7 loại thuốc làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi

Trượt chân và té ngã là hiện tượng phổ biến nhưng rất nguy hiểm ở người cao tuổi. Mỗi năm có 3 triệu người cao tuổi cần được cấp cứu do chấn thương sau khi té ngã. Vì vậy, nắm vững cách phòng tránh trượt ngã là điều cần thiết.

Hậu quả nguy hiểm của việc té ngã ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi thường dễ bị gãy xương, chủ yếu ở cổ tay, mắt cá chân, và hông do té ngã vì loãng xương. Trong số hơn 300,000 người lớn tuổi nhập viện vì gãy xương hông mỗi năm, hơn 95% trường hợp là do té ngã, thường là ngã sang một bên.

Khi té ngã, người lớn tuổi thường không thể kịp thời điều chỉnh thăng bằng của cơ thể nên có thể dẫn đến chấn thương sọ não. Một trong những bệnh nhân của tôi không có triệu chứng gì sau khi ngã. Tuy nhiên sau vài ngày, ý thức của ông ngày càng trở nên mơ hồ. Cuối cùng, ông được đưa đến bệnh viện và phát hiện bị xuất huyết não ngoài màng cứng.

Vì vậy, nếu bạn ngã và va đập đầu, đừng lơ là, ngay cả khi không có triệu chứng lúc đó. Hãy cảnh giác. Nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu, bất tỉnh, hôn mê thì tốt nhất nên đến bệnh viện để kiểm tra xem có xuất huyết não ngoài màng cứng hay không.

Một nguy cơ khác đối với người lớn tuổi là nằm liệt giường sau khi té ngã. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi, cục máu đông và loét tỳ đè, thậm chí có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp nặng.

Trượt chân và té ngã cũng có thể gây chấn thương cho người lớn tuổi, dẫn đến tâm lý đau buồn và lo lắng. Nếu điều này xảy ra, họ có thể sẽ ít hoạt động thể chất hơn và tránh giao tiếp xã hội do sợ bị ngã lần nữa, từ đó dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.

4 yếu tố góp phần gây té ngã ở người lớn tuổi

Người lớn tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ gây té ngã, bao gồm:

1. Giảm khả năng giữ thăng bằng: Sự thoái hóa của xương và cơ do lão hóa làm giảm đi sự nhanh nhẹn [trong khi vận động]. Người lớn tuổi thường có sải chân ngắn hơn, bước đi giật cục, chân tay cứng, không thể nhấc chân lên độ cao thích hợp, v.v… Những yếu tố này sẽ dẫn đến việc đi không vững và làm tăng nguy cơ té ngã. Thoái hóa hệ thần kinh trung ương ở người lớn tuổi cũng có thể dẫn đến chậm phản ứng. Trong trường hợp nặng, các bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson cũng sẽ làm tăng nguy cơ té ngã.

2. Nhìn mờ: Nhiều người lớn tuổi bị các bệnh khác nhau về mắt như lão thị, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc và thoái hóa điểm vàng. Một số người còn bị các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh xơ cứng rải rác, có thể gây giảm thị lực. Trong những tình huống này, [người lớn tuổi] rất khó nhìn thấy những thứ ở dưới chân.

3. Bệnh tim mạch và mạch máu não: Bệnh nhân bị bệnh tim mạch và mạch máu não mạn tính có thể mất phối hợp động tác, mất thị lực một phần và yếu cơ. Nguy hiểm nhất là té ngã sau khi bệnh đột ngột khởi phát. Một người bạn cùng lớp của tôi đang đứng trên thang để sửa nhà thì một cơn đau tim bất ngờ ập đến. Hai vấn đề xảy ra liên tiếp đã cướp đi sinh mạng của anh ấy.

4. Thuốc: Một số người lớn tuổi đang dùng thuốc theo toa. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp, trạng thái tinh thần, khả năng thăng bằng, huyết áp hoặc thị lực, từ đó làm tăng nguy cơ té ngã.

Trong bốn yếu tố nguy cơ này, ảnh hưởng của thuốc là đáng quan tâm nhất. Khi tôi còn là bác sĩ nội trú ở Hoa Kỳ, một trong những thầy hướng dẫn đã nói với tôi rằng, “Nếu một người xuất hiện triệu chứng mới, điều đầu tiên nên nghĩ đến là tác dụng phụ của thuốc.” Câu nói này đã gây ấn tượng sâu sắc với tôi trong nhiều năm vì theo kinh nghiệm lâm sàng của mình thì điều đó hoàn toàn đúng.

7 loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã

  • Thuốc an thần và thuốc ngủ: Những loại thuốc này có thể gây buồn ngủ vào ban đêm và ảnh hưởng đến khả năng tập trung và phản ứng vào ban ngày.
  • Thuốc giải lo âu: Loại thuốc ngủ này có thể gây buồn ngủ vào ban ngày hoặc đơn giản là làm chậm phản ứng của bạn.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng hoặc hạ huyết áp. Hạ huyết áp khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng sẽ làm tăng nguy cơ té ngã.
  • Thuốc chống loạn thần: Loại thuốc này ảnh hưởng đến sự phối hợp, gây cứng cơ và dáng đi không vững.
  • Thuốc điều trị bệnh tim: Thuốc hạ huyết áp và điều trị rối loạn nhịp tim có thể gây chóng mặt và mất thăng bằng.
  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau, đặc biệt là loại opioid, có thể gây ngủ và dẫn đến các vấn đề thăng bằng.
  • Thuốc lợi tiểu: Đi tiểu thường xuyên có thể dẫn đến mất nước, tụt huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ té ngã.

7 lời khuyên để ngăn ngừa té ngã

Việc té ngã phần lớn có thể phòng ngừa được. Ngoài việc cẩn thận khi dùng thuốc theo toa, người lớn tuổi cũng nên thực hiện những hành vi sau trong cuộc sống hàng ngày:

  • Thực hiện rèn luyện sức mạnh cơ bắp và khả năng thăng bằng: Một nghiên cứu phân tích có hệ thống được công bố trên Cơ sở dữ liệu tổng quan hệ thống Cochrane năm 2018 cho thấy tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Khí công truyền thống Trung Quốc là một hình thức tập luyện hiệu quả. Nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tập san JAMA Internal Medicine (Nội Khoa Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ) cho thấy những người tập thái cực quyền có tỷ lệ ngã ít hơn lần lượt 58%, 31% so với những người tập giãn cơ và các bài tập khác.
  • Tạo không gian an toàn trong nhà: Ví dụ, căn phòng cần được chiếu sáng đầy đủ, có bọc chống va chạm ở các góc của đồ nội thất. Không sử dụng đồ nội thất có bánh xe ở phía dưới; trải thảm chống trượt trong phòng tắm, lắp tay vịn trên tường nhà tắm cạnh bồn cầu.
  • Đi đúng loại giày: Giày cao gót, giày đế bệt và giày không vừa chân sẽ làm tăng nguy cơ té ngã.
  • Duy trì sức khỏe đôi mắt và đôi tai: Bảo đảm các giác quan hoạt động bình thường có thể giúp bạn tránh bị té ngã.
  • Bổ sung calcium và vitamin D: Calcium không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn giúp cơ bắp, tim và dây thần kinh hoạt động bình thường. Vitamin D giúp chúng ta hấp thụ calcium từ thực phẩm.
  • Hạn chế uống rượu: Đồ uống có cồn làm giảm khả năng phán đoán về khoảng cách và phối hợp của cơ thể, làm tăng nguy cơ té ngã.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Nhiều người lớn tuổi bị các bệnh mạn tính, không hiểu rõ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn của mình nên không thể kiểm soát kịp thời. Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn