Nói không với Glyphosate trong thực phẩm và môi trường của chúng ta

Khi nghiên cứu đáng lo ngại về thuốc diệt cỏ được đưa ra ánh sáng, nhiều người đang cố gắng tránh né vấn đề này. Trong số tất cả các loại thuốc trừ sâu trong nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta ngày nay, mối lo ngại nhất đối với người tiêu dùng có lẽ là glyphosate, hoạt chất chính trong thuốc diệt cỏ Roundup.

Dư lượng của chất diệt cỏ dại nổi tiếng này đã được phát hiện trong một loạt các sản phẩm thực phẩm thiết yếu được bán trong các cửa hàng tạp hóa hàng đầu. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều có nguy cơ vô tình tiếp xúc với [hóa chất diệt cỏ] từ thực phẩm chúng ta ăn. Glyphosate đã trở thành tâm điểm của một loạt các vụ kiện do những cá nhân sử dụng các sản phẩm glyphosate trong thời gian dài trong công việc hoặc trên bãi cỏ hoặc vườn của họ, và sau đó mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa glyphosate không chỉ với ung thư mà còn với các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm các vấn đề sinh sản, dị tật bẩm sinh và sức khỏe đường ruột.

Khi tìm hiểu về glyphosate, sự gia tăng đáng báo động trong việc sử dụng và rủi ro của nó, người tiêu dùng ngày càng muốn biết cách tránh [tiếp xúc với] glyphosate trong không khí và thực phẩm. Một số thành phố và quốc gia đã lo lắng về những ảnh hưởng sức khỏe và họ đang hành động để cấm hoặc hạn chế việc sử dụng glyphosate trên các sân chơi, bãi cỏ và trong cảnh quan. Ngoài ra còn có những cách mà các cá nhân có thể tự bảo vệ mình khi đi mua sắm, chẳng hạn như tìm kiếm các loại thực phẩm có nhãn Chứng nhận Hữu cơ và Không chứa dư lượng Glyphosate của USDA (Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ).

Glyphosate và sự gia tăng mạnh mẽ

Glyphosate là hóa chất diệt cỏ dại được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử sản xuất thực phẩm và nông nghiệp. Glyphosate được cấp bằng sáng chế bởi công ty Monsanto Co. (một tập đoàn công nghệ sinh học nông nghiệp và hóa chất nông nghiệp của Mỹ) vào năm 1974. Hiện nay nhiều công ty đã sản xuất và bán glyphosate trong hàng trăm sản phẩm.

Việc sử dụng hóa chất này đã tăng vọt sau khi các sinh vật biến đổi gen Roundup Ready (GMOs) kháng thuốc diệt cỏ ra đời, chẳng hạn như ngô và đậu nành biến đổi gen vào năm 1996. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy mức độ tiếp xúc với glyphosate của người Mỹ tăng khoảng 500% kể từ đó.

Nhưng thuốc diệt cỏ dại không chỉ được phun trên cây trồng GMO. Thuốc diệt cỏ cũng được sử dụng như một chất làm khô trước khi thu hoạch trên các loại cây trồng không biến đổi gen như lúa mì, lúa mạch và yến mạch.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng glyphosate không chỉ ở bên ngoài thực vật, mà còn được hấp thụ vào trong thực vật. Ô nhiễm glyphosate không thể được loại bỏ bằng cách rửa hoặc nấu nướng.

Hai cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm của chúng ta là: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), không kiểm tra glyphosate trong thực phẩm. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ đã đăng ký với FDA đã tiến hành các cuộc kiểm tra thực phẩm trong phòng thí nghiệm và phát hiện thấy hàm lượng glyphosate rất rất cao trong một số sản phẩm thực phẩm mang tính biểu tượng nhất của Mỹ, chẳng hạn như bánh quy giòn Cheerios, Oreos, Doritos và Ritz.

Xét nghiệm bổ sung đã phát hiện ra chất diệt cỏ dại trong một loạt các sản phẩm thực phẩm chủ yếu bao gồm bánh mì nguyên cám, đậu gà và Yến mạch Quaker. Các sản phẩm vi phạm tồi tệ nhất được tìm thấy ở các cửa hàng tạp hóa hàng đầu, chẳng hạn như Hy-Vee, Whole Foods Market và Walmart. Đáng báo động là 18 trong số 26 sản phẩm được dán nhãn không biến đổi gen được kiểm tra có chứa glyphosate.

Ung thư và khuyết tật bẩm sinh

Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố rằng glyphosate có thể gây ung thư. Kể từ đó, hàng nghìn người từng sử dụng thuốc diệt cỏ gốc glyphosate và sau đó mắc ung thư đã đệ đơn kiện Monsanto và Bayer AG, công ty đã mua lại Monsanto vào năm 2018. Trong các phán quyết chống lại tập đoàn, Bayer/Monsanto đã bị buộc phải bồi thường thiệt hại hơn 10 tỷ đô la Mỹ cho người làm vườn, người giữ đất và nông dân đang bị u lympho không Hodgkin (một bệnh ung thư hệ bạch huyết).

Stephanie Seneff, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của MIT, viết trong cuốn sách “Di sản độc hại” rằng: “Tôi tin rằng glyphosate là hóa chất môi trường nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày nay do cơ chế độc hại duy nhất, sử dụng không cẩn thận và sự xuất hiện tràn lan. Theo Seneff, các tài liệu khoa học cho thấy rằng glyphosate “khiến cơ thể trở thành con mồi của ung thư”.

Nhưng những lo ngại về sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với glyphosate không chỉ là ung thư. Một bài báo tổng quan vào tháng 10/2020 trên tạp chí Chemosphere cho thấy glyphosate thể hiện 8 trong số 10 đặc điểm chính của một chất gây rối loạn nội tiết, hoặc hormone. Glyphosate đã được phát hiện là có khả năng phá vỡ sự điều hòa hormon tuyến giáp, ngăn chặn sự tổng hợp testosterone và ức chế một loại enzyme quan trọng để chuyển đổi testosterone thành estrogen.

Tiếp xúc với glyphosate có liên quan đến rối loạn sinh sản, bao gồm dị tật bẩm sinh ở trẻ em và các vấn đề về khả năng sinh sản ở người lớn. Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Sức khỏe Môi trường cho thấy glyphosate có thể liên quan đến sinh non, điều này có thể gây hại cho sức khỏe bà mẹ và làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh và các vấn đề học tập khi trẻ phát triển.

Các nhà nghiên cứu cũng lo ngại về ảnh hưởng của glyphosate đối với sức khỏe đường ruột. Một bài tổng quan năm 2020 về tác động của glyphosate đối với hệ vi sinh vật đường ruột đã kết luận rằng dư lượng glyphosate trong thực phẩm có thể gây ra chứng loạn khuẩn (mất cân bằng trong hệ vi sinh vật, bao gồm cả vi khuẩn và nấm trong đường ruột) do các mầm bệnh cơ hội kháng glyphosate hơn là lợi khuẩn bảo vệ sức khỏe.

Bài báo cũng cho biết, “Glyphosate có thể là yếu tố kích hoạt môi trường quan trọng trong căn nguyên của một số trạng thái bệnh liên quan đến chứng rối loạn sinh học, bao gồm bệnh celiac (dị ứng với gluten có trong lúa mì, lúa mạch và nhiều loại bột ngũ cốc), bệnh viêm ruột và hội chứng ruột kích thích. Tiếp xúc với glyphosate cũng có thể gây ra hậu quả đối với sức khỏe tâm thần, bao gồm cả lo lắng và trầm cảm, thông qua những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột ”.

Nói không với Glyphosate trong thực phẩm và môi trường của chúng ta
Glyphosate là hóa chất diệt cỏ dại được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử sản xuất thực phẩm và nông nghiệp. (Ảnh: pixabay)

Các phong trào chống lại Glyphosate

Khi mọi người hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề glyphosate, ngày càng có nhiều người thực hiện các hành động hiệu quả để tự bảo vệ mình trước chất diệt cỏ này. Một ví dụ: Sau khi hàng trăm nghìn công dân có liên quan [đến chất diệt cỏ] tham gia chiến dịch của Nhóm Công tác Môi trường nhằm loại bỏ glyphosate khỏi thực phẩm, Kellogg đã công bố kế hoạch chấm dứt việc sử dụng glyphosate trước khi thu hoạch trên tất cả các loại cây trồng của mình vào cuối năm 2025.

Các nỗ lực của các nhà hoạt động cấp cơ sở cũng đã dẫn đến phong trào các quốc gia và thành phố cấm glyphosate. Theo Baum Hedlund, một công ty luật của Hoa Kỳ đại diện cho hàng trăm nguyên đơn kiện Bayer/Monsanto với cáo buộc [thuốc diệt cỏ] gây ra bệnh ung thư của họ, nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng glyphosate.

Cũng có một số thành phố ở Hoa Kỳ đã cấm sử dụng glyphosate, bao gồm Portland, Maine và Miami. Hơn 150 thành phố đã áp dụng các chính sách quản lý đất hữu cơ, không độc hại, nhưng không bao gồm việc sử dụng glyphosate và các loại thuốc trừ sâu tổng hợp khác. Theo Beyond Pesticides, các thành phố hàng đầu đang chuyển sang sử dụng các thực hành không có thuốc trừ sâu và cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ không sử dụng thuốc trừ sâu cho cộng đồng bao gồm Irvine, California, Thành phố New York, Portland, Oregon và Dubuque, Iowa.

Các quốc gia giới hạn hoặc cấm Glyphosate

  • Bahrain
  • Bỉ
  • Bermuda
  • Canada
  • Colombia
  • Cộng hòa Séc
  • Đan mạch
  • Fiji
  • Nước pháp
  • nước Đức
  • Nước Ý
  • Kuwait
  • Luxembourg
  • Mexico
  • Hà Lan
  • Oman
  • Bồ Đào Nha
  • Qatar
  • Ả Rập Saudi
  • Scotland
  • Tây ban nha
  • Sri Lanka
  • Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất
  • Việt Nam

Làm thế nào để loại bỏ Glyphosate

Với cá nhân, bạn có thể có những thay đổi đơn giản khi mua thực phẩm để có thể bảo vệ bạn khỏi glyphosate và các hóa chất độc hại khác. Mua thực phẩm hữu cơ được chứng nhận hoặc mua thực phẩm thực sự do nông dân địa phương trồng, những người mà bạn biết không sử dụng glyphosate hoặc các loại thuốc trừ sâu tổng hợp khác. Để có sự bảo vệ tốt hơn khi mua sắm tại các cửa hàng, hãy tìm các sản phẩm có nhãn Không chứa dư lượng Glyphosate. Để bản thân thực hiện những thay đổi này, hãy liên tục nhắc nhở bản thân rằng cơ thể có khả năng tự chữa lành đáng kinh ngạc khi bạn chỉ cần loại bỏ các chất độc hại.

Tìm kiếm các Nhãn Thực phẩm để tránh phải tiếp xúc với glyphosate

Để tránh glyphosate trong và trên thực phẩm bạn mua, hãy tìm những nhãn dán dưới dây.

1. USDA hữu cơ

Theo luật, glyphosate và các loại thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp khác cùng với phân bón tổng hợp, bùn thải, chiếu xạ và thực phẩm biến đổi gen không được sử dụng trong sản xuất cây trồng hữu cơ được chứng nhận. Mặc dù glyphosate phổ biến trong môi trường của chúng ta và có thể trôi vào cây trồng hữu cơ thông qua gió hoặc mưa, nghiên cứu cho thấy rằng những người ăn chế độ ăn chủ yếu là hữu cơ có ít glyphosate trong nước tiểu hơn đáng kể so với những người tiêu thụ chủ yếu là thực phẩm thông thường.

2. Chứng nhận hữu cơ tái sinh

Các công ty có sản phẩm đạt tiêu chuẩn Regenerative Organic Certified (ROC) (Chứng nhận hữu cơ tái sinh) trước tiên phải có chứng nhận hữu cơ USDA, có nghĩa là cây trồng không được phun glyphosate. Chứng nhận ROC sau đó bổ sung các tiêu chí khác để đảm bảo sức khỏe của đất, sức khỏe động vật nuôi trên đồng cỏ và công bằng xã hội cho người làm nông.

Các sản phẩm hiển thị nhãn Chứng nhận Hữu cơ Tái sinh bao gồm Dầu dừa Hữu cơ Tái sinh của Tiến sĩ Bronner; Yến mạch của Nature’s Path; Đồ ăn nhẹ trái cây hữu cơ tái sinh của Patagonia Provisions; và gạo lứt của Lotus Foods và gạo trắng Basmati. Tìm hiểu thêm về chứng nhận này tại Regefinity.org.

3. Không chứa dư lượng glyphosate

Các sản phẩm có nhãn “Không chứa dư lượng Glyphosate” không chứa glyphosate, nghĩa là chúng ở giới hạn phát hiện thấp nhất đối với hóa chất trong phòng thí nghiệm – 10 phần một tỷ. Các sản phẩm sẽ được kiểm tra bởi một phòng thí nghiệm được công nhận ít nhất ba lần mỗi năm, cung cấp thêm sự đảm bảo chống phơi nhiễm glyphosate trong thực phẩm mà người tiêu dùng mua.

Theo Henry Rowlands, giám đốc Dự án Detox, một tổ chức đã đưa ra nhãn thực phẩm “Không chứa dư lượng Glyphosate” vào năm 2018 để tạo ra sự minh bạch trong ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt là về thuốc trừ sâu. Chứng nhận này là một trong những chứng nhận phát triển nhanh nhất tại Hoa Kỳ.

Hơn 70 nhãn hiệu thực phẩm và thực phẩm bổ sung cùng 1,500 sản phẩm đã được chứng nhận, bao gồm dầu Chosen Foods và mayonnaise, các loại sữa thay thế không có sữa bò của California Farms, dầu và hạt Nutiva, thức ăn trẻ em White Leaf, thức ăn trẻ em và đồ ăn nhẹ cho trẻ em của Once Upon a Farm, Súp và nước hầm xương Kettle & Fire, bánh nướng không ngũ cốc của Soozy, các sản phẩm ngũ cốc của Jovial Foods, nước trái cây của Uncle Matt và thực phẩm bổ sung MegaFood. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các sản phẩm có nhãn này tại detoxprogect.org.

Melissa Diane Smith là một nhà báo và nhà tư vấn dinh dưỡng toàn diện đã viết về các chủ đề sức khỏe trong hơn 25 năm. Cô là tác giả của một số cuốn sách về dinh dưỡng, bao gồm Hội chứng X (Hội chứng tim mạch chuyển hóa), Chống lại ngũ cốc, Không Gluten trong suốt cả năm và Chống lại GMOs.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn