Quá trình lão hóa và căng thẳng

Căng thẳng không chỉ làm cho một người cảm thấy già hơn. Trên thực tế, căng thẳng có thể làm tăng tốc độ lão hóa.

Ở mọi lứa tuổi, căng thẳng là một phần của cuộc sống. Người trẻ và người cao tuổi đều phải đối mặt với những tình huống khó khăn và vượt qua những trở ngại nhất định. Trong khi những người trẻ tuổi phải vật lộn để lập nghiệp, đạt được sự an toàn về tài chính, hoặc giải quyết các nhu cầu của công việc và gia đình, thì những người cao tuổi có thể phải đối mặt với sự suy giảm về sức khỏe hoặc tài chính, hay đơn giản là những khó khăn trong việc duy trì sự độc lập của họ. Thật không may, khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể giúp chống lại căng thẳng dần dần bị suy giảm theo tuổi tác. Nhưng bạn không cần phải đầu hàng sự căng thẳng chỉ vì bạn không còn trẻ nữa.

Nhiều người cao niên vẫn cố gắng để chèo chống trong những năm tháng cuối đời. “Những người thành công” thường có một số điểm chung. Họ luôn kết nối với bạn bè và gia đình, cũng như tập thể dục và duy trì sự năng động. Và trên hết, họ luôn tìm cách để giảm bớt và quản lý căng thẳng trong cuộc sống.

Tín hiệu báo động do căng thẳng

Căng thẳng có hai trạng thái cơ bản: căng thẳng về thể chất và căng thẳng về cảm xúc. Cả hai đều có thể gây ảnh hưởng đặc biệt đến người cao tuổi. Tác động của căng thẳng thể chất rất rõ ràng. Khi con người già đi, các vết thương sẽ chậm lành hơn và cảm lạnh cũng khó bình phục hơn. Trái tim của một người 75 tuổi sẽ trở nên đáp ứng chậm chạp với những yêu cầu trong khi tập thể dục. Và khi một người 80 tuổi bước vào một căn phòng lạnh, sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian dài để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Căng thẳng cảm xúc thì tinh tế hơn, nhưng cuối cùng cũng có thể gây hại [cho cơ thể] nếu trở thành kinh niên. Ở mọi lứa tuổi, khi chịu căng thẳng, bộ não sẽ phát ra âm thanh báo động làm giải phóng các hormone có khả năng gây hại như cortisol và adrenaline. Vì vậy, lý tưởng nhất là khi hormone căng thẳng tăng quá cao, não bộ sẽ giảm các tín hiệu báo động.

Hormone căng thẳng cung cấp năng lượng và sự tập trung trong thời gian ngắn, nhưng căng thẳng quá mức trong nhiều năm có thể khiến cơ thể mất cân bằng. Quá tải hormone căng thẳng có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim, huyết áp cao và suy giảm chức năng miễn dịch. Đối với những người cao tuổi vốn có nguy cơ cao mắc các bệnh này, việc kiểm soát căng thẳng là đặc biệt quan trọng.

Theo thời gian, não bộ có thể mất dần khả năng điều chỉnh nồng độ hormone. Do đó, những người cao tuổi cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi sẽ có xu hướng sản sinh ra một lượng lớn hormone căng thẳng, trong khi não bộ không thể nhanh chóng ngừng phát tín hiệu báo động. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychoneuroendocrinology, phụ nữ đặc biệt dễ bị quá tải hormone căng thẳng khi già đi. Nghiên cứu này cho thấy tác động của tuổi tác lên mức cortisol đối với phụ nữ mạnh hơn gần ba lần so với nam giới.

Các hormone căng thẳng có thể đặc biệt gây khó khăn đối với những bộ não lớn tuổi nói chung. Theo một báo cáo từ Đại học California tại San Francisco, lượng cortisol tăng thêm qua nhiều năm có thể làm tổn thương vùng hải mã, giữ vai trò quan trọng đối với việc lưu trữ và truy xuất ký ức. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cortisol cao đi đôi với trí nhớ kém, vì vậy chúng ta có thể cho rằng một số “khoảnh khắc nhất định của người cao tuổi” là do căng thẳng.

Nhiều năm chịu đựng những đau khổ về cảm xúc thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu kéo dài 5 năm trên gần 800 linh mục và nữ tu được công bố trên tạp chí Neurology đã nêu bật mối nguy hiểm tiềm ẩn này. Những đối tượng bị căng thẳng nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi so với những đối tượng ít bị căng thẳng nhất.

Quá trình lão hóa và căng thẳng
Nhiều năm chịu đựng những đau khổ về cảm xúc thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (Ảnh: Pixabay)

Căng thẳng làm giảm tuổi thọ của tế bào miễn dịch

Căng thẳng không chỉ làm cho một người cảm thấy già hơn. Trên thực tế, căng thẳng có thể làm tăng tốc độ lão hóa. Một nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho thấy rằng căng thẳng có thể làm giảm tuổi của các tế bào miễn dịch. Nghiên cứu tập trung vào các telomere ở phần cuối của nhiễm sắc thể. Bất cứ khi nào một tế bào phân chia, các telomere trong tế bào đó sẽ ngắn đi một chút và thời gian sống sẽ giảm đi một chút. Khi telomere trở nên quá ngắn, tế bào sẽ không thể tự phân chia hoặc bổ sung được nữa. Đây là cơ chế chính dẫn đến lão hóa và là một trong những lý do khiến con người không thể sống mãi.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra cả telomere và mức độ căng thẳng của 58 phụ nữ tiền mãn kinh khỏe mạnh. Kết quả thật đáng kinh ngạc: Trung bình, các tế bào miễn dịch của những phụ nữ bị căng thẳng cao độ đã già thêm 10 tuổi. Nghiên cứu không giải thích cơ chế khiến các tế bào miễn dịch già đi do căng thẳng. Như các tác giả nghiên cứu viết, “các cơ chế chính xác kết nối tâm trí với tế bào vẫn chưa được biết.” Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết không mấy ngạc nhiên: Hormone căng thẳng có thể bằng cách nào đó làm ngắn các telomere và cắt giảm tuổi thọ của tế bào.

Quản lý căng thẳng: Điều thực sự quan trọng của tuổi trẻ?

Tin tốt là chúng ta có thể sử dụng vốn hiểu biết về căng thẳng và lão hóa để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Học cách quản lý và giảm tải căng thẳng sẽ giúp bạn sống lâu và khoẻ mạnh hơn.

Duy trì một cái nhìn tích cực chính là chìa khóa. Một nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy những người cảm thấy hài lòng về bản thân khi già đi sẽ sống lâu hơn khoảng bảy năm rưỡi so với những người bi quan. Các nhà nghiên cứu cho biết những người có thái độ tích cực hơn cũng có thể đối phó với căng thẳng tốt hơn và có ý chí sống mạnh mẽ hơn.

Ở gần bạn bè và gia đình cũng là một cách tuyệt vời để giảm bớt căng thẳng. Theo báo cáo của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, hỗ trợ xã hội có thể giúp ngăn ngừa căng thẳng và các bệnh liên quan đến căng thẳng. Ở gần bạn bè và gia đình có thể mang lại lợi ích đặc biệt hiệu quả đối với người cao niên. Một bài báo đăng trên Tạp chí Nâng cao Sức khỏe Hoa Kỳ lưu ý rằng hỗ trợ xã hội có thể làm chậm giải phóng hormone căng thẳng ở người cao tuổi và do đó làm tăng tuổi thọ. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng các tương tác xã hội có thể giúp người già duy trì trí óc nhạy bén và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Bên cạnh đó, tập thể dục – một phương pháp giảm căng thẳng đã được chứng minh ở mọi lứa tuổi, có thể đặc biệt có giá trị trong những năm về sau trong cuộc đời. Thường xuyên đi bộ, đạp xe hoặc thể dục nhịp điệu dưới nước có thể mang lại nhiều lợi ích hơn, không chỉ là giúp một người duy trì sự khỏe khoắn và độc lập. Tập thể dục thực sự có thể ngăn chặn tác động của lão hóa do cortisol. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Psychoneuroendocrinology cho thấy, những phụ nữ khỏe mạnh ở độ tuổi ngoài 60 về cơ bản có phản ứng với căng thẳng giống như phụ nữ không khỏe mạnh ở độ tuổi cuối 20. Ngược lại, phụ nữ ở độ tuổi ngoài 60 có sức khỏe thể chất kém sẽ tiết ra lượng cortisol nhiều hơn đáng kể khi phản ứng với căng thẳng.

Cuối cùng, bất cứ điều gì làm giảm căng thẳng không cần thiết sẽ khiến những năm tháng sau này của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Một số người đơn giản chỉ là cần ngừng cố gắng làm quá nhiều việc cùng một lúc. Trong khi những người khác có thể muốn thử các bài tập thở hoặc các kỹ thuật thư giãn. Tuy nhiên, một số có thể cần nói chuyện với nhà tâm lý học để tìm ra một góc nhìn mới về cuộc sống của họ.

Dù là cách tiếp cận nào thì việc chống lại quá tải căng thẳng cũng đáng để bạn nỗ lực. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ báo cáo rằng giảm căng thẳng trong những năm tháng về già có thể giúp ngăn ngừa khuyết tật và số lần đến bệnh viện. Và rốt cuộc, nếu mọi người cảm thấy trẻ hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn, thì đó là một điều rất tốt.

Chris Woolston tự mô tả là mình “nhà sinh vật học đang hồi phục”, người đã rất yêu thích sự tái sinh của mình trong tư cách là một nhà văn tự do về khoa học và sức khỏe. Ông viết về sức khỏe và khoa học cho tạp chí Nature, AFAR, tạp chí Knowable, và Los Angeles Times, và gần đây ông đã có buổi nói chuyện TED về những áp lực đối với các nhà nghiên cứu trẻ tại Đại học Luxembourg … Ông đã đóng góp hàng trăm bài báo cho Thư viện sức khỏe và sức khỏe Limehealth.

Bài viết này ban đầu được xuất bản tại Healthday.

Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn