COVID-19 có thể gây ra chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương

Virus làm gián đoạn một quá trình chuyển hoá liên quan đến trầm cảm, dẫn đến tỷ lệ rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cao hơn so với các cựu binh sau chiến tranh

Nhiễm COVID-19 là nguyên nhân gia tăng chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, và hiện nay người ta đã hiểu sâu hơn về cơ chế gây ra chứng rối loạn sức khỏe tâm thần do virus này.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là gì?

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là một chẩn đoán sức khỏe tâm thần, điển hình thường liên quan đến việc trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đe dọa tính mạng.

Mặc dù dự kiến sẽ có một mức độ căng thẳng nhất định trong những trường hợp như vậy, nhưng các triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống có thể là những dấu hiệu cảnh báo.

Theo Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, bốn loại triệu chứng PTSD phổ biến là:

  • Hồi tưởng lại sự kiện với những ký ức xâm nhập bất cứ lúc nào dưới dạng hồi tưởng, ác mộng hoặc kích hoạt cảm giác.
  • Né tránh các tình huống và những người nhắc nhở về sự kiện đau buồn, bao gồm cả việc không thể nói về nó. Quá bận rộn và mất tập trung để nghĩ về nó cũng là một kiểu trốn tránh.
  • Nói chung là cảm thấy tiêu cực và chán nản hơn trước khi xảy ra sự kiện, bao gồm cả việc sử dụng các kỹ thuật để làm tê liệt cảm xúc và cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ về sự kiện đó.
  • Các triệu chứng thực thể như nhịp tim nhanh và hơi thở có liên quan đến tình trạng cường điệu. Những điều này có thể bao gồm cảm xúc quá cảnh giác và bồn chồn, khó tập trung và khó ngủ.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương hậu COVID liên quan đến chuyển hóa tryptophan

Tryptophan là một acid amin thiết yếu, nghĩa là cơ thể không tự tổng hợp được mà bắt buộc phải thu nạp từ các loại thực phẩm như chuối, yến mạch, cá ngừ, thịt gà, phô mai và gà tây.

Tryptophan là tiền chất duy nhất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng, hành vi và nhận thức.

Khoảng 30% những người bị nhiễm COVID cấp tính cũng bị PTSD.

Quá trình trao đổi chất diễn ra trong ruột bị gián đoạn khi enzyme chuyển đổi angiotensin-2 (ACE-2), vị trí thụ thể của SARS-CoV-2, bị virus chiếm giữ. Chất vận chuyển tryptophan thường được biểu hiện đồng thời với ACE-2, nhưng khi virus chiếm lấy ACE-2, tryptophan không được hấp thụ.

Tiến sĩ bác sĩ tâm thần Adonis Sfera nói với The Epoch Times rằng: “Vì serotonin có tác dụng chống trầm cảm nên nhiễm virus có thể trực tiếp gây ra trầm cảm. Tryptophan cũng rất quan trọng đối với PTSD và chúng tôi nghĩ rằng PTSD sau nhiễm virus là do lượng tryptophan thấp. Do đó, ngoài nguyên nhân trầm cảm vì bị nhiễm bệnh, mọi người có thể bị trầm cảm và PTSD do sự hấp thụ tryptophan bị virus làm cho gián đoạn.”

Điều này có thể giải thích hiện tượng nhiễm COVID gây ra tỷ lệ phần trăm rối loạn căng thẳng sau chấn thương cao hơn so với tỷ lệ PTS ở quân nhân và cựu chiến binh nằm mức khoảng 16%. Bên cạnh COVID, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và Ebola cũng có liên quan đến tỷ lệ PTSD từ 30% trở lên.

Mối liên quan giữa rối loạn căng thẳng sau chấn thương và đường ruột

Vào năm 2021, Sfera và những tác giả khác đã đưa ra giả thuyết rằng COVID phá vỡ các hàng rào ruột và hàng rào máu não, gây ra lão hóa tế bào nội mô sớm, một quá trình bắt giữ tế bào liên quan đến bệnh liên quan đến tuổi tác.

Quá trình này có thể kích hoạt các phân tử gây căng thẳng và cho phép chúng tiếp cận hạch hạnh nhân và các khu vực khác của não.

Giả thuyết không chỉ giải thích PTSD mà còn giải thích các triệu chứng khác của COVID kéo dài như mệt mỏi mãn tính và sương mù não. Những phát hiện đó đã được xác nhận bởi các nghiên cứu khác.

Điểm mấu chốt của cơ chế này là sự phá vỡ hàng rào biểu mô ruột cho phép vi sinh vật di chuyển ra khỏi nơi ở của chúng trong hệ vi sinh vật, không gian thường chứa vi khuẩn, virus, nấm và các vi sinh vật khác sống theo kiểu cộng sinh—ngay cả khi chống lại cảm lạnh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng COVID cũng làm cho các vi khuẩn bảo vệ miễn dịch như bifidobacteria bị mất đi.

Quá trình chuyển hóa tryptophan là một sản phẩm phụ của bifidobacteria, vì vậy khi nhiễm COVID tryptophan bị tấn công gấp đôi.

Một chức năng khác của tryptophan là sản xuất melatonin, chất bảo vệ cơ thể khỏi quá trình lão hóa tế bào sớm. Mất tryptophan cũng liên quan đến hội chứng chuyển hóa, huyết áp cao và đột quỵ.

Ông nói: “Đó là lý do tại sao chúng ta phải chú ý đặc biệt đến bifidobacterium và các vi khuẩn bảo vệ khác. Có những hậu quả mà chúng ta chưa biết.”

Sfera cho biết khả năng mất bifidobacteria cao hơn ở những người gặp phải các triệu chứng đường tiêu hóa do virus và đây không hẳn là một hiện tượng mới.

Nhiễm HIV cũng gây ra tình trạng mất vi khuẩn và những bệnh nhân đó đôi khi cũng bị mất trí nhớ, điều đã được ghi nhận trong các trường hợp COVID.

Có thể đây là một báo động cho các bệnh nhân có nhiều bệnh nền kinh niên.

Căng thẳng được biết là làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột và chức năng hàng rào bảo vệ ruột, và nghiên cứu cho thấy một số người dễ bị PTSD hơn do sự hình thành hệ vi sinh vật sớm hơn và căng thẳng từ thời thơ ấu.

Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tập san The Canadian Journal of Psychiatry, chấn thương thời thơ ấu có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, tạo ra các hậu quả và lỗ hổng miễn dịch lâu dài, đồng thời làm tăng nguy cơ chứng rối loạn như PTSD sau này.

Hàm lượng cytokine tiền viêm và căng thẳng tăng cao cũng khiến mọi người dễ bị chứng PTSD.

Trong trường hợp của COVID, việc có chẩn đoán tâm thần từ trước khiến người đó có nhiều khả năng bị tái phát trầm cảm, lo lắng và nguy cơ bị chứng nghiện.

Theo một bài báo năm 2021 trên tập san Frontiers in Cellular Neuroscience, các biện pháp hạn chế, cách ly bắt buộc, giãn cách xã hội và sự vắng mặt của hệ thống hỗ trợ là gánh nặng đối với những nhóm dân số dễ bị tổn thương.

“Hơn nữa, trải nghiệm nhập viện với COVID-19, đối mặt với việc đặt nội khí quản, mở khí quản và khả năng tử vong, đã khuếch đại nhận thức về mối đe dọa tính mạng, tạo điều kiện phát triển các rối loạn liên quan đến căng thẳng cũng như trầm cảm và lo lắng,” bài báo viết.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương hậu COVID

Đối với cô LaDonna Smith, COVID đại diện cho một chấn thương mà cô chưa từng trải qua trước đây và cô vẫn đang phải đối mặt với nỗi đau và các tác nhân bắt đầu từ 18 tháng trước.

Cô nói: “Trường hợp COVID của tôi nhìn chung là nhẹ, nhưng nó lại nặng hơn vì nỗi sợ hãi của tôi. Tình huống giả định là khó nhất, tôi luôn tự hỏi ‘Có điều gì đó về mặt di truyền của bản thân tôi khiến tôi không vượt qua được không?’ Nỗi sợ hãi thường trực đó là điều lớn nhất.”

Mối quan tâm của cô cũng dễ hiểu.

Trước khi cô nhiễm COVID, loại virus này đã khiến người cha 87 tuổi của cô qua đời sau khi ông nhập viện.

Em gái và anh rể của Smith cũng đều phải nhập viện trong phòng chăm sóc đặc biệt vào thời điểm cha cô qua đời—họ bị cách ly với nhau và với những người đến thăm và không thể tham gia tang lễ.

Cha của Smith bị chứng mất trí nhớ và bị mù về mặt pháp lý, khiến việc giao tiếp trong bệnh viện trở nên khó khăn hơn. “Không thể ở bên ông ấy và biết ông ấy bị kích động. Đó chỉ là một điều khủng khiếp, khủng khiếp,” cô nói. “Thực tế là ông ấy đã phải trải qua điều đó một mình.”

Smith nghẹn ngào khi cô kể lại rằng phải đến khi cha cô được chuyển khỏi khu điều trị COVID và đến nhà tế bần, cô mới có thể nắm tay ông và an ủi. Đến lúc đó, ông đã hôn mê.

Quá trình phục hồi căng thẳng của cô diễn ra liên tục, phức tạp bởi vì thời điểm đó, hai người con của cô chuyển ra khỏi tiểu bang, cộng với chẩn đoán sức khỏe kinh niên của chính cô sau nhiều năm đau dạ dày.

Cô ấy nói: “Sự cô lập mà COVID mang lại cũng tàn khốc như chính căn bệnh này vậy. Chúa vừa đưa mọi người vào cuộc đời tôi. Đó là một quá trình chữa lành. Tôi bắt đầu gặp cố vấn. Mọi việc đã và đang diễn ra.”

Tận dụng Oxytocin để chữa lành chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương hậu COVID

Một nghiên cứu trên tập san Psychoneuroendocrinology đã xem xét mối quan hệ giữa sự cô lập xã hội và oxytocin.

“Các hạn chế xã hội liên quan đến đại dịch dẫn đến mức độ căng thẳng tâm lý xã hội gia tăng, đồng thời làm mất đi vùng đệm căng thẳng cần thiết và thông số quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần nói chung—sự hỗ trợ của xã hội. Điều này kết hợp với nỗi sợ hãi về căn bệnh này, đại dịch COVID-19 có tác động đáng kể đến sức khỏe tâm thần của thế giới,” các tác giả của nghiên cứu viết.

Oxytocin là một chất dẫn truyền thần kinh đôi khi được gọi là “hormone tình yêu” vì nó liên quan đến sự gắn kết giữa mẹ và con và các mối quan hệ mật thiết.

Có bằng chứng cho thấy cả serotonin và oxytocin đều liên quan đến việc kiểm soát căng thẳng, lo lắng, hợp tác xã hội, điều chỉnh các chức năng cảm xúc và là con đường dẫn đến nhiều chứng rối loạn tâm thần.

Một tổng quan năm 2022 về oxytocin trong Frontiers in Endocrinology cho thấy oxytocin cũng có thể đóng vai trò trong việc dự phòng và điều trị COVID-19 thông qua chức năng điều hòa miễn dịch và chống căng thẳng giúp cơ thể ngăn ngừa nhiễm virus.

Oxytocin có tác dụng chống xơ vữa động mạch và hạ huyết áp, có thể làm giảm các biến chứng tim mạch, tham gia thúc đẩy quá trình tái tạo mô.

Oxytocin thậm chí có thể bù đắp một số thiệt hại mà đại dịch đã gây ra cho sức khỏe tâm thần, giúp mọi người huy động khả năng miễn dịch cá nhân cao hơn.

Được sử dụng ở dạng tổng hợp để khởi phát chuyển dạ, oxytocin cũng có sẵn dưới dạng xịt mũi cho các mục đích kiểm soát cân nặng, nội tiết và tâm thần.

Nhưng một đơn thuốc có thể không cần thiết, bài báo viết, vì còn có nhiều cách để tăng sản xuất oxytocin một cách tự nhiên, bao gồm:

  • Tiếp xúc với ánh sáng, cả ánh sáng tự nhiên và ánh sáng trong nhà.
  • Âm nhạc và các kích thích thính giác khác.
  • Ôm, âu yếm và chạm vào.
  • Men vi sinh.
  • Thể dục
  • Liệu pháp xoa bóp.
  • Thiền định
  • Bài tập thở.
  • Liệu pháp hương thơm
  • Đọc sách

Các tác giả của tập san Frontiers in Endocrinology cho rằng oxytocin có thể là một chiến lược trong kế hoạch bảo vệ cá nhân rộng hơn chống lại bệnh tật và đó là một lĩnh vực cần được nghiên cứu và chú ý nhiều hơn.

“Tiếp tục khám phá tiềm năng dự phòng của oxytocin nội sinh, thực hiện các thử nghiệm lâm sàng chuyên sâu và sự dụng oxytocin ngoại sinh hoặc các chất chủ vận của oxytocin bảo đảm kiểm soát COVID-19 và các bệnh do virus khác.”

Mô hình phân tử serotonin, Hormone hạnh phúc. (Ảnh: Vladimir Zotov/Shutterstock)
Mô hình phân tử serotonin, Hormone hạnh phúc. (Ảnh: Vladimir Zotov/Shutterstock)

Lan Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn