Vượt qua ba chướng ngại phổ biến để thay đổi tích cực hơn

Cuộc khủng hoảng COVID là cơ hội để bứt phá và chắp cánh những ước mơ cuộc sống của bạn đã bị bỏ sang một bên. Ảo tưởng về chi phí chìm, sống vì người khác và hoài nghi về bản thân đôi khi là rào cản khiến bạn khó thay đổi.

ba chướng ngại phổ biến
Đôi khi một thời điểm then chốt ập đến khiến cho chúng ta phá vỡ các lối mòn mà đã kìm hãm chúng ta cứ kẹt mãi ở đó. (Ảnh:Comeback Images/Shutterstock)

Phần lớn cuộc đời trôi qua trong vô định. Nhiều năm trôi qua, rồi nhiều thập kỷ. Thời gian càng trôi qua, chúng ta càng dễ quên đi mất là mình muốn trở thành một người như thế nào và chúng ta càng chấp nhận cái phiên bản mà mình đã và đang trở thành, bất chấp sự cách biệt vời vợi giữa con người trong kỳ vọng và con người thực tế của chúng ta.

Chúng ta nhận ra sự sự bất ổn, nhưng lại tự thanh minh cho rằng, vì chúng chỉ là những hoài bão thời thanh xuân của chúng ta, nên chúng chỉ là điều viển vông. Nó không mang tính thực tế và không có trách nhiệm – và thậm chí có thể là ích kỷ – để dung dưỡng chúng, chứ đừng nói đến hành động, theo đuổi dai dẳng những khao khát về một điều mà mình không thể có được trong đời, phải vậy không?

Thời gian qua đi. Chẳng có gì thay đổi. Và chúng ta lại biện minh với chính mình bằng những câu chuyện huyễn hoặc của bản thân về việc tại sao mình sống thế này vẫn còn ổn chán.

“Mình 30 tuổi. Mình đang thăng tiến trong sự nghiệp, đang lên kế hoạch tổ chức đám cưới và cố gắng trả khoản vay sinh viên. Mình quá bận.

“Mình 40 tuổi. Mình còn có con cái, còn nợ mua nhà phải trả, và còn phải để dành tiền cho lũ trẻ học lên đại học. Mình có quá nhiều trách nhiệm phải lo”.

“Mình đã 50 tuổi. Đầu gối thì đau, người thì rệu rã, mình cần phải tiết kiệm để nghỉ hưu. Mình già cỗi quá rồi. “

Cuộc đời trôi qua vội vã, càng lúc càng nhanh. Nếu chúng ta không cẩn thận, danh sách những hoài bão của chúng ta sẽ bị lấp đầy bởi những lời bào chữa hơn là thành quả và trải nghiệm. Thật dễ để bị cuốn đi bởi những lo toan bộn bề trong cuộc sống thường nhật, và một khi điều đó xảy ra, sự phát triển sẽ dừng lại. Chúng ta đánh mất mình bởi những kỳ vọng của người khác về việc chúng ta phải suy nghĩ theo cách nào, đến cả những gì chúng ta nên nói, những gì chúng ta nên làm hoặc không nên làm. Những thứ đó đã trì hoãn những giấc mơ muốn làm nghệ sĩ, viết cuốn sách đó, theo đuổi sự nghiệp mới, đi du lịch, sống ở một nơi nào đó mới mẻ, tất cả bắt đầu tan biến.

Nhưng cũng không hoàn toàn là vậy. Giấc mơ nào đáng mơ thì chúng vẫn cứ tiếp tục le lói, dù có mờ nhạt đến đâu. Nó bắt đầu cháy sáng hơn vào những thời điểm hỗn loạn, khi cuộc sống thường ngày trở nên quá sức chịu đựng. Chính trong những lúc cố gắng, chẳng hạn như khi mình biết mình mắc một căn bệnh nào đó hoặc khi mối quan hệ tan rã, lúc đó chúng ta mới có đủ dũng khí để xem xét lại những gì chúng ta thực sự muốn làm trong đời. Đây chính là những thời điểm then chốt trong đời.

Bạn sẽ vượt qua thử thách như thế nào?

Trong kịch bản phim và những tác phẩm tiểu thuyết, những bước ngoặc cuộc đời là những tình tiết khiến câu chuyện xoay chuyển. Đó là hành động hoặc quyết định mà nhân vật chính đã phải làm để vượt qua nghịch cảnh.

Trong phim ảnh và sách báo, yếu tố kịch tính nhất thiết không thể bị bỏ qua. Đó là khoảnh khắc mà nhân vật chính bị buộc phải hành động và cuộc đời của họ vĩnh viễn thay đổi kể từ đó. Đó là câu chuyện trong tiểu thuyết – hầu hết mọi câu chuyện đều diễn ra theo như trình tự. Sẽ có kích động, đấu tranh và cuối cùng là chiến thắng, có những bước ngoặt xuất hiện trong suốt chặng đường. Nhưng câu chuyện hầu như sẽ luôn được giải quyết gọn ghẻ, được gói đẹp đẽ trong một chiếc nơ xinh xắn.

Nghệ thuật có thể mô phỏng lại cuộc sống, nhưng cuộc sống thực thì tất nhiên lại khác biệt hoàn toàn. Và lộn xộn hơn (ít nhất là ở phần kết). Tất cả chúng ta đều là nhân vật trong một câu chuyện, nhưng không giống như trong hầu hết các cuốn sách và phim, câu chuyện của chúng ta không phải lúc nào cũng có được một kết thúc có hậu. Những bước ngoặt cuộc đời cũng có xảy ra quanh chúng ta, nhưng chúng hiếm khi có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự.

Trong suốt một năm qua, tất cả chúng ta đều được kêu gọi phải hành động. Ngay cả khi bản thân bạn không trực tiếp bị bệnh, hậu quả gián tiếp của COVID-19 gần như chắc chắn đã ảnh hưởng đến bạn theo một cách nào đó. Câu hỏi đặt ra là: liệu bạn sẽ sử dụng khoảnh khắc này như một chất xúc tác cho sự thay đổi, hay chỉ đơn thuần là chấp nhận nó giống như những biến cố khác?

Nếu bạn đã từng cân nhắc đến câu hỏi này, dưới hình thức này hay hình thức khác, bạn không hề đơn độc. Tôi đã đấu tranh với nó rất nhiều. Đối với tôi, câu hỏi này lại dẫn đến một loạt các câu hỏi khác: Mình sẽ để lại di sản gì? Mình sẽ cảm thấy như thế nào khi nhìn lại những gì mình đã làm trong khoảng thời gian đại dịch? Những điều tối quan trọng trong cuộc đời mình là gì? Mình sẽ truyền lại những bài học gì cho con mình để giúp chúng đương đầu với những khó khăn không thể tránh khỏi mà chúng sẽ phải đối mặt? Mình đã từng giúp đỡ cho một ai đó chưa? Mình đang sống với một tư duy rộng mở hay một cái đầu hạn hẹp? Tôi có đang sống thật với chính mình không? Mình nên thay đổi như thế nào? Nếu không phải bây giờ thì sẽ là khi nào?

Vấn đề là vì mức độ của của khủng hoảng xảy ra dưới hình thức đại dịch toàn cầu này là quá nghiêm trọng nên nó sẽ có xu hướng kìm hãm và không thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Chính trong những thời điểm như thế này, chúng ta có xu hướng lùi lại và tránh chấp nhận rủi ro. Chúng ta thu mình lại. Chúng ta chấp nhận hiện trạng, cho dù có bất mãn như thế nào. Chúng ta bế tắc.

Năm năm trước, đối mặt với những thách thức khác, vợ tôi và tôi cuối cùng đã lấy hết can đảm để hành động để thay đổi hoàn cảnh của mình cho tốt hơn. Chúng tôi thu dọn và dời đi hàng trăm dặm đến một nơi chúng tôi đã rất yêu thích nhưng trước đó vì thiếu ý chí để nên đã không dám biến nơi đó thành nhà của mình. Chúng tôi bắt đầu một công việc kinh doanh mới. Chúng tôi tạo ra cho mình một cuộc sống mới. Chúng tôi đã hành động.

Việc đó đã có hiệu quả và trải nghiệm đã được thể hiện ra theo nhiều cách. Chúng tôi vẫn không chắc chắn chính xác hành trình này sẽ kết thúc ở đâu, nhưng chúng tôi vẫn giữ cho mình tiếp tục tiến bước. Và đó mới là điều quan trọng, bởi vì hầu hết mọi thứ tích cực đã xảy đến cho cuộc sống của chúng ta đều là nhờ vào việc chúng ta dám bước ra ngoài vùng an toàn của chính mình.

Một trong những bài học quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra được là, để tiến về phía trước, trước tiên bạn cần hiểu rõ điều gì đang kìm hãm bạn. Chỉ sau khi bạn nhận ra được vấn đề, bạn mới có thể xác định được cách trị liệu thích hợp.

Dưới đây là ba chướng ngại phổ biến cản trở sự tiến bộ – chúng chắc chắn cản trở chúng ta – và một số ý tưởng để chúng ta tiến lên phía trước.

Ảo tưởng về chi phí chìm

Bạn đã bao giờ ở lại trong một công việc hoặc một hoàn cảnh quá lâu chỉ vì bạn cảm thấy là mình đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào cho nó? Bạn có sợ việc phải từ bỏ nó, mặc dù thực tế là bạn đang ở trong một tình huống tồi tệ, thì vẫn cảm thấy tiếc công sức mình đã bỏ ra? Hầu hết chúng ta đều từng nghĩ thế, điều đó có nghĩa là chúng ta đã trở thành nạn nhân của “ảo tưởng về chi phí chìm”.

Chi phí chìm là chi phí đã phát sinh và không thể thu lại được. Nó đã mất rồi và chúng ta không thể làm gì với nó. Ảo tưởng ở chỗ chúng ta tin rằng chúng ta có thể thu hồi lại chi phí ngầm bằng cách dồn nhiều tâm sức hơn vào hoàn cảnh hiện tại, cho nên chúng ta đưa ra quyết định tồi – hoặc không đưa ra quyết định nào cả – bởi vì chúng ta không muốn chấp nhận sự thật rằng quá khứ đã là quá khứ. Vì vậy, thay vì phát triển trên một con đường mới, chúng ta lại sa lầy vào những sai lầm của chính mình bằng cách dùng những mong muốn thiếu lý trí để bào chữa cho những quyết định trước đó của mình.

Con người ta không chỉ đánh giá quá cao chi phí chìm mà lại còn đánh giá thấp các khoản đầu tư trong tương lai. Họ ở trong các hoàn cảnh đó quá lâu dù họ không hài lòng chỉ bởi vì họ nghi ngờ mình không có đủ khả năng để có thể xoay chuyển tình huống và tạo ra được những thay đổi tích cực.

Theo định nghĩa, thì chi phí chìm là chi phí đã mất đi. Bạn không thể nào lấy lại chúng được nữa. Vì vậy, chẳng có lý do gì để tiếc nuối những sai lầm trong quá khứ. Và chắc chắn cũng không có lý do gì phải làm cho chúng tồi tệ thêm bằng cách không chịu thay đổi. Hãy học hỏi từ quá khứ của bạn và nhớ rằng mỗi lần vấp ngã là một bước tiến tới tương lai của bạn.

Sống vì người khác

Có rất nhiều người sống cuộc sống của họ dựa vào việc người khác sẽ nghĩ gì về những hành động và quyết định của họ hơn là tập trung cho ước mơ và mong muốn của riêng mình. Thay vì cố gắng để sống hạnh phúc, thì họ lại quan tâm đến việc làm hài lòng người khác.

“Bố mẹ sẽ nghĩ gì nếu tôi nghỉ việc?”

“Nếu tôi tham gia nhóm này, bạn bè của tôi sẽ nói gì?”

“Đồng nghiệp của tôi sẽ phản ứng như thế nào nếu tôi lên tiếng trong cuộc họp?”

“Mọi người sẽ‘ thích ’bài đăng trên mạng xã hội của tôi chứ?”

Đây không phải là cách để sống, mà đó chính là cách thức để phong bế chính mình. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên xem xét những gì người khác nghĩ về mình, chỉ là chúng ta không thể để nó dẫn dắt chúng ta.

Vậy nếu ai đó thật sự đánh phán xét thì sao? Bạn sẽ không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người – điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Điều mà bạn có thể kiểm soát là cái cách bạn mà phản ứng lại. Bạn có thể để những phán xét đó khiến bạn thất vọng, hoặc bạn có thể bỏ qua nó và tiến về phía trước. Chẳng bao giờ có chuyện tất cả mọi người sẽ đều thích bạn, nhưng tùy thuộc vào cách bạn ứng xử với bản thân, bạn có thể nhận được sự tôn trọng của mọi người. Và đó nên là mục tiêu của bạn.

Đây không phải là đang nói về sự tự hào quá mức về bản thân. Mà đó sẽ là một lời cảnh tỉnh để bạn bắt đầu cuộc sống theo ý mình. Con đường dẫn đến sự tiến bộ bắt đầu bằng việc có một hệ thống giá trị lành mạnh và đủ can đảm để kiên quyết theo đuổi. Đương nhiên là, không phải ai cũng thích điều đó, nhưng nếu bạn sống đúng với bản thân và giá trị của chính mình, thì bạn vẫn sẽ được tôn trọng cho dù con đường của bạn có đưa bạn đến đâu đi nữa.

Cứ nghĩ “Tại sao lại là tôi?” Thay vì nghĩ “Tại sao không phải tôi?”

Chúng ta từng nghe kể rất nhiều về những câu chuyện “thành công chỉ sau một đêm” – những người đang không hề có tên tuổi bỗng nhiên nổi tiếng về cả danh vọng lẫn tiền tài, và các doanh nghiệp được thành lập trong một nhà để xe hoặc phòng ký túc xá và nhanh chóng được định giá hàng tỷ đô la. Những câu chuyện này tạo nên tiếng vang lớn trong thời đại internet và phương tiện truyền thông xã hội, và chúng khiến mọi người nghĩ rằng thành công là kết quả của sự may mắn hơn là sự chăm chỉ và quyết tâm.

Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, hiện tượng thành công chỉ sau một đêm là một chuyện hoang đường. Chúng ta nhìn thấy kết quả cuối cùng – danh tiếng và tiền tài – nhưng chúng ta không thấy máu, mồ hôi, nước mắt, sự vất vả, thất bại, hy sinh và bị từ chối đã góp phần tạo nên sự thành công đó. Hầu như không ai đạt được bất cứ điều gì đáng giá ở lần cố gắng đầu tiên, hoặc thậm chí lần thứ hai hoặc thứ ba. Thật vậy, con đường dẫn đến thành công đối với nhiều người hầu hết đều được đã đệm lót bởi rất nhiều thất bại.

Nếu bạn sẵn lòng làm việc chăm chỉ và kiên trì vượt qua khó khăn, bạn có thể trở nên “thành công” – bất kể bạn định nghĩa thành công là như thế nào. Thành công không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Những ai hiểu được điều này thì sẽ không cố tìm kiếm tia sét trong một cái chai. Họ sẽ không than thân trách phận rằng “Tại sao lại là tôi?” Thay vào đó, với sự tự tin điềm tĩnh, họ đào sâu, xắn tay áo và tuyên bố, “Tại sao không phải là tôi?” Và họ bắt tay vào hành động.

Thành công bắt đầu và kết thúc bằng một niềm tin bền bỉ vào bản thân.

Từ hầu hết mọi cách nhìn, cuộc khủng hoảng COVID-19 là một tai họa. Nhưng trong khủng hoảng cũng có thể tạo ra cơ hội. Bạn sẽ làm gì khi đối mặt với thời điểm then chốt rõ ràng trước mắt này để thay đổi và làm cho nó tốt hơn?

Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jay Harrington
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jay Harrington là một tác giả, một luật sư chuyển sang kinh doanh và điều hành một thương hiệu phong cách sống truyền cảm hứng ở miến bắc Michigan có tên gọi Life and Whim. Ông ấy sống cùng vợ và 3 cô con gái nhỏ trong một thị trấn nhỏ và thường viết về chủ đề việc sinh sống có ý nghĩa và định hướng gần gũi với tự nhiên. 
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn