Trái ớt có thể giúp chúng ta hạnh phúc và chống lại bệnh ung thư không?

Trái ớt có thể đem lại cảm giác sảng khoái, khỏe khoắn ngắn hạn đồng thời mang lại lợi ích dinh dưỡng lâu dài cho cơ thể.

Với vị cay nóng và hương vị đậm đà, trái ớt mang đến trải nghiệm ăn uống mạo hiểm. Ngoài hương vị hấp dẫn, trái ớt còn chứa nhiều chất dinh dưỡng và có đặc tính trợ giúp sức khỏe và chữa bệnh.

Các nghiên cứu phát hiện những người thường xuyên ăn ớt cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và đột quỵ so với những người không ăn hoặc những người hiếm khi ăn ớt.

Câu chuyện “Bà Ớt”

Ở Trung Hoa, hơn 35% người dân thích ăn ớt. Trung Hoa cũng là quốc gia có diện tích trồng ớt lớn nhất và tiêu thụ ớt cao nhất thế giới. Mặc dù lịch sử của ớt tại Trung Hoa chỉ mới vài trăm năm nhưng ớt đã trở thành món không thể thiếu trên nhiều bàn ăn của người Trung Hoa.

Thậm chí còn có câu chuyện cổ về ớt.

Chuyện kể rằng cách đây rất lâu, có bà lão khỏe mạnh và sống lâu ở ngôi làng nhỏ trên núi. Người ta gọi bà là “Bà Ớt” vì bí quyết sống lâu của bà là ăn nhiều ớt mỗi ngày. Bà cho rằng ớt có tác dụng giữ cơ thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Người dân trong làng rất tò mò về thói quen sinh hoạt của bà. Vì vậy, một ngày nọ, có người thanh niên đến nhà bà và hỏi, “Mỗi ngày ăn nhiều ớt như vậy, bà có cảm thấy cay và khó chịu không?” “Bà Ớt” mỉm cười và nói, “Đúng vậy. Ăn ớt khiến bà thấy hơi cay nhưng bà không bao giờ bị đau mà chỉ thấy vô cùng dễ chịu và vui vẻ.”

Bà cụ kể tiếp, mỗi lần ăn ớt, miệng và lưỡi của bà sẽ được kích thích bởi hơi nóng của ớt, khiến bà cảm thấy vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Vì vậy, chàng trai trẻ đã tự mình thử ăn ớt. Lúc đầu ăn rất cay, nhưng ngay sau đó, anh cảm thấy thư thái lạ thường. Vì vậy, hoàn toàn vì tò mò, anh ta hỏi, “Tại sao ớt khiến bà cảm thấy vui vẻ?” Thật không may, mặc dù có được niềm vui khi ăn ớt nhưng bà Ớt lại không biết tại sao.

Công dụng của trái ớt

Các nghiên cứu khoa học hiện đại xác nhận chất capsaicin trong ớt có thể kích thích bộ não tiết ra endorphin, là loại thuốc giảm đau tự nhiên và là hormone “hạnh phúc.” Ngoài ra, ớt còn thúc đẩy phóng thích dopamine trong não, chất này cũng mang lại cho chúng ta cảm giác phấn chấn, hài lòng. Việc trải nghiệm những thú vui cảm giác như thế này giúp con người cảm thấy yêu đời hơn và từ đó tăng cường sức khỏe.

Trên thực tế, lợi ích của ớt có thể còn vượt xa những thú vui hữu hình như vậy. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn ớt có nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân khác nhau cộng lại thấp hơn 13%, bao gồm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn 17%, nguy cơ tử vong do ung thư thấp hơn 8%, cũng như giảm 20% nguy cơ tử vong do đột quỵ so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi ăn ớt.

Bài nghiên cứu đăng trên Journal of Diabetes (Tập san Bệnh Tiểu đường) vào năm 2019 đã phân tích thói quen ăn uống và mối liên hệ với các bệnh chuyển hóa của hơn 200 triệu người Trung Hoa. Họ đã dùng kết quả để tạo ra bản đồ phân phối, cho thấy trong số các dữ liệu khác, những người thường xuyên ăn ớt có thể có nguy cơ bị bệnh tiểu đường thấp hơn.

Vào tháng 07/2021, Đại học Peking, Bắc Kinh phân tích dữ liệu từ gần 54,000 người, tuổi từ 30-79 ở tỉnh Chiết Giang và phát hiện ra rằng trong số những người uống rượu, những người ăn đồ cay hàng ngày chỉ có nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp thấp hơn 2% so với những người không bao giờ ăn thực phẩm cay. Nhưng trong số những người không uống rượu, những người thường xuyên ăn ớt mỗi ngày có nguy cơ bị tăng huyết áp thấp hơn 28%. Nói cách khác, nếu bạn thích ăn ớt và uống rượu thì lợi ích do ăn ớt mang lại sẽ bị rượu bù trừ.

Năm 2015, Đại học Oxford, Harvard, và Viện Khoa học Y khoa Trung Hoa đã cùng công bố nghiên cứu kéo dài trên 8 năm trên British Medical Journal (Tập san Y khoa Anh Quốc) sau khi theo dõi gần 500,000 người Trung Hoa trong độ tuổi từ 30 đến 79. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên ăn ớt hàng ngày có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn và việc tiêu thụ ớt thường xuyên đặc biệt có liên quan đến nguy cơ tử vong do ung thư, tim và các bệnh về hô hấp thấp hơn.

Giá trị dinh dưỡng của trái ớt

Vì sao ớt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe?

Ớt rất dồi dào chất dinh dưỡng, như vitamin C. Vitamin C là chất chống oxy hóa bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương gốc tự do, đồng thời tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch và tổng hợp collagen. Ngoài ra, ớt còn chứa beta-carotene, tiền chất của vitamin A, có thể chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể và rất cần thiết cho sức khỏe của mắt, da và niêm mạc cũng như sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.

Ớt chứa rất nhiều acid folic, rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi và tổng hợp hồng cầu.

Ớt cũng chứa rất nhiều loại khoáng chất, bao gồm potassium, magnesium, sắt, và kẽm, giúp duy trì các chức năng sinh lý bình thường, sức khỏe của xương và hình thành hồng cầu.

Ngoài ra, ớt rất dồi dào chất xơ, có thể tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, duy trì chức năng đường ruột bình thường, ngăn ngừa táo bón và điều chỉnh lượng đường trong máu.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất là capsaicin. Capsaicin trong ớt là chất tạo nên vị cay cho ớt. Capsaicin cũng có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và có những lợi ích nhất định đối với sức khỏe tim mạch và phòng chống ung thư.

Trái cây và rau củ màu đỏ có chứa các chất chống oxy hóa. (Ảnh: Jana Kollarova/Shutterstock)
Trái cây và rau củ màu đỏ có chứa các chất chống oxy hóa. (Ảnh: Jana Kollarova/Shutterstock)

Lưu ý khi ăn ớt

Nói chung, mọi người nên ăn ớt ở mức độ vừa phải, nhưng một số người có thể dị ứng hoặc cảm thấy khó chịu sau khi ăn ớt – đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe bao gồm trào ngược acid, loét dạ dày và viêm dạ dày. Những người này nên tránh ăn ớt.

Đối với một số người, thực phẩm cay có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày. Dùng quá nhiều ớt có thể gây ra các phản ứng bất lợi ở đường ruột, như đau bụng, tiêu chảy và khó chịu ở đường tiêu hóa, vì vậy tốt nhất nên ăn ở mức độ vừa phải. Đối với những người có vấn đề về răng miệng như loét miệng, viêm miệng, dị ứng miệng, ăn ớt có thể gây đau thêm, vậy tốt nhất nên tránh ăn ớt.

Đương nhiên, những người dị ứng với ớt nên tránh dùng ớt. Các triệu chứng dị ứng cấp tính với ớt bao gồm đỏ và sưng da, khó thở và ngứa da.

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn