Cách lấy nước ra khỏi tai

Không ai thích bị nước vào tai, nhưng đôi khi lấy nước ra khỏi tai còn gây ra tình trạng xấu hơn tùy theo cách lấy. Kim đan len, bút và kẹp tăm thực sự có thể làm thủng màng nhĩ hoặc gây nhiễm trùng trầm trọng. Vậy cách tốt nhất để lấy nước ra khỏi tai là gì?

TÓM TẮT BÀI VIẾT

  • Vận dụng định luật vạn vật hấp dẫn, hút và làm bay hơi là hai cách để lấy nước ra khỏi tai.
  • Đừng bao giờ dùng cây bút, kẹp tăm, kim móc, hoặc thậm chí cả ngón tay cho vào tai để lấy nước ra khỏi tai vì có thể làm thủng màng nhĩ hoặc gây nhiễm trùng.
  • Viêm ống tai ngoài là loại nhiễm trùng phổ biến nhất ở người lớn, không nên nhầm lẫn bệnh này với viêm tai giữa, vốn là loại nhiễm trùng tai phổ biến ở trẻ em.
  • Đau, viêm, đóng vảy và chảy nước đều là các triệu chứng của viêm ống tai ngoài, nguyên nhân thường gặp nhất là do nước trong bể bơi, bồn tắm, công viên nước, đài phun nước, hồ, sông hoặc đại dương bị ô nhiễm.

Đã bao giờ bạn đi bơi (hoặc ngâm trong bồn tắm) và nghiêng đầu sai cách rồi có cảm giác khó chịu khi nước tràn vào ống tai chưa?

Thông thường nước sẽ tự chảy ra ngoài, nhưng nếu không thoát được, nước có thể bị ứ lại và dẫn đến tình trạng viêm ống tai ngoài. Ban đầu, bạn có cảm giác không thoải mái – cảm giác hơi nhột nhột, đau đến chảy nước mắt ở mọi nơi từ tai đến xương hàm và cổ họng, đồng thời có thể nghe không rõ âm thanh.

Tuy nhiên nước không phải là nguyên nhân duy nhất có thể làm các triệu chứng trầm trọng hơn. Việc cố gắng chữa nhưng sai cách như sử dụng tất cả các vật dụng để giúp mở ống tai và có lẽ lấy đi cả ráy tai ra khỏi ống tai có thể làm cho bệnh trở nên nặng hơn hay thậm chí là đưa vi khuẩn gây nhiễm trùng vào trong.

Bạn không nên sử dụng tăm bông, bút, kẹp tăm, kim móc hoặc thậm chí là ngón tay để lấy nước ra khỏi tai.

Bất kỳ dụng cụ nào trong số này đều có thể gây tổn thương lớp màng nhĩ mỏng manh. Đừng làm vậy nhé! Ít nhất, việc này có thể gây nhiễm trùng tai. Có một số cách an toàn và hiệu quả để lấy nước ra khỏi tai mà không làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Những cách lấy nước ra khỏi tai

Hẳn là không ai thích nước đọng trong tai. Thành thật mà nói, việc này khiến bạn thấy khó chịu, nhưng để lấy nước ra khỏi tai một cách an toàn và không gây thêm vấn đề gì thì cần hiểu đặc điểm của nước. Hãy nhớ rằng, trọng lực sẽ khiến nước dù ở bất cứ đâu cũng chảy về nơi thấp nhất và đọng lại. Làm bay hơi, hút ra hoặc thấm hút nước là những giải pháp khác mà bạn nên thử dùng.

  • Sử dụng trọng lực có lẽ là cách thiết thực nhất để lấy nước ra khỏi tai. Bạn chỉ cần kéo hoặc lắc nhẹ dái tai để thay đổi hình dạng của ống tai đồng thời nghiêng đầu về phía vai cũng có tác dụng.
  • Hút – Tạo một máy hút bằng cách nghiêng đầu sang một bên và luân phiên khum lòng bàn tay ép chặt vào tai rồi đưa ra xa, làm như vậy vài lần. Việc này có thể giúp loại bỏ nước khỏi tai hoặc ít nhất là kéo dòng nước để chảy ra ngoài.
  • Làm bay hơi – Các chuyên gia khuyên dùng máy sấy tóc để làm bay hơi nước trong tai. Bật máy ở mức nhiệt và lực sấy thấp nhất, giữ máy ở cách tai khoảng 1 foot (30cm) và di chuyển từ từ qua lại để phân bổ lực khí thổi hướng vào tai, giúp làm bay hơi nước đọng trong tai. Đồng thời thực hiện động tác kéo dái tai. Tuy nhiên, bạn có thể cần người giúp đỡ khi thực hiện theo cách này.
  • Thấm hút – Tương tự như cách chiếc điện thoại di động vô tình bị rơi vào nước có thể hồi sinh một cách kỳ diệu (trong điều kiện thích hợp) bằng cách đặt vào một túi gạo khô, phương pháp thấm hút có thể có tác dụng loại bỏ nước đọng trong tai. Hãy thử dùng khăn tắm hoặc khăn mặt khô để lau tai sau khi tắm. Dùng khăn ấm nóng để chườm lên tai để rút nước, làm dịu tai, kết hợp vài phương pháp trên cũng có thể hữu ích.
  • Làm bay hơi và ngăn ngừa nhiễm trùng – Hỗn hợp cồn và giấm ăn tỉ lệ 1-1 có thể giúp nước bay hơi đồng thời ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Nhỏ ba đến bốn giọt dung dịch vào tai, nghiêng đầu sang một bên để dung dịch phát huy tác dụng trong vài phút, sau đó lau khô.
  • Rửa bằng tia nước sau đó lau khô – Dùng hỗn hợp nước và hydrogen peroxide tỉ lệ 1-1 theo cách tương tự có thể làm mềm ráy tai và làm khô nước đọng trong tai. Bạn có thể cảm thấy như “tiếng xèo xèo,” tiếng nổ bốp và thậm chí cảm thấy ngứa sâu bên trong tai. Nghiêng đầu sang một bên, nhỏ ba hoặc bốn giọt dung dịch và để “thấm” trong vài phút trước khi lau khô.

Lưu ý: Nếu bạn hoặc con bạn đã từng bị nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ hoặc thủng ống tai thì không nên dùng các phương pháp liên quan đến nhỏ thuốc.

Cách phòng ngừa và tại sao phòng ngừa lại quan trọng

Khi các chú chó ngoi lên khỏi mặt nước, chúng lắc đầu mạnh từ bên này sang bên kia, phun nước ra theo mọi hướng để loại bỏ nước thừa trên lông, nhưng đây cũng là một giải pháp phòng ngừa để rũ nước ra khỏi tai của chúng.

Hành động này có lẽ trông kỳ quặc nhưng đáng giá với những gì bạn nhận được. Đặc biệt nếu nước vào tai có xu hướng gây ra các bệnh thì việc đội mũ bơi hoặc bịt tai khi tắm hoặc bơi sẽ không gây bất tiện gì cho bạn.

Trong thực tế, các bác sĩ khuyên những người tham gia các môn thể thao dưới nước (hoặc thường xuyên ở dưới nước vì bất kỳ lý do nào khác) nên đeo nút bịt tai. Nhiễm trùng là điều cần phải cảnh giác nhất để phòng ngừa. Nhất là đối với nước nước hồ hoặc sông, hoặc từ nơi có thể bị ô nhiễm. Vi khuẩn có hại trong nước có thể gây viêm ống tai ngoài.

Theo American Academy of Otolaryngology—Head and Neck Surgery (Viện Tai mũi họng Hoa Kỳ – Phẫu thuật Đầu và Cổ), nguy cơ phát triển bệnh viêm ống tai ngoài tăng lên nếu bạn bị bệnh chàm, bệnh vẩy nến hoặc chứng rối loạn da mạn tính tương tự. Các tình trạng khác cũng khiến viêm ống tai ngoài trở nên phổ biến hơn, theo Medical News Today.

  • Tai ẩm ướt hơn bình thường.
  • Có vết xước hoặc vết cắt trong ống tai.
  • Dị ứng với các sản phẩm chăm sóc da, tóc hoặc đồ trang sức.
(Ảnh: crystal light/shutterstock)
(Ảnh: crystal light/shutterstock)

Thông tin cần biết về nhiễm trùng tai

Nhiễm trùng có thể lây lan, gồm cả nhiễm trùng do mới xỏ khuyên tai, và có thể khiến tình trạng nhiễm trùng tai trở nên trầm trọng hơn. Một số người có thể cho rằng việc kiểm tra độ pH và khử trùng nước trong bể bơi bằng clo thường xuyên sẽ diệt tất cả các vi khuẩn gây nhiễm trùng nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết vi trùng có thể lây lan ngay cả qua màn sương mỏng của nước bị ô nhiễm trong bể bơi, hơi nước trong bồn tắm nước nóng, công viên nước, khu vui chơi dưới nước, đài phun nước tương tác, hồ, sông hoặc đại dương. Cụ thể hơn:

“Nhiễm trùng tai có thể xảy ra do để nước nhiễm bẩn đi vào tai sau khi bơi. Nhiễm trùng này, được gọi là bệnh tai của những người bơi lội hoặc bệnh viêm tai ngoài, không giống như bệnh viêm tai giữa thông thường ở trẻ em.”

“Nhiễm trùng xảy ra ở ống tai ngoài và có thể gây đau đớn, khó chịu cho người bơi lội ở mọi lứa tuổi. Tại Hoa Kỳ, bệnh viêm ống tai ngoài là nguyên nhân của khoảng 2.4 triệu lượt khám bệnh mỗi năm và tiêu tốn gần nửa tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe.”

Nhiễm trùng tai và những biến chứng khác

Ngoài đau, đỏ, và sưng bên trong và bên ngoài tai, các triệu chứng mà Medical News Today liệt kê bao gồm:

  • Mất thính giác một phần (và tạm thời) do sưng tấy.
  • Da có vảy, bong tróc bên trong và xung quanh ống tai.
  • Chảy nước hoặc mủ có thể có mùi hôi.
  • Ngứa và kích ứng bên trong và xung quanh ống tai.
  • Đau tai khi cử động miệng để nói hoặc ăn.
  • Sưng các tuyến bạch huyết trong cổ họng.

Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP), bệnh viêm ống tai ngoài liên quan đến tình trạng viêm bên ngoài ống tai và có thể lan đến màng nhĩ:

“Dạng cấp tính có tỷ lệ mắc bệnh hàng năm khoảng 1% và tỷ lệ mắc bệnh suốt đời là 10%. Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhiễm trùng xâm lấn mô mềm và xương xung quanh; trường hợp này được gọi là viêm ống tai ngoài ác tính (hoại tử) và là một trường hợp cấp cứu y tế xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân đái tháo đường lớn tuổi.”

Medical News Today nhắc lại rằng nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến sốt và đau ở mặt, cổ, hoặc một bên đầu. Ngoài ra:

“Các biến chứng của viêm ống tai ngoài có thể bao gồm khó nghe và đau tạm thời. Các biến chứng hiếm gặp bao gồm nhiễm trùng lâu dài, nhiễm trùng mô sâu, tổn thương xương và sụn, nhiễm trùng lan đến não hoặc dây thần kinh.”

Bệnh viêm ống tai ngoài là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất mà người bơi lội gặp phải và có thể kéo dài tới ba tuần. Nếu tình trạng này kéo dài hơn hoặc tình trạng đau và viêm kéo dài trong vài ngày thì bạn nên đi khám ở các chuyên gia y tế.

Kháng sinh và vaccine có thể khiến bệnh trầm trọng hơn

Nhiễm trùng tai giữa được đề cập phía trên, hay viêm tai giữa, là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng không phải ai cũng sẽ gặp. Học viện Tai mũi họng Hoa Kỳ – Phẫu thuật Đầu và Cổ lưu ý:

“Khoảng 62% trẻ em ở các nước phát triển sẽ trải qua đợt viêm tai giữa đầu tiên khi được một tuổi, hơn 80% vào lần sinh nhật thứ ba, và gần 100% trẻ sẽ bị ít nhất một đợt viêm tai giữa trước 5 tuổi.”

“Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, căn bệnh này gây ra 25 triệu lượt khám bệnh hàng năm với chi phí trực tiếp cho việc điều trị ước tính khoảng 3 tỷ USD. Các nhà kinh tế y tế nói thêm rằng khi tính cả tiền lương bị mất của cha mẹ, tổng chi phí điều trị ước tính lên tới 6 tỷ USD.”

Hơn nữa, phương pháp điều trị thông thường cho trẻ em bị các bệnh nhiễm trùng này thường là dùng thuốc kháng sinh hoặc đặt ống cân bằng áp suất bằng phẫu thuật. Nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, đồng nghĩa với việc nhiễm trùng càng trở nên khó điều trị hơn. Trong trường hợp xấu hơn nữa, các ống không phải lúc nào cũng hoạt động bình thường và có thể cần phải lắp lại.

Mặc dù theo khái niệm, vaccine là để kích thích hệ miễn dịch của con người mà không thực sự gây bệnh, nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy. Trang web cho biết thêm rằng phế cầu khuẩn là một trong những loại vi khuẩn phổ biến nhất và nguy hại tiềm tàng gây nhiễm trùng tai (chưa kể nhiễm trùng xoang, viêm phổi và viêm màng não).

Nếu vaccine ngừa phế cầu khuẩn được khuyến nghị cho con bạn, bạn sẽ cần cân nhắc giữa rủi ro của vaccine và các lợi ích tiềm năng. Trong trường hợp nhiễm trùng tai thường tự khỏi mà không cần điều trị, có một số nghiên cứu cho thấy trẻ được chích vaccine thực sự bị nhiễm trùng tai nhiều hơn những trẻ không được chích ngừa. Hơn nữa, nhiều trẻ em có thể bị phản ứng bất lợi do vaccine hơn bất kỳ loại thuốc hoặc thủ thuật nào khác.

Bài viết được công bố lần đầu vào ngày 16/12/2023, trên Mercola.com.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Joseph Mercola
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ bác sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com là tác giả có sách bán chạy nhất, nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn cốt lõi của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn