Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân tiểu đường

Các vấn đề về răng miệng là một biến chứng nghiêm trọng và rất phổ biến của bệnh tiểu đường.

Nếu bạn bị tiểu đường, có thể bạn đã rất chú ý bảo vệ chân, đôi mắt và trái tim của mình. Nhưng bạn có nghĩ đến răng và nướu của bạn chưa?

Nếu không được chăm sóc răng miệng đúng cách, bạn có thể bị đau và khó chịu. Bạn thậm chí có thể bị mất răng. May mắn thay, tất cả mọi người bị bệnh tiểu đường đều có thể thực hiện các bước để giúp ngăn ngừa những vấn đề này và chỉ mất vài phút mỗi ngày.

Tại sao bệnh nhân tiểu đường dễ gặp các vấn đề về răng miệng?

Khoang miệng của mọi người đều tràn đầy vi sinh vật sống. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, số vi khuẩn trong khoang miệng của bạn nhiều hơn dân số toàn cầu. Vì thế, chìa khóa để có sức khỏe răng miệng tốt là kiểm soát những vi khuẩn này.

Nếu bạn không vệ sinh răng miệng thường xuyên, răng của bạn sẽ bị bao phủ bởi mảng bám, một lớp màng dính chứa vi khuẩn, nước bọt và thức ăn. Theo thời gian, mảng bám có thể làm cho nướu của bạn đỏ, đau và sưng phồng, một tình trạng được gọi là viêm nướu.

Nếu không được điều trị, viêm nướu có thể chuyển thành bệnh nha chu nghiêm trọng. Nướu bắt đầu tụt ra khỏi răng và vi khuẩn xâm nhập vào các kẽ hở, nơi chúng sẽ bắt đầu ăn mòn xương hàm. Cuối cùng, răng sẽ lung lay và rụng.

Viêm nướu và các bệnh nha chu có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng bệnh nhân tiểu đường lại đặc biệt dễ mắc phải.

Thứ nhất, bệnh nhân tiểu đường có hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch suy yếu. Nếu lượng đường trong máu của bạn quá cao, một phần lượng đường dư thừa đó sẽ kết tụ trong nước bọt của bạn, tạo thành bữa tiệc cho hàng triệu vi khuẩn đói. Lượng đường trong máu cao và khả năng miễn dịch bị suy yếu cũng có thể dẫn đến tưa miệng, một bệnh nhiễm trùng do nấm có thể gây ra vết loét trong miệng của bạn.

Vấn đề tệ hơn là thuốc điều trị tiểu đường có thể làm khô miệng. Nước bọt giúp rửa sạch thức ăn và vi trùng, do đó, miệng khô dễ bị sâu răng và các bệnh về nướu hơn.

Trên thực tế, bệnh nha chu ảnh hưởng đến 22% số người bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, bên cạnh việc giúp bạn giữ răng, điều trị bệnh nha chu còn giúp giảm lượng đường trong máu.

Bảo vệ răng và nướu như thế nào?

Những bệnh nhân tiểu đường nên tuân theo các quy tắc cơ bản về vệ sinh răng miệng như những người khác. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ đề nghị đánh răng ít nhất ba phút, hai lần mỗi ngày. Bạn cũng nên dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày.

Đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên sẽ giúp mảng bám không còn tồn tại trong miệng. Nếu bị khô miệng, bạn hãy uống nhiều hơn. Bạn cũng có thể tăng lượng nước bọt bằng cách nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường, hoặc có thể mua thuốc thay thế nước bọt tại cửa hàng thuốc gần nhà.

Bạn cũng nên được nha sĩ kiểm tra và làm sạch răng sáu tháng một lần. Hãy chắc chắn rằng nha sĩ biết bạn bị tiểu đường và nhớ đề cập đến bất kỳ vấn đề nào như đau nhức hoặc khô miệng.

Trên hết, hãy làm những gì bạn có thể để kiểm soát lượng đường trong máu.

Hãy tham khảo trang web về bệnh tiểu đường và nụ cười của bạn của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ

Bài viết này ban đầu được xuất bản tại Healthday.

Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chris Woolston
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chris Woolston tự mô tả là mình “nhà sinh vật học đang hồi phục,” người đã rất yêu thích sự tái sinh của mình trong tư cách là một nhà văn tự do về khoa học và sức khỏe. Ông viết về sức khỏe và khoa học cho Tập san Nature, AFAR, Tập san Knowable, và Los Angeles Times, và gần đây ông đã có buổi nói chuyện TED về những áp lực đối với các nhà nghiên cứu trẻ tại Đại học Luxembourg … Ông đã đóng góp hàng trăm bài báo cho Thư viện sức khỏe và sức khỏe Limehealth.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn