Kinh doanh từ bệnh ung thư vú: Những rủi ro của chụp nhũ ảnh

Chiến dịch sàng lọc ít giá trị phổ biến này đang khiến hàng triệu phụ nữ phải làm nhiều xét nghiệm và nhận nhiều liệu pháp điều trị không cần thiết

Những lo ngại về việc chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú một cách rộng rãi ngày càng gia tăng trong giới khoa học.

Dù nhiều xét nghiệm để phát hiện ung thư đã được ngợi ca là phép màu cứu sống của y học hiện đại, nhưng một số cũng có mặt tiêu cực. Những lo ngại về việc chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú một cách rộng rãi ngày càng gia tăng trong giới khoa học khi các tập san công bố nghiên cứu tiết lộ rằng xét nghiệm này có những rủi ro. Với khoảng 70% phụ nữ ở Hoa Kỳ trên 40 tuổi chụp nhũ ảnh ít nhất hai năm một lần, điều này dấy lên những câu hỏi về sự an toàn của chúng, liệu thông tin về những nguy cơ tiềm ẩn có bị che đậy không, và ai thực sự được hưởng lợi từ việc xét nghiệm rộng rãi này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu hàng triệu phụ nữ đang làm giàu cho ngành công nghiệp hàng tỷ USD với lợi nhuận ngày càng tăng này bằng cách làm các xét nghiệm sàng lọc không những không cải thiện kết cục mà còn có thể gây hại cho những người đáng ra cần phải cứu?

Chụp nhũ ảnh: những điều cần biết

Chụp nhũ ảnh có những rủi ro mà tất cả phụ nữ nên biết. Hai mối lo chính của chụp nhũ ảnh là phơi nhiễm phóng xạ và chẩn đoán quá mức.

Bởi vì chụp nhũ ảnh dùng một loại bức xạ ion hóa nên luôn đi kèm với rủi ro nhất định. Tất cả chúng ta đều tiếp xúc với bức xạ mỗi ngày. Một số bức xạ đó, chẳng hạn như tia cực tím và tia hồng ngoại của mặt trời, rất cần thiết cho sức khỏe (với liều lượng thích hợp). Chúng ta đã thích nghi tốt với mức độ phóng xạ tự nhiên liều thấp này. Nhưng điều tương tự không xảy ra với bức xạ nhân tạo.

Bức xạ ion hóa trong chụp nhũ ảnh mạnh hơn nhiều so với bức xạ tự nhiên. Ở mức độ cao, bức xạ ion hóa có thể gây hại cho các mô, cơ quan của cơ thể và dẫn đến ung thư.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, liều lượng bức xạ từ chụp nhũ ảnh tương đương với lượng bức xạ nhận từ môi trường tự nhiên trong khoảng ba tháng.

Điều này đáng lo ngại vì trên cơ thể có những bộ phận đặc biệt nhạy cảm với bức xạ và bất cứ khi nào có thể chúng ta đều nên hạn chế tiếp xúc. Trên thực tế, Chương trình về Ung thư vú và các yếu tố nguy cơ từ môi trường của Đại học Cornell đã tuyên bố “tuyến vú người phụ nữ trước thời kỳ mãn kinh rất dễ chịu tác động gây ung thư từ phơi nhiễm bức xạ.” Khi chụp nhũ ảnh, bức xạ không chỉ hướng vào tuyến vú mà còn đi tới các cơ quan khác bên trong lồng ngực, như tim và phổi.

Một nghiên cứu thuần tập được công bố trên Tập san Ung thư Anh năm 2012 đã theo dõi hơn 500.000 phụ nữ từ năm 1973 đến năm 2009. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã xạ trị ung thư vú (tia X năng lượng cao) gia tăng đáng kể nguy cơ bị bệnh tim và ung thư phổi trong nhiều thập niên sau khi điều trị.

Nghiên cứu chứng minh rõ ràng mối liên quan giữa phơi nhiễm bức xạ và sự gia tăng theo thời gian cả về rủi ro lẫn tỷ lệ tử vong do bệnh tim và ung thư phổi (vào thập niên thứ ba) sau khi tiếp xúc bức xạ.

Nghiên cứu này là một trong nhiều nghiên cứu đặt ra câu hỏi về vấn đề chụp nhũ ảnh định kỳ cho những phụ nữ có nguy cơ bị ung thư vú thấp.

Chẩn đoán quá mức

Một vấn đề khác của chụp nhũ ảnh là chẩn đoán quá mức. Chẩn đoán quá mức đáng lo ngại vì chụp nhũ ảnh có thể phát hiện những bất thường không phải là ung thư hoặc những ung thư có thể tự thoái triển nhưng lại được điều trị ngay khi vừa mới phát hiện. Điều đó có nghĩa là nhiều phụ nữ phải trải qua hóa trị, xạ trị và phẫu thuật không thật sự cần thiết.

Một bài báo đăng trên Tập san Nghiên cứu và Thực hành Y tế Công cộng có tiêu đề “Chẩn đoán quá mức là gì và vì sao chúng ta nên xem xét một cách nghiêm túc?” đưa ra lời giải thích rất thấu đáo về chẩn đoán quá mức là gì và vì sao nó lại là một vấn đề. Định nghĩa chẩn đoán quá mức:

“Trong sàng lọc ung thư, ung thư được chẩn đoán quá mức là những ung thư không cần phát hiện vì chúng sẽ không gây ra triệu chứng hoặc dẫn đến tử vong sớm.

“Chẩn đoán quá mức xuất hiện trong sàng lọc ung thư do một nghịch lý rằng sàng lọc nhiều khả năng phát hiện ra các bệnh ung thư tiến triển chậm hoặc không hoạt động, ít gây hại nhưng ít phát hiện ra các bệnh ung thư tiến triển nhanh, ác tính, gây tử vong. Nghịch lý trọng yếu này đã ngày càng rõ ràng hơn trong những thập niên gần đây. Khi càng tạo ra nhiều chẩn đoán quá mức thì chương trình sàng lọc đó càng ít có khả năng đạt được mục tiêu là giảm bệnh tật và tử vong sớm do ung thư.”

Một bài báo đăng trên The Lancet năm 2013 dựa trên hai nghiên cứu ngẫu nhiên với những người từ 30 đến 35 tuổi đã đánh giá thấp phương pháp sàng lọc bằng chụp nhũ ảnh với tỷ lệ chẩn đoán quá mức là 19%.

Tác giả của bài báo, ông Per-Henrik Zahl, một nhà nghiên cứu của Viện Y tế Công cộng Na Uy, người đã nghiên cứu về chẩn đoán quá mức ung thư vú, lập luận rằng tỷ lệ phát hiện và chẩn đoán quá mức tăng trên 100% khi độ nhạy của chụp nhũ ảnh được nâng lên.

Ông Zahl lưu ý rằng khi phương pháp sàng lọc này được giới thiệu ở Thụy Điển và Na Uy, tỷ lệ ung thư vú xâm lấn đã tăng 50%. Tổng mức tăng chẩn đoán ở Na Uy là 75%. Ông kết luận rằng gần như tất cả sự gia tăng phát hiện ung thư thông qua sàng lọc là do các tổn thương tự hồi phục.

Một nghiên cứu so sánh được công bố trên Tập san BMC Women’s Health năm 2009 đưa ra mục tiêu định lượng chẩn đoán quá mức với chương trình sàng lọc bằng chụp nhũ ảnh ở Đan Mạch. Kết quả thật đáng chú ý vì quốc gia này chỉ có 20% dân số đã chụp nhũ ảnh trong một thời gian dài. Tỷ lệ bị ung thư biểu mô tại chỗ (ung thư vú giai đoạn 0) và ung thư vú xâm lấn được thu thập ở những khu vực có và không có sàng lọc trong hơn 13 năm và 20 năm trước khi áp dụng chụp nhũ ảnh. Nghiên cứu cho thấy ở những phụ nữ được sàng lọc, tỷ lệ chẩn đoán quá mức là 33%.

Một tổng quan hệ thống được công bố trên Tập san Y học Vương quốc Anh năm 2009 đã theo dõi tỷ lệ bị bệnh ung thư vú ở các khu vực – Vương quốc Anh; Manitoba, Ca-na-đa; New South Wales, Úc; Thụy Điển; và một số vùng của Na Uy – vào cả bảy năm trước và bảy năm sau khi các chương trình sàng lọc ung thư vú được khai triển trong cộng đồng. Đánh giá cho thấy chẩn đoán quá mức ước tính là 52% và kết luận một phần ba bệnh ung thư vú được phát hiện ở quần thể có sàng lọc đã được chẩn đoán quá mức.

Bằng chứng về chẩn đoán quá mức ngày một nhiều, và hiện được xem như nhược điểm trầm trọng nhất trong việc sàng lọc ung thư vú trên toàn dân số.

Khuyến cáo của ngành Ung thư

Tại Hoa Kỳ, chụp nhũ ảnh là phương pháp sàng lọc tiêu chuẩn được dùng phát hiện ung thư vú, và các bác sĩ thường bắt đầu trao đổi với bệnh nhân nữ về việc chụp nhũ ảnh vào khoảng 40 tuổi.

Cả Hiệp hội điện quang Hoa Kỳ và Hội nghị Sản Phụ khoa Hoa Kỳ đều khuyến nghị phụ nữ bắt đầu chụp nhũ ảnh hàng năm ở tuổi 40. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng việc kiểm tra hàng năm nên bắt đầu ở tuổi 45 (sau đó hai năm một lần sau 55 tuổi) và Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ bắt đầu chụp nhũ ảnh mỗi năm ở tuổi 50.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận phương pháp chụp nhũ ảnh, và quy định các tiêu chuẩn cho máy chụp nhũ ảnh và những nhà phân phối thiết bị. FDA cũng đã đưa ra một số cảnh báo về việc sử dụng phương pháp chụp ảnh nhiệt thay vì chụp nhũ ảnh, khuyến khích công chúng rằng chụp nhũ ảnh vẫn là xét nghiệm sàng lọc ung thư vú hiệu quả nhất.

Chụp nhũ ảnh thường xuyên có đem đến kết cục tốt hơn không?

Câu hỏi đặt ra: chụp nhũ ảnh thường xuyên có đem đến kết cục tốt hơn không? Đáp án tùy thuộc vào cách nhìn nhận kết cục tích cực hơn. Nếu chúng ta đang nói về việc phát hiện ung thư vú, dường như câu trả lời chắc chắn là có. Chụp nhũ ảnh được xem như một công cụ tuyệt vời để phát hiện ung thư vú. Nhưng nếu chúng ta định nghĩa kết cục tốt hơn là ít phụ nữ tử vong vì ung thư vú hơn, thì dường như câu trả lời sẽ khác.

Các nghiên cứu cho thấy chụp nhũ ảnh làm giảm không đáng kể tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi.

Dự kiến khoản tiền thu được từ ngành công nghiệp chụp nhũ ảnh

Thật thú vị khi biết rằng chụp nhũ ảnh là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Vào tháng 9 năm 2022, Vantage Market Research đã công bố một báo cáo dự đoán thu nhập từ “thị trường” chụp nhũ ảnh sẽ gia tăng từ 1.8 tỷ USD năm 2021 lên tới 3.2 tỷ USD vào năm 2028.

Các thị trường đang phát triển ở Á Châu dự kiến là nơi cung cấp phần lớn cho sự gia tăng đó. Báo cáo cho biết thêm sự tăng trưởng vượt bậc là do tồn tại một lượng đáng kể các công ty chụp nhũ ảnh được chấp nhận bởi các giải pháp kích thích tăng trưởng của chính phủ cũng như tăng hợp tác giữa ngành chụp nhũ ảnh và các chính phủ quốc gia.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các hướng dẫn và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Thanh Long biên dịch

Tú Liên biên tập

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Emma Suttie
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và viết chủ yếu về sức khỏe cho nhiều ấn phẩm trong thập niên qua. Cô hiện là ký giả sức khỏe cho The Epoch Times, cô chuyên viết về Trung y, dinh dưỡng, chấn thương, và y học lối sống.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn