Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ

Trái cây và rau quả chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu, nhưng nếu không được rửa sạch thuốc trừ sâu, vi khuẩn có hại và virus thì sẽ gây hại cho sức khỏe của chúng ta.

Bác sĩ Nhan Tông Hải – Giáo sư thận học và và Trung tâm Ngộ độc Lâm sàng, Bệnh viện Chang Gung Memorial ở Linkou, Đài Loan hướng dẫn cụ thể cách rửa trái cây và rau củ để giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh như sau:

Cách rửa sạch trái cây và rau củ

Dư lượng thuốc trừ sâu trên trái cây và rau củ không chỉ gây rối loạn nội tiết mà còn có thể gây hại cho hệ thần kinh và thậm chí gây ung thư. Mặc dù có nhiều công thức rửa trái cây và rau củ trên thị trường như dùng nước muối, baking soda, giấm, ngâm trong nước vo gạo hoặc thậm chí rửa bằng nước rửa rau củ quả nhưng bác sĩ Hải cho rằng rửa dưới vòi nước chảy là sạch nhất.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)
  1. Cách tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy

Ngâm trái cây và rau củ trong chậu nước.

– Rửa sạch dưới vòi nước chảy nhẹ và liên tục trong vòng 10 đến 15 phút. Nếu bề mặt trái cây và rau củ không phẳng thì nên dùng bàn chải mềm để cọ rửa. Nếu thấy phần cuống hoặc rễ không sạch thì có thể cắt bỏ phần rễ và cuống đó đi. (Nước rửa rau củ quả có thể dùng để tưới cây hoặc dội bồn cầu để không gây lãng phí tài nguyên nước.)

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)

Ngoài ra, đối với các loại trái cây có vỏ như chuối, cam, vải, xoài và các loại rau ăn lá đóng gói sẵn trong túi ni lông, bác sĩ Hải khuyên rằng, trừ khi bạn mua trái cây và rau hữu cơ thì cách tốt nhất vẫn là nên rửa sạch trước khi ăn. Nếu muốn mua trái cây và rau củ ít thuốc trừ sâu, ngoài sản phẩm hữu cơ, bạn cũng có thể mua các loại này theo mùa, vì rau quả trồng trái vụ hoặc được thu hoạch gấp khi thời tiết thay đổi bất lợi thường có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)
  1. Chế biến rau củ

Năm 2023, tổ chức môi trường phi lợi nhuận của Hoa Kỳ – Nhóm Công tác Môi trường đã công bố danh sách 12 loại trái cây và rau củ có dư lượng thuốc trừ sâu nhiều nhất, trong đó có dâu tây, rau bina, cải bẹ xanh, ớt chuông, việt quất và đậu xanh. Đối với vấn đề nồng độ thuốc trừ sâu cao, ngoài việc rửa kỹ bằng nước, bác sĩ Hải khuyên nên nấu những loại rau này trong nồi không đậy nắp, để thuốc trừ sâu – phần lớn không chịu được nhiệt – sẽ phân tán cùng với hơi nước.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)

Bác sĩ Hải đặc biệt lưu ý về món rau xà lách, một loại rau thường được dùng trong ẩm thực Tây phương. Thời nay, nhiều người có xu hướng thay thế món rau xào truyền thống bằng món rau xà lách như là biểu tượng của việc ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Hải nhấn mạnh rằng theo quan điểm y học thì ăn rau xà lách sống là không tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là gần đây, sau vụ phát hiện ra vi khuẩn Listeria trong rau xà lách bán tại các cửa hàng tiện lợi ở Đài Loan đã gây ra mối lo ngại đáng kể về vấn đề sức khỏe cộng đồng ở tất cả các quốc gia.

Tại sao ăn rau xà lách sống lại được coi là không tốt cho sức khỏe?

Bác sĩ Hải giải thích rằng nói chung, vi khuẩn rất dễ bám vào rau sống. Escherichia coli và Staphylococcus aureus là hai loại vi khuẩn phổ biến nhất. Lý do tại sao vi khuẩn Listeria lại rất đáng lo ngại vì vi khuẩn Listeria gây ra bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính ở những người khỏe mạnh.

Đối với người người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu dễ bị nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não. Với những phụ nữ mang thai ăn nhầm thực phẩm có chứa vi khuẩn Listeria sẽ tăng nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, những loại vi khuẩn này không chịu được nhiệt độ cao nên khi được nấu chín sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Bác sĩ Hải nhấn mạnh rằng bốn nhóm đối tượng chính dễ bị nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm nhất là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và bệnh nhân hóa trị. Sức đề kháng của những người này tương đối yếu nên thức ăn phải được nấu chín, không nên ăn rau xà lách sống.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)

Loại bỏ trái cây và rau quả bị hỏng để tránh gây hại cho gan và thận

Nếu trái cây và rau quả bị hỏng một phần, có thể cắt bỏ phần hỏng và ăn phần còn lại không ? Bác sĩ Hải cho rằng tốt nhất là không nên vì các bào tử nấm mốc không thể nhìn thấy bằng mắt thường, ngay cả khi phần còn lại của trái cây và rau củ có vẻ trong tình trạng tốt nhưng vẫn sẽ gây hại cho cơ thể sau khi ăn, chẳng hạn như aflatoxin có trong các loại hạt có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)

Độc tố nấm mốc trong hạt cà phê – ochratoxin không những không nhìn thấy được mà còn mang đậm mùi cà phê, nếu ăn nhầm sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, tăng nguy cơ mắc khối u đường tiết niệu. Cách tốt nhất là cho hạt cà phê vào hộp và bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, khi các loại trái cây, rau củ hỏng, tốt nhất nên gói kín trước khi vứt bỏ vì nấm mốc lây lan dưới dạng bào tử, nếu không được gói kỹ sẽ tiếp tục phát tán độc tố.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)

Phương thức ăn uống lành mạnh phải được kiểm tra bởi ba bên

Để giảm thiểu nguy cơ bị bệnh liên quan đến tiêu thụ thực phẩm, Bác sĩ Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực chung giữa ba bên chính gồm: doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng. Đầu tiên là nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Thứ hai là chính quyền thường xuyên kiểm tra an toàn thực phẩm. Và thứ ba là người tiêu dùng khi mua hàng nên lựa chọn sản phẩm có uy tín, có chứng nhận chất lượng sản phẩm, vệ sinh và nấu nướng đúng cách, đồng thời cần duy trì cách thức ăn uống lành mạnh.

Bác sĩ chuyên khoa ngộ độc chỉ bạn cách rửa trái cây và rau củ
(Ảnh: The Epoch Times)

Bác sĩ Hải giải thích rằng một phương thức ăn uống lành mạnh là phương thức ăn ít dầu mỡ, ít mặn, ít ngọt và ít purine (các loại thực phẩm làm tăng acid uric) đồng thời ăn nhiều rau và trái cây tươi giàu vitamin C và khoáng chất. Quan trọng là không hút thuốc và không uống rượu để giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch và ung thư.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn