Vitamin K: Triệu chứng thiếu hụt, lợi ích sức khỏe, nguồn cung cấp tối ưu và tác dụng phụ

Cơ thể con người dựa vào vitamin K để đông máu và điều hòa liên kết calcium trong xương và mô.

Vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo cần thiết cho quá trình đông máu, sức khỏe của xương và sức khỏe tim mạch.

Chữ “K” trong vitamin K có nguồn gốc từ chữ “koagulation” của Đan Mạch và Đức, có ý nghĩa nhấn mạnh vào vai trò vitamin K trong quá trình đông máu. Cơ thể con người dựa vào vitamin K để đông máu và điều hòa liên kết calcium trong xương và mô.

Nguyên nhân thiếu vitamin K

Thiếu vitamin K thường gặp ở 8% đến 31% người trưởng thành khỏe mạnh nhưng hiếm khi dẫn đến xuất huyết nặng. Xuất huyết nặng do thiếu vitamin K thường xảy ra trên bệnh nhân mắc hội chứng kém hấp thu, bệnh gan hoặc những người đang dùng thuốc có tác dụng làm gián đoạn quá trình chuyển hóa vitamin K (thuốc làm loãng máu như warfarin).

Thiếu vitamin K có thể xảy ra nếu không tiêu thụ đủ thực phẩm chứa nhiều vitamin K. Một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như vấn đề hấp thụ chất béo (gặp trong các tình trạng bao gồm bệnh celiac hoặc bệnh viêm ruột), cũng có thể khiến cơ thể khó khăn hơn khi hấp thụ vitamin K. Dùng kháng sinh trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn có ích trong ruột tạo ra vitamin K.

Hơn nữa, khẩu phần ăn hạn chế chất béo cũng dẫn đến hạn chế cơ thế hấp thu vitamin K, vì vitamin K được hấp thụ tốt hơn khi tiêu thụ cùng với chất béo. Ăn nhiều dầu khoáng, đôi khi dùng để trị táo bón, cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin K.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ thiếu vitamin K do nhau thai có khả năng vận chuyển lipid và vitamin K hạn chế. Gan trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ để tổng hợp prothrombin. Sữa mẹ chứa một lượng rất nhỏ vitamin K. , khoảng 2.5mcg mỗi lít (mcg/L), so với sữa bò có 5,000 mcg/L. Ngoài ra, ruột của trẻ sơ sinh vô trùng trong những ngày đầu đời, do đó không có vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K.

Các triệu chứng và dấu hiệu khi cơ thể thiếu vitamin K

  • Quá trình đông máu bị trì hoãn hoặc thời gian prothrombin kéo dài (được chứng minh bằng xét nghiệm)
  • Xuất huyết
  • Loãng xương
  • Dễ bị bầm tím: Thiếu vitamin K có thể làm cho mạch máu mỏng manh hơn, làm tăng khả năng dễ bị bầm tím.
  • Kinh nguyệt nhiều hơn
  • Máu trong nước tiểu
  • Khó cầm máu hơn sau chấn thương hoặc phẫu thuật
  • Xương phát triển kém

Các biến chứng của thiếu vitamin K

  • Rối loạn đông máu: Thiếu vitamin K có thể dẫn đến xuất huyếtkhông kiểm soát và các rối loạn đông máu khác nhau, bao gồm xuất huyết do thiếu vitamin K (VKDB), dẫn đến chảy máu bên trong hoặc bên ngoài cơ thể của trẻ sơ sinh. Xuất huyết nội, chẳng hạn như vào ruột hoặc não, có thể khó phát hiện. Trẻ sơ sinh không được chích vitamin K khi mới sinh có thể phát triển VKDB cho đến 6 tháng tuổi với những hậu quả nặng nề. Chẳng hạn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), 20% trẻ sơ sinh bị bệnh VKDB không thể sống sót. Có tới 50% trẻ sơ sinh xuất huyết sau vài tuần đầu tiên sẽ xuất huyết não và có nguy cơ bị tổn thương não vĩnh viễn.
  • Sự phát triển xương bị suy giảm
  • Các vấn đề về tim mạch tiềm ẩn như vôi hóa động mạch và xơ cứng mạch máu.

Chuyển hóa vitamin K trong cơ thể

Cơ thể chuyển hóa vitamin K thông qua một quá trình bao gồm hấp thu, vận chuyển và sử dụng, bao gồm các bước sau:

  • Là một vitamin tan trong chất béo, vitamin K được hấp thu chủ yếu ở ruột non. Sau khi được hấp thu qua ruột non, vitamin K được chuyển tới gan. Sau đó gan chuyển hóa vitamin K thành các yếu tố đông máu cần thiết khác nhau hoặc dự trữ tại gan.
  • Một số vitamin K được vận chuyển từ gan vào máu, liên kết với lipoprotein, rồi được chuyển đến các mô và cơ quan khác nhau.
  • Lượng vitamin K dư thừa có thể được tái hấp thu ở ruột non, phần còn lại sẽ được bài tiết qua phân hoặc nước tiểu.

Tác dụng của vitamin K đối với cơ thể

  • Đông máu: Vitamin K, thường được gọi là vitamin đông máu, rất quan trọng trong việc sản xuất các yếu tố đông máu ở gan, có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, do đó ngăn ngừa chảy máu không cầm được và tạo điều kiện chữa lành vết thương. Duy trì lượng vitamin K có thể dự đoán được là đặc biệt quan trọng đối với những người đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin, vì những biến động đáng kể về lượng vitamin K có thể ảnh hưởng đến mức thời gian prothrombin và có khả năng cản trở hiệu quả của thuốc.
  • Sức khỏe xương: Vitamin K rất cần thiết cho việc sản xuất protein của xương, giúp ngăn ngừa tình trạng loãng xương. Lượng vitamin K hấp thụ cao hơn có liên quan đến nguy cơ gãy xương hông thấp hơn và mất mật độ xương ít hơn, đồng thời nồng độ vitamin K trong máu thấp có liên quan đến mật độ xương giảm.
  • Sức khỏe tim mạch: Vitamin K đóng vai trò sản xuất protein giúp ngăn ngừa tình trạng vôi hóa hoặc xơ cứng động mạch vành, một yếu tố liên quan đến bệnh tim.
  • Lão hóa khỏe mạnh hơn: Vitamin K là một vi chất dinh dưỡng có liên quan đến việc bảo vệ chống lại các bệnh liên quan đến tuổi tác.
  • Điều hòa chức năng tế bào: Protein gen 6 đặc hiệu ngăn chặn tăng trưởng (Gas6) là một loại protein phụ thuộc vitamin K có trong các mô cơ thể khác nhau như hệ thần kinh, tim, phổi, dạ dày, thận và sụn. Gas6 có liên quan đến việc điều hòa tăng trưởng tế bào và thể hiện các hoạt động truyền tín hiệu tế bào. Vai trò của nó bao gồm bảo vệ miễn dịch, bám dính tế bào, tăng sinh tế bào và bảo vệ chống lại sự chết của tế bào.
Vitamin K: Triệu chứng thiếu hụt, lợi ích sức khỏe, nguồn cung cấp tối ưu và tác dụng phụ
Vitamin K rất cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe của xương và tim. (Minh họa của The Epoch Times)

Vitamin K có vai trò ngăn ngừa một số bệnh lý nhất định

Mặc dù việc bổ sung đủ vitamin K rất quan trọng đối với một số khía cạnh của sức khỏe và việc thiếu hụt có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là các bệnh cụ thể không thể chỉ ngăn ngừa được chỉ duy nhất bằng vitamin K.

Bổ sung vitamin K đầy đủ có vai trò ngăn ngừa các bệnh lý sau đây:

  • Rối loạn chảy máu
  • Loãng xương: Mặc dù vitamin K đơn thuần không ngăn ngừa được bệnh loãng xương nhưng việc duy trì mức độ thích hợp sẽ hỗ trợ sức khỏe xương tổng thể và mật độ xương tối ưu. Ở Nhật Bản và một số nước khác, các loại vitamin K khác nhau thường được sử dụng để điều trị bệnh loãng xương.
  • Bệnh tiểu đường: Vitamin K tác động lên các tế bào beta, chịu trách nhiệm sản xuất insulin, một loại hormone quan trọng điều chỉnh lượng glucose. Đây là một khám phá có ý nghĩa tiềm năng trong việc hiểu và giải quyết bệnh tiểu đường.
  • Ung thư: Nghiên cứu về tác động của vitamin K đối với các khối u ác tính cụ thể ở phụ nữ, chẳng hạn như ung thư vú, cổ tử cung và buồng trứng, chủ yếu được thực hiện thông qua các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Trong bệnh ung thư vú, vitamin K có khả năng cản trở hoạt động của tế bào ung thư và cản trở sự phát triển của khối u. Trong ung thư cổ tử cung, vitamin K có thể gây chết tế bào ung thư và ức chế sự phát triển của khối u. Trong ung thư buồng trứng, nó có thể gây chết tế bào theo chương trình. Vitamin K2 cũng đã được phát hiện có khả năng ức chế sự tiến triển của ung thư gan. Hơn nữa, các nghiên cứu tiếp theo ở người đã cho thấy tác dụng có lợi đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt và tuyến tụy.
  • Bệnh lão khoa: Lượng vitamin K không đủ có thể là yếu tố làm tăng khả năng mắc các bệnh liên quan đến tuổi tác như chứng mất trí, loãng xương và viêm xương khớp.

Phân loại vitamin K

Có ba dạng vitamin K, bao gồm:

  • Vitamin K1: Còn được gọi là phylloquinone, vitamin K1 chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm, đặc biệt là thực vật. Nó chiếm khoảng 75% tổng lượng vitamin K ăn vào. Ngoài ra, phytonadione có thể được sử dụng thông qua đường uống, chích tĩnh mạch, chich dưới da và chích bắp để điều trị tình trạng thiếu vitamin K.
  • Vitamin K2: Còn gọi là menaquinone, vitamin K2 được tổng hợp bởi vi khuẩn và nấm men và chủ yếu hiện diện trong các sản phẩm động vật hoặc lên men như thịt, pho mát và trứng. Vitamin K cũng có thể được sản xuất bởi hệ vi sinh vật đường ruột. Menaquinone khác với phylloquinone về cấu trúc hóa học, cách cơ thể sử dụng chúng và sự phân bố của chúng trong mô. Các phân nhóm khác nhau của vitamin K2 bao gồm menaquinone chuỗi ngắn (bao gồm menaquinone-4 hoặc MK-4) và chuỗi dài (bao gồm MK-7, MK-8 và MK-9).
  • Vitamin K3: Còn được gọi là menadione, vitamin K3 là dạng vitamin nhân tạo. Menadione có ý nghĩa công nghiệp như một chất trung gian để tổng hợp phylloquinone. Vì nó chuyển thành dạng K2 hoạt động trong cơ thể một số động vật nên nó cũng được sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, menadione còn có thể được sử dụng trong y tế cho con người.

Lượng vitamin K được khuyến nghị từ khẩu phần ăn uống

Các khuyến nghị về khẩu phần ăn uống, bao gồm cả khuyến nghị về vitamin K và các chất dinh dưỡng khác, có thể được tìm thấy trong Khẩu phần Ăn uống tham khảo (DRIs), được phát triển bởi Ủy ban Thực phẩm và Dinh dưỡng (FNB) tại Viện Y học của Học viện Quốc gia.

Vitamin K: Triệu chứng thiếu hụt, lợi ích sức khỏe, nguồn cung cấp tối ưu và tác dụng phụ
Lượng vitamin K được khuyến nghị hàng ngày. (Ảnh: The Epoch Times)

Trong thời gian mang thai và cho con bú, lượng khuyến nghị hàng ngày vẫn giữ nguyên tùy theo độ tuổi của người phụ nữ.

Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), người lớn cần khoảng 1mcg vitamin K mỗi ngày cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một người nặng 65kg sẽ cần 65mcg mỗi ngày.

Các dạng chất bổ sung vitamin K

Chất bổ sung vitamin K được cung cấp dưới nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên nang, viên nén, viên nang chứa chất lỏng, dung dịch và dầu, mỗi loại chứa các loại vitamin khác nhau. Do nguy cơ tác dụng phụ và khả năng tương tác với thuốc, bạn chỉ nên bổ sung vitamin K dưới sự giám sát của bác sĩ.

Các loại phổ biến bao gồm:

  • Thuốc bổ sung vitamin K1 chứa dạng vitamin K1, bao gồm phylloquinone và phytonadione (một dạng tổng hợp của vitamin K1).
  • Thuốc bổ sung vitamin K2 chứa dạng K2 (menaquinone), với phân nhóm MK-4 hoặc MK-7. Các chất bổ sung MK-7 đang trở nên phổ biến do sinh khả dụng cao hơn so với các dạng vitamin K khác, với doanh số và mức sử dụng tăng lên.
  • Các chất bổ sung phức hợp vitamin K cung cấp sự kết hợp của cả vitamin K1 và K2 để cơ thể hấp thu nhiều hơn.
  • Thực phẩm bổ sung kết hợp vitamin K và các chất dinh dưỡng khác: Vitamin K cũng được tìm thấy trong các chất bổ sung kết hợp với các chất dinh dưỡng khác như calcium, magie hoặc vitamin D. Những chất bổ sung này thường cung cấp phạm vi liều vitamin K rộng hơn so với các chất bổ sung vitamin tổng hợp, một số loại cung cấp lượng rất cao, chẳng hạn như 4,050mcg (5,063 phần trăm giá trị hàng ngày).
  • Vitamin tổng hợp: Nhiều chất bổ sung vitamin tổng hợp bao gồm vitamin K trong công thức của chúng, cung cấp hỗn hợp K1 và K2, thường ở giá trị dưới 75% giá trị hàng ngày.
  • Thuốc nhỏ vitamin K là dạng lỏng của vitamin K, thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh hoặc những người gặp khó khăn khi nuốt thuốc.

Việc bán vitamin K3 (menadione) dưới dạng thực phẩm bổ sung cho người bị cấm ở Hoa Kỳ do có các trường hợp được ghi nhận về phản ứng dị ứng, tổn thương tế bào gan và các tác dụng phụ khác.

Thực phẩm dồi dào vitamin K

Vitamin K được tìm thấy một cách tự nhiên trong một số loại thực phẩm như rau bina, bông cải xanh, rau xà lách, lipid và dầu, đặc biệt là dầu đậu nành và dầu hạt cải.

Vitamin K1 (Phylloquinone)

Phylloquinone được tìm thấy trong rau, đặc biệt là các loại rau lá xanh, dầu thực vật và một số loại trái cây. Hàm lượng phylloquinone trong rau xanh bị ảnh hưởng bởi mức độ diệp lục (một sắc tố màu xanh lá cây được tìm thấy trong tế bào của thực vật và các sinh vật quang hợp khác), với các lá bên ngoài có nhiều phylloquinone hơn các lá bên trong.

Sự hấp thụ phylloquinone từ các nguồn thực vật khác nhau và việc thêm chất béo vào bữa ăn sẽ giúp tăng cường sự hấp thu ở ruột.

  • Rau bina: Rau bina đóng hộp thường xuyên, bao gồm cả chất rắn và chất lỏng (891 mcg mỗi cốc)
  • Rau củ cải: Rau củ cải đông lạnh luộc và để ráo nước không có muối (852 mcg mỗi cốc)
  • Cải xoong vườn: Cải xoong vườn thô (271 mcg mỗi cốc)
  • Bông cải xanh: Bông cải xanh xắt nhỏ đông lạnh luộc và để ráo nước (162 mcg mỗi cốc)
  • Cải xoăn: Sống (113 mcg mỗi cốc)
  • Dầu đậu nành: 25mcg mỗi muỗng canh (Lưu ý thận trọng: Đậu nành đã được biến đổi gen.)
  • Rau diếp: Rau diếp tảng sống (14 mcg mỗi cốc)
  • Dầu hạt cải: 10 mcg mỗi muỗng canh (Lưu ý: Hầu hết dầu hạt cải có bán trên thị trường đều đến từ cây trồng biến đổi gen.)
  • Hạt điều: Hạt điều rang khô (10mcg mỗi ounce)

Vitamin K2 (Menaquinone)

Thịt, sữa và trứng có hàm lượng phylloquinone thấp nhưng chứa lượng menaquinone vừa phải. Natto, một loại thực phẩm đậu nành lên men truyền thống của Nhật Bản, giàu menaquinone nhất và các thực phẩm lên men khác như phô mai và dưa cải bắp cũng chứa chúng. Dạng và số lượng vitamin K2 trong những thực phẩm này có thể khác nhau tùy thuộc vào chủng vi khuẩn và điều kiện lên men. Các sản phẩm gia cầm và thịt lợn có thể chứa MK-4 do động vật chuyển đổi menadione được thêm vào thức ăn của chúng.

  • Natto cung cấp MK-7 (850 mcg trên 3 ounce)
  • Ức gà quay cung cấp MK-4 (13 mcg trên 3 ounce)
  • Phô mai Cheddar cung cấp MK-4 (8 mcg trên 3 ounce)
  • Gan gà cung cấp MK-4 (6mcg trên 3 ounce)
  • Giăm bông nướng hoặc nướng áp chảo cung cấp MK-4 (4mcg trên 3 ounce)
  • Trứng luộc chín cung cấp MK-4 (4mcg trên 1 quả trứng lớn)

Để có đủ vitamin K từ bữa ăn, bạn có thể tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin K, nấu với đậu nành hoặc dầu hạt cải, ăn nhẹ bằng hạt điều và thử món natto có hương vị độc đáo của Nhật Bản.

Các nguồn vitamin K khác là gì?

Ngoài việc nhận vitamin K từ các nguồn thực phẩm và chất bổ sung, một cách khác để có được vitamin K là thông qua quá trình tổng hợp vitamin K2 của hệ vi sinh vật đường ruột.

Sau giai đoạn sơ sinh, các loài vi khuẩn khác nhau trong ruột tạo ra nhiều dạng menaquinone khác nhau, với các loài vi khuẩn sản xuất MK-10 và MK-11, các loài vi khuẩn enterobacteria sản xuất MK-8, các loài Veillonella sản xuất MK-7 và Eubacteria lentum sản xuất MK-6.

Mặc dù các menaquinone này có nhiều trong ruột, nhưng sự liên kết chặt chẽ của chúng với màng vi khuẩn và bản chất ưa mỡ đã hạn chế nghiêm trọng khả dụng sinh học của chúng và nguồn cung cấp vitamin K2 có chức năng chính vẫn từ thực phẩm chúng ta ăn vào. Nghiên cứu chứng minh rằng việc giảm lượng vitamin K trong bữa ăn trong thời gian ngắn không được bù đắp bằng menaquinone trong đường ruột.

Để thúc đẩy vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K2, bạn có thể thực hiện các bước sau:

  • Tiêu thụ thực phẩm lên men: Tiêu thụ thực phẩm lên men giàu vi khuẩn có lợi có thể hỗ trợ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K2. Ví dụ bao gồm dưa cải bắp, kim chi, natto và kefir.
  • Ăn thực phẩm prebiotic: Prebiotic là chất xơ hoặc hợp chất không tiêu hóa được tìm thấy trong một số loại thực phẩm có thể được tiêu thụ bởi vi khuẩn có lợi trong ruột và thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của chúng. Các thực phẩm như tỏi, hành, tỏi tây, măng tây và chuối là nguồn cung cấp prebiotic dồi dào.
  • Đa dạng hóa thức ăn: Bữa ăn đa dạng và cân bằng trợ giúp nhiều loại vi khuẩn đường ruột, có thể góp phần sản xuất vitamin K2.
  • Tránh lạm dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột và tiêu diệt vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K. Chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cân nhắc bổ sung men vi sinh: Chất bổ sung men vi sinh có chứa vi khuẩn sống có lợi.

Cách điều trị thiếu vitamin K là gì?

Một cách tiếp cận thường được sử dụng để đánh giá nồng độ vitamin K trong máu là đo thời gian protrombin (PT), cho biết thời gian cần thiết để máu đông lại.

Khi có hiện tượng xuất huyết bất thường xảy ra ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, chúng ta cần nghi ngờ thiếu hụt hoặc đối kháng vitamin K. Chẩn đoán sơ bộ bao gồm xét nghiệm đông máu, cho thấy PT kéo dài và tăng tỷ lệ INR, trong khi các thông số đông máu khác (thời gian Thromboplastin từng phần, thời gian Thrombin, số lượng tiểu cầu, thời gian chảy máu, fibrinogen, sản phẩm phân tách fibrin và D-dimer) vẫn bình thường.

Có thể xác nhận tình trạng thiếu vitamin K bằng cách chích vitamin K1 vào tĩnh mạch với liều 1 miligam, nếu PT giảm đáng kể trong vòng hai đến sáu giờ, ngoại trừ nguyên nhân có thể là do rối loạn chức năng gan.

Một số bệnh viện đo trực tiếp nồng độ vitamin K trong huyết thanh để phát hiện chính xác hơn. Ở những người khỏe mạnh được bổ sung đủ vitamin K (50 đến 150mcg mỗi ngày), vitamin K1 huyết thanh dao động từ 0.2 đến 1.0 nanogram mỗi ml. Thời điểm hấp thụ vitamin K giúp giải thích nồng độ trong huyết thanh, với lượng hấp thụ gần đây ảnh hưởng đến nồng độ vitamin K trong huyết thanh nhưng không ảnh hưởng đến nồng độ trong các mô.

Để điều chỉnh thời gian đông máu kéo dài ở người lớn, phytonadione (vitamin K1) có thể được dùng bằng đường uống, chích dưới da, chích bắp hoặc chích tĩnh mạch rất chậm. Liều thông thường là 1 đến 20 mg và nếu cần, có thể lặp lại sau 6 đến 8 giờ. Đối với các tình huống không khẩn cấp ở bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu hoặc để điều chỉnh một phần, liều thấp hơn có thể phù hợp.

Ở trẻ sơ sinh bị xuất huyết do thiếu vitamin K, một liều duy nhất 1 mg phytonadione dưới da hoặc trong cơ thường có hiệu quả và có thể dùng thêm nếu cần.

Ngoài ra, mặc dù hiếm gặp nhưng việc chích phytonadione qua đường tĩnh mạch có thể dẫn đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Ai dễ bị thiếu vitamin K

Những người có nguy cơ thiếu vitamin K cao hơn bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ: Một số phát triển tình trạng gọi là xuất huyết do thiếu vitamin K (VKDB), gây hậu quả nghiêm trọng như xuất huyết đe dọa tính mạng và tử vong. Việc tăng lượng vitamin K trong khẩu phần ăn uống của người mẹ lên 5 miligam mỗi ngày có thể làm tăng hàm lượng vitamin K tương đối thấp trong sữa mẹ.
  • Trẻ chưa được chích vitamin K khi mới sinh: Chích vitamin K vào cơ đùi là một cách để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin K và VKDB ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đã có một số phụ huynh phản đối việc này do lo ngại về an toàn, gần đây trùng hợp với việc giảm chích ngừa ở trẻ em.
  • Trẻ sơ sinh có mẹ sử dụng các loại thuốc đặc trị trong thời kỳ mang thai: Các loại thuốc như isoniazid và thuốc chống động kinh có thể cản trở việc sử dụng vitamin K của cơ thể. Một số bác sĩ gợi ý rằng phụ nữ mang thai dùng thuốc chống động kinh nên dùng phytonadione đường uống (vitamin K1), hoặc 10 miligam một lần mỗi ngày trong một tháng hoặc 20 miligam mỗi ngày một lần trong hai tuần trước khi sinh.
  • Những người bị bệnh gan: Họ gặp khó khăn trong việc sử dụng vitamin K dự trữ do rối loạn chức năng gan.
  • Những người bị rối loạn kém hấp thu, tiêu chảy, bệnh celiac hoặc xơ nang

Độc tính của vitamin K

Độc tính của vitamin K rất hiếm gặp. Không có độc tính nào được xác định liên quan đến liều cao, cho dù thu được thông qua ăn uống hoặc chất bổ sung, của vitamin K1 (phylloquinone) hoặc vitamin K2 (menaquinone).

Ví dụ, liều vitamin K1 lên tới 50 mg đã được sử dụng mà không có bất kỳ vấn đề an toàn nào, mặc dù một số nguồn cho biết 25 đến 30 miligam được coi là một lượng rất cao.

Vitamin K được chuyển hóa nhanh chóng và được loại bỏ khỏi cơ thể qua nước tiểu hoặc phân, ngăn không cho nó đạt đến mức độc hại ngay cả khi ăn nhiều, không giống như một số vitamin tan trong chất béo khác. Do đó, không có mức hấp thụ trên có thể dung nạp (UL) cụ thể nào được thiết lập đối với vitamin K.

Độc tính duy nhất được báo cáo của vitamin K có liên quan đến menadione (vitamin K3), chất không được sử dụng ở người. Độc tính của Menadione có liên quan đến đặc tính hòa tan trong nước của nó và cơ chế này liên quan đến việc tăng cường hấp thu oxy ở gan, dẫn đến peroxid hóa lipid (một quá trình trong đó các gốc tự do lấy electron từ lipid trong màng tế bào và dẫn đến tổn thương tế bào) và tế bào gan. hư hại.

Độc tính của vitamin K3 có thể gây ra các triệu chứng sau đây:

  • Vàng da là một tình trạng đặc trưng bởi màu vàng của da, niêm mạc và giác mạc. Vàng da xảy ra khi có quá nhiều bilirubin, một sắc tố màu vàng được tạo ra trong quá trình phá vỡ các tế bào hồng cầu trong máu.
  • Tăng bilirubin máu đề cập đến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao.
  • Thiếu máu tán huyết là một loại thiếu máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn mức cơ thể có thể thay thế. Sự phá hủy hồng cầu ngày càng tăng này có thể dẫn đến nồng độ bilirubin tăng cao và sau đó là bệnh vàng da.
  • Kernicterus là một dạng tổn thương não nghiêm trọng và có thể dẫn đến các triệu chứng như giảm vận động, chán ăn, co giật, điếc, chậm phát triển tâm thần và trong trường hợp nghiêm trọng là tử vong. Tình trạng này có liên quan đến nồng độ bilirubin trong mô não tăng cao.

Do những rủi ro liên quan, vitamin K3 không còn được bán không cần kê đơn.

Tác dụng phụ của vitamin K

Cả vitamin K1 và vitamin K2 đều có khả năng gây ra phản ứng dị ứng. Vitamin K1 có liên quan đến co thắt phế quản (co thắt đột ngột các cơ ở thành tiểu phế quản) và ngừng tim khi chích tĩnh mạch.

Tuy nhiên, vitamin K1 hoặc K2 dạng uống có độ an toàn cao. Rất khó để tìm thấy bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo.

Hầu hết các tác dụng phụ của vitamin K1 đều liên quan đến chích tĩnh mạch (IV), chích dưới da và chích bắp, bao gồm khó thở (khó thở), tức ngực và phản ứng tại chỗ chích. Các phản ứng dị ứng khác bao gồm phát ban da, ngứa và sưng tấy (đặc biệt là ở mặt, lưỡi hoặc cổ họng) và chóng mặt nghiêm trọng.

Bị cấm ở Hoa Kỳ, vitamin K3 cũng có khả năng tham gia vào các phản ứng oxy hóa khử và tạo ra các loại oxy phản ứng (ROS). Quá trình này có thể dẫn đến hư hỏng DNA và các đại phân tử khác.

Những người nên tránh vitamin K

  • Những người bị thiếu hụt Glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) nên tránh tiêm vitamin K, vì nó có thể gây tan máu, tức là sự phá hủy các tế bào hồng cầu. Không có bằng chứng nhất quán về bất kỳ khó khăn nào với các hình thức ăn kiêng hoặc uống.
  • Những người dùng warfarin nên tránh vitamin K do có thể tương tác.
  • Những người đang chạy thận nhân tạo nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng vitamin K vì nó có thể có tác dụng phụ.

Vitamin K có tương tác với thuốc hoặc các chất bổ sung khác không?

Tương tác với những thuốc sau đây có thể xảy ra khi bổ sung vitamin K:

  • Thuốc chống đông máu: Đối với những người dùng thuốc đối kháng vitamin K như warfarin làm loãng máu, việc hấp thụ quá nhiều vitamin K có thể làm suy yếu tác dụng chống đông máu của thuốc. Ngay cả liều MK-7 thấp hàng ngày (10 đến 20mcg) cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thuốc chống đông máu. Tuy nhiên, những người dùng warfarin vẫn nên hướng tới lượng vitamin K được khuyến nghị (90 đến 120mcg mỗi ngày) và tránh sự dao động đáng kể về mức vitamin K có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh liều thuốc chống đông máu.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh, đặc biệt là cephalosporin như cefoperazone, có thể loại bỏ vi khuẩn đường ruột sản xuất vitamin K, có khả năng làm giảm nồng độ vitamin K. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin K nói chung là không cần thiết trừ khi việc sử dụng kháng sinh kéo dài và kèm theo lượng vitamin K không đủ.
  • Thuốc chống co giật và thuốc chống lao: Việc sử dụng thuốc chống đông máu kháng vitamin K, thuốc chống co giật (ví dụ phenytoin) và thuốc chống lao (ví dụ rifampin và isoniazid) khi mang thai hoặc cho con bú có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh.
  • Thuốc hạ cholesterol: Việc sử dụng thuốc hạ cholesterol, chẳng hạn như cholestyramine và colestipol, có thể cản trở quá trình hấp thụ chất béo và ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin K. Các thuốc này còn được gọi là chất cô lập acid mật, vì làm giảm mức cholesterol bằng cách ngăn ngừa tái hấp thu của acid mật. Các chất khác có tác dụng tương tự bao gồm dầu khoáng và olestra thay thế chất béo. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm yêu cầu bổ sung vitamin K và các vitamin tan trong chất béo khác (A, D và E) vào các sản phẩm thực phẩm có chứa olestra.
  • Orlistat: Orlistat, một loại thuốc giảm cân, cũng có thể cản trở quá trình hấp thụ chất béo và hấp thu vitamin K, do đó làm giảm mức vitamin K trong cơ thể. Bệnh nhân được kê toa orlistat thường được khuyên nên bổ sung thêm vitamin tổng hợp có chứa vitamin tan trong chất béo.
  • Vitamin A: Quá nhiều vitamin A dường như làm gián đoạn quá trình hấp thu vitamin K.
  • Vitamin E: Vitamin E có thể cản trở hoạt động của carboxylase phụ thuộc vitamin K và làm gián đoạn quá trình đông máu. Một nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung 1.000 IU/ngày vitamin E trong 12 tuần làm giảm quá trình carboxyl hóa gamma của protrombin, một loại protein phụ thuộc vitamin K. Vì vậy, những người thiếu vitamin K nên tránh bổ sung vitamin E mà không có sự giám sát y tế do tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Vitamin D: Vitamin K phối hợp với vitamin D để duy trì lượng calcium đầy đủ trong xương, góp phần giúp xương phát triển và khỏe mạnh tối ưu. Việc hấp thụ cân bằng các vi chất dinh dưỡng này là rất quan trọng để tạo ra tác dụng hiệp đồng này.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Mercura Wang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Mercura Wang là ký giả của thời báo The Epoch Times. Liên lạc với cô qua email: [email protected]
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn