoàn. Bà Kennedy cho biết, do phương pháp dẫn lưu độc đáo nên hệ bạch huyết cần được vận động, xoa bóp hoặc thông qua các thói quen hàng ngày khác để ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn bạch huyết.

Vai trò của hệ bạch huyết trong sức khỏe miễn dịch

Bạch huyết chủ yếu được tạo thành từ huyết tương của hệ tuần hoàn, giúp vận chuyển chất dinh dưỡng đến các mô thông qua mạng lưới các mạch bạch huyết.

Bạch huyết chảy hướng lên trên sẽ mang theo các tế bào ngoại lai, vi khuẩn và virus. Cuối cùng, bạch huyết sẽ đến các hạch bạch huyết để lọc trước khi quay trở lại máu.

Phù nề vùng nách có thể là dấu hiệu tắc nghẽn hệ bạch huyết
Hấp thụ bạch huyết từ các mao mạch máu. (Ảnh: The Epoch Times)

Các sinh vật gây hại này sẽ bị tiêu diệt bởi các tế bào bạch cầu, còn gọi là các tế bào lympho, nằm bên trong các hạch bạch huyết. Tình trạng bạch huyết bị ứ đọng tương đương với hệ miễn dịch suy yếu.

Bản tin của Academy of Lymphatic Studies về việc tối đa hóa sức khỏe miễn dịch giải thích rằng, sự lưu thông của dòng bạch huyết cũng “kích thích việc sản xuất và tính hoạt hóa của các tế bào lympho,” giúp cho hệ bạch huyết trở thành một vòng phản hồi tích cực, được gọi là “chu kỳ tốt.”

Bên cạnh nhiễm trùng, hệ bạch huyết bị tắc nghẽn có thể gây ra các hậu quả khác bao gồm hội chứng kém hấp thu ở ruột và tiến triển ung thư. Các tế bào ung thư có thể di chuyển trong hệ bạch huyết và di căn đến các hạch bạch huyết.

Phù nề vùng nách và cánh tay

Một số chuyên gia tin rằng vùng nách bị phù có thể là dấu hiệu sớm cho thấy hệ bạch huyết cần được quan tâm. Thông thường, các hạch bạch huyết, bao gồm hạch ở nách, có thể sưng lên và đau nhức khi cơ thể đang chống lại bệnh tật.

Tuy nhiên, vùng nách bị phù nhẹ nhưng kéo dài có thể là do cơ thể không được vận động đủ. Bà Kennedy là một trong những người dùng mạng xã hội và YouTube để khuyến khích người xem tự đánh giá xem họ có bị phù nách hay phù cánh tay hay không.

Bà nói, đã có một số ý kiến phản đối từ những người không tin rằng tình trạng phù nách là vấn đề đáng lo ngại.

Bà Kennedy nói, “Họ không thực sự hiểu về hệ bạch huyết và họ cũng không thực sự hiểu về sự điều hòa [của cơ thể] nếu họ không tin rằng cơ thể đang gửi tín hiệu và dấu hiệu [qua vùng nách bị phù]. Không ai nên bị phù cánh tay. Đó không phải là cách mà giải phẫu học và sinh lý học được thiết kế trong cơ thể.”

Thải độc vùng nách

Theo nhiều suy đoán, những thay đổi trong các mô ở vùng nách có thể là do các sản phẩm tổng hợp — có khả năng là một số thành phần nhất định. Các chất ngăn tiết mồ hôi nách đã bị chỉ trích trong nhiều năm qua vì đưa chất độc thấm vào các mô qua da, cũng như thông các vết xước nhỏ do cạo lông.

Việc chuyển từ các chất ngăn tiết mồ hôi vốn chứa nhôm sang chất khử mùi thông thường có thể tạo ra mùi hôi mới và khó chịu do sự thay của đổi cộng đồng vi khuẩn trên da.

Bà Nicole Joyce, chuyên viên trị liệu dinh dưỡng chức năng, nói với The Epoch Times rằng, “Tôi biết một số người không muốn dùng các sản phẩm có chứa nhôm để ngăn tiết mồ hôi tiết ở nách. Thực tế, việc tiết mồ hôi rất quan trọng trong việc loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.”

Bà Nicole Joyce giờ đã 52 tuổi, bà đã chuyển sang dùng sản phẩm khử mùi thông thường khi 20 tuổi.

Bà nói, “Đó là cái giá tôi sẵn sàng trả cho sức khỏe của bản thân.”

Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc dùng các chất ngăn tiết mồ hôi và ung thư vú, National Institutes of Health (Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ) cho biết các nghiên cứu này còn quá nhỏ và kết quả không mang tính kết luận.

Các yếu tố khác kích thích hệ bạch huyết

Có khả năng chính lông nách đã trợ giúp hệ bạch huyết hoạt động tối ưu. Một giả thuyết được đưa ra vào năm 2006 cho rằng lông nách có thể đóng vai trò bảo vệ hệ miễn dịch. Một bài viết đăng trên Tập san Medical Hypotheses (Giả thuyết Y học) cho biết, sự phân bố của lông nách thường trùng khớp với các cụm hạch bạch huyết.

Theo các tác giả, nếu điều này là đúng, nghĩa là các thói quen dễ điều chỉnh có thể có tác động tích cực đến sự tiến triển của bệnh.

Bên cạnh việc không cạo lông nách, bà Kennedy cho biết các thói quen này có thể bao gồm việc không mặc những chiếc áo ngực bó sát. Trang web Thermogram Center (Trung tâm Nhiệt đồ) hiển thị hình ảnh nhiệt của một phụ nữ mặc áo lót có gọng trong 50 năm, cho thấy tình trạng viêm theo hình dạng nơi gọng áo tiếp xúc với da.

Tuy nhiên, National Center for Health Research (Trung tâm Nghiên cứu Y tế Quốc gia) và các tổ chức khác đã bác bỏ lập luận cho rằng bất kỳ loại áo ngực nào cũng có liên quan đến ung thư vú.

Bài viết trên trang web của tổ chức này khẳng định, “Mặc dù tỷ lệ ung thư vú có sự khác biệt theo vùng địa lý nhưng có rất nhiều yếu tố, bao gồm thực đơn ăn uống, tập thể dục, lối sống, cách sinh con, cũng như các thói quen và phơi nhiễm khác là những lời giải thích hợp lý hơn cho sự khác biệt về tỷ lệ ung thư vú ở các khu khu vực này hơn là do áo ngực.”

Sức khỏe cảm xúc và hệ bạch huyết

Một điểm chung liên quan đến dòng bạch huyết và ung thư vú là tình trạng căng thẳng. Sức khỏe cảm xúc có thể ảnh hưởng đến chức năng cũng như sự lưu thông của bạch huyết.

Một bài nghiên cứu năm 2016 trên Tập san Molecular and Cellular Oncology (Ung thư Phân tử và Tế bào) đã chứng minh rằng tình trạng căng thẳng mạn tính có thể tái cấu trúc mạch bạch huyết, dẫn đến sự thay đổi dòng bạch huyết và tạo điều kiện thuận lợi cho các khối u lan truyền các tế bào ung thư khắp cơ thể.

Các tác giả viết, “Sự tương tác không lường trước được giữa tình trạng căng thẳng và hệ bạch huyết tạo ra các con đường phát tán tế bào ung thư và đẩy nhanh quá trình di căn.”

Bà Kennedy cho biết, vai trò của hệ bạch huyết trong việc bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật thường bị coi nhẹ.

Bà mô tả hệ bạch huyết, “Đó là hệ thống đường cao tốc mà không ai nói đến. Nếu giao thông không thông thoáng thì quý vị sẽ bị kẹt đường. Nếu quý vị không di chuyển, giao thông sẽ bị ùn tắc. Đường càng đông người thì càng bị tắc nghẽn và thứ làm cho đường đông lên đó chính là tình trạng căng thẳng.”

Theo nghĩa đen, nghĩa là cảm xúc dồn nén có thể gây ra tình trạng căng mô dẫn đến ứ tắc dòng bạch huyết.

Xoa bóp để dẫn lưu hệ bạch huyết

Một số bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân bị phù bạch huyết đến các chuyên gia vật lý trị liệu để thực hiện các kỹ thuật dẫn lưu bạch huyết thủ công như xoa bóp để nhẹ nhàng thúc đẩy sự lưu thông của dòng bạch huyết và giảm sưng tấy khó chịu.

Ngoài ra, còn có các công cụ trợ giúp dẫn lưu bạch huyết như: quần áo bó chuyên dụng, băng quấn và máy bơm phù bạch huyết hoạt động giống như máy hút chân không để bổ trợ thoát dịch bằng cách tạo và loại bỏ áp lực để dịch bạch huyết chảy qua các mô dễ dàng hơn.

Máy bơm mô phỏng các kỹ thuật xoa bóp dẫn lưu, có thể học và dùng để ngăn ngừa sự ứ đọng dịch bạch huyết. Bà Kennedy đã tạo các video trên kênh YouTube có tên, FLOWE with Kelly Kennedy, để hướng dẫn mọi người cách thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng các vùng có nhiều hạch bạch huyết.

Bà cho biết, hai lần xoa bóp hàng ngày, mỗi lần khoảng năm phút có thể cải thiện tình trạng phù nách và giúp dòng bạch huyết lưu thông dễ dàng hơn. Quý vị cũng có thể xoa bóp hệ bạch huyết bằng các dụng cụ được thiết kế dùng tại nhà.

Bà Kennedy giải thích, khi xoa bóp nên dùng lực nhẹ, tương đương với lực quý vị ấn để kiểm tra độ chín của trái bơ.

Các buổi trị liệu bắt đầu bằng cách làm rỗng các điểm trên cùng — gần xương đòn, các điểm dọc theo cổ và ở nách — bắt đầu từ bên trái. Việc xoa bóp giúp di chuyển dịch bạch huyết ra khỏi các vùng này, tạo không gian cho bạch huyết ở phía dưới cơ thể di chuyển lên trên theo hướng lưu thông tự nhiên của hệ bạch huyết.

Mặc dù nhiều bệnh viện có cái nhìn hoài nghi về phương pháp xoa bóp bạch huyết nhưng họ vẫn thường khuyên bệnh nhân áp dụng phương pháp này, kèm theo những lưu ý nhất định đối với một số người.

Bệnh viện Cleveland đăng trên trang web rằng, “Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn đang nghiên cứu xem liệu xoa bóp dẫn lưu bạch huyết có tạo ra sự khác biệt hay không. Một số nghiên cứu cho thấy người dưới 60 tuổi được hưởng lợi từ việc xoa bóp dẫn lưu bạch huyết.”

Một vài lời khuyên về hệ bạch huyết

Cũng giống như vận động thể chất có thể giúp hệ bạch huyết lưu thông, thì hơi thở đặc biệt là hơi thở sâu và có ý thức cũng có tác dụng tương tự.

Bà Kennedy đề nghị hít thở có ý thức tối thiểu 10 hơi mỗi ngày. Bà yêu cầu khách hàng bỏ 10 viên sỏi nhỏ hoặc đồng xu vào một cái túi để tượng trưng cho mỗi hơi thở. Sau đó, bà đề nghị họ chuyển tất cả sang một túi khác vào cuối ngày khi họ thực hành dừng lại và hít thở.

Ngoài ra, bà cũng khuyên nên giảm tiếp xúc với bức xạ di động và Wi-Fi, vì có thể gây kích ứng cơ thể.

Bà Kennedy nói, “Hãy tắt Wi-Fi vào ban đêm và để điện thoại di động càng xa cơ thể càng tốt.”

Cuối cùng, bà cho biết lời khuyên mới nhất của bà là hãy quản lý cảm xúc một cách có chủ ý hơn bằng cách thực hành lòng biết ơn và lòng vị tha – bắt đầu bằng việc đối xử nhẹ nhàng với bản thân.

Bà Kennedy nói, “Chúng ta là những cơ thể với nhiều cảm xúc, hơn là những cơ thể vật lý. Giống như cơ thể, khi chúng ta căng thẳng thì bạch huyết trở nên co cứng và rất dễ bị tổn thương. Tất cả chúng ta đều cần phải thả lỏng cơ thể hơn nữa. Rất nhiều người ngày nay cảm thấy choáng ngợp. Họ cảm thấy quá nhiều áp lực. Họ cảm thấy thiếu thời gian. Điều mà tất cả chúng ta cần tạo ra trong cuộc sống riêng là không gian và không gian đó bắt đầu từ bên trong.”

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn