Bản tin đặc biệt

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân

Các phương pháp điều trị ung thư có thể làm sức khỏe của bệnh nhân dần dần suy kiệt. Điều này đã được hiểu rõ, và giờ đây các nhà nghiên cứu cũng đã biết rõ hơn khi nào thì không nên tốn chi phí cho các phương pháp kinh điển như hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật này.

Một chẩn đoán ung thư có thể gây ra sự khủng hoảng hoặc phản ứng kháng cự bản năng. Sự thôi thúc làm điều gì đó – bất cứ điều gì – đều có thể phản tác dụng.

Hành động thôi thúc mạnh mẽ chống lại bệnh ung thư đã đẩy mạnh [sự phát triển của] ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD ở Hoa Kỳ. Hàng triệu người trải qua các phương pháp điều trị với hiệu quả hạn chế, mong muốn có sự can thiệp thay vì lựa chọn “theo dõi và chờ đợi” vốn có thể hữu ích cho sức khỏe hơn.

Cách tiếp cận thường bị bỏ qua này bao gồm việc theo dõi cẩn thận tình trạng của bệnh nhân mà không cần điều trị tích cực cho đến khi cần thiết. Đó là một chiến lược dừng lại, dựa trên bằng chứng rằng đối với một số bệnh ung thư, khi được phát hiện sớm hoặc được biểu hiện có tiến triển chậm, thì không cần can thiệp ngay lập tức.

Phương pháp theo dõi và chờ đợi trong bệnh ung thư được khuyên dùng đối với một số bệnh ung thư ở giai đoạn sớm hoặc tiến triển chậm mà việc điều trị tức thời không cải thiện tỷ lệ sống sót.

Ông David Gay đã chọn cách theo dõi và chờ đợi khi có chẩn đoán ung thư. (Ảnh do ông David Gay cung cấp)
Ông David Gay đã chọn cách theo dõi và chờ đợi khi có chẩn đoán ung thư. (Ảnh do ông David Gay cung cấp)

Phương pháp này phổ biến nhất với bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng cũng được xem xét đối với bệnh ung thư vú, ung thư tuyến giáp và một số bệnh ung thư máu.

Quá trình theo dõi và chờ đợi sẽ làm giảm thiệt hại từ các phương pháp điều trị ung thư không cần thiết, cả về tài chính lẫn sự đau khổ cho bệnh nhân. Mặc dù hiện nay ít người chọn cách điều trị không xâm lấn này, nhưng nó đang dần dần được áp dụng vào thực hành lâm sàng và kế hoạch điều trị ung thư tập trung vào bệnh nhân hơn là căn bệnh vì người ta đã có nhận thức tốt hơn về hiệu quả của nó.

Ông David Gay là một trong những người được hưởng lợi từ cách tiếp cận này.

Vào năm 2014, ông Gay phải đối mặt với kết quả sinh thiết lần thứ ba trong không khí lặng lẽ tại phòng khám tiết niệu. Ông đã sẵn sàng [tâm lý] đánh bại ung thư, ông đã tin tưởng vào quyết định này ngay từ đầu, ông nói với The Epoch Times, “Nếu là ung thư, bệnh sẽ khỏi.”

Tuy nhiên, khi đối mặt với thực tế về chẩn đoán của bác sĩ, quan điểm của ông đã thay đổi. Nghe theo lời khuyên của bác sĩ và với sự ủng hộ của gia đình, ông quyết định không phẫu thuật hay xạ trị mà chọn cách theo dõi và chờ đợi.

Quyết định của ông Gay phản ánh một xu hướng mới nổi được xây dựng dựa trên những hiểu biết rõ ràng hơn về tiên lượng bệnh ung thư và các nghiên cứu thách thức sự quá vội vàng trong điều trị thông thường.

Phương pháp theo dõi và chờ đợi trong điều trị ung thư

Theo dõi tích cực và theo dõi – chờ đợi đưa ra các lộ trình điều trị thận trọng tùy từng trường hợp của bệnh nhân.

Mặc dù các thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau nhưng Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ [đã đưa ra định nghĩa] phân biệt giữa “theo dõi tích cực” và “theo dõi – chờ đợi.” Theo dõi tích cực bao gồm việc thăm khám bác sĩ thường xuyên, xét nghiệm máu và sinh thiết, trong khi theo dõi – chờ đợi là cách theo dõi “thư thái” hơn dựa trên các triệu chứng.

Tiến sĩ Lidia Schapira, bác sĩ ung thư Stanford, thuộc Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ, viết rằng, “Một trong những lý do cần cân nhắc về việc theo dõi tích cực và trì hoãn điều trị là để ngăn ngừa các tác dụng phụ gần như luôn gắn với quá trình điều trị ung thư, bao gồm các vấn đề liên quan đến phẫu thuật.”

Các chuyên gia cho biết, việc điều trị ung thư thường gây ra tổn thương đáng kể cho cơ thể và phải được đo lường dựa trên những nguy cơ thực tế mà bệnh ung thư gây ra. (Ảnh: Justin Paget/Getty Images)
Các chuyên gia cho biết, việc điều trị ung thư thường gây ra tổn thương đáng kể cho cơ thể và phải được đo lường dựa trên những nguy cơ thực tế mà bệnh ung thư gây ra. (Ảnh: Justin Paget/Getty Images)

Việc theo dõi tích cực đã tăng hơn gấp đôi trong thực hành tiết niệu ở Hoa Kỳ đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt (từ 26.5% năm 2014 lên 59.6% vào năm 2021), phản ánh sự chấp nhận ngày càng tăng đối với các lựa chọn điều trị ít xâm lấn hơn.

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân
Số người lựa chọn theo dõi tích cực để điều trị ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ thấp đã tăng đáng kể trong thập niên qua. (Nguồn: Xu hướng thời gian và sự khác biệt trong việc áp dụng theo dõi tích cực để quản lý ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ thấp ở Hoa Kỳ, tập san JAMA Network Open, 2023)

Một nghiên cứu năm 2012 do Tập san Y khoa New England công bố, cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về khả năng sống sót sau 12 năm giữa những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm đã phẫu thuật với những người chọn theo dõi – chờ đợi.

Các tác giả viết, “Sự khác biệt tuyệt đối về tỷ lệ tử vong giữa các nhóm nghiên cứu là dưới 3%,” đồng thời nói thêm rằng nhóm nam giới có nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) cao hơn hoặc khối u có nguy cơ cao hơn có thể hưởng lợi từ phẫu thuật.

Những phát hiện gần đây cho thấy ngay cả khi ung thư tiến triển trong quá trình theo dõi tích cực, thì tỉ lệ sống sót cũng không giảm. Nghiên cứu cho thấy bất kể chọn phương pháp điều trị gì, 97% nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt khu trú đều có thể sống sót ít nhất 15 năm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết những tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng tiết niệu và tình dục ở những người lựa chọn điều trị có thể kéo dài hơn một thập niên.

Tiến sĩ Schapira hình dung rằng bệnh ung thư sẽ có thể kiểm soát được một khi các phương pháp chẩn đoán và điều trị được cải thiện. Bà nói với The Epoch Times, “Với các phương pháp điều trị tốt hơn và chính xác hơn, chúng ta sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều người bệnh ung thư trở thành bệnh lý mạn tính.” Nói cách khác, đó là thứ mà mọi người sẽ chung sống thay vì “chiến đấu với nó.”

Tiến sĩ bác sĩ y tế tích hợp Nathan Goodyear, chuyên ngành ung thư, giải thích trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, những cải tiến như phát hiện DNA khối u lưu hành (ctDNA) đang mở đường cho việc theo dõi tích cực trở thành một lựa chọn phổ biến hơn trong việc quản lý các khối u rắn. CtDNA là DNA từ các tế bào ung thư đã chết, bi loại ra khỏi khối u, và lưu thông trong máu. Xét nghiệm ctDNA có thể cho phép bác sĩ phát hiện và chẩn đoán ung thư, đồng thời cung cấp cái nhìn sâu sắc về phương pháp điều trị cũng như [đánh giá] khối u đang phát triển hay thoái triển. Ông dự đoán, những phương pháp phát hiện tiên tiến này có thể khiến bệnh nhân chọn cách có thái độ thụ động hơn đối với bệnh ung thư.

(Ảnh: Minh họa bởi The Epoch Times, Shutterstock)
(Ảnh: Minh họa bởi The Epoch Times, Shutterstock)

Tuy nhiên, ngay cả các phương pháp phát hiện ung thư hiệu quả, một số người vẫn có thể mong muốn điều trị ung thư hơn. Theo Tiến sĩ Goodyear, phương pháp theo dõi – chờ đợi trong điều trị ung thư là một lựa chọn có nhiều sắc thái và có thể không phù hợp với mọi bệnh nhân.

Ông nói, “Phương pháp theo dõi và chờ đợi trong điều trị ung thư không dành cho tất cả bệnh nhân ung thư, cũng như các chiến lược điều trị ‘chiếm lĩnh nhanh chóng’ không dành cho tất cả bệnh nhân ung thư.”

Ông nhấn mạnh rằng sự phù hợp của phương pháp này cần được xem xét cẩn thận qua đánh giá kỹ lưỡng và trao đổi thẳng thắn dựa trên những kỳ vọng thực tế, nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích đem lại.

Các kế hoạch chủ động trong việc theo dõi và chờ đợi

Trái ngược với nhận thức về sự thụ động, Tiến sĩ Goodyear định nghĩa việc theo dõi và chờ đợi là một cách tiếp cận chủ động, lấy sức khỏe làm trung tâm, khác biệt với các phương pháp điều trị thông thường.

Ông giải thích, “Theo dõi và chờ đợi không có nghĩa là không điều trị. Khái niệm này chỉ áp dụng cho chiến lược phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch thông thường.”

Dinh dưỡng là nền tảng của chiến lược này, Tiến sĩ Goodyear lưu ý tầm quan trọng của dinh dưỡng trong việc nâng cao hệ thống miễn dịch và khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại bệnh ung thư. Điều quan trọng không kém là việc điều chỉnh lối sống như tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, ngủ giúp phục hồi và quan tâm đến các mối quan hệ, cùng nhau tạo thành một hệ thống trợ giúp toàn diện cho bệnh nhân ung thư, bất kể phác đồ điều trị.

Điều đáng chú ý là cơ thể đang tích cực loại bỏ các tế bào có vấn đề và tế bào ung thư, nhưng cơ chế này có thể bị phá vỡ, khiến tế bào ung thư phát triển. Vấn đề này có thể trở nên trầm trọng hơn do lựa chọn cách sống như hút thuốc lá hay ăn nhiều đường bổ sung.

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân

Thử nghiệm ERASE năm 2021, (bài tập trong quá trình theo dõi tích cực đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt) tập trung vào nam giới bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt không di căn dưới sự theo dõi tích cực, đã củng cố giá trị của việc thay đổi lối sống trong chăm sóc ung thư. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục cường độ cao làm giảm đáng kể nồng độ PSA, một dấu hiệu chính của bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Mức PSA tăng chậm hơn ở những người tham gia cho thấy tập thể dục thường xuyên có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Ngoài những lợi ích về mặt thể chất, phương pháp “buông bỏ” là một khía cạnh then chốt của phương pháp theo dõi và chờ đợi, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành. Khi từ bỏ mong muốn can thiệp y tế tích cực ngay lập tức, bệnh nhân cho phép mình có thời gian để suy ngẫm và xem xét tất cả các cách điều trị. Kinh nghiệm của nhân viên chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân cho thấy sự thay đổi tinh thần này có thể mang lại hiệu quả trị liệu, giảm lo lắng và trao quyền kiểm soát sức khỏe cho bệnh nhân.

Gánh nặng tài chính vì điều trị ung thư

Chi phí chăm sóc bệnh ung thư được dự đoán sẽ tăng ở Hoa Kỳ từ 183 tỷ USD năm 2015 lên hơn 246 tỷ USD vào năm 2030. Các nguyên nhân chính là sự già hóa dân số, gia tăng các trường hợp bệnh ung thư, phương pháp điều trị tốn kém hơn và sự lạm dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Những tác động về tài chính này cũng gây căng thẳng nặng nề cho kinh tế của bệnh nhân và gia đình. Chi phí tự chi trả hàng năm, bao gồm các khoản đồng thanh toán [cùng bảo hiểm], khoản khấu trừ và chi phí cho các phương pháp điều trị không được bảo hiểm, tổng cộng khoảng 21 tỷ USD.

Chi phí chăm sóc ung thư cho mỗi bệnh nhân ở Hoa Kỳ có thể rất cao, đặc biệt đối với những người không có bảo hiểm, dao động từ 100,000 đến 300,000 USD cho các phương pháp điều trị như hóa trị và phẫu thuật. Chi phí trung bình là khoảng 160,000 USD.

Chi phí chăm sóc cho mỗi bệnh nhân Ung thư ở Hoa Kỳ có thể rất cao, dao động từ 100,000 đến 300,000 USD cho các phương pháp điều trị như hóa trị và phẫu thuật. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)
Chi phí chăm sóc cho mỗi bệnh nhân Ung thư ở Hoa Kỳ có thể rất cao, dao động từ 100,000 đến 300,000 USD cho các phương pháp điều trị như hóa trị và phẫu thuật. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Một cuộc khảo sát của Mạng lưới Hành động Ung thư thuộc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ với hơn 1,200 bệnh nhân, nêu bật tổn thất tài chính nặng nề của bệnh ung thư: hầu hết [bệnh nhân] đều không chuẩn bị kinh phí, dẫn đến xáo trộn cuộc sống và nợ nần. Hơn một nửa số bệnh nhân phải đối mặt với những tác động đến điểm tín dụng và các khoản nợ nần, nhiều người phải trì hoãn việc chăm sóc hoặc lựa chọn phương pháp điều trị rẻ tiền hơn.

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân

Thêm vào những khó khăn tài chính này, một báo cáo của bà Katie Porter, Đại diện Đảng Dân chủ Hoa Kỳ, cho thấy giá thuốc điều trị ung thư đang tăng đáng kể. Giá trung bình của các loại thuốc điều trị ung thư mới ở Hoa Kỳ trong năm 2021 là 283,000 USD — tăng 53% so với năm 2017. Sự leo thang này tiếp tục diễn ra qua các năm.

Phương pháp theo dõi và chờ đợi và theo dõi tích cực có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho việc chăm sóc bệnh ung thư. Mặc dù chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng những phát hiện ban đầu cho thấy sự hứa hẹn về hiệu quả kinh phí, đặc biệt đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt và tuyến giáp trên người lớn tuổi, do giảm nhu cầu điều trị vốn rất tốn kém.

Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về việc thúc đẩy các phương pháp điều trị tích cực của ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Câu hỏi đang được đặt ra là liệu động cơ tài chính có ảnh hưởng đến phương pháp điều trị hay không.

Tạo sự cân bằng: Điều trị quá mức trong chăm sóc bệnh ung thư

Chăm sóc bệnh ung thư thường liên quan đến việc điều trị quá mức, một vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến cả chất lượng cuộc sống và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Các nghiên cứu cho thấy nhiều người mới có chẩn đoán được điều trị tích cực hơn mức cần thiết, điều này không cải thiện đáng kể cơ hội sống sót của họ.

Một nghiên cứu trên Tập san JAMA Surgery (Phẫu thuật Y khoa Hoa Kỳ) tập trung vào những người trẻ tuổi bị bệnh ung thư đại tràng cho thấy họ thường được điều trị chuyên sâu hơn những người lớn tuổi mà không có lợi ích sống còn tương ứng. Các tác giả của nghiên cứu này lưu ý, “Do không có sự vượt trội rõ ràng về hiệu quả điều trị, một tỷ lệ lớn bệnh nhân trẻ tuổi đang phải áp dụng các phương pháp điều trị có khả năng gây hại về lâu dài.”

Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt nhận thức trầm trọng của bệnh nhân về nguy cơ chẩn đoán và điều trị ung thư quá mức, [cụ thể là] chưa đến 10% những người làm sàng lọc ung thư được thông báo về những nguy cơ chẩn đoán và điều trị quá mức, trong khi đa số [mọi người] mong muốn có kiến thức này.

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân

Sự thiên lệch và [kiến thức] đào tạo của bác sĩ góp phần khiến họ ưu tiên các phương pháp điều trị tích cực hơn các phương pháp ít xâm lấn. Một bài viết năm 2021 khám phá xu hướng các bác sĩ ung thư kiên trì áp dụng các phương pháp điều trị tích cực trong các trường hợp ung thư giai đoạn tiến triển, ngay cả khi biết về tình trạng giai đoạn cuối của bệnh nhân. Cách thực hành được gọi là “điều trị ung thư quá mức” này bị ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa kỳ vọng, nỗi sợ hãi và động lực chống lại căn bệnh.

Các tác giả phản ánh, “Việc điều trị quá mức cho bệnh ung thư nuôi dưỡng ảo tưởng rằng có vô số giải pháp điều trị, ngụ ý về sự toàn năng của y học và sự bất tử của bệnh nhân.” Quan sát này nhấn mạnh nghịch lý trong đó việc theo đuổi điều trị không ngừng làm lu mờ kết quả thực tế của việc chăm sóc, nuôi dưỡng hy vọng sai lầm và ngăn cản cả bệnh nhân cùng bác sĩ đối mặt với thực tế của căn bệnh.

Suy nghĩ lại về ‘Cuộc chiến’ ung thư

Ung thư mang đến bầu không khí “hăm dọa” trong số các căn bệnh vì mức độ phổ biến cùng tính chất mệt mỏi của các phương pháp điều trị – nhiều phương pháp trong số đó vừa tấn công ung thư vừa tấn công cơ thể. Chăm sóc bệnh ung thư thường được đánh đồng với cuộc chiến.

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân

Tiến sĩ Goodyear chỉ trích việc đào tạo thường quy vì chiến lược điều trị ung thư “mạnh bạo”, vốn ủng hộ hành động nhanh chóng và quyết liệt. Ông lưu ý rằng cách tiếp cận mạnh mẽ có thể gia tăng thêm nỗi sợ hãi, ảnh hưởng đến thái độ của bệnh nhân đối với căn bệnh này.

Tiến sĩ Schapira giải thích với The Epoch Times, “Chẳng có lợi ích gì khi chúng ta lồng ghép thông tin về bệnh ung thư vào các luận điệu chiến tranh, khi chúng ta gọi việc điều trị bệnh ung thư là một cuộc chiến vẻ vang.” Cách gọi mối liên hệ chặt chẽ giữa ung thư và cuộc chiến này khiến cho những phương pháp điều trị không hành động hoặc phương pháp theo dõi và chờ đợi trong điều trị ung thư dường như không chỉ kỳ quặc mà còn đi ngược với bản năng của bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng các bác sĩ ung thư thường kiên trì với các phương pháp điều trị tích cực ngay cả khi họ biết bệnh nhân bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng các bác sĩ ung thư thường kiên trì với các phương pháp điều trị tích cực ngay cả khi họ biết bệnh nhân bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Nghiên cứu minh họa rằng việc dán nhãn một tình trạng là “ung thư” có thể khiến bệnh nhân hướng sang các phẫu thuật không cần thiết, ngay cả khi rủi ro là rất thấp và tỷ lệ sống còn cao dù không có can thiệp.

Một nghiên cứu năm 2019 đã đưa ra cho những người tham gia một tình huống — phát hiện ra một nốt tổn thương có nguy cơ thấp trong tuyến giáp của họ. Khi được gán nhãn là ung thư, nhiều người đã chọn phẫu thuật bất chấp rủi ro trong khi khả năng sống sót là 99% dù không can thiệp.

Những phát hiện như vậy nhấn mạnh sự lo lắng quá mức mà ung thư có thể gây ra, dẫn đến các quyết định điều trị vội vàng – trong đó phương pháp theo dõi và chờ đợi có thể thận trọng – và ít xâm lấn hơn.

Tiếng nói của các bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng phương pháp theo dõi và chờ đợi

Đối với ông Gay, theo dõi tích cực là nói về khả năng phục hồi. Xét nghiệm máu định kỳ và chụp PET (chụp cắt lớp phát xạ positron) là điểm tựa, cung cấp cách tiếp cận cụ thể để kiểm soát gánh nặng tâm lý khi bị chẩn đoán ung thư. Việc chọn con đường này cũng cho phép ông tìm kiếm những gợi ý khác trước khi hành động.

Bất chấp căn bệnh ung thư, ông vẫn tìm thấy niềm an ủi nhờ sự trợ giúp của gia đình và các nhóm nam giới.

Ông nói, “Theo thời gian, khía cạnh tinh thần biết rằng bạn đang sống chung với căn bệnh ung thư sẽ lùi lại về phía sau.”

Cùng với hành trình của ông Gay là câu chuyện về bé Augie, người được phát hiện khối u não khi đang 8 tuổi. Gia đình cậu bé đối mặt với một lựa chọn khó khăn nhưng họ đã chọn phương pháp theo dõi và chờ đợi, bảo hiểm sẽ trả tiền cho các lần chụp MRI cần thiết theo định kỳ để theo dõi kích thước khối u của cậu bé

Bé Augie vào tháng 08/2023. (Ảnh: Emily Frazier Williams)
Bé Augie vào tháng 08/2023. (Ảnh: Emily Frazier Williams)

Quyết định của gia đình tránh điều trị ngay lập tức khi khối u của Augie chưa có triệu chứng, được hình thành bởi những nguy cơ của cả hóa trị và phẫu thuật. Bà Emily Frazier Williams, mẹ của Augie, nói với The Epoch Times, “Tác dụng phụ của hóa trị qua nặng nề, vì vậy tôi không hiểu tại sao chúng tôi có thể chọn hóa trị khi mà không có bất kỳ lợi ích được thống kê nào trong điều trị.” Họ cũng cân nhắc về những nguy cơ đe dọa tính mạng và tổn thương não của phương pháp phẫu thuật, từ đó họ đã quyết định chọn lựa cách tiếp cận thận trọng.

Bà Williams lưu ý, “Ban đầu, tôi rất bối rối khi biết con trai bị bệnh ung thư và chúng tôi không làm gì cả, nhưng việc tập trung vào lựa chọn ít xâm lấn đã giúp ích rất nhiều.”

Gia đình này đã am hiểu từ quan điểm y tế rằng bằng cách chọn chờ đợi, họ có thể tránh được nguy cơ tổn thương não từ cuộc phẫu thuật não được đề nghị. Các chuyên gia y tế khuyên họ rằng phẫu thuật ở tuổi thiếu niên có thể thuận lợi hơn vì tính linh hoạt của não ở giai đoạn này có thể trợ giúp cho quá trình phục hồi. Ngoài ra, khi cậu bé lớn hơn, cậu bé sẽ diễn đạt rõ ràng hơn bất kỳ thay đổi hoặc triệu chứng nào mà cậu bé gặp phải.

Sau nhiều năm lựa chọn phương pháp theo dõi và chờ đợi, gia đình cậu bé phải đối mặt với một bước ngoặt khi khối u phát triển đáng kể buộc phải phẫu thuật ở tuổi 12.

Bất chấp yêu cầu phẫu thuật cuối cùng, gia đình vẫn coi trọng quyết định ban đầu của họ, điều này giúp Augie có một tuổi thơ bình thường và cơ hội trưởng thành, giúp cậu tham gia tích cực hơn vào các quyết định chăm sóc sức khỏe của mình. Mẹ cậu chia sẻ, “Augie đã hiểu rõ hơn nhiều khi lớn lên nên cháu có thể tán thành và đưa ra lựa chọn của riêng mình về việc chăm sóc.”

Nhìn lại hành trình, bà Williams bày tỏ lòng biết ơn đối với con đường đã chọn. “Tôi rất vui vì chúng tôi đã áp dụng cách tiếp cận này, giúp giảm thiểu tác động đến sức khỏe của con trai tôi.” Cậu bé Augie hiện tại 16 tuổi, được coi là đã khỏi bệnh. Bà Williams chia sẻ hy vọng rằng kết quả tích cực của Augie sẽ khuyến khích nhiều bác sĩ xem xét phương pháp điều trị gián tiếp cho các gia đình khác.

Định nghĩa lại sự chiến thắng trong bệnh ung thư

Sức mạnh của việc không hành động, hay nghệ thuật “không làm gì cả” đang thu hút sự chú ý vì vai trò của nó trong quá trình chữa lành. Khái niệm này, thường được coi là phản trực giác trong một xã hội coi trọng những giải pháp nhanh chóng và kết quả tức thì, bao hàm ý nghĩ lùi bước nhưng không phải là từ bỏ mà là một lựa chọn chiến lược.

Theo dõi và chờ đợi: Phương pháp điều trị ung thư có hiệu quả ngoài mong đợi trong việc cứu sống bệnh nhân

Việc tuân theo diễn biến tự nhiên của một tình trạng bệnh – đặc biệt trong trường hợp các biện pháp can thiệp y tế có thể không mang lại lợi ích rõ ràng – phản ánh sự thay đổi rộng rãi hơn theo hướng trao quyền cho bệnh nhân trong chăm sóc sức khỏe. Ngày càng nhiều bệnh nhân trì hoãn các phương pháp điều trị ung thư tích cực và đưa ra các lựa chọn về lối sống như ăn uống tốt hơn, giảm căng thẳng để trợ giúp tốt hơn khả năng tự điều chỉnh và chữa lành vốn có của cơ thể.

Ông David Gay cho biết quyết định lựa chọn phương pháp theo dõi và chờ đợi trong điều trị ung thư đã giúp ông duy trì được các công việc thường ngày và chất lượng cuộc sống của mình. (Ảnh: ông David Gay)
Ông David Gay cho biết quyết định lựa chọn phương pháp theo dõi và chờ đợi trong điều trị ung thư đã giúp ông duy trì được các công việc thường ngày và chất lượng cuộc sống của mình. (Ảnh: ông David Gay)

Câu chuyện của ông Gay là một ví dụ. Vài năm sau hành trình theo dõi và chờ đợi, chất lượng cuộc sống của ông Gay vẫn là trọng tâm trong triết lý điều trị của ông. Bằng cách từ bỏ việc điều trị tích cực ngay lập tức, ông đã duy trì được các thói quen hàng ngày và sức khỏe của mình cũng như chất lượng cuộc sống, [những điều] có thể bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của việc điều trị ung thư.

Một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư

Một số bệnh ung thư đề nghị được điều trị ngay lập tức và kết quả sẽ trở nên xấu hơn khi điều trị bị trì hoãn, trong khi nhiều bệnh nhân khác thì không. May mắn thay, các nhà nghiên cứu đang phác họa cho chúng ta một bức tranh rõ ràng hơn về trường hợp nào [có thể áp dụng]. Những hiểu biết sâu sắc này mang lại cho bệnh nhân nhiều lựa chọn hơn và đưa nguyện vọng của họ trở thành yếu tố quan trọng ngang với chuyên môn của bác sĩ ung thư.

Theo các chuyên gia như Tiến sĩ Goodyear, sự thay đổi này lẽ ra phải xảy ra sớm hơn. Ông nói với The Epoch Times, “Trọng tâm của việc chăm sóc bệnh ung thư phải là bệnh nhân ung thư.”

Tiến sĩ Goodyear giải thích, vai trò của đội ngũ y tế là hướng dẫn, thông báo và tôn trọng mong muốn của bệnh nhân, đưa ra tất cả các lựa chọn mà không thiên lệch. Những người ra quyết định thực sự là chính bệnh nhân, với đội ngũ y tế đóng vai trò là cố vấn và ủng hộ họ.

Tiến sĩ Schapira có một số lời khuyên dành cho những ai đang bị giằng xé giữa phương pháp điều trị ngay lập tức và phương pháp theo dõi và chờ đợi điều trị ung thư rằng: Hãy dồn tâm trí vào việc tìm hiểu chẩn đoán của bản thân, trau dồi cách làm việc nhóm với các bác sĩ ung thư và tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý để giảm bớt lo lắng. Cách tiếp cận này cho phép bệnh nhân chọn được phương pháp điều trị tốt nhất và phù hợp nhất với họ.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times