Tìm hiểu về thực phẩm bổ dưỡng để giảm mỡ máu

Dưa leo là loại rau có hàm lượng nước cao, ít calorie nhưng lại có nhiều lợi ích dinh dưỡng. Dưa leo là một lựa chọn giúp giải khát và giải nhiệt trong mùa hè nóng nực đồng thời đem lại nhiều lợi ích như giảm cholesterol, bảo vệ da, đặc tính chống viêm và tăng hệ miễn dịch. Tuy nhiên, có những nhóm người cần chú ý khi ăn dưa leo.

Thành phần dinh dưỡng của dưa leo

Chất dinh dưỡng đầu tiên của dưa leo là nước, chiếm 95% tổng khối lượng của dưa leo. Do đó, việc ăn dưa leo giúp duy trì lượng nước trong cơ thể, độ đàn hồi của da và các mô.

Thứ hai, dưa leo là một nguồn dồi dào chất xơ giúp kích thích chức năng tiêu hóa bình thường, ngăn ngừa táo bón, và giúp bạn cảm thấy no.

Dưa leo cũng chứa vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào chống lại căng thẳng oxy hóa, tăng miễn dịch, trợ giúp chữa lành vết thương và tổng hợp collagen.

Một chất dinh dưỡng quan trọng khác là vitamin K, rất cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe của xương.

Potassium (kali) là chất dinh dưỡng thứ năm có trong dưa leo. Là một chất điện giải, potassium rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và chức năng hệ thần kinh bình thường.

Dưa leo cũng chứa một lượng nhỏ selenium, một chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.

Hơn nữa, dưa leo còn chứa nhiều chất phytochemical khác nhau như flavonoid và carotenoids. Những chất này có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các bệnh mạn tính.

Lợi ích sức khỏe của dưa leo

Với thành phần dinh dưỡng phong phú, dưa leo đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu sáu lợi ích sau:

  • Giảm cholesterol: Dưa leo có ít chất béo, calorie và nhiều chất xơ, giúp duy trì mỡ máu ổn định.
  • Chứa chất chống oxy hóa: Dưa leo chứa các chất chống oxy hóa như carotenoids và flavonoid. Nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất flavonoid có đặc tính chống ung thư và chống viêm, có khả năng kích hoạt quá trình tự chết của tế bào ung thư.
  • Điều hòa hệ miễn dịch: Vitamin C trong dưa leo có thể giúp gia tăng khả năng phòng vệ miễn dịch, ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và hệ thống.
  • Bảo vệ làn da: Dưa leo chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, vitamin C và chất chống oxy hóa có nhiều tác dụng khác nhau đối với da, bao gồm làm dịu kích ứng da, dưỡng ẩm, giảm viêm, ức chế tiết bã nhờn và tổng hợp melanin. Chiết xuất từ dưa leo được tích hợp vào nhiều sản phẩm chăm sóc da.
  • Dùng làm thuốc lợi tiểu nhẹ: Hàm lượng nước của dưa leo giúp bổ sung chất lỏng, tăng lượng nước tiểu, góp phần loại bỏ chất thải và nước dư thừa, giảm phù nề và trợ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Duy trì [cân bằng] nước và chất điện giải: Các chất dinh dưỡng trong dưa leo giúp loại bỏ lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể và có khả năng làm hạ huyết áp.

Những lưu ý khi ăn dưa leo

Mặc dù dưa leo là một loại rau (hoặc trái cây vì có liên quan mật thiết với các loại dưa) nhiều dinh dưỡng, nhưng có những trường hợp cần thận trọng khi ăn.

Đầu tiên, những người dị ứng với dưa leo nên tránh xa. Nếu dị ứng với dưa leo, dưa hấu, dưa đỏ hoặc các loại thực phẩm tương tự, bạn phải luôn thận trọng khi ăn

Đối với một số người, dưa leo có thể gây khó chịu về tiêu hóa hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa. Nếu bạn bị các bệnh như loét dạ dày, trào ngược acid hoặc các vấn đề tiêu hóa nhạy cảm khác, bạn có thể cần hạn chế hoặc giảm ăn dưa leo, đặc biệt là dưa leo sống.

Hơn nữa, bạn cũng cần biết rằng một số loại thuốc có thể có phản ứng với dưa leo. Ví dụ, một số thuốc lợi tiểu làm tăng lượng nước tiểu, và ăn dưa leo có thể làm tăng tác dụng lợi tiểu. Nếu bạn đang dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để xác định xem việc ăn dưa leo có phù hợp hay không.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn