Bạn bị cao huyết áp? Chất lượng giấc ngủ của bạn như thế nào?

Trong số nhiều yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, thiếu ngủ thường bị bỏ qua.

Khi nói đến cao huyết áp, chúng ta có thể nghĩ đến những nguyên nhân thông thường như ăn uống kém, béo phì, thừa sodium (natri), thiếu vận động. Nhưng có một yếu tố nguy cơ đáng kể khác gây tăng huyết áp mà chúng ta dễ dàng bỏ qua đó là số lượng và chất lượng giấc ngủ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch theo những cách đáng kể, bao gồm cao huyết áp. Trong nhịp sống quay cuồng, ý tưởng tận hưởng một giấc ngủ sâu, yên bình có vẻ như là một điều xa xỉ. Căng thẳng, lịch trình dày đặc và những kích thích thường xuyên từ TV và mạng xã hội có thể gây hại cho chúng ta.

Khi chúng ta nỗ lực chăm sóc sức khỏe bằng cách ăn uống hợp lý, tập thể dục và kiểm soát căng thẳng, giấc ngủ lành mạnh cũng cần được xem là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và sức khỏe tim mạch nói riêng.

Gần một nửa số người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị cao huyết áp và cứ ba người thì có một người không có đủ giấc ngủ phục hồi, không bị gián đoạn tốt cho sức khỏe. Dường như không có gì đáng ngạc nhiên khi có mối liên quan giữa giấc ngủ và huyết áp.

Giấc ngủ và sức khỏe tim mạch

Trong giấc ngủ bình thường, yên tĩnh, huyết áp giảm tự nhiên từ 10 đến 20%. Đây là quá trình quan trọng gọi là “giảm huyết áp ban đêm.” Điều này mang lại cơ hội quan trọng để phục hồi và chữa lành. Ông Dan Ford, nhà tâm lý học về giấc ngủ và giám đốc lâm sàng tại The Better Sleep Clinic, chia sẻ với The Epoch Times:

“Giảm huyết áp ban đêm giúp tăng sức khỏe tim mạch nhờ làm giảm khối lượng công việc lên tim và mạch máu cũng như giúp cơ thể thư thái và phục hồi. Khi giấc ngủ bị xáo trộn, chúng ta mất nhiều thời gian hơn để thức giấc, huyết áp cao hơn và hệ tim mạch phải chịu gánh nặng lớn hơn.”

Mặt khác, giấc ngủ bị gián đoạn hoặc ngủ không đủ ngăn trở huyết áp giảm. Sleep Foundation (Hiệp hội Giấc ngủ) giải thích rằng:

“Ngủ kém, dù là do thiếu ngủ hay bị gián đoạn giấc ngủ, đều có liên quan đến tình trạng huyết áp không hạ về đêm, nghĩa là huyết áp không giảm vào ban đêm… Việc không ngủ đủ giấc hàng đêm sẽ dẫn đến thiếu thời gian cho các giai đoạn sâu của giấc ngủ NREM (Non Rapid Eye Movement: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh), vốn có ích cho tim.”

Điều này có thể giúp giải thích tại sao những người làm việc theo ca có nguy cơ bị bệnh cao huyết áp cao hơn.

Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng tác động tiêu cực mà rối loạn giấc ngủ có thể gây ra cho huyết áp có liên quan đến sự gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Nhịp sinh học giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức, ảnh hưởng đến việc điều hòa hormone và các chức năng quan trọng khác của cơ thể.

Theo ông Ford:

“Giảm huyết áp vào ban đêm diễn ra theo nhịp sinh học ngày đêm (khoảng 24 giờ). Ngủ kém có thể làm gián đoạn nhịp ngày đêm vì khiến chúng ta thức giấc khi cơ thể thường đang ngủ và do những thay đổi trong hành vi ngủ mà mọi người thường làm để theo kịp hoặc phục hồi sau giấc ngủ kém (ví dụ: dậy muộn hơn bình thường, chợp mắt ban ngày). Khi hệ thống nhịp ngày đêm bị gián đoạn, chúng ta có thể trải qua giấc ngủ kém hơn, điều này dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về huyết áp.”

Thiếu ngủ cũng có thể góp phần làm tăng căng thẳng hoặc lo lắng, giống như vòng tuần hoàn con gà – quả trứng, có thể thậm chí khiến bạn càng khó ngủ hơn.

Ngủ, ăn uống, tập thể dục – ‘Ba trụ cột của sức khỏe’

Nhiều yếu tố có thể khiến cho việc buồn ngủ và ngủ ngon trở nên khó khăn. Một số loại thuốc, bệnh tật, thời gian xem màn hình điện tử trước khi ngủ, căng thẳng, đồ uống có cồn và đi du lịch đều có thể làm gián đoạn giấc ngủ bình thường và khiến bạn mệt mỏi và mất ngủ vào ngày hôm sau.

Một đêm thiếu ngủ không nhất định gây ra tác hại lâu dài, nhưng các vấn đề về giấc ngủ kéo dài có thể dẫn đến một loạt hậu quả xấu, và cao huyết áp chỉ là một trong số đó. Đối với các vấn đề về giấc ngủ dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, bác sĩ hoặc chuyên gia về sức khỏe có thể chẩn đoán và giúp điều trị nhiều chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau.

Bạn nên cố gắng tìm cách ngủ ngon. Giấc ngủ là một trong “ba trụ cột của sức khỏe,” cùng với cách ăn uống và tập thể dục. Dưới đây là ba mẹo đơn giản để có giấc ngủ ngon hơn, theo The Sleep Foundation:

  • Có lịch trình ngủ nhất quán. Bệnh tật, những sự kiện bất ngờ hoặc những hoạt động xã hội đôi khi có thể khiến bạn thức khuya hơn thời gian lý tưởng. Nhưng nhìn chung, tuân theo thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy vào buổi sáng nhất quán mỗi ngày là điều cần thiết cho cơ thể. Đó cũng là cách trợ giúp cho nhịp ngày đêm bình thường.
  • Tạo môi trường phòng ngủ thuận lợi cho việc ngủ, nghĩa là phòng tối mờ, mát mẻ và yên tĩnh. Lý tưởng nhất là không nên có các thiết bị điện tử, vốn có thể kích thích tinh thần cản trở giấc ngủ và phát ra ánh sáng xanh. Nhiệt độ mát mẻ thoải mái (khoảng 65-68°F, tương đương 18 đến 20°C) và chiếc giường êm ái cũng giúp giấc ngủ ngon hơn.

Chuẩn bị cho một giấc ngủ ngon ban đêm trong suốt cả ngày. Tập thể dục và tiếp xúc với nhiều ánh nắng mặt trời vào ban ngày có thể giúp cơ thể chuẩn bị cho giấc ngủ. Tránh dùng thức uống chứa caffeine sau 2 giờ chiều, tránh ăn tối trễ và ăn nhiều. Và cũng giống như trẻ em có thói quen đi ngủ tốt nhất, người lớn cũng nên như vậy. Dành 30 phút trước khi đi ngủ để nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể theo bất kỳ cách nào hiệu quả nhất đối với bạn (ví dụ: yên tĩnh đọc sách, nghe nhạc êm dịu, bài tập giãn cơ đơn giản) sẽ giúp chuẩn bị cho tâm trí và cơ thể đi vào giấc ngủ.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Zrinka Peters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Zrinka Peters là cây bút tự do thường viết các bài có chủ đề về sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Cô có bằng Cử nhân Văn học Anh của Đại học Simon Fraser và cô có nhiều bài viết được đăng trên báo giấy và trên các trang Health Digest, Parent.com, Today Catholic Teacher, và Education.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn