Mã đề: Thảo dược sơ cứu có tác dụng kháng sinh, kháng virus và giảm đau

Sơ cứu bằng thảo dược: Điều trị vết thương cấp tính bằng thuốc tự nhiên (Phần 2)

Trong loạt bài “Sơ cứu bằng thảo dược,” chúng tôi xem xét các lựa chọn thay thế tự nhiên cho phương pháp sơ cứu hiện đại, thường bao gồm các thuốc làm từ hóa chất tổng hợp. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp tự nhiên cho tình huống cấp tính, loại thảo mộc được đề cập dưới đây chính là lựa chọn an toàn, hiệu quả và dễ kiếm dành cho bạn.

Cây mã đề là loại thảo mộc lâu năm và hay bị coi là “cỏ dại” mọc ở sân sau, bãi cỏ, dọc theo đường lái xe vào nhà và lối đi bộ đường dài, cũng như ở trong vườn.

Mã đề đáp ứng các yêu cầu quan trọng để được đưa vào bộ sơ cứu bằng thảo dược, như điều trị tốt các tình trạng cấp tính (chẳng hạn như vết cắt, vết trầy xước và vết ong đốt), dễ sử dụng và ít có nguy cơ gây ra tác dụng phụ.

Loại thuốc dễ sử dụng nhất

Trải nghiệm đầu tiên của tôi với mã đề là trong một buổi vui chơi vào ngày hè khi con trai tôi bị ong bắp cày đốt ở ngay tại nhà. Cậu bé đã bật khóc vì đau đớn, trong lúc đó tôi chợt nhớ đã từng nghe rằng mã đề giúp đẩy độc tố khỏi da và giảm đau.

Tôi nhanh chóng tìm trên mặt đất và thấy cây mã đề, nhai nát trong miệng (hơi ghê một chút), rồi đắp trực tiếp miếng bã lên vết đốt. Trong vòng vài giây, con trai tôi ngừng khóc. Cơn đau đã biến mất và cậu bé cảm thấy tốt hơn đến mức quay lại vui chơi. Kể từ lúc đó, tôi đã bị cây mã đề cuốn hút!

Mã đề được sử dụng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Việc sử dụng mã đề chữa lành vết thương ít nhất đã có từ thời Hy Lạp cổ xưa, họ đã kê lá thuốc này để điều trị vết chó cắn. Người Viking cũng sử dụng mã đề để chữa lành vết thương. Do tính phổ biến vào thế kỷ 14, mã đề được tôn sùng trong vở kịch “Romeo và Juliet” của Shakespeare nhờ khả năng chữa lành gãy cẳng chân.

Y học cổ truyền khuyến nghị phối hợp mã đề với mật ong để chữa vết thương, còn mã đề luộc ăn với bơ được cho là có thể chữa lành bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể con người.

Khoa học đã xác nhận rằng mã đề có đặc tính chống viêm, kháng sinh, kháng virus, giảm đau, chống tiêu chảy, trị đái tháo đường, chống oxy hóa, chống khối u và điều hòa miễn dịch.

Do có đặc tính chữa bệnh đa dạng, mã đề có thể thay thế một số loại thuốc nhân tạo thường thấy trong bộ sơ cứu hiện đại.

Thuốc giảm đau tại chỗ

Khi bị đau và ngứa do ong đốt, tôi tìm đến cây mã đề thay vì thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc Benadryl.

Cây mã đề có tác dụng hút tuyệt vời và có thể loại bỏ vết chích hoặc nọc độc. Mã đề cũng có tác dụng giảm đau. Mặc dù mã đề là một phương thuốc tự nhiên chữa vết đốt, đau và ngứa, nhưng giải pháp thay thế nhân tạo thường là thuốc Benadryl, chứa các thành phần tổng hợp như D&C Red số 27, polyethylen glycol, polysorbate 80 và titan dioxide.

Thuốc kháng sinh tại chỗ

Đối với những vết cắt và vết trầy xước nhỏ, tôi dùng mã đề thay vì thuốc kháng sinh bôi Neosporin.

Mã đề là một loại “thuốc bôi sơ cứu” linh hoạt có thể được sử dụng để điều trị các vết cắt và vết trầy xước nhỏ. Tác dụng này là nhờ mã đề chứa allantoin, giúp tái tạo nhanh chóng các tế bào da bằng cách loại bỏ mô hoại tử hoặc mô bệnh và hình thành biểu mô hoặc mô da mới.

Mã đề cũng chứa chất chống viêm aucubin và chất kháng khuẩn aucubigenin. Các nghiên cứu đã kết luận rằng mã đề có hiệu quả trong việc sửa chữa mô và chữa lành da, bao gồm khép vết thương nhanh hơn và đẩy nhanh thời gian lành vết thương. Chất thay thế nhân tạo thường là kháng sinh bôi Neosporin có chứa petrolatum, một hóa chất tổng hợp được làm từ nhiên liệu hóa thạch.

Bạn có thể không dùng các hóa chất nhân tạo mà vẫn giảm nhẹ được triệu chứng khi bị ong đốt, côn trùng cắn, vết cắt và vết trầy xước nhỏ bằng cách tự làm thuốc từ mã đề tại nhà hoặc mua các thuốc làm từ mã đề.

Khi nào nên sử dụng mã đề

Nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng mã đề cho các tình huống cấp tính sau:

  • Ong hoặc ong bắp cày đốt
  • Muỗi đốt hoặc các loại côn trùng khác cắn
  • Vết cắt nhỏ và vết trầy xước
  • Cây thường xuân độc hoặc cây sồi độc
  • Vết bầm tím
  • Cháy nắng
  • Bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến
  • Nứt da hoặc môi do khô

Các dạng thuốc từ cây mã đề

Khi có sẵn, tôi sử dụng mã đề tươi. Đơn giản chỉ cần lấy một chiếc lá mã đề, nhai thành dạng bột nhão, sau đó đắp trực tiếp lên vùng da bị tổn thương.

Khi không có sẵn mã đề tươi thì kem bôi mã đề là một lựa chọn tuyệt vời. Kem bôi mã đề dễ mang theo bên mình, hiệu quả và có thời hạn sử dụng lâu dài. Bạn có thể mua trực tuyến hoặc tự làm tại nhà.

Đôi lời về chất lượng mã đề

Cho dù bạn chọn loại mã đề nào, hãy đảm bảo rằng đây là loại hữu cơ, không bị phun thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ. Khi tìm kiếm mã đề, cần bảo đảm không thu hoạch ở những khu vực gần đường cao tốc hoặc nơi có chó đi vệ sinh.

Kem bôi mã đề

Tôi luôn mang theo kem bôi mã đề trong ví của mình. Tôi sử dụng thường xuyên cho làn da khô, môi khô hoặc nứt nẻ. Các con tôi gọi vật dụng này là “kem bôi ma thuật” bởi vì khi trẻ bị va đập, bầm tím, trầy xước hoặc bị cắn, kem bôi mã đề sẽ nhanh chóng làm dịu cơn đau và giảm sưng đỏ.

Khi làm kem bôi mã đề, tôi còn thêm liên mộc (Symphytum officinale) và tinh dầu hương thảo.

Liên mộc đã được báo cáo là có hiệu quả trong điều trị tại chỗ triệu chứng đau, sưng và viêm, cũng như chấn thương cùn và vết thương ngoài da.

Tinh dầu hương thảo làm tăng thời hạn sử dụng của kem bôi. Tinh dầu này cũng chứa các đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và được cho là có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương.

Công thức làm kem bôi mã đề của tôi

Làm cho 3/4 ly kem bôi

Thành phần:

  • 2 chén lá mã đề tươi (được hái từ khu vực không phun hóa chất) hoặc 8 thìa lá mã đề khô
  • 1 muỗng canh bột rễ liên mộc khô hoặc 1/2 chén lá hoặc rễ cây liên mộc tươi
  • 1 1/4 chén dầu nền như dầu ô liu hữu cơ hoặc dầu bơ hữu cơ
  • Khoảng 3 muỗng canh hạt sáp ong
  • 40 giọt tinh dầu hương thảo hữu cơ

Hướng dẫn:

Nếu sử dụng lá tươi, hãy bắt đầu với bước một. Nếu sử dụng lá khô, hãy bắt đầu với bước hai.

  1. Thu hoạch lá mã đề vào một ngày nắng, khô ráo. Cắt bỏ bất kỳ bộ phận nào bị sâu bệnh hoặc không tốt. Lau sạch bụi bẩn bằng vải khô, nếu cần. Xếp lá thành một lớp trên khăn khô, sạch. Để khô tự nhiên trong 2–3 ngày.
  2. Sau khi lá khô, thái nhỏ, sau đó cho vào lọ thủy tinh khô, sạch. Thêm liên mộc, sau đó phủ dầu lên; lá nên được bao phủ hoàn toàn bằng dầu. Nếu chưa được phủ hết thì thêm nhiều dầu hơn. Đây nắp lọ.
  3. Đặt một chiếc khăn bếp dưới đáy nồi nấu chậm và đặt lọ thuỷ tinh lên trên khăn. Cho lượng nước vào nồi đến ngang nửa bình. Đặt ở cài đặt thấp nhất có thể, thường là “giữ ấm”. Đậy nắp nồi nấu chậm và để dầu ngấm trong 4–6 giờ, thêm nước nếu cần để nồi không bị khô. Lắc lọ thường xuyên. Bạn có thể nấu trong 12–24 giờ để cho ra loại kem bôi tốt hơn, nhưng sẽ cần liên tục kiểm tra mực nước.
  4. Lấy lọ ra khỏi nồi. Lọc dầu qua vải thưa hoặc rây lọc mịn. Để dầu nguội trong vài giờ. Nếu có nước nào trong dầu thì sẽ bị đọng lại ở đáy lọ. Loại bỏ nước bằng cách từ từ đổ dầu ra khỏi lọ, để lại nước dưới đáy.
  5. Đun nóng sáp ong trong nồi hơi đôi ở nhiệt độ thấp. Sau khi tan chảy, thêm dầu mã đề và khuấy kỹ cho đến khi cả hai hoà tan vào nhau. Thêm nhiều sáp ong sẽ giúp hỗn hợp săn chắc hơn. Khi hỗn hợp đã nguội, khuấy trong tinh dầu hương thảo.
  6. Đổ hỗn hợp vào hộp khô, sạch. Để nguội. Kem bôi mã đề có thể để được vài năm nếu không dính nước và bảo quản ở nơi khô ráo.

Liều lượng và cách sử dụng

CHỈ SỬ DỤNG BÊN NGOÀI. Thoa kem bôi trực tiếp lên da. Che bằng băng. Thoa lại lên da khi cần (giống như khi bạn sử dụng Neosporin). Có thể xảy ra phản ứng dị ứng trên da khi bôi dù hiếm gặp. Do đó, khi sử dụng lần đầu tiên, hãy thoa một lượng nhỏ lên da trước. Nếu không có kích ứng hoặc phản ứng tiêu cực nào xảy ra thì có thể thoa tùy ý.

Thận trọng khi sử dụng và các tương tác có thể xảy ra

Hãy tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng mã đề nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Mã đề cũng là một loại thuốc nhuận tràng. Tránh dùng mã đề nếu đang dùng lithium hoặc carbamazepine.

Mặc dù mã đề bôi tại chỗ thường có khả năng dung nạp tốt, nhưng đã có các phản ứng trên da được báo cáo. Ngoài ra, dùng mã đề qua đường miệng có thể gây ra các phản ứng bất lợi được biết đến sau đây: sốc phản vệ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy bụng, tức ngực, hắt hơi và chảy nước mắt.

Tiếp theo: Bạc hà là một loại thảo mộc trong căn bếp có đặc tính chữa bệnh và trị liệu bằng hương thơm. Thảo dược này có thể được sử dụng để điều trị chứng khó tiêu, đau đầu, buồn nôn, v.v.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sina McCullough
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Sina McCullough là tác giả của "Go Wild: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease" - (tạm dich:Tôi đã chống lại bệnh mãn tính và bệnh tự nhiễm như thế nào), đồng thời là tác giả của cuốn "Hands Off My Food" và "Beyond Labels," (tạm dịch: Đừng can thiệp vào thức ăn của tôi" và “Phía bên kia của nhãn mác"). Cô có bằng tiến sĩ dinh dưỡng tại Đại học California – Davis. Cô ấy là một nhà thảo dược bậc thầy, bác sĩ được chứng nhận của Gluten Free Society và dạy học tại nhà cho ba đứa con của cô.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn