6 tác nhân gây đau kinh niên đáng ngạc nhiên

Nếu bạn đang bị cơn đau kinh niên mà không có nguyên nhân rõ ràng, hãy thử xem qua danh sách các tác nhân sau đây. Thông thường, đau đớn về thể chất có thể là kết quả của một vấn đề sức khỏe ẩn giấu, yếu tố lối sống hoặc chấn thương tinh thần mà bạn chưa từng nghĩ đến.

Trên thế giới có hơn 1.5 tỷ người bị đau kinh niên. Ở Mỹ, con số này là khoảng 100 triệu người trưởng thành, nhiều hơn bệnh tiểu đường, bệnh tim và ung thư cộng lại.

Đây có thể là một chứng bệnh khó điều trị vì trong khi một số cơn đau kinh niên có liên quan đến chấn thương hoặc bệnh tật, thì những trường hợp khác lại không có nguyên nhân khởi phát (chẳng hạn như chấn thương lưng, nhiễm trùng, viêm khớp hoặc ung thư) gây ra cơn đau.

Trong một số trường hợp, cơn đau có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm mà không rõ nguyên nhân. Ví dụ như đau thắt lưng, đau đầu hoặc thậm chí đau thần kinh, là cơn đau xuất phát từ hệ thần kinh ngoại vi hoặc trung ương.

Đau kinh niên là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật

Đau kinh niên (đặc biệt là đau lưng) là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người Mỹ, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và năng suất làm việc. Khi tính đến các chi phí y tế và chi phí kinh tế (tàn tật, mất lương và giảm năng suất), việc chăm sóc giảm đau đã tiêu tốn của hệ thống chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ lên đến 635 tỷ USD mỗi năm.

Đây là một con số cao đáng kinh ngạc, nhưng cũng không thể bù đắp được những tổn thương mà cơn đau kinh niên có thể gây ra đối với cuộc sống của một người. Ví dụ, theo một cuộc khảo sát về những người bị đau kinh niên của American Pain Foundation:

  • 59% báo cáo có tác động đến chất lượng cuộc sống tổng thể
  • 77% cảm thấy chán nản
  • 70% gặp khó khăn khi tập trung
  • 74% có hoạt động bị ảnh hưởng bởi cơn đau.
  • 86% không thể ngủ ngon

Hơn nữa, những người bị đau kinh niên không thể phát huy hết tiềm năng nghề nghiệp, chẳng hạn những người lao động cho biết họ mất đi trung bình gần năm giờ làm việc mỗi tuần do đau. 20% người buộc phải nghỉ việc hoặc thay đổi công việc hoàn toàn do đau. Một tỷ lệ phần trăm đáng kể khác (13%) suy nhược vì đau đớn đến mức họ phải nhận sự trợ giúp trong các hoạt động sống hàng ngày.

Ngoài ra cũng cần xem xét đến các tác dụng phụ của thuốc giảm đau, mà nhiều người tin là lựa chọn duy nhất để giảm đau. Tuyên bố từ Hiệp hội các Bác sĩ điều trị Đau can thiệp Hoa Kỳ ở Quốc hội cho biết, người Mỹ tiêu thụ 80% lượng thuốc giảm đau trên thế giới, và một khi bạn bắt đầu dùng, những loại thuốc này sẽ gây ra một loạt các phản ứng trong cơ thể khiến bạn rất khó dừng lại.

Có thể chèn thêm ảnh thuốc giảm đau

Những thuốc giảm đau opioid như morphine, codeine, oxycodone, hydrocodone và fentanyl là một trong những nhóm thuốc thường bị lạm dụng nhất. Những loại thuốc này không chỉ gây nghiện, mà còn có thể dẫn đến thở chậm và tử vong nếu uống quá nhiều, và những rủi ro sẽ tăng lên nếu bạn uống thêm rượu.

Có lẽ đáng thất vọng nhất là thực tế có hơn một nửa số người tham gia cuộc khảo sát của American Pain Foundation cho biết họ cảm thấy rất ít hoặc không kiểm soát được cơn đau. Thông thường, điều này là do họ thậm chí còn không biết nguyên nhân gây ra cơn đau kinh niên, chứ chưa nói đến cách điều trị hiệu quả.

6 tác nhân gây đau phổ biến có thể khiến bạn ngạc nhiên

Trước hết, tôi tin chắc rằng bạn nên biết ơn những cơn đau vì đó là cách cơ thể đang phản hồi mạnh mẽ rằng một số hoạt động trong lối sống thường ngày là căn nguyên của sự suy giảm chức năng. Rõ ràng, điều này không đúng với đa số các chấn thương, nhưng chấn thương chỉ chiếm một phần nhỏ của chứng đau kinh niên.

Bạn có biết căn bệnh nào khiến cơ thể mất đi sự nhạy cảm với cơn đau không? Đó là bệnh phong. Những người mắc bệnh phong thường tử vong sớm vì các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng mà họ mắc phải do mất đi các phản ứng khi tiếp xúc với các vật nóng hoặc sắc nhọn có hại trong môi trường.

Nếu bạn đang bị cơn đau kinh niên mà không có nguyên nhân rõ ràng, hãy xem qua danh sách các tác nhân sau đây. Thông thường, đau đớn về thể chất có thể là kết quả của một vấn đề sức khỏe ẩn giấu, yếu tố lối sống hoặc chấn thương tinh thần mà bạn chưa từng nghĩ đến.

1. Sang chấn tâm lý

Ít người muốn biết rằng nỗi đau của họ có nguồn gốc từ tâm lý hoặc cảm xúc, nhưng có khá nhiều bằng chứng đã chứng minh cho điều này. Một giả thuyết cho rằng sang chấn tâm lý (cùng với chấn thương thể chất và độc tố môi trường) có thể kích thích các phân tử microglia trong hệ thần kinh trung ương.

Các phân tử này gây tiết các hóa chất gây viêm khi căng thẳng, dẫn đến đau kinh niên và các rối loạn tâm lý như lo lắng và trầm cảm. Ví dụ, Tiến sĩ John Sarno đã dùng các kỹ thuật tâm-thân để điều trị những bệnh nhân bị đau thắt lưng trầm trọng và là tác giả của một số cuốn sách về chủ đề này.

Ông chuyên [điều trị] những người đã từng phẫu thuật do đau thắt lưng và không thuyên giảm. Đây là nhóm những bệnh nhân khó điều trị, nhưng có tỷ lệ thành công hơn 80% nhờ các kỹ thuật như Liệu pháp Tự do Cảm xúc (EFT).

2. Thuốc giảm đau

Trớ trêu thay, chính những loại thuốc điều trị đau mà hầu hết các bác sĩ kê toa có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn chỉ sau vài tháng. Tiến sĩ Sanjay Gupta, phó trưởng khoa phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Grady Memorial và là ký giả sức khỏe chính của CNN, báo cáo rằng:

“… Chỉ sau vài tháng uống thuốc, cơ thể sẽ bắt đầu có sự thay đổi. Hiệu quả [thuốc] giảm dần và bệnh nhân cho biết thường chỉ giảm khoảng 30% cơn đau so với lúc đầu. Đáng lo ngại hơn nữa, một nhóm nhỏ trong số những bệnh nhân này phát triển tình trạng tăng cảm đau (tăng nhạy cảm với cơn đau).

Như bạn có thể đoán, tất cả những điều này sẽ dẫn đến việc uống ngày càng nhiều thuốc hơn. Và mặc dù không còn nhiều [hiệu quả] giảm đau, nhưng những loại thuốc này vẫn có thể làm giảm hoạt động thở.

Khi tỉnh táo, bạn có thể không nhận thấy điều đó, nhưng nếu bạn chìm vào giấc ngủ khi uống quá nhiều thuốc giảm đau, bạn sẽ không bao giờ thức dậy nữa. Và vấn đề sẽ tồi tệ hơn theo cấp số nhân nếu uống thêm rượu. Những người uống thuốc giảm đau hoặc thuốc ngủ và một vài ly rượu trên thực tế đang chơi đùa với tính mạng của mình.”

3. Chất lượng giấc ngủ kém

Giấc ngủ kém thực sự có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh sức khỏe. Điều này là do nhịp sinh học (chu kỳ ngủ-thức) thực sự “điều khiển” nhịp điệu của hoạt động sinh học ở cấp độ tế bào. Hơn nữa, cơ thể bạn cần giấc ngủ sâu để phát triển và sửa chữa các mô, điều này rất quan trọng để giảm đau. Theo nghiên cứu gần đây từ Đảo Anh (Great Britain), giấc ngủ kém hoặc ngủ không đủ giấc thực sự là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất cho cơn đau ở người trưởng thành trên 50 tuổi.

4. Hội chứng rò rỉ ruột

Thay đổi cách ăn uống (xem bên dưới) là rất quan trọng để kiểm soát cơn đau, một phần là do sự ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Ví dụ, các chất trong ngũ cốc có thể làm tăng tính thấm của ruột (hội chứng rò rỉ ruột), tạo điều kiện cho các mảnh thức ăn không bị tiêu hóa, vi khuẩn và các chất độc hại khác “lọt” vào trong máu. Rò rỉ đường ruột có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi và đau bụng, cũng như góp phần gây ra nhiều triệu chứng khác, bao gồm viêm và đau kinh niên.

5. Thiếu magnesium

Một trong nhiều vai trò của magnesium là phong bế các thụ thể glutamate trong não, một chất dẫn truyền thần kinh có thể khiến các tế bào thần kinh trở nên quá nhạy cảm với cơn đau. Điều này đặc biệt quan trọng vì ước tính có khoảng 80% người Mỹ thiếu magnesium. Hai yếu tố lối sống chính làm cơ thể cạn kiệt magnesium hơn nữa là căng thẳng và các thuốc kê toa, khiến những bệnh nhân đau kinh niên có nguy cơ đặc biệt thiếu hụt magnesium.

6. Bệnh Lyme

Một số triệu chứng đầu tiên của bệnh Lyme có thể giống như cúm, bao gồm sốt, ớn lạnh, nhức đầu, cứng cổ, đau nhức và mệt mỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng thường kéo dài, một số người bị hơn một thập niên, gây ra cơn đau cơ và khớp. Vì bệnh Lyme và tất cả các bệnh đồng nhiễm gây ra rất nhiều triệu chứng dai dẳng nên dễ bị nhầm lẫn với các rối loạn, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng (MS), viêm khớp, Parkinson, hội chứng mệt mỏi kinh niên, đau cơ xơ hóa, v.v.

Nếu bạn đang bị đau kinh niên mà không biết nguyên nhân vì sao, bạn nên xem xét đến bệnh Lyme, ngay cả khi bạn không nghĩ rằng mình bị bọ ve cắn (động vật trung gian truyền bệnh chính). Ít hơn một nửa số bệnh nhân Lyme nhớ đã từng bị bọ ve cắn. Nhiều bệnh nhân Lyme không nhớ ra vì bọ ve làm tê da trước khi cắn khiến họ mất cảm giác. Trong một số nghiên cứu, số người nhớ mình bị cắn chỉ là 15%. Vì vậy, nếu bạn không nhớ mình đã nhìn thấy một con ve trên cơ thể mình, thì điều đó không loại trừ khả năng bạn bị bệnh Lyme.

Đa số các bác sĩ đều không biết cách điều trị chứng đau kinh niên

Các cuộc khảo sát cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 7 người tin rằng nghiên cứu và quản lý cơn đau nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của cộng đồng y tế. Nhưng hiếm khi điều này được thực hiện. Nghiên cứu APPEAL (Nâng cao nguồn cung giáo dục và học tập về cơn đau), khảo sát các trường đại học y khoa ở Âu Châu, cho thấy rằng ngay cả khi áp dụng bắt buộc, các khóa học giảm đau cũng chỉ chiếm 12 giờ của chương trình [đào tạo] sáu năm – hoặc 0,2%. Hơn nữa, đa số các trường học thực sự không có các khóa học bắt buộc về cơn đau cho tất cả học sinh.

Điều này có nghĩa là 12 giờ học tập về cơn đau được xem là tình huống tốt nhất. Đối với 82% các trường y khoa không có các khóa học giảm đau bắt buộc, sinh viên thậm chí có thể được đào tạo ít hơn… hoặc hoàn toàn không. Mặc dù nghiên cứu APPEAL diễn ra ở Âu Châu, nhưng nghiên cứu này lặp lại một xu hướng tương tự với một nghiên cứu riêng biệt ở Mỹ và Canada được công bố trên The Journal of Pain.

Đa số các trường học chỉ giáo dục về đau như một phần của các khóa học giáo dục phổ thông. Ít hơn 4% các trường có một khóa học bắt buộc và nhiều trường không cung cấp các khóa học chuyên sâu. Khi không biết cách điều trị hiệu quả cơn đau kinh niên, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp điều trị duy nhất mà họ biết: thuốc kê toa, nhưng không giải quyết được nguyên nhân cơ bản khiến bạn bị đau. Chưa kể, có những lựa chọn không dùng thuốc để điều trị cơn đau song song với việc áp dụng lối sống lành mạnh để cân bằng trở lại. Các lựa chọn không dùng thuốc có thể bao gồm:

  • Nắn chỉnh cột sống (Chiropractic) hoặc nắn xương: Theo một nghiên cứu được công bố trên Biên niên sử Y học Nội khoa (Annals of Internal Medicine) và được Viện Y tế Quốc gia tài trợ, những bệnh nhân bị đau cổ dùng phương pháp nắn chỉnh cột sống và/hoặc tập thể dục có khả năng hết đau cao hơn gấp đôi trong 12 tuần so với những người dùng thuốc.
  • Massage: Massage kích thích bài tiết endorphin, giúp thư giãn, giảm đau và giảm nồng độ các chất gây căng thẳng như cortisol và noradrenaline – đảo ngược tác hại của căng thẳng bằng cách làm chậm nhịp tim, hô hấp, trao đổi chất và giảm huyết áp.
  • Châm cứu: Các nhà nghiên cứu kết luận rằng châm cứu có tác dụng giảm đau kinh niên, chẳng hạn như đau lưng và đau đầu, nhiều hơn so với phương pháp điều trị giảm đau thông thường.
  • Vật lý trị liệu: Có thể là một phương pháp hiệu quả cao để phục hồi tổn thương do đau.
  • Khôi phục tư thế thích hợp: Phương pháp Gokhale giúp giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cơn đau vật lý, thường do tư thế không đúng. Phương pháp này dạy bạn khôi phục tư thế đúng ban đầu, bao gồm cách đứng, ngồi và di chuyển. Bạn cũng có thể thử Foundation Training (rèn luyện cơ bản) — một phương pháp sáng tạo do Tiến sĩ Eric Goodman phát triển để điều trị chứng đau thắt lưng kinh niên của chính mình. Các bài tập được thiết kế để củng cố toàn bộ vùng cốt lõi (thân mình) và vận động theo cách tự nhiên.

4 thay đổi trong cách ăn uống để giảm đau

Có thể chèn thêm ảnh

Nếu bạn bị đau kinh niên, rất có thể bạn cần điều chỉnh cách ăn uống như sau:

1. Bắt đầu bổ sung chất béo omega-3 chất lượng cao có nguồn gốc từ động vật, như dầu nhuyễn thể. Chất béo omega-3 là tiền thân của chất trung gian gây viêm prostaglandin. (Trên thực tế, cơ chế hoạt động của thuốc giảm đau chống viêm chính là trực tiếp tác động đến prostaglandin.) Nhiều nghiên cứu lâm sàng và động vật đã phát hiện chất béo omega-3 EPA và DHA có trong dầu nhuyễn thể có đặc tính chống viêm, có lợi cho giảm đau.

2. Giảm tiêu thụ hầu hết các loại thực phẩm chế biến sẵn không chỉ chứa đường và các chất phụ gia, mà còn có chất béo omega-6 làm đảo lộn tỷ lệ omega-3:6 vốn dễ bị phá vỡ. Điều này góp phần gây ra viêm, một yếu tố chính gây ra hầu hết các cơn đau.

3. Loại bỏ hoặc giảm triệt để hầu hết các loại ngũ cốc và đường (đặc biệt là fructose). Tránh ngũ cốc và đường sẽ làm giảm lượng insulin và leptin. Mức insulin và leptin tăng cao là một trong những yếu tố kích thích sản xuất prostaglandin gây viêm nhiều nhất. Đó là lý do vì sao loại bỏ đường và ngũ cốc rất quan trọng để kiểm soát cơn đau.

4. Tối ưu hóa việc sản xuất vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thích hợp và thường xuyên. Vitamin D giúp giảm đau thông qua nhiều cơ chế khác nhau.

Hãy thử các loại thuốc giảm đau từ Mẹ thiên nhiên

Nếu bạn bị bất kỳ dạng đau kinh niên nào, xin hãy hiểu rằng có nhiều lựa chọn an toàn và hiệu quả thay thế cho thuốc giảm đau theo toa và không theo toa. Các giải pháp tự nhiên dưới đây giúp giảm đau tuyệt vời mà không có bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với sức khỏe như các loại thuốc giảm đau thường mang lại.

  • Gừng: Loại thảo mộc này có khả năng chống viêm, giảm đau và làm dịu dạ dày. Gừng tươi có tác dụng tốt khi dùng với nước sôi như trà hoặc xay thành nước ép.
  • Curcumin: Curcumin là hợp chất có tác dụng trị liệu chính của nghệ. Trong một nghiên cứu trên các bệnh nhân viêm xương khớp, những người chỉ bổ sung 200mg curcumin mỗi ngày vào kế hoạch điều trị đã giảm đau và tăng khả năng vận động. Trên thực tế, curcumin đã được chứng minh trong hơn 50 nghiên cứu lâm sàng là có hoạt tính chống viêm mạnh mẽ, cũng như khả năng làm giảm các tác dụng có hại đối với sức khỏe liên quan đến Tylenol trong bốn nghiên cứu.
  • Boswellia: Còn được gọi là boswellin hoặc “nhũ hương Ấn Độ”, loại thảo mộc này có các đặc tính chống viêm mạnh mẽ, đã được đánh giá cao trong hàng nghìn năm. Đây là một trong những thảo mộc yêu thích của tôi, vì tôi đã thấy Boswellia có tác dụng tốt với nhiều bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
  • Bromelain: Enzyme tiêu hóa protein này được tìm thấy trong dứa, là một chất chống viêm tự nhiên. Bạn có thể nhận được bromelain ở dạng bổ sung, nhưng ăn dứa tươi cũng có thể hữu ích. Hãy nhớ rằng đa số bromelain được tìm thấy trong lõi của trái dứa, vì vậy hãy để lại một ít lõi nguyên vẹn khi ăn.
  • Cetyl Myristoleate (CMO): Dầu CMO được tìm thấy trong cá và bơ sữa, hoạt động như một “chất bôi trơn khớp” và chất chống viêm. Tôi đã tự dùng một chế phẩm bôi ngoài da để làm giảm u nang hạch và hội chứng ống cổ tay gây khó chịu nhẹ khi gõ bàn phím không công thái học quá nhiều.
  • Tinh dầu hoa anh thảo, dầu lý chua đen và dầu lưu ly: Các loại dầu này chứa acid béo gamma linolenic acid (GLA), rất hữu ích để điều trị đau khớp.
  • Kem Cayenne: Còn được gọi là kem capsaicin, loại gia vị này có nguồn gốc từ ớt cay khô. Kem Cayenne làm dịu cơn đau bằng cách làm cạn kiệt nguồn cung cấp chất P, một thành phần hóa học của tế bào thần kinh truyền tín hiệu đau đến bộ não.

Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Joseph Mercola
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ bác sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com là tác giả có sách bán chạy nhất, nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn cốt lõi của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn