Xông hơi có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng?

Một số nghiên cứu đã xác định được mối liên quan giữa việc xông hơi thường xuyên và chất lượng tinh trùng thấp hơn.

Nhưng những ảnh hưởng này có kéo dài vĩnh viễn không? Và liệu những lợi ích tiềm tàng của việc xông hơi có lớn hơn bất kỳ rủi ro nào không?

Các rủi ro tiềm ẩn khi xông hơi

Một nghiên cứu do Tiến sĩ Andrea Garolla, chuyên gia về y học sinh sản dẫn đầu, đã phát hiện ra rằng những người tham gia xông hơi thường xuyên trong ba tháng có số lượng và khả năng vận động của tinh trùng bị suy giảm. Tuy nhiên, những tác động này đã đảo ngược sau sáu tháng ngừng xông hơi. Và điều quan trọng cần lưu ý là đây là một nghiên cứu nhỏ chỉ có 10 người tham gia.

Ông Andrew Huberman, giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Stanford, đã lưu ý về ưu điểm và nhược điểm khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt. Tiếp xúc với nhiệt một cách có chủ ý có thể cải thiện tâm trạng, điều hòa hormone, nâng cao kết quả thi đấu thể thao và khả năng phục hồi. Tuy nhiên, đối với nam giới, đặc biệt là những người đang cố gắng thụ thai, thì việc cố tình tiếp xúc với nhiệt nhiều lần có thể làm giảm số lượng tinh trùng.

Mặc dù số lượng tinh trùng có thể phục hồi sau khi ngừng xông hơi, nhưng ông nhấn mạnh rằng tình trạng phục hồi có thể không xảy ra trong vòng 60 ngày.

Ông Giresh Kanji, một chuyên gia về đau cơ xương khớp ở New Zealand, đã nghiên cứu tác dụng của việc xông hơi trong hơn một thập niên. Khi được hỏi về [mối liên hệ giữa] việc tiếp xúc với nhiệt và giảm chất lượng tinh trùng, ông Kanji nói rằng ông không biết về bất kỳ nghiên cứu chắc chắn nào chỉ ra tác dụng phụ đối với nam giới sử dụng liệu pháp xông hơi. Ngược lại, ông nói, “Nghiên cứu này vô cùng tích cực.”

Những lợi ích của việc xông hơi

Tiến sĩ Jari Laukkanen, bác sĩ tim mạch tại Đại học Eastern Finland, tin rằng xông hơi mang lại nhiều lợi ích cho cả nam và nữ và vượt xa mọi rủi ro tiềm ẩn.

Ông nói với The Epoch Times rằng “một số nghiên cứu,” trong đó có một nghiên cứu của riêng ông, “cho thấy rằng xông hơi thường xuyên (khoảng 20 đến 30 phút mỗi lần) giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột tử do tim, đột quỵ và mất trí nhớ.”

Khi được hỏi về những tác hại của việc xông hơi đối với chất lượng tinh trùng, Tiến sĩ Laukkanen cho biết, “Dựa trên những bằng chứng hạn chế hiện có, thì không có tác động tiêu cực, lâu dài nào.” Hơn nữa, “các tác động đó không có ảnh hưởng xấu đối với chức năng tình dục hoặc sinh sản.”

Xông hơi và các thay đổi nội tiết tố

Tiến sĩ Laukkanen cho biết, xông hơi gây ra nhiều thay đổi ngắn hạn về nồng độ hormone, bao gồm sự gia tăng đáng kể norepinephrine, một chất dẫn truyền hóa học và là hormone đóng vai trò quan trọng trong các cử động, chức năng cơ thể cũng như tâm trạng, suy nghĩ và mức độ đói của chúng ta. Hormone này còn giúp phục hồi trí nhớ và cải thiện khả năng chịu đau.

Ngoài ra, mồ hôi thoát ra do xông hơi làm cơ thể tăng sản xuất hormone chống lợi tiểu, hay còn gọi là vasopressin, giúp duy trì cân bằng thể dịch.

Việc thường xuyên xông hơi không liên quan đến việc giảm khả năng sinh sản, mặc dù một số nam giới có hiện tượng giảm sản xuất tinh trùng và một số phụ nữ bị gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt.

Xông hơi giúp giảm đau

Xông hơi có thể làm giảm các triệu chứng đau và viêm dai dẳng–vốn có ảnh hưởng không tốt đến hiệu suất công việc.

Đặc biệt, xông hơi thường xuyên sẽ giúp ích cho những người bị viêm khớp dạng thấp và đau lưng. Tại Hoa Kỳ có khoảng 8% người trưởng thành, tương đương 16 triệu người bị đau lưng mạn tính. Hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm khớp dạng thấp.

Xông hơi giảm stress

Ông Kanji nói với The Epoch Times rằng xông hơi có tác dụng giảm bớt căng thẳng. Theo ông, “căng thẳng” có thể được mô tả là một tình trạng trong đó trương lực của hệ thần kinh giao cảm tăng lên và trương lực của hệ phó giao cảm giảm đi.

Căng thẳng mạn tính dẫn đến mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần, tức giận, cáu kỉnh, cũng như nhiều hậu quả lâu dài như mất trí nhớ, bệnh tim và giảm chức năng miễn dịch.

Nghiên cứu của ông đã phát hiện ra năm thói quen giúp cải thiện “rối loạn chức năng tự chủ” bao gồm xông hơi, tập thể dục tim mạch thường xuyên, yoga, thái cực quyền và thiền định.

Ông Kanji lưu ý, “xông hơi là thói quen hiệu quả nhất trong tất cả các thói quen thông thường để giúp giảm các triệu chứng căng thẳng.”

Đối với hầu hết người Mỹ, căng thẳng mạn tính gần như là một phần không mong muốn nhưng luôn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Ông Kanji cho biết thêm, có nhiều nghiên cứu “cho thấy sự cải thiện rõ rệt về chức năng của hệ thần kinh sau bốn tuần xông hơi.”

Xông hơi giúp ngủ ngon hơn

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng xông hơi có tác động tích cực đến giấc ngủ. Đây là trường hợp của ông Kanji, ông nói rằng xông hơi chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của ông.

Trước 15 tuổi, ông đã phải nhập viện 4 lần vì bệnh nặng. Ông còn bị tổn thương tâm lý sau khi chứng kiến hai anh chị em tử vong và cuộc sống nghèo khổ mà ông đã trải qua. Cho tới năm 40 tuổi, ông thường xuyên ngủ không ngon giấc trong 3-4 đêm mỗi tuần vì chứng đổ mồ hôi ban đêm và những cơn ác mộng.

Sau đó, ông quyết định theo học tiến sĩ trong 5 năm với chuyên ngành căng thẳng và chứng đau. Và chương trình học này đã giúp ông tìm thấy mối liên hệ giữa chứng đau, sự căng thẳng và lợi ích của nhiệt. “Xông hơi thường xuyên giúp tôi ngủ ngon hơn nhiều so với việc tập thể dục, điều này thật tuyệt vời.” Hơn nữa, trong suốt 10 năm qua, ông chưa hề gặp lại ác mộng hay đổ mồ hôi ban đêm.

Khi được hỏi tần suất xông hơi, ông Kanji cho biết ông đến phòng xông hơi 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần 20 phút.

Những lưu ý để tối ưu việc xông hơi

Phòng xông hơi có nhiệt độ khác nhau, thường dao động từ 113 F đến 212 F (45°C đến 100°C).

Về nhiệt độ tối ưu khi sử dụng phòng xông hơi, ông Kanji nhấn mạnh không phải phòng xông hơi nào cũng được thiết kế giống nhau. Ví dụ, phòng xông hơi khô ở Thụy Điển có thể lên tới 80°C (176 F).

“Lý tưởng nhất,” ông nói về phòng xông hơi kiểu Thụy Điển, “60 đến 70°C là thoải mái nhất.” Tuy nhiên, ông kết luận, “Xông hơi hồng ngoại có thể bắt đầu ở nhiệt độ 40°C mà vẫn mang lại hiệu quả như mong muốn.”

Nghiên cứu của Tiến sĩ Garolla cho thấy số lượng và khả năng vận động của tinh trùng bị suy giảm, trong đó những người tham gia xông hơi ở nhiệt độ 80°C đến 90°C. “Những người đàn ông muốn tránh hiện tượng giảm số lượng tinh trùng do nhiệt,” theo ông Huberman, “có thể dùng một túi chườm mát hoặc lạnh khi ở trong phòng xông hơi.”

Với các cách phòng ngừa thích hợp, người xông hơi có thể giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ để trải nghiệm nhiều lợi ích khi để cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thích hợp.

Thu Anh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

John Mac Ghlionn
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn