Bàn chải đánh răng của bạn bẩn đến mức nào?

Bàn chải đánh răng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh, nhưng cách bạn bảo quản và vệ sinh bàn chải có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng vi khuẩn.

TÓM LƯỢC

  • Bàn chải đánh răng là nơi chứa vi sinh vật và bị nhiễm vi sinh vật truyền nhiễm ngay sau lần sử dụng đầu tiên.
  • Bàn chải đánh răng của cả người khỏe mạnh và người bị bệnh răng miệng đều chứa vi khuẩn và virus gây bệnh, bao gồm cả E. coli và virus herpes simplex.
  • Một nghiên cứu cho thấy 70% bàn chải đánh răng sau khi sử dụng bị nhiễm số lượng lớn vi sinh vật gây bệnh.
  • Không nên cất giữ bàn chải đánh răng trong phòng tắm chung – ít nhất 60% đã bị nhiễm vi khuẩn coliform từ phân, bất kể bạn đã cất giữ hay làm sạch như thế nào.
  • Cách bảo quản tốt nhất là để bàn chải đánh răng ở nơi khô ráo, giúp bàn chải được hong khô bằng không khí. Không nên đặt bàn chải đánh răng vào hộp đậy kín, vì điều này có thể khiến bàn chải đánh răng bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Nhúng bàn chải đánh răng vào dung dịch hydrogen peroxide 3% có thể giảm 85% lượng vi khuẩn.

Chăm chỉ đánh răng hai lần một ngày là một phần thiết yếu để giữ vệ sinh tốt, nhưng nếu bản thân bàn chải đánh răng không sạch thì sao? Thực tế là bàn chải đánh răng không được vô trùng và việc đánh răng sẽ khiến bàn chải bị nhiễm vi khuẩn, nước bọt, máu, mảnh vụn [thức ăn] từ miệng, v.v. sau mỗi lần đánh răng. Tùy thuộc vào nơi cất giữ bàn chải đánh răng, chẳng hạn như trong phòng tắm, các mảnh chất bẩn từ bồn cầu cũng có thể bám vào lông bàn chải – và sau đó đi vào miệng. Tại Hoa Kỳ, các tổ chức y tế bao gồm CDC [Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh] thừa nhận rằng “ngay cả sau khi được rửa sạch, bàn chải đánh răng vẫn có thể bị nhiễm các sinh vật có khả năng gây bệnh.”

Điều đó có nghĩa là, trừ khi bạn bị một tình trạng trầm trọng như rối loạn chảy máu hoặc ức chế miễn dịch, có thể cần phải làm sạch răng bằng phương pháp khác với bàn chải kém hợp vệ sinh, khó có thể xảy ra các tác động xấu đến sức khỏe do sử dụng bàn chải đánh răng thường xuyên.

Bàn chải đánh răng chứa vi khuẩn gây bệnh

Bàn chải đánh răng là ổ chứa vi sinh vật và bị nhiễm vi sinh vật truyền nhiễm ngay sau lần sử dụng đầu tiên. Sự nhiễm bẩn tăng lên sau mỗi lần sử dụng, theo một tổng quan hệ thống về nhiễm bẩn bàn chải đánh răng trên tập san Nursing Research and Practice (Nghiên cứu và Thực hành Điều dưỡng).

“Bàn chải đánh răng có thể bị ô nhiễm từ khoang miệng, môi trường, bàn tay, hạt aerosol (là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng, trong không khí hoặc chất khí khác), và hộp đựng. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng vi khuẩn bám vào, tích tụ và tồn tại trên bàn chải đánh răng có thể truyền sang người Với mục đích bình duyệt, họ đặc biệt quan tâm đến bàn chải đánh răng được sử dụng cho những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người trong bệnh viện. Tất cả bảy nghiên cứu thực nghiệm và ba nghiên cứu mô tả đã được phân tích, cho thấy rằng bàn chải đánh răng giữ lại một số lượng vi khuẩn đáng kể sau khi sử dụng. Ở cả người khỏe mạnh và người bị bệnh răng miệng, vi khuẩn và virus gây bệnh đều được phát hiện trên bàn chải đánh răng, bao gồm:

  • Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng).
  • E coli.
  • Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh).
  • Virus herpes simplex, với số lượng đủ lớn để gây nhiễm trùng.

Ở những người bị bệnh răng miệng, bàn chải đánh răng có thể nhanh chóng bị nhiễm bẩn, mặc dù một số bàn chải đánh răng đã bị nhiễm bẩn trước khi được sử dụng. Một nghiên cứu cho thấy 70% bàn chải đánh răng sau khi sử dụng bị nhiễm số lượng lớn vi sinh vật gây bệnh. Một nghiên cứu khác đã phát hiện nhiều loại vi khuẩn với số lượng khác nhau trên bàn chải đánh răng.

Cách bảo quản bàn chải đánh răng là rất quan trọng

Cách bảo quản bàn chải đánh răng tốt nhất là để ở nơi khô ráo, giúp bàn chải được hong khô bằng không khí. Không nên đặt bàn chải đánh răng vào một hộp kín, vì điều này có thể khiến bàn chải đánh răng bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Bàn chải đánh răng được bảo quản trong hộp đậy kín hoặc tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm chứa hàm lượng vi khuẩn cao hơn so với bàn chải đánh răng được để khô ngoài trời.

Bảo quản bàn chải đánh răng trong môi trường ẩm ướt cũng có thể làm tăng khả năng sống sót của vi khuẩn trên bàn chải, giống như việc đậy nắp bàn chải vậy. Vi khuẩn tồn tại hơn 24 giờ trên bàn chải đánh răng khi có hơi ẩm, trong khi bảo quản bàn chải đánh răng trong môi trường ẩm ướt, có nắp đậy có thể làm tăng 70% sự phát triển của vi khuẩn.

Hình dạng và thiết kế của bàn chải đánh răng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ lại vi trùng. Cụ thể, lông bàn chải bị sờn hoặc xếp rất sát nhau có thể sẽ bẫy và giữ lại nhiều vi khuẩn hơn.

Một nghiên cứu cho rằng “bàn chải đánh răng hai hàng lông mềm, tròn, trong suốt” có mức độ nhiễm bẩn cao nhất, trong khi độ ẩm và mảnh vụn từ răng miệng còn sót lại trong lông bàn chải sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Mặc dù rõ ràng là bàn chải đánh răng dễ bị nhiễm bẩn, nhưng tác hại của nó đối với sức khỏe con người vẫn chưa được khám phá. Theo nghiên cứu:

“Tất cả các nghiên cứu được chọn đều phát hiện ra rằng bàn chải đánh răng của người lớn khỏe mạnh và người lớn bị bệnh răng miệng đều bị nhiễm vi khuẩn có khả năng gây bệnh từ mảng bám răng, thiết kế [bàn chải], môi trường, hoặc sự kết hợp của các yếu tố… Trong nhóm dễ bị tổn thương như người lớn bị bệnh nặng, tình trạng nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tử vong.”

Vi trùng từ ‘bụi nhà vệ sinh’ có thể là một vấn đề

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ sạch của bàn chải đánh răng là thói quen phổ biến cất giữ bàn chải trong phòng tắm, nơi bồn cầu được xả nước thường xuyên. Các nhà nghiên cứu viết trên Tập san American Journal of Infection Control (Kiểm soát Nhiễm trùng Hoa Kỳ): “Mối liên hệ giữa các hạt bioaerosol có thể hít vào (virus trong không khí, vi khuẩn, bào tử nấm mốc, phấn hoa và các mảnh sinh vật khác) được tạo ra khi xả nước thải và việc lây truyền bệnh truyền nhiễm đã được đề xuất trong hơn 100 năm.”

Nói cách khác, khi xả nước bồn cầu, các hạt bioaerosol trong bồn cầu sẽ được thải vào không khí. Điều này có thể làm lây lan bệnh truyền nhiễm, một phần là do các vi sinh vật trong không khí bám vào bàn chải đánh răng. Phương thức lây truyền bệnh này đã có từ hơn một thế kỷ trước khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra sự lây truyền vi sinh vật trong không khí từ hệ thống thoát nước thải từ tòa nhà bệnh viện này sang tòa nhà bệnh viện khác.

Vào những năm 1950, một nghiên cứu khác đã cấy vi khuẩn Serratia marcescens vào bồn cầu, sau đó xả nước để xem nơi vi khuẩn xuất hiện cuối cùng ở đâu. Các khuẩn lạc của vi khuẩn được tìm thấy trên sàn và vi khuẩn cũng xuất hiện trong không khí – tối đa tám phút sau khi xả nước. Ngay cả trong các nhà vệ sinh sử dụng kiểu xả “rửa sạch,” trong đó nước thoát ra từ mép bồn cầu và chảy xuống bồn cầu, các hạt bioaerosol cũng được tìm thấy phía trên bồn cầu trong vòng bảy phút sau khi xả.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng Clostridium difficile được phát hiện phía trên bệ ngồi trong nhà vệ sinh trong vòng 90 phút sau khi xả nước. Xả nước với nắp úp tạo ra sự khác biệt tích cực, vì nồng độ vi khuẩn cao hơn 12 lần khi xả nắp bồn cầu với nắp úp so với khi xả nắp úp.[15] Nhìn chung, các nhà nghiên cứu lưu ý:

“Có thể kết luận rằng… rằng xả nước bồn cầu tạo ra một lượng đáng kể hạt aerosol dạng chùm có khả năng cuốn theo các vi sinh vật có kích thước ít nhất là bằng vi khuẩn. Các giọt đủ nhỏ chứa đầy vi khuẩn này sẽ bay hơi để tạo thành các hạt bioaerosol đủ nhỏ có thể đi sâu vào phổi khi hít vào. Các hạt bioaerosol có thể tồn tại trong không khí trong thời gian dài và di chuyển theo các luồng không khí.

“Việc tạo ra các bioaerosol trong nhiều xả nước bồn cầu bị nhiễm bẩn cho thấy tiềm năng lâu dài của việc bồn cầu nhiễm bẩn trở thành nơi tạo ra các bioaerosol lây nhiễm.”

Tránh lưu trữ bàn chải đánh răng trong phòng tắm chung

Một nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp thường niên năm 2015 của Hiệp hội Vi sinh Hoa Kỳ đã xem xét trực tiếp điều gì sẽ xảy ra với bàn chải đánh răng được cất giữ trong các phòng tắm chung, chẳng hạn như bàn chải để trong nhà ở của trường đại học. Các nhà nghiên cứu, từ Đại học Quinnipiac ở Connecticut, đã thu thập bàn chải đánh răng từ các phòng tắm chung của trung bình 9.4 người trong mỗi phòng tắm và kiểm tra để tìm các sinh vật có khả năng gây bệnh.

Ít nhất 60% bị nhiễm khuẩn coliform từ phân, bất kể chúng được bảo quản hoặc làm sạch như thế nào. Không có sự khác biệt nào giữa bàn chải đánh răng được rửa bằng nước lạnh, nước nóng, hoặc nước súc miệng. Người ta ước tính rằng, trong 80% các trường hợp, vi khuẩn coliform từ phân trên bàn chải đánh răng đến từ một người khác khi sử dụng phòng tắm.

“Mối quan tâm chính không phải là sự hiện diện của phân của chính bạn trên bàn chải đánh răng của bạn, mà là khi bàn chải đánh răng bị nhiễm phân của người khác, có chứa vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng vốn không phải là một phần của hệ sinh vật bình thường của bạn,” tác giả nghiên cứu Lauren Aber cho biết trong một thông cáo báo chí.

Cô lưu ý rằng việc sử dụng nắp đậy cho bàn chải đánh răng cũng sẽ không bảo vệ bàn chải khỏi bị nhiễm bẩn. Trên thực tế, việc này có thể làm tăng sự phát triển của vi khuẩn vì lông bàn chải được giữ ẩm và không được khô hoàn toàn giữa các lần sử dụng.

Cách tốt nhất để khử trùng bàn chải là gì?

Có sự tranh luận về cách tốt nhất để làm sạch bàn chải đánh răng, nhưng sự đồng thuận chung là cần bàn chải khô tự nhiên. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngâm bàn chải đánh răng trong nước súc miệng 20 phút trước và sau khi đánh răng có thể làm giảm tải lượng vi khuẩn. Việc tiếp xúc với tia cực tím cũng có hiệu quả trong việc giảm tải lượng vi khuẩn trên bàn chải đánh răng.

Tuy nhiên, CDC tuyên bố: “Bạn không cần ngâm bàn chải đánh răng trong dung dịch khử trùng hoặc nước súc miệng. Điều này thực sự có thể lây lan vi trùng trong điều kiện thích hợp.” Rửa bàn chải đánh răng bằng nước máy thông thường không có khả năng ảnh hưởng đến mức độ vi khuẩn. Các nghiên cứu cho thấy “mức độ ô nhiễm và màng sinh học [do vi khuẩn kết tụ] tiếp tục tăng cao” khi làm sạch bàn chải đánh răng theo cách này.

Một trong những cách đơn giản nhất để làm sạch bàn chải đánh răng là nhúng vào dung dịch hydrogen peroxide 3%. Đây là lựa chọn hiệu quả nhất để giảm cả vi khuẩn hiếu khí và kỵ khí trên đầu bàn chải đánh răng, so với nước súc miệng và nước, có thể giảm 85% lượng vi khuẩn.

Bàn chải đánh răng kháng khuẩn phủ triclosan cũng không làm thay đổi sự phát triển của vi khuẩn và nên tránh do độc tính của triclosan. Xin lưu ý rằng nếu bàn chải đánh răng được dán nhãn “kháng khuẩn” thì nó có thể chứa triclosan. Đây là một hóa chất kháng khuẩn và gây rối loạn nội tiết đã biết.

Triclosan được sử dụng rộng rãi đến mức ước tính 75% dân số Hoa Kỳ đã bị phơi nhiễm. Đây là một thống kê đáng lo ngại vì nó dễ dàng hấp thụ vào da và niêm mạc miệng của con người, nơi nó có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch, sản xuất các loại oxy phản ứng, và chức năng tim mạch. Hiệu ứng sinh sản và phát triển cũng đã được quan sát.

Cách bảo quản và vệ sinh bàn chải đánh răng

Mặc dù nghe có vẻ đáng lo ngại khi bàn chải đánh răng là nơi chứa vi sinh vật, nhưng nó không có khả năng gây ra rủi ro sức khỏe lớn nếu bạn khỏe mạnh. Bạn nên bỏ bàn chải đánh răng sau khi nhiễm một số bệnh, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn, để tránh tái nhiễm, nhưng trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng bàn chải đánh răng hàng ngày không được cho là nguyên nhân gây ra bệnh tật.

Theo CDC, “Nhiều phương pháp làm sạch, khử trùng, hoặc tiệt trùng bàn chải đánh răng giữa các lần sử dụng đã được phát triển, nhưng không có tài liệu nghiên cứu nào được công bố cho thấy việc đánh răng bằng bàn chải nhiễm bẩn dẫn đến miệng bị tái nhiễm bẩn, nhiễm trùng răng miệng hoặc các tác động xấu khác đến sức khỏe.” Tuy nhiên, có một số “phương pháp tốt nhất” để chăm sóc bàn chải đánh răng, bao gồm:

  • Tránh dùng chung bàn chải đánh răng.
  • Rửa sạch bàn chải đánh răng sau khi sử dụng để loại bỏ tất cả kem đánh răng và các mảnh vụn.
  • Bảo quản bàn chải ở vị trí thẳng đứng và để khô tự nhiên.
  • Nếu để cùng với các bàn chải đánh răng khác trong hộp đựng, đừng để các bàn chải đánh răng chạm vào nhau.
  • Không đặt bàn chải đánh răng vào máy rửa chén hoặc lò vi sóng vì có thể gây hư hỏng.
  • Tránh bọc bàn chải đánh răng hoặc cất bàn chải trong hộp kín.
  • Thay bàn chải đánh răng ba đến bốn tháng một lần hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị mòn, mờ hoặc sờn.

Bài viết được công bố lần đầu vào ngày 23/09/2022, trên Mercola.com

Kim Khuê biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Joseph Mercola
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ bác sĩ Joseph Mercola là người sáng lập Mercola.com là tác giả có sách bán chạy nhất, nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực sức khỏe tự nhiên. Tầm nhìn cốt lõi của ông là thay đổi mô hình y tế hiện đại bằng cách cung cấp cho mọi người nguồn tài nguyên quý giá để giúp họ kiểm soát sức khỏe của mình.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn