Hướng dẫn cơ bản về Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

PTSD ảnh hưởng đến 5/100 người Mỹ trưởng thành hàng năm, thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ và cựu chiến binh.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ảnh hưởng đến 1/20 người Mỹ trưởng thành mỗi năm, ước tính khoảng 6% dân số bị PTSD trong đời. Mặc dù không dễ để đánh giá tỷ lệ bị bệnh nhưng PTSD được báo cáo nhiều ở phụ nữ hơn nam giới (8/100 so với 4/100), chủ yếu do các loại sang chấn như tấn công tình dục mà phụ nữ gặp phải. PTSD cũng phổ biến ở các cựu chiến binh hơn so với người dân bình thường, với tỷ lệ là 7%.

Một phần thách thức trong chẩn đoán PTSD là việc báo cáo không đầy đủ, dẫn đến chẩn đoán tổng thể không chính xác. Ngoài ra, một người gặp phải biến cố đau thương (khoảng 70% người Mỹ trưởng thành trải qua ít nhất lần trong đời) sẽ không nhất định phát triển PTSD. PTSD thường tiến triển từ từ theo thời gian, điều này cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ báo cáo.

Phân loại rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Mặc dù không dễ để phân loại PTSD, hai tình trạng sau đây có liên quan chặt chẽ đến chứng bệnh này:

  • Rối loạn căng thẳng cấp tính (Acute stress disorder – ASD): ASD là tình trạng sức khỏe tâm thần ngắn hạn, thường xảy ra trong tháng đầu tiên sau sang chấn, kéo dài ít nhất từ ba đến 30 ngày. Các triệu chứng thường gặp của ASD bao gồm lo âu, sợ hãi tột độ, hồi tưởng, ác mộng, cảm giác tê liệt và né tránh các tình huống có thể gợi nhớ về sang chấn. Một số tình huống sang chấn phổ biến có thể dẫn đến ASD bao gồm thiên tai, tấn công tình dục và thể chất, bạo hành bằng lời nói, chứng kiến sự tổn hại hoặc tử vong, tai nạn trầm trọng, bệnh tật bất ngờ, thương tích hoặc chiến tranh.
  • PTSD phức tạp (Complex PTSD – CPTSD): Tình trạng này có thể xảy ra nếu ai đó gặp phải sang chấn tâm lý lâu dài. Ví dụ như, lạm dụng hoặc bạo lực gia đình kéo dài, buôn bán người hoặc tình dục, chiến tranh, hoặc bạo lực thường xuyên.

Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của rối loạn căng thẳng sau sang chấn

PTSD có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Một người được chẩn đoán PTSD khi có các triệu chứng kéo dài ít nhất một tháng, gây đau khổ và cản trở khả năng hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng một tháng hoặc nhiều năm sau biến cố đau thương.

Triệu chứng phổ biến của PTSD được phân thành bốn loại:

1. Hồi tưởng mang tính thâm nhập

  • Ký ức khó chịu tái hiện lại sang chấn.
  • Hồi tưởng lại biến cố.
  • Ác mộng.
  • Phản ứng bất lợi về mặt cảm xúc hoặc thể chất với những điều gợi nhớ về biến cố.

2. Né tránh

  • Tránh các tình huống gợi lại sang chấn.
  • Tránh suy nghĩ về biến cố.
  • Tránh nói về biến cố.

3. Triệu chứng nhận thức hoặc tâm trạng

  • Sự vô vọng.
  • Mất trí nhớ.
  • Liên tục suy nghĩ lệch lạc về bản thân hoặc thế giới.
  • Cảm giác tách biệt.
  • Mất hứng thú với những thứ từng yêu thích.
  • Cảm giác tê liệt.
  • Khó cảm nhận những điều tích cực.

4. Thay đổi phản ứng

  • Dễ sợ hãi.
  • Dễ tức giận hoặc trải qua cơn bộc phát dữ dội.
  • Hành vi liều lĩnh.
  • Cảnh giác cao độ.
  • Khó ngủ.
  • Khó tập trung.
  • Cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ mãnh liệt.

Điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi nhóm tuổi và dân số. Trẻ em có thể không thể hiện cảm xúc giống như người lớn. Ví dụ, trẻ từ 6 tuổi trở xuống có thể lặp lại những hành vi khi xảy ra biến cố đau thương hoặc gặp ác mộng liên quan hoặc không liên quan đến biến cố.

Nguyên nhân của rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Mặc dù cơ chế chính xác của PTSD chưa được hiểu rõ, người ta cho rằng nguyên nhân của bệnh là do sự kết hợp giữa di truyền, sinh học thần kinh, cũng như các đặc điểm và trải nghiệm cá nhân. Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng các triệu chứng có thể tồn tại dai dẳng như là cách cơ thể cố gắng vượt qua cơn khủng hoảng trong tương lai. Ví dụ, các triệu chứng như hồi tưởng hoặc tăng cảnh giác có thể là cách bộ não bảo vệ một người khỏi bị tổn thương thêm. Ngoài ra, một số ảnh chụp quét não của bệnh nhân PTSD cho thấy vùng hải mã, cấu trúc chịu trách nhiệm về trí nhớ và cảm xúc, có xu hướng nhỏ hơn. Điều này có thể là do việc trải qua các triệu chứng PTSD khiến bộ não co lại như một cơ chế bảo vệ để tránh gợi lại ký ức đau thương.

Ngoài ra, hạch hạnh nhân (chịu trách nhiệm về cảm xúc và nỗi sợ) dường như hoạt động quá mức ở bệnh nhân PTSD, làm thay đổi sinh lý thần kinh tổng thể của bộ não.

Nghiên cứu cho thấy những người trải qua PTSD có sự thay đổi chức năng dẫn truyền thần kinh và nội tiết tố thần kinh. PTSD ảnh hưởng đến nồng độ cortisol và làm tăng yếu tố bài tiết corticotropin (CRF), loại peptide thần kinh chịu trách nhiệm phóng thích chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine. Mặc dù đang phải chịu đựng nỗi đau khổ, bệnh nhân PTSD dường như có mức cortisol, hormone căng thẳng ở mức bình thường hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, họ lại có mức CRF cao hơn. Bằng cách kích thích phóng thích norepinephrine, CRF có thể khiến vùng dưới đồi gây ra phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” như tăng nhịp tim, tăng huyết áp và dễ bị giật mình. Ngoài ra, việc giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh ức chế chính acid gamma-aminobutyric (GABA) có thể dẫn đến tăng cảm giác phân ly và/hoặc tri giác sai thực tại.

Hướng dẫn cơ bản về Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Trong PTSD, hạch hạnh nhân hoạt động quá mức và khiến vùng dưới đồi sản xuất các hormone như norepinephrine để giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn. Vỏ não trước trán sau đó thông báo cho phần còn lại của cơ thể rằng mối nguy hiểm đã trôi qua, nhưng với bệnh nhân PTSD, cơ chế này không hoạt động hiệu quả, khiến cơ thể luôn ở trạng thái cảnh giác cao độ. (Ảnh minh họa bởi Shutterstock, The Epoch Times)

Nhiều sang chấn có thể dẫn đến PTSD. Một trong số này bao gồm:

  • Tai nạn trầm trọng, chẳng hạn như tai nạn ô tô hoặc dẫn đến thương tích.
  • Tấn công thể chất hoặc tình dục.
  • Bạo hành thời thơ ấu hoặc trong gia đình.
  • Vấn đề sức khỏe trầm trọng.
  • Một thành viên thân thiết trong gia đình hoặc bạn bè qua đời.
  • Chiến tranh.
  • Tra tấn.

Ai có nhiều khả năng phát triển căng thẳng sau sang chấn?

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị PTSD nếu họ trải qua hoặc nhận thức được mối đe dọa của một biến cố đau thương, một số nhóm có nguy cơ cao hơn.

Một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển PTSD gồm:

  • Di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy những người có tiền sử rối loạn tâm thần di truyền dễ bị PTSD hơn. Mặc dù điều này cần được nghiên cứu sâu hơn để khẳng định nhưng những phát hiện ban đầu cho thấy các tập hợp gene chịu trách nhiệm về chức năng thần kinh nội tiết có thể di truyền được. Do đó, nếu gia đình bạn có vấn đề về sức khỏe tâm thần và bạn gặp phải một biến cố đau thương, hãy thực hiện các giải pháp bổ sung để chủ động điều trị nhằm ngăn chặn sự phát triển của PTSD.
  • Giới tính: Phụ nữ dễ bị PTSD hơn nam giới. Theo dữ liệu thu thập được từ Bảng câu hỏi sang chấn của Harvard, mặc dù sang chấn và PTSD có thể xảy ra ở bất kỳ ai với mọi lứa tuổi, nhưng một nghiên cứu cho thấy nam giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở độ tuổi đầu 40 và phụ nữ ở độ tuổi đầu 50. Đáng chú ý, phụ nữ có tỷ lệ PTSD cao gấp hai đến gần ba lần nam giới ở tất cả các nhóm tuổi. Phụ nữ chiếm gần 75% ở độ tuổi 21-25. Nguyên nhân được cho là do sự sai lệch trong báo cáo, vai trò giới tính và khả năng dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc, vì phụ nữ thường báo cáo và tìm kiếm sự giúp đỡ về tình trạng này hơn nam giới.
  • Chủng tộc: Một số nghiên cứu, chẳng hạn như bài báo năm 2014 được đăng trên Tập san Behavioral Sciences (Khoa học Hành vi), cho thấy tỷ lệ PTSD ở người Mỹ gốc Phi có thể cao hơn người gốc Âu. Các tác giả của bài báo viết: Những tổn thương liên quan đến phân biệt chủng tộc có thể góp phần vào vấn đề này.
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Tiền sử về các tình trạng sức khỏe tâm thần như lo âu hoặc trầm cảm sẽ làm tăng nguy cơ phát triển PTSD.
  • Đặc điểm nhân cách: Một số nhân cách như khả năng ứng phó kém, tính khí thất thường, khả năng phục hồi kém trước căng thẳng, mô hình nhận thức và phản ứng với ký ức về các biến cố bất lợi có thể làm tăng nguy cơ PTSD. Đặc biệt, nhân cách nhạy cảm dường như là một yếu tố dự báo PTSD lâu dài.
  • Thiếu hệ thống trợ giúp: Những người có hệ thống trợ giúp yếu hoặc thiếu nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần có nguy cơ phát triển PTSD cao hơn.
  • Nghề nghiệp dễ bị sang chấn tâm lý: Những người làm việc trong tình huống nguy hiểm, chẳng hạn như cựu chiến binh hoặc làm việc trong nhà tù hoặc môi trường không an toàn, có nguy cơ bị PTSD cao hơn.

Chẩn đoán rối loạn sau sang chấn

Một người trưởng thành phải có các triệu chứng sau đây trong vòng ít nhất một tháng để được chẩn đoán PTSD:

  • Nhớ lại hoặc hồi tưởng biến cố ít nhất một lần.
  • Có một hoặc nhiều triệu chứng né tránh.
  • Ít nhất hai thay đổi phản ứng.
  • Hai hoặc nhiều triệu chứng về nhận thức hoặc tâm trạng.

Chẩn đoán PTSD có thể bắt đầu bằng bảng câu hỏi tự sàng lọc hoặc bác sĩ lâm sàng đưa ra các câu hỏi sàng lọc. Kết quả sẽ định hướng xem có cần đánh giá thêm hay không. Quá trình chẩn đoán PTSD thường bao gồm:

  • Trả lời câu hỏi về biến cố đau thương đã trải qua.
  • Một đánh giá chuyên sâu 15 phút đến hai tiếng về những biến cố đau thương đã diễn ra và những khó khăn gặp phải xung quanh điều này.
  • Hoàn thành các cuộc khảo sát với câu hỏi xoay quanh suy nghĩ và cảm xúc chung.
  • Đặt câu hỏi cho gia đình hoặc bạn bè, những người có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về các hành vi được quan sát.

Hai giải pháp chính để đánh giá PTSD bao gồm các buổi phỏng vấn có cấu trúc và bảng câu hỏi tự báo cáo. Các buổi phỏng vấn có cấu trúc có thể áp dụng thang đo PTSD do bác sĩ lâm sàng quản lý (CAPS), một công cụ sàng lọc PTSD tiêu chuẩn. Một cuộc phỏng vấn lâm sàng có cấu trúc DSM (SCID) có thể được dùng để đánh giá PTSD, cùng với các rối loạn sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác. Với bảng câu hỏi tự báo cáo, phổ biến nhất là danh sách kiểm tra PTSD (PCL), gồm các câu hỏi về tần suất của triệu chứng trong một khoảng thời gian nhất định.

Biến chứng của rối loạn sau sang chấn

PTSD có thể gây ra một số biến chứng nhất định, ảnh hưởng nhiều nhất đến hệ thần kinh và chất lượng cuộc sống.

Một số biến chứng phổ biến bao gồm:

  • Vấn đề lạm dụng chất gây nghiện.
  • Lo âu, trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.
  • Rối loạn ăn uống.
  • Ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
  • Đau cơ xơ hóa, hoặc đau kinh niên, lan tỏa.

PTSD có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh nhiều như chính bản thân người bệnh. Bệnh nhân PTSD thường xuyên gặp ác mộng và/hoặc những cơn ác mộng khiến họ hành xử khác đi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Trẻ em sống cùng bệnh nhân PTSD đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các tác động xấu.

Trong gia đình nơi mọi người sống cùng các cựu chiến binh bị PTSD, các chu kỳ căng thẳng và biểu hiện triệu chứng đặc biệt có thể đến rồi đi và gây căng thẳng cho thành viên gia đình. Nếu bạn hoặc ai đó đang gặp khó khăn do sống cùng một cựu chiến binh bị PTSD, hãy tham khảo các nguồn lực và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại địa phương để đẩy nhanh quá trình chữa lành và hiểu biết.

Một người đang trải qua PTSD cũng có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ nói chung. Triệu chứng của PTSD khiến bệnh nhân khó tin tưởng, giao tiếp và giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ, do đó thường dẫn đến khoảng cách tình cảm.

Phương pháp điều trị rối loạn sau sang chấn

Các phương pháp điều trị PTSD sẽ khác nhau tùy vào từng người cũng như mức độ phổ biến và trầm trọng của triệu chứng. Các phương pháp thường dùng nhằm giúp bệnh nhân vượt qua sang chấn để được chữa lành:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): CBT tập trung vào mối liên quan giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bệnh nhân với sang chấn tâm lý. CBT giúp mọi người vượt qua sang chấn bằng cách nhắm vào các vấn đề và triệu chứng qua thay đổi hành vi. CBT nhằm mục đích cải thiện một lối suy nghĩ và hành vi, từ đó cải thiện chức năng ở các suy nghĩ và hành vi liên quan khác. Dưới sự trợ giúp của CBT, các liệu pháp tiếp xúc kéo dài có thể được dùng để giúp bệnh nhân tiếp cận những ký ức liên quan đến sang chấn và học chiến thuật đối phó mà không khiến cơ thể rơi vào trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy. CBT thường được thực hiện theo nhiều đợt trong vài tuần.
  • Liệu pháp tiếp xúc kéo dài (PE): Liệu pháp tiếp xúc kéo dài là một loại CBT chỉ dẫn cho bệnh nhân cách từ từ đối mặt với nỗi sợ về ký ức, cảm xúc và tình huống liên quan đến sang chấn. Liệu pháp thường kéo dài ba tháng với các buổi học hàng tuần từ 60 đến 120 phút. PE bắt đầu bằng việc bệnh nhân mô tả chi tiết biến cố với sự hướng dẫn của nhà trị liệu. Cuối cùng, bệnh nhân được giao bài tập về nhà liên quan đến việc đối mặt với kích thích sợ hãi đã được thống nhất bên ngoài liệu pháp và học cách đối phó với cảm giác nảy sinh.
  • Liệu pháp xử lý nhận thức (CPT): Loại trị liệu này tập trung vào việc giúp mọi người học cách sửa đổi và thách thức những niềm tin vô ích liên quan đến sang chấn. Quá trình này nhằm mục đích giúp mọi người sửa đổi những niềm tin cản trở khả năng hoạt động. CPT cũng bao gồm theo nhiều đợt trong vài tuần.

Ngoài những liệu pháp kể trên, có thể áp dụng các điều trị bổ sung sau đây nếu có điều kiện:

  • Liệu pháp tâm lý chiết trung ngắn gọn (BEP): Liệu pháp này giải quyết cảm giác xấu hổ và tội lỗi, thường được thực hiện theo chuỗi gồm 16 buổi, mỗi buổi có một mục tiêu. Can thiệp này phù hợp với những người trải qua một sang chấn duy nhất.
  • Liệu pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động của mắt (EMDR): Liệu pháp EMDR khuyến khích mọi người tập trung nhanh vào sang chấn trong khi trải nghiệm kích thích dựa trên chuyển động của mắt. Mục tiêu của EMDR là giảm khả năng nhớ lại chi tiết và cảm xúc đã trải qua với những ký ức đau thương. Liệu pháp này thường được thực hiện một hoặc hai lần mỗi tuần trong nhiều tuần.
  • Hóa dược: Các loại thuốc, bao gồm sertraline, paroxetine, fluoxetine và venlafaxine, có thể được kê để giúp kiểm soát triệu chứng. Sertraline và paroxetine được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị PTSD.
  • Chất thức thần: Chất thức thần, chẳng hạn như LSD, psilocybin (nấm), ketamine, MDMA, cannabinoids, peyote và DMT, được chú ý trong những năm gần đây nhờ vai trò tiềm năng trong điều trị PTSD và các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm. Mặc dù liệu pháp tâm lý được xem là phương pháp điều trị hàng đầu cho PTSD nhưng không đủ cho 40% đến 60% bệnh nhân. Tâm lý trị liệu yêu cầu bệnh nhân phải đối mặt với những cảm xúc đầy thử thách khi giải quyết sang chấn và một số chuyên gia tin rằng việc tích hợp một số chất kích thích thần kinh có thể đẩy nhanh quá trình chữa lành.

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến rối loạn sau sang chấn như thế nào?

Mặc dù nghiên cứu về chủ đề này còn hạn chế nhưng một số cho thấy lối suy nghĩ tích cực có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân.

Một số nghiên cứu chứng minh sức mạnh của việc thực hành thiền định dựa trên lòng từ bi ở các cựu chiến binh PTSD. Phương pháp này tập trung vào các kỹ thuật CBT để trợ giúp cho các cựu chiến binh PTSD trong một loạt buổi tập. Nghiên cứu cho thấy người tham gia có cách suy nghĩ được cải thiện, dẫn đến giảm bớt triệu chứng liên quan đến PTSD và tỷ lệ trầm cảm nói chung. Những cải thiện này được cho là do cảm xúc tích cực (bình yên và tĩnh lặng) tăng lên khi thực hành thiền thường xuyên.

Một phân tích gộp kiểm tra các phương pháp thực hành chánh niệm giúp giảm triệu chứng PTSD cũng phản ánh những mối tương quan thuận, cho thấy sự cải thiện về tư duy và hiện diện giúp giảm thiểu triệu chứng PTSD. Với những cải thiện về trạng thái tinh thần, con người có nhiều khả năng giảm thiểu tác động tiêu cực của biến cố đau thương qua lăng kính phản chiếu và không phán xét.

Mặc dù chẩn đoán PTSD có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu hoặc gợi lên lo âu xung quanh sự kỳ thị liên quan đến chẩn đoán, nhưng việc tuyển dụng đội ngũ bác sĩ chăm sóc y tế có trình độ phù hợp, bao gồm bác sĩ và nhà trị liệu, là điều cần thiết. Bạn cũng có thể tìm kiếm và chia sẻ với những người có trải nghiệm tương tự để nhận sự trợ giúp.

Các cách tiếp cận tự nhiên với rối loạn sau sang chấn

Có một số phương pháp tự nhiên giúp giảm thiểu triệu chứng PTSD. Mặc dù cần những nghiên cứu sâu hơn, nhưng dường như có một số phát hiện tích cực ban đầu liên quan đến các liệu pháp bổ sung và thay thế sau đây:

  • Kích thích từ xuyên sọ lặp lại (rTMS): Kỹ thuật không xâm lấn này kích thích các tế bào thần kinh vỏ não vốn có thể ảnh hưởng tích cực đến chất dẫn truyền thần kinh và nồng độ cortisol, do đó làm giảm mức độ nặng của PTSD.
  • Châm cứu: Châm cứu giúp giảm triệu chứng PTSD bằng cách làm giảm hoạt động của hệ thần kinh tự chủ.
  • Thiền định: Thực hành thiền định giúp nâng cao mức độ tự quan sát và giảm trầm cảm, lo âu, ý tưởng tự sát hoặc rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, thiền định với lòng từ bi được chứng minh là làm giảm trầm cảm và các triệu chứng PTSD nhờ khuyến khích nuôi dưỡng lòng từ bi và chánh niệm.
  • Liệu pháp thôi miên: Giúp giảm triệu chứng bằng cách thay đổi cảm giác, tri giác, nhận thức, tâm trạng và hành vi. Liệu pháp thôi miên cũng giúp làm giảm hoạt động của hệ thần kinh tự chủ, tăng khả năng tiếp thu.
  • Hình dung: Kỹ thuật hình dung cung cấp hình ảnh có hướng dẫn để dẫn dắt một người trải qua những trải nghiệm cho phép họ tiếp cận các khía cạnh thể chất, cảm xúc và tinh thần hiệu quả hơn, giảm mức độ nặng của PTSD.
  • Thảo dược: Theo Hiệp hội các trường Cao đẳng Y tế Naturopathic được công nhận (AANMC), các công thức bổ sung thảo dược có chứa sâm Tây Bá Lợi Á, khoai lang, cam thảo, Ngũ vị tử bắc, yến mạch, hương nhu tía và/hoặc rễ vàng có thể đáng để nghiên cứu.

Dự phòng rối loạn sau sang chấn

Không có phương pháp nào ngăn ngừa tuyệt đối PTSD, vì người ta không thể đoán được những biến cố đau thương có thể xảy ra trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, có nhiều cách để cải thiện khả năng phòng vệ chống lại việc phát triển PTSD kéo dài nếu một biến cố kích hoạt xảy ra.

Một số phương pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro liên quan đến nhận thức về cách đối mặt và giải quyết sang chấn, bao gồm:

  • Bảo đảm có sự trợ giúp: Có một hệ thống trợ giúp với sự liên lạc và đăng ký thường xuyên với những người mà bạn tin tưởng có thể giảm nguy cơ phát triển PTSD. Một cộng đồng gồm những người có trải nghiệm cuộc sống hoặc đã trải qua sang chấn tương tự xung quanh bạn có thể là một phương pháp trị liệu.
  • Giao tiếp: Những người có thể nói về sang chấn của mình với các chuyên gia chăm sóc y tế và người thân yêu có cơ hội vượt qua khó khăn liên quan đến sang chấn tốt hơn.
  • Nuôi dưỡng hình ảnh và quan điểm tích cực về bản thân: Khi suy ngẫm về tổn thương, việc cố gắng duy trì sự tích cực trong khả năng tốt nhất có thể rất hữu ích. Xác định bản thân là người sống sót chứ không phải nạn nhân có thể là cách hữu ích để điều chỉnh lại quan điểm.
  • Lưu giữ hy vọng: Giữ niềm tin rằng bạn có thể chữa lành và kiểm soát cảm xúc khi đối mặt với sang chấn và điều này có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển PTSD.

Bài viết trên được xem xét về mặt y tế bởi Bác sĩ y khoa Beverly Timeding.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jordan Stachel
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jordan Stachel là chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề ở cơ sở phòng khám tư nhân, nơi cô giúp khách hàng qua việc cung cấp thông tin dinh dưỡng dựa trên bằng chứng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn