Cách giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do biến cố bất lợi của vaccine

Các biến cố bất lợi của vaccine COVID đã bị bỏ qua (Phần 8)

Mặc dù cục máu đông có khả năng gây tử vong và viêm cơ tim đã được thừa nhận là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine COVID-19, nhưng thực tế vaccine COVID-19 vẫn còn có nhiều biến cố bất lợi tiềm ẩn trên nhiều cơ quan khác nhau.

Trong loạt bài này, chúng tôi đánh giá một số biến cố bất lợi ít được biết đến nhưng được liệt kê trong nhiều tài liệu nghiên cứu cũng như xuất hiện trong nhiều phòng khám và quan trọng hơn là cách điều trị và giảm thiểu nguy cơ.

Bài trước: Anh Jeff Jackson vẫn tự chủ trong cuộc sống cho đến khi anh chích liều thứ hai của vaccine COVID-19 và những nốt màu đỏ sẫm bắt đầu xuất hiện sau gáy anh.

Do bị bắt buộc phải chích ngừa tại nơi làm việc, anh Mitchell McConachy, 25 tuổi, đã miễn cưỡng chích vaccine vào năm 2021. Kể từ đó, anh luôn lo lắng về các biến cố bất lợi của vaccine này.

Vào năm 2022, anh McConachy lên mạng tìm hiểu về các biến cố bất lợi của vaccine COVID-19 từ các bác sĩ và anh nhận ra những cơn đau ngực, đau nhói ở đầu và cổ tay có thể là do vaccine mRNA. Anh ngày càng lo ngại rằng những triệu chứng này có thể gây ra điều gì đó nghiêm trọng hơn.

Trải nghiệm của anh McConachy cũng là trải nghiệm của một trong số nhiều người đã chích vaccine vốn đang lo lắng về những nguy cơ tiềm ẩn. Một số người không gặp bất kỳ triệu chứng nào nhưng vẫn lo lắng rằng tai họa sẽ ập xuống đầu họ vào một ngày nào đó trong tương lai.

Cuộc thăm dò của Rasmussen Reports [một công ty thăm dò dư luận của Mỹ] trên 1,000 người vào tháng 12/2022 cho thấy 57% người Mỹ lo ngại về các biến chứng nghiêm trọng của vaccine từ nhẹ đến rất cao.

Tuy nhiên, vẫn còn có những lựa chọn khác bên cạnh nỗi e ngại và lo lắng. Các bác sĩ đang điều trị cho những người có khả năng gặp tác dụng phụ của vaccine cho biết, đối với nhiều người chưa có bất kỳ triệu chứng nào nhưng đang lo lắng, vẫn có thể có biện pháp để ngăn ngừa những tác dụng phụ này.

Không phải ai cũng trải qua các biến cố bất lợi của vaccine

Không phải ai cũng bị biến chứng sau khi đã chích ngừa. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm sức khỏe, liều lượng, số liều và thời gian kể từ liều cuối cùng.

Liên quan đến chất lượng vaccine, các nghiên cứu cho thấy các lô vaccine không được sản xuất đồng đều thì chất lượng giữa các lô cũng khác nhau. Trang web HowBadIsMyBatch.com đã chứng minh điều này, cho thấy số lượng và mức độ nghiêm trọng của biến chứng thay đổi theo số lô khác nhau.

Thời gian kể từ lần chích cuối cùng cũng có thể là một đánh giá tốt về nguy cơ xảy ra biến chứng, vì các biến chứng thường xảy ra trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi chích ngừa. Thông thường, một người không có triệu chứng càng lâu thì khả năng bị biến chứng càng thấp.

Dữ liệu của Hệ thống Báo cáo Biến cố bất lợi của Vaccine (VAERS) của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết hơn 50% các biến chứng xảy ra trong vòng hai ngày sau khi chích ngừa và 46% trường hợp tử vong xảy ra trong vòng hai tháng đầu tiên. Mặc dù, có sự gia tăng nhẹ về các biến chứng được báo cáo sau bốn tháng nhưng khả năng xảy ra các biến chứng sẽ giảm dần theo thời gian.

Tiến sĩ Syed Haider, là bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận và là người đã điều trị cho hơn 50,000 bệnh nhân kể từ đại dịch, cho biết bệnh nhân của ông thường báo cáo các triệu chứng sau khi chích ngừa vài tuần.

Tiến sĩ y học tự nhiên Jana Schmidt, có khoảng 2,000 bệnh nhân bị tổn thương do vaccine đã liên hệ ông, nói rằng các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài tuần đầu tiên đến một tháng.

Chuyên gia chăm sóc đặc biệt và đồng sáng lập của Front Line COVID -19 Critical Care (FLCCC), tiến sĩ Pierre Kory trong một báo cáo gửi FLCCC cho biết: “Nếu sau năm tháng hoặc một năm mà quý vị vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng hay vấn đề gì, tôi thực sự muốn trấn an quý vị rằng tôi nghĩ quý vị vẫn ổn.” Ông cho biết nhiều người không có phản ứng với vaccine.

Cần lưu ý rằng các nhận xét của ông Kory là nói đến các biến chứng tim mạch, vốn thường xảy ra nhanh chóng và đột ngột. Có những lo ngại khác về bệnh thần kinh và ung thư, nơi có thể có tín hiệu về an toàn nhưng dữ liệu còn hạn chế.

Bệnh ung thư, có thể tồn tại từ nhiều tháng đến nhiều năm trước khi được phát hiện, liên quan nhiều đến các biến cố bất lợi của vaccine COVID-19; 60% báo cáo của VAERS về ung thư liên quan đến việc chích ngừa COVID-19.

Tình trạng bệnh ung thư xấu đi nhanh chóng sau khi chích ngừa đã được báo cáo trong y văn. Tuy nhiên, có một nghiên cứu từ Tập san Y khoa Anh Quốc (BMJ) báo cáo rằng một người có khối u thoái triển sau khi chích ngừa.

Cách giảm nguy cơ tổn thương do vaccine

Một số liệu pháp điều trị giúp tăng sức đề kháng và sức khỏe tổng thể, làm giảm nguy cơ phát triển các tổn thương do vaccine nhưng các bác sĩ không biết chắc chắn.

Họ không chắc chắn rằng liệu pháp điều trị nào giảm bao nhiêu nguy cơ khi áp dụng và họ nên dùng những loại thuốc này trong bao lâu.

Dưới đây là một số khuyến nghị mà các bác sĩ tin rằng có thể hữu ích cho những người đang lo lắng về các biến cố bất lợi tiềm ẩn của vaccine.

1. Giảm tiếp xúc với protein gai

Cách đầu tiên để ngăn ngừa thương tổn là giảm tiếp xúc với protein gai. Nghiên cứu cho thấy protein gai có khả năng gây viêm, có thể tạo ra các kháng thể tự miễn dịch và kích hoạt các con đường gây ung thư.

Ông Haider khuyến nghị rằng cả virus COVID-19 và các loại vaccine ngừa COVID-19 đều có thể khiến cơ thể phơi nhiễm với các protein gai. Do đó, nên tránh chích vaccine COVID-19 và tránh nhiễm SARS-CoV-2 để ngăn ngừa tổn thương thêm do protein gai.

Tiến sĩ Peter McCullough là bác sĩ nội khoa và là bác sĩ tim mạch được hội đồng chứng nhận quan sát thấy rằng những bệnh nhân đã chích ngừa và sau đó bị COVID-19 thường có [tình trạng] nặng hơn so với những người không bị nhiễm bệnh nhưng đã được chích ngừa.

Việc tiếp xúc nhiều lần với protein gai, bất kể dưới hình thức nào đều có thể gây hại, với các nghiên cứu cho thấy những người bị COVID-19 có nguy cơ gặp phải biến chứng cao hơn khi họ chích liều thứ hai hoặc thứ ba.

Ngược lại, một nghiên cứu cho biết việc chích ngừa lặp lại cũng liên quan đến tăng nguy cơ nhiễm COVID-19. Do đó, ông Haider đề xuất mọi người nên cải thiện khẩu phần ăn uống và sức khỏe tổng thể để ứng phó tốt hơn trước các bệnh nhiễm trùng.

2. Loại bỏ protein gai và ngăn ngừa tổn thương thêm

Các protein gai còn sót lại trong cơ thể được cho là tác nhân gây ra các biến chứng của vaccine, có thể gây viêm, tự miễn dịch, tổn thương tế bào và mô và thậm chí là kích hoạt các con đường thúc đẩy ung thư.

Tiến sĩ Paul Marik, chuyên gia chăm sóc đặc biệt và đồng sáng lập của FLCCC, gợi ý rằng để loại bỏ các protein gai, mọi người có thể áp dụng phương pháp ăn kiêng bằng cách kiêng thức ăn và đồ uống có đường trong một thời gian dài để thúc đẩy quá trình tự thực bào.

Tự thực bào kích hoạt các tế bào phân hủy và tái sử dụng protein, có thể giúp phá hủy và loại bỏ các protein gai bên trong tế bào.

Ông Scott Marsland, hành nghề y tá nói với The Epoch Times rằng một số người có thể cảm thấy họ không có bất kỳ vấn đề nào. Tuy nhiên, sau khi bắt đầu nhịn ăn gián đoạn và nhịn ăn kéo dài trong ba ngày, họ nhận thấy tâm trí minh mẫn hơn và các triệu chứng mà họ từng cho là do lão hóa đã biến mất hoặc giảm bớt.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Nattokinase là một enzyme có nguồn gốc từ một món ăn Nhật Bản làm từ đậu nành lên men tên là natto, có thể phá vỡ các protein gai trên bề mặt tế bào. Nattokinase cũng có tác dụng chống đông máu và có thể ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Mặc dù vậy, những người đang dùng thuốc chống đông máu có thể không nên dùng nattokinase.

Thuốc bổ sung N-acetyl cysteine ​​(NAC) cũng có thể hữu ích. Các nghiên cứu cho thấy acid amin có thể giảm tình trạng viêm và làm gián đoạn liên kết bên trong của các protein gai. Các chất bổ sung NAC tăng cường giúp gia tăng tính chống oxy hóa và biến tính của protein.

Tổ chức ZeroSpike đã tiến hành một thí nghiệm nuôi cấy tế bào, đây là một dự án với mục đích loại bỏ protein gai của virus COVID-19 và của vaccine ra khỏi cơ thể người, [kết quả] cho thấy trong vòng 24 tiếng, NAC tăng cường đã làm biến tính 99% tổng số protein gai trên bề mặt tế bào. Không có thử nghiệm nào trên người được thực hiện để thấy tác dụng tương tự có xảy ra ở người hay không.

Thuốc bổ sung chống ung thư berberine có thể là một ứng cử viên điều trị khác. Nghiên cứu cho thấy mức protein gai giảm ở những bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng phương pháp này.

Berberine cũng có đặc tính chống tiểu đường và chống oxy hóa. Tuy nhiên, berberine có thể không phù hợp với phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc ở độ tuổi sinh sản. Tác dụng phụ tiềm ẩn của berberine bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy hơi và đau dạ dày.

3. Lối sống lành mạnh

Giống như cách COVID-19 tiết lộ những vấn đề chưa được giải quyết về bệnh mạn tính và sức đề kháng không tốt, mối lo ngại hiện nay về biến chứng của vaccine cũng có thể chứng minh tầm quan trọng của việc có một cơ thể khỏe mạnh có thể loại bỏ độc tố một cách hiệu quả.

Ông Haider nhấn mạnh rằng cơ thể con người được trang bị đầy đủ và khá mạnh mẽ. Ông nói, “Về cơ bản, cơ thể có thể giải quyết hết mọi vấn đề, thậm chí những thứ mà cơ thể chưa từng gặp trước đây.”

Do đó, thay vì tập trung vào vaccine COVID-19, vốn là một tác hại tiềm ẩn trong nhiều tác hại khác, bà Schmidt khuyến khích mọi người nên tập trung vào việc cải thiện sức khỏe tổng thể.

Điều này có thể bao gồm việc chuyển sang thói quen ăn uống lành mạnh hơn bằng cách giảm thực phẩm chế biến sẵn, tăng lượng thực phẩm hữu cơ, lành mạnh, uống nước lọc và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để có thể sản xuất vitamin D.

Vitamin D rất quan trọng trong việc duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Một phân tích gộp năm 2017 cho thấy những người dùng 0.02mg vitamin D trở lên có nguy cơ nhiễm cúm và các loại virus đường hô hấp khác thấp hơn so với những người không dùng.

Bà Schmidt khuyên mọi người cũng nên kiểm tra và điều chỉnh những thiếu hụt dinh dưỡng mà mọi người đang gặp phải.

Bà Schmidt khuyên dùng phấn ong hữu cơ như một loại vitamin tổng hợp. Phấn ong chứa khoảng 250 hoạt chất bao gồm acid amin, lipid, flavonoid, vitamin và các khoáng chất mà cơ thể cần.

Ông Haider nói thêm rằng nước uống giúp tăng cường loại bỏ độc tố thông qua đường tiểu. Co bóp nhu động ruột nhịp nhàng và liên tục ngăn ngừa việc lưu trữ quá nhiều chất độc. Mọi người cũng có thể cân nhắc xông hơi để loại bỏ tạp chất thông qua hiện tượng đổ mồ hôi.

Uống đủ nước cũng có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận, tiến sĩ Keith Berkowitz phát hiện rằng việc cung cấp đủ nước cho những bệnh nhân có lượng đường trong máu bất thường hậu chích ngừa, đã giúp khôi phục mức đường huyết bình thường.

4. Tâm trí khỏe mạnh

Một tâm trí khỏe mạnh hòa hợp với thể chất khỏe mạnh sẽ mang lại sức sống và sự phục hồi. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng nỗi sợ mạn tính có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng thể chất.

Giáo sư và y tá cao cấp có chứng chỉ hành nghề, bà Mary D. Moller từ Trường Điều dưỡng thuộc Pacific Lutheran University và giám đốc dịch vụ tâm thần của Trung tâm Y khoa Tích hợp Northwest, tại một hội nghị năm 2017 cho biết nỗi sợ mạn tính có thể dẫn đến đau đầu, rồi chuyển thành đau nửa đầu, đau cơ chuyển thành đau cơ xơ hóa, đau nhức cơ thể chuyển thành đau mạn tính, và khó thở chuyển thành hen suyễn.

Bác sĩ tâm thần Adonis Sfera cho biết, sức khỏe tâm và thân có thể có mối liên hệ với nhau. Nghiên cứu lập luận rằng tâm trí và thể chất tác động qua lại lẫn nhau; một tâm trí khỏe mạnh sẽ cải thiện thể chất và một thể chất khỏe mạnh sẽ chứa đựng một tâm trí khỏe mạnh.

5. Nỗi sợ hãi làm căng thẳng tâm trí và thể chất

Căng thẳng cấp tính có thể có lợi. Các nghiên cứu liên quan đến căng thẳng ngắn hạn cho thấy khả năng nhận thức và thể chất được nâng cao cũng như khả năng miễn dịch được cải thiện. Tuy nhiên, căng thẳng mạn tính vốn gây ảnh hưởng đến đa số những người lao động tại Mỹ, có thể gây ra sự lão hóa sinh học của tế bào thông qua tổn thương DNA, viêm, tổn thương oxy hóa và rối loạn điều hòa miễn dịch, làm cho sức khỏe cơ thể kém hơn.

Một sự kiện căng thẳng trong cuộc sống liên quan đến sự khởi phát và tái phát của bệnh tật và nghiên cứu cho thấy các bệnh tự miễn có thể được kích hoạt bởi trạng thái căng thẳng .

Tiến sĩ Cicero Coimbra, chuyên gia về bệnh tự miễn nổi tiếng ở Brazil, người đã đảo ngược tình trạng tự miễn cho hơn 15,000 bệnh nhân, cho biết có khoảng 15% bệnh nhân ít phản ứng nhất với phương pháp điều trị của ông – chính là những người quá căng thẳng.

Bà Schmidt quan sát thấy căng thẳng cũng có thể là tác nhân gây ra các biến cố bất lợi hậu chích ngừa.

Bà nói rằng trong số những bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng vài tháng sau khi chích vaccine COVID-19, nhiều triệu chứng của họ xuất hiện trước một sự kiện căng thẳng.

Mặc dù thiền định, yoga và cầu nguyện có thể giúp xây dựng cảm giác bình yên nhưng những phương pháp thực hành này thường mang lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời.

Ông Coimbra đề nghị rằng sự thay đổi cách nhìn nhận về căng thẳng có thể cần thiết để mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài, đồng thời lưu ý rằng những bệnh nhân có thể kiểm soát suy nghĩ của bản thân về các sự kiện căng thẳng sẽ phản ứng nhanh hơn với việc điều trị.

Các xét nghiệm khả thi để kiểm tra các vấn đề không có triệu chứng

Các xét nghiệm lâm sàng là một gánh nặng về tài chính và tinh thần. Do đó, các bác sĩ thường khuyên chỉ nên xét nghiệm nếu người bệnh có các triệu chứng.

Tuy nhiên, xét nghiệm cũng có thể mang lại cho mọi người sự an tâm, đặc biệt là khi họ bồn chồn và lo lắng.

Cho đến nay, chưa có bất kỳ xét nghiệm thương mại nào có thể đo lường mức độ protein gai, mRNA của vaccine hoặc các thành phần khác của vaccine trong cơ thể. Tuy nhiên, những xét nghiệm này có thể có trong tương lai.

Vì các protein gai kích hoạt sản xuất kháng thể, ông Marsland cho biết việc kiểm tra các kháng thể gai immunoglobulin G (IgG) cho biết dấu hiệu về mức protein gai ở bệnh nhân.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả bệnh nhân nghi ngờ có tổn thương protein gai đều sẽ có kháng thể kháng protein gai vì những người bị ức chế miễn dịch có thể không tạo ra kháng thể. Các protein gai cũng thích ẩn náu trong các tế bào mỡ, vì vậy những người béo phì cũng có thể không có kết quả lượng kháng thể vì hệ miễn dịch không thể tấn công chống lại các protein gai bên trong kho dự trữ chất béo.

Vì lý do này, những người bị thừa cân có thể gặp phải các triệu chứng bùng phát đột ngột khi họ bắt đầu nhịn ăn, vì các protein gai được lưu trữ sẽ được phóng tiết trở lại hệ tuần hoàn.

Ông Haider cho biết những người lo lắng và muốn yên tâm có thể kiểm tra xem họ có bị cục máu đông hay không. Theo một bài viết trên Tập san Cardiovascular Diabetology (Tiểu đường Tim mạch), các cục máu đông nhỏ hình thành trong mao mạch đã được báo cáo là biến chứng của COVID kéo dài và các biến chứng do vaccine đồng thời có liên quan đến viêm cơ tim, hội chứng mệt mỏi kinh niên, đột quỵ, tiểu đường loại 2, rối loạn chức năng nhận thức, tử vong và nhiều vấn đề hơn nữa.

Ông tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô lớn về mức độ dinh dưỡng và các chỉ số sinh học thông thường của bệnh nhân, đồng thời đánh giá mức độ của alpha 2 antiplasmin và von Willebrand, cả hai đều có xu hướng tăng lên cùng với quá trình hình thành cục máu đông nhỏ.

Giáo sư Resia Pretorius đến từ Đại học Stellenbosch ở Nam Phi và cũng là nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đưa ra các xét nghiệm tiềm năng khác bao gồm phân tích máu, dùng kính hiển vi huỳnh quang để phát hiện các cục máu đông nhỏ.

Không có bất kỳ xét nghiệm nào trong số này được cung cấp thương mại; chỉ các phòng thí nghiệm nghiên cứu mới có kính hiển vi được dùng cho xét nghiệm phân tích máu này. Vì vậy, một số bác sĩ đã tự học các kỹ thuật này.

Các xét nghiệm phổ biến khác bao gồm: xét nghiệm protein phản ứng C giúp phát hiện tình trạng viêm, xét nghiệm D-dimer giúp phát hiện cục máu đông và các xét nghiệm cho biết nồng độ troponin, vì nồng độ [troponin] tăng cao có thể là dấu hiệu của tổn thương tim hoặc căng thẳng. Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) có thể phát hiện bệnh tự miễn.

Ông McCullough cho biết, một bác sĩ thường có thể chẩn đoán viêm cơ tim dựa trên các triệu chứng lâm sàng, điện tâm đồ (ECG) và kết quả chụp cộng hưởng từ tim.

Tuy nhiên, ông Marik nói rằng nhiều bệnh nhân chích vaccine gặp biến chứng đã báo cáo các vấn đề về tim có thể thực sự có kết MRI và ECG bình thường. Ông đề cập đến xét nghiệm PULS, để dự đoán nguy cơ bị hội chứng mạch vành cấp tính của một người bằng cách đo 9 chỉ số sinh học. Hội chứng mạch vành cấp tính thường liên quan đến các cơn đau tim.

Tuy nhiên, việc xét nghiệm có thể tốn vài trăm USD đến một nghìn USD, tùy thuộc vào nhà cung cấp.

Do đó, ông McCullough đề xuất rằng việc xét nghiệm nên dựa trên triệu chứng.

Trong cái rủi có cái may

Mặc dù gần như bị buộc phải chích vaccine, anh McConachy nói rằng sự hiểu biết mới về vaccine COVID-19 đã làm anh trở thành một con người hoàn toàn khác. Anh đã thay đổi “180” độ, trong một tin nhắn viết cho The Epoch Times, anh viết: “Bây giờ tôi coi trọng sức khỏe bản thân hơn.”

“Bây giờ tôi rất ý thức về những gì mình ăn, tôi đã ngừng hút thuốc lá điện tử, ngừng dùng ma túy và cai rượu trong sáu tháng. Bây giờ tôi chỉ uống rượu có chừng mực.” Anh cũng đã bắt đầu uống vitamin và tập thể dục mỗi ngày.

Trên mạng xã hội, anh McConachy đã làm các video về các biến chứng liên quan đến vaccine mRNA COVID-19, khuyên những người xem kênh của anh nên tự tìm hiểu. Anh cho biết nhiều người đã nói với anh rằng họ bị đau ngực cùng với các triệu chứng khác.

Gần đây, anh McConachy đã được kê đơn điều trị bằng ivermectin và hydroxychloroquine để loại bỏ các protein gai trong vaccine và các thành phần của vaccine còn sót lại trong cơ thể. Kể từ đó, anh đã dùng ivermectin và hydroxychloroquine hàng tuần.

“[Những cách này] chắc chắn mang lại cho tôi sự an tâm và tôi không thể nói rằng mình bị đau ngực kể từ đó.”

Cập nhật: Bài viết này đã được cập nhật những thông tin gần đây từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế về các cách ngăn ngừa các biến chứng của vaccine.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn