Tam Y Luận Đàm: Thượng Y trị quốc, Trung Y trị nhân, Hạ Y trị bệnh

Tam Y Luận Đàm - Phần 1

Phải nói rằng cuộc sống thời hiện đại là rất hứng khởi – và các công việc tất bật thường hằng có thể đi kèm với căng thẳng, lo lắng, và kiệt quệ về tinh thần. Đối với nhiều người, duy trì sức khỏe thể chất tốt giữa nhịp sống hối hả là mục tiêu hàng đầu.

Tiến sĩ Yang Jingduan, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Trung Quốc sinh sống và làm việc tại tiểu bang Philadelphia, đã giới thiệu loạt bài giảng “Tam Y Luận Đàm” để chia sẻ những hiểu biết của ông về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể.

Sau đây là bản sao chép từ các bài giảng.

Lời mở đầu

Kính chào quý vị, đây là phần đầu tiên của loạt bài “ Tam Y Luận Đàm.” Tên gọi này bắt nguồn từ một câu châm ngôn Trung Hoa: “Thượng y trị quốc, Trung y trị nhân, Hạ y trị bệnh.” Diễn đàn nhằm mục đích chia sẻ các nguyên tắc điều trị bệnh tật, con người và quản lý đất nước cũng như mối quan hệ tương ứng của ba phương diện này với sức khỏe.

Trước tiên, hãy để tôi giải thích các khái niệm về “Tam Y” với “các bệnh nhân” tương ứng. Biển Thước, một y học gia nổi tiếng ở Trung Hoa, và hai anh em em của ông đều hành nghề thầy thuốc. Một hôm, Hoàng đế gọi Biển Thước đến hỏi: “Ngươi rất nổi tiếng, nhưng ngươi có thể cho ta biết còn thầy thuốc nào y thuật cao minh hơn ngươi không?”

Biển Thước đáp: “Gia đình hạ thần có ba anh em trai. Anh cả của hạ thần có thể nhìn ra vấn đề trước khi mọi người phát bệnh. Anh ấy nói với mọi người cách để sống sót, [vì vậy] anh ấy đã chữa khỏi trước khi họ phát bệnh. Điều này khiến y thuật của anh ấy khó được công nhận. Vì vậy, anh ấy không nổi tiếng, ngoài gia đình hạ thần thừa nhận thì không một ai khác biết được y thuật của anh ấy.”

Người anh thứ hai của hạ thần có thể phát hiện ra bệnh tật trong giai đoạn sớm, vì vậy anh ấy đã chữa khỏi cho mọi người trước khi bệnh tình trở nên tệ hơn. Mọi người cho rằng anh ấy chỉ giỏi chữa những bệnh vặt nên cũng không được nhiều người biết đến.

Còn hạ thần chỉ phát hiện ra vấn đề khi bệnh trở nên trầm trọng. Lúc đó hạ thần cần dùng đến tất cả những thứ có trong tay như kim chích, thuốc men, dao mổ. Dường như hạ thần luôn cứu người thoát chết. Đó là lý do vì sao hạ thần nổi tiếng hơn các anh. Nhưng trên thực tế, cả hai đều có y thuật cao siêu hơn hạ thần.”

Hạ y trị bệnh

Bây giờ hãy nói về “ Hạ y trị bệnh.” Điều này có nghĩa là chữa bệnh ở giai đoạn tiến triển, khi một người đã phát bệnh hoặc thực sự bị bệnh nặng. Vậy bệnh nặng đến mức như thế nào để được xem là tiến triển? Câu trả lời là khi bệnh có thể nhìn thấy bằng mắt thường cũng như phát hiện được bằng các dụng cụ và xét nghiệm. Với tất cả các triệu chứng có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy được, thì người bệnh cần phải điều trị.

Chúng tôi không xem các thầy thuốc “hạ y ” là kém cỏi vì họ điều trị bệnh ở giai đoạn nặng hoặc bề mặt nhất. Trong tiếng Anh, điều này được gọi là “downstream,” giống như dòng nước chảy từ thượng lưu về hạ lưu. Nếu chúng ta phân loại giai đoạn đầu của bệnh là thượng lưu, thì giai đoạn cuối của bệnh là hạ lưu. Đi khám bác sĩ vào lúc này chính là giai đoạn hạ lưu của việc chữa bệnh. Nhưng không có nghĩa là trị bệnh khi trở nặng không quan trọng. Ngược lại, nó rất quan trọng.

Biển Thước nổi tiếng là do ông điều trị bệnh ở giai đoạn muộn. Trên thực tế, bệnh viện và bác sĩ làm thời nay về cơ bản đều làm công việc này. Nhưng không bao giờ nên hiểu rằng họ kém cỏi hay có trình độ thấp, mà chỉ đơn giản là nói đến giai đoạn bệnh mà họ điều trị.

Trung y trị nhân

Tiếp theo, hãy nói về “trung y trị nhân.” Cơ thể người vô cùng phức tạp, và nguyên nhân khiến con người bị bệnh lại càng phức tạp hơn. Thói quen sinh hoạt hàng ngày có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý và tâm trạng cũng đóng một vai trò quan trọng. Con người sinh ra đều có nhân tố bẩm sinh, Tây phương gọi là nhân tố di truyền, Đông phương gọi là bẩm sinh. Tất cả những điều này đều có tác động đến sức khỏe. Ngoài ra, những yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của một người.

Vì vậy, đối với những người ở giai đoạn “trung” như vậy, việc điều trị là để giảm thiểu một số yếu tố gây bệnh trước khi họ phát bệnh. Các phương thức chữa bệnh bậc trung (tình cờ được viết giống như “Trung Y”) ở đây không đề cập đến Trung Y, mà là cách một người nên sống và ngăn ngừa bệnh tật ra sao. Điều này được gọi theo cách thích hợp hơn là phương pháp điều trị nhắm vào giai đoạn giữa của bệnh – trạng thái giữa hai thái cực từ sức khỏe đến bệnh tật, để giảm thiểu các yếu tố gây bệnh. Chuyên gia dinh dưỡng, giáo viên yoga, khí công sư, v.v., những người hướng dẫn cách giảm căng thẳng tâm lý và tư vấn, hướng dẫn cuộc sống, tư vấn các mối quan hệ, thậm chí tư vấn và hướng dẫn trong công việc, tất cả đều thuộc thầy thuốc bậc trung và cũng rất quan trọng.

Thượng y trị quốc

Cuối cùng, hãy nói về “thượng y trị quốc.” Theo tôi hiểu, điều quan trọng nhất trong một quốc gia là chính sách. Phòng ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe có liên quan chặt chẽ với chính sách y tế công cộng của một quốc gia. Và chính sách của một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn dân.

Tôi nhớ rằng ở Trung Quốc trong những năm đầu, học sinh và công nhân phải đồng loạt thực hiện các bài tập kéo giãn theo các động tác được ghi âm trước qua loa vào một thời điểm nhất định trong ngày. Bên cạnh đó, sinh viên cũng phải thực hiện các bài tập thể dục cho mắt (mát xa nhiều huyệt gần mắt) trong giờ ra chơi. Đây là một chính sách công đặc biệt quan trọng, giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của toàn dân. Ngoài ra còn có vấn đề hút thuốc, đó là một ví dụ rất điển hình khác. Khi tôi còn là bác sĩ ở Trung Quốc đại lục, tất cả các bác sĩ trẻ chúng tôi đều hút thuốc. Tuy nhiên, khi nghiên cứu cho thấy hút thuốc có thể gây ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác nhau được công bố, một số người đã bỏ hút thuốc.

Một số người có thể nói, “Tôi biết điều đó có hại, nhưng tôi vẫn phải hút thuốc.” Điều này liên quan nhiều hơn đến sự lựa chọn của riêng họ. Khi đất nước bắt đầu xây dựng các chính sách quy định không được phép hút thuốc tại các nhà hàng và nơi công cộng, đây là một ví dụ về “bậc cao trị quốc,” bởi vì chính sách này ảnh hưởng đến mọi người ở [quốc gia] đó. Những ảnh hưởng bao gồm sự vận động của đất nước về đạo đức xã hội, quan niệm đạo đức và thói quen sống lành mạnh, tất cả đều liên quan đến “bậc cao trị quốc.”

“Tam y luận đàm” mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm và phương pháp hữu ích khác nhau mà con người chúng ta đã tích lũy được từ ba cấp bậc này. Đây là nơi chia sẻ kiến ​​thức và phương pháp, vì vậy mọi người đều được hoan nghênh tham gia diễn đàn này. Hãy cho chúng tôi biết suy nghĩ và kinh nghiệm của quý vị. Mặc dù chúng ta đều là những người bình thường, nhưng tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho sức khỏe của toàn xã hội và cộng đồng.

Bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn