Các chuyên gia chia sẻ giải pháp then chốt cho sức khỏe đường ruột trong năm 2024

Các chuyên gia nói rằng bạn nên chú tâm vào nơi quyết định sức khỏe của mình – đó là đường ruột. Họ đưa ra những cách đơn giản để có được sức khỏe tốt mà không cần tập trung vào cân nặng của bạn.

Khi nói đến các giải pháp sức khỏe trong Năm Mới, chúng ta có xu hướng quay trở lại với những ý tưởng chung chung cũ kỹ và không còn hiệu quả trong những năm trước: ăn uống tốt hơn và tập thể dục nhiều hơn.

Tuy nhiên, các giải pháp mang tính rập khuôn của chúng ta không thực sự có tác dụng giải quyết khủng hoảng tăng cân và các bệnh liên quan mà cả nước đang phải đối mặt.

Trên thực tế, có vẻ như chúng ta càng bị ám ảnh về cân nặng thì càng tăng thêm nhiều cân. Có lẽ đó là do chúng ta chưa đủ tập trung vào yếu tố quyết định quan trọng đối với sức khỏe – hệ vi sinh đường ruột. Đó là cộng đồng vi sinh vật cộng sinh giúp chúng ta chuyển hóa thức ăn để cơ thể có thể hoạt động [tốt].

Bà Chelsea Blackbird, chuyên gia dinh dưỡng và đồng sở hữu The School of Christian Health and Nutrition (Trường Dinh dưỡng và Sức khỏe Cơ đốc giáo), nói với The Epoch Times, “Rất nhiều người có mục tiêu giảm cân, nhưng việc giữ cân hoặc tăng cân lại là một triệu chứng. Một khi bạn có sức khỏe tốt hơn, và sức khỏe đường ruột chiếm phần lớn trong đó, thì những thứ khác sẽ được cải thiện.”

Bà nói rằng ngay cả cách ăn uống thực sự tốt cũng có thể không đủ để giảm cân bền vững hoặc cải thiện sức khỏe, nếu hệ vi sinh đường ruột không tối ưu. Hệ vi sinh đường ruột bao gồm vi khuẩn, nấm, virus và các sinh vật nhỏ bé khác.

Giống như chứng mất ngủ, ít năng lượng và sương mù não, tăng cân có thể là dấu hiệu cho thấy có gì đó không hoạt động bình thường trong cơ thể bạn. Có khả năng cao điều này sẽ phản ánh trong hệ vi sinh vật của bạn, vốn liên tục thay đổi để đáp ứng với thực đơn ăn uống và hành vi của bạn.

Nói cách khác, việc giảm cân bền vững không phải lúc nào cũng là một phương trình “calorie nạp vào, calorie tiêu hao” đơn giản. Bà Blackbird cho biết việc tập trung vào cải thiện chức năng đường ruột, chưa kể đến chất lượng thực phẩm, cũng có thể mang lại những chuyển biến về sức khỏe lâu dài vượt xa các con số trên chiếc cân.

Các mối nguy hại của tăng cân

Có sự tồn tại mối quan hệ giữa hệ vi sinh vật và béo phì, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu chính xác xem hai yếu tố này ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Nhưng cũng hợp lý khi hai yếu tố này liên quan với nhau vì các chất chuyển hóa do hệ vi sinh vật tạo ra góp phần vào các hoạt động của cơ thể như cân bằng lượng đường trong máu và sản xuất hormone, bao gồm cả những chất thông báo chúng ta đói hay no.

Hơn nữa, những nghiên cứu về các cặp song sinh cho thấy các cặp song sinh gầy có cộng đồng vi sinh vật đa dạng và phong phú trong khi các cặp song sinh béo phì không có nhiều vi sinh vật có lợi. Tỷ lệ béo phì gia tăng cũng phản ánh sự mất đi nhiều loại vi khuẩn và vi sinh vật khác trong đường ruột con người.

Theo Trust for America’s Health, cách đây một thập niên trước, không có một tiểu bang nào ở Mỹ có tỷ lệ béo phì trên 35%. Ngày nay, đã có 19 tiểu bang đã vượt quá mức đó và hơn 40% người trưởng thành bị béo phì.

Theo khảo sát quốc gia của Mercer về các chương trình bảo hiểm sức khỏe do chủ doanh nghiệp tài trợ, chi phí chăm sóc sức khỏe cũng đang gia tăng – tăng 5.4% vào năm 2024. Mức tăng thông thường là 3% đến 4%. Mercer, một công ty tư vấn tài chính và nhân sự, cho rằng mức tăng cao hơn là do lạm phát và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng.

Béo phì càng ảnh hưởng đến túi tiền [của người dân] nhiều hơn. Theo một nghiên cứu năm 2021 trên Journal of Managed Care & Specialty Pharmacy (Tập san Dược học Chuyên khoa & Chăm sóc Có quản lý), đối với những người trưởng thành có cân nặng trên mức bình thường, chi phí sẽ tăng gấp đôi so với những người có cân nặng bình thường, những người phải trả trung bình 2,504 USD cho phí chăm sóc sức khỏe hàng năm.

Số tiền chi tiêu tăng lên khi mức độ béo phì tăng lên – trung bình lên tới 5,850 USD cho phí chăm sóc sức khỏe hàng năm. Các chi phí cụ thể là dành cho chăm sóc bệnh nhân nội trú và ngoại trú, cũng như dược phẩm.

Khi nước Mỹ tăng cân, chúng ta cũng mất đi nhiều loài [vi] sinh vật trong ruột. Người ta đã biết đến một số yếu tố góp phần làm giảm sự đa dạng của vi sinh vật, bao gồm cách ăn uống thường gặp ở người Mỹ gồm nhiều thực phẩm chế biến hơn trước đây, cũng như tiếp xúc với kháng sinh. Sự tiếp xúc này có thể xảy ra qua việc sử dụng kháng sinh trực tiếp, đặc biệt là các kháng sinh phổ rộng có thể tiêu diệt gần như tất cả vi khuẩn, cũng như tiêu thụ động vật đã được điều trị bằng kháng sinh.

Lối sống của chúng ta cũng khác rất nhiều so với vài thế hệ trước, bao gồm cả nỗi ám ảnh mới về vệ sinh có thể tiêu diệt ngay cả những vi khuẩn có lợi, tiếp xúc với glyphosate và các hóa chất độc hại khác trên thực phẩm và nguồn nước.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc bảo vệ và nuôi dưỡng hệ vi sinh [đường ruột] có thể tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh khác nhau của sức khỏe.

Về những quyết tâm đó – mới chỉ có khoảng 9% người Mỹ từng đạt được quyết tâm cho Năm Mới, thì có lẽ đã đến lúc thay đổi truyền thống này. Một số chuyên gia đã chia sẻ các giải pháp hàng đầu về sức khỏe đường ruột cho năm 2024 với The Epoch Times.

Các độc tố và chất chuyển hóa độc hại của vi khuẩn xấu và tình trạng viêm mãn tính mà chúng gây ra, có thể gây ra ung thư đại trực tràng. (Ảnh: Troyan/Shutterstock)
(Ảnh: Troyan/Shutterstock)

Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật

Theo thuật ngữ của khoa học hiện đại, mọi thứ đều được tạo ra từ các chất hóa học, bao gồm cả các chất tự nhiên trong thực vật và cơ thể chúng ta. Một số chất hóa học tốt cho chúng ta hơn nhiều so với những chất hóa học khác.

Tiến sĩ Joel Evans, người sáng lập và giám đốc The Center for Functional Medicine (Trung tâm Y học Chức năng), nói với The Epoch Times, “Nói chung, thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nhiều các chất hóa học tốt cho cơ thể, gọi là dinh dưỡng thực vật. Chúng có chất xơ rất tốt cho sức khỏe đường ruột, đồng thời chứa prebiotic, là thức ăn cho vi khuẩn, giúp tạo ra nhiều hệ vi sinh vật khỏe mạnh hơn.”

Phương pháp của ông Evans là sử dụng đĩa [ăn] để đo lường mục tiêu của bản thân. Ông Evans cho biết trước đây, protein chiếm khoảng một nửa đĩa ăn của ông, nhưng vào năm 2024, ông muốn rau chiếm 3/4 đĩa ăn với khoảng 3 đến 4 ounce (85-113g) protein.

Một nghiên cứu vào năm 2023 lần đầu tiên cho thấy rau và trái cây có chứa các tế bào vi khuẩn có thể giúp chúng ta đa dạng hóa cộng đồng vi sinh đường ruột. Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng thực hiện cách ăn “bổ sung” sẽ tốt hơn cách ăn hạn chế một loại thực phẩm [nào đó]. Thay vì tập trung vào những gì bạn không thể ăn, vốn có thể khiến bạn cảm thấy chán nản, hãy tập trung vào việc ăn những gì tốt cho bạn nhiều hơn.

Điều chỉnh hệ miễn dịch

Tiến sĩ Sabine Hazan, chuyên gia hàng đầu về hệ vi sinh vật, nói với The Epoch Times rằng, bà tiếp tục tập trung vào việc củng cố hệ vi sinh vật cho bệnh nhân bằng vitamin C, D và kẽm – bộ ba chất bổ sung mà bà và nhiều người khác đã sử dụng từ rất sớm trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Sự kết hợp này đã được chứng minh là giúp giảm mức độ nặng do virus cũng như giảm nguy cơ nhập viện. Tiến sĩ Hazan, nhà nghiên cứu và bác sĩ tiêu hóa, người sáng lập ProgenaBiome, đã tạo ra một hỗn hợp mà bà đặt tên là “Biome Boosters” (Củng cố hệ vi sinh vật).

Bà nói, “Có một quan niệm sai lầm rằng men vi sinh là thứ cuối cùng, là tất cả. Thực ra đó phải là chất dinh dưỡng nuôi sống vi khuẩn chứ không phải là bổ sung vi sinh vật. Bổ sung chất dinh dưỡng, đặc biệt là trong thế giới nhiều men vi sinh mà bạn không thể đặt niềm tin.”

Thay vì dùng men vi sinh, thường chỉ là một chủng nên có thể không phù hợp hoặc có thể không chứa liều lượng hiệu quả, Tiến sĩ Hazan cho biết hãy tập trung vào việc ăn thực phẩm lên men và loại bỏ đường tổng hợp, thực phẩm giả và thịt của động vật đã chích vaccine, hormone hoặc kháng sinh.

Kiểm tra tất cả các nhãn thành phần

Tiến sĩ William Li, bác sĩ, nhà khoa học và tác giả của cuốn sách bán chạy nhất “Eat to Beat Your Diet: Burn Fat, Heal Your Metabolism, and Live Longer” (Tạm dịch: Ăn để Vượt Qua Cách Ăn Uống của Bạn: Đốt Cháy Chất Béo, Chữa Lành Quá Trình Trao Đổi Chất và Sống Lâu Hơn) đã nói, “Đọc nhãn thành phần của thực phẩm đóng gói để phát hiện và tránh các chất nhũ hóa mà nghiên cứu cho thấy có thể gây hại cho hệ vi sinh đường ruột của bạn.”

Ông Li nói với The Epoch Times rằng hãy chú ý đến những thành phần có vẻ không tự nhiên. Đặc biệt, theo một nghiên cứu trên Tập san Microbiome (Hệ vi sinh vật) vào năm 2021, người ta phát hiện carboxymethyl cellulose và polysorbate 80 có “tác động sâu sắc đến hệ vi sinh đường ruột qua thúc đẩy tình trạng viêm ruột và các bệnh liên quan.”

Các chất phụ gia thực phẩm khác, đặc biệt là những chất có đặc tính nhũ hóa, cũng có thể gây ra vấn đề đối với chức năng của hệ vi sinh vật đường ruột. Có rất nhiều điều chưa biết về tác động của các thành phần tổng hợp đến sức khỏe con người. Tránh xa những chất này là hành động tốt nhất.

Một hệ vi sinh vật đa dạng hơn thường liên quan đến sức khỏe tốt hơn. (Ảnh: Illustration Forest/Shutterstock)
(Ảnh: Illustration Forest/Shutterstock)

Khởi động lại nhịp sinh học của bạn

Bà Blackbird nói, “Bạn có thể chưa nghe nhiều nhưng việc phù hợp với nhịp sinh học trong đường ruột của bạn là điều rất quan trọng. Mọi hệ thống trong cơ thể đều có thời điểm lý tưởng để thực hiện công việc của mình – bao gồm cả hệ tiêu hóa.”

Bà nói, cách chúng ta thông báo cho ruột về thời gian trong ngày là khi cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và khi ăn. Dành nhiều thời gian bên ngoài và tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng vào buổi sáng sớm là những cách quan trọng để nuôi dưỡng nhịp sinh học lành mạnh.

Ngoài ra, cơ thể chúng ta được thiết kế để ăn và tiêu hóa thức ăn vào ban ngày. Để nghiên cứu xem giấc ngủ tác động như thế nào đến hệ vi sinh đường ruột, một nghiên cứu năm 2023 trên những người làm việc theo ca đã liên hệ sự gián đoạn nhịp sinh học với sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột, gây ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý.

Bà Blackbird nói, “Khi chúng ta ăn vào thời điểm ngoài ban ngày, việc tiêu hóa sẽ chậm chạp hơn. Thực phẩm đọng lại trong ruột lâu hơn sẽ gây đầy hơi. [Cơ thể] bạn sẽ không chuyển hóa thực phẩm được tốt. Bạn sẽ bị trào ngược nhiều hơn. [Cơ thể] chúng ta cũng có một số vi khuẩn đường ruột làm việc ban ngày và một số làm việc ban đêm.”

Từ bỏ nước súc miệng

Bác sĩ nha khoa chức năng Mark Burhenne nói với The Epoch Times, “Bất cứ ai đang dùng nước súc miệng (2/3 người Mỹ) nên nghĩ đến việc từ bỏ thói quen đó và không bao giờ dùng lại nữa. Sử dụng nước súc miệng làm phá hủy hệ vi sinh vật đường miệng … vốn nuôi sống và tạo mầm mống cho hệ vi sinh đường ruột.”

Các đối tượng trong nghiên cứu năm 2020 đăng trên Tập san Scientific Reports (Báo cáo Khoa học) gồm một nhóm dùng nước súc miệng giả dược và một nhóm dùng nước súc miệng chlorhexidine trong bảy ngày để các nhà nghiên cứu có thể xem cách mà nước súc miệng tác động đến các chỉ số sức khỏe khác nhau. Họ phát hiện rằng nước súc miệng chlorhexidine đã thay đổi cấu trúc của cộng đồng vi khuẩn trong miệng và làm thay đổi độ pH của nước bọt, làm tăng lượng glucose trong khi làm giảm nồng độ nitrite trong nước bọt và huyết tương. Nitrite có liên quan đến việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn nha chu.

(Ảnh: Ju Jae-Young/Shutterstock)
(Ảnh: Ju Jae-Young/Shutterstock)

Ngoài ra, nghiên cứu còn ghi nhận xu hướng huyết áp cao hơn sau 7 ngày sử dụng nước súc miệng.

Tiến sĩ Burhenne nói, “Nếu ai đó hỏi tôi bạn sẽ nói lời chúc đầu năm mới nào cho mọi người thì điều đó sẽ rất đơn giản… Hãy cạo lưỡi, dùng chỉ nha khoa và tất nhiên là ăn uống điều độ. Thế là đủ rồi. Những loại nước súc miệng khử trùng, diệt khuẩn này là một sai lầm về nhiều mặt.”

Giải quyết căng thẳng

Ông William Parker người có bằng tiến sĩ hóa học và là học giả khách mời tại University of North Carolina ở Chapel Hill, nói với The Epoch Times, “Bạn cần có thứ gì đó thực sự có tác dụng điều hòa cảm xúc trong cuộc sống.”

Ông nói, tập thể dục trên máy chạy bộ trong khi lo lắng về công việc không được tính. Quá nhiều người Mỹ không thường xuyên rèn luyện các hoạt động giảm căng thẳng và việc tiếp xúc với căng thẳng liên tục có liên quan đến những thay đổi trong cộng đồng vi sinh vật.

Một nghiên cứu năm 2023 của John Hopkins thậm chí còn phát hiện rằng lượng vi khuẩn Lactobacillus thấp hơn dường như làm thay đổi phản ứng căng thẳng và có thể dẫn đến trầm cảm.

Thiền định làm giảm lo lắng và giảm đau (Ảnh: Prostock-studio/Shutterstock)
Thiền định làm giảm lo lắng và giảm đau (Ảnh: Prostock-studio/Shutterstock)

Ông Parker lưu ý rằng các hoạt động giảm căng thẳng không nên gây căng thẳng. Trong một số trường hợp, tập luyện cường độ cao chỉ làm tăng cortisol – loại hormone được phóng thích khi phản ứng với căng thẳng – đặc biệt là khi chúng ta già đi.

Ông nói, “Không thể làm mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Vấn đề không phải là đốt cháy calorie trên máy chạy bộ. Mà là thứ gì đó giúp tâm trí và cơ thể bạn hoạt động hài hòa hơn.”

Chọn điều gì đó thực tế

Cô Mays Al-Ali, chuyên gia dinh dưỡng về sức khỏe đường ruột và liệu pháp thiên nhiên, nói với The Epoch Times rằng, “Điều quan trọng nhất về các quyết tâm trong năm mới là đặt ra những mục tiêu thực tế. Sai lầm nhất là đặt ra những mục tiêu không thực tế và sau đó thất bại ngay từ bước đầu tiên.”

Nếu bạn đặt ra một mục đích chung như “chữa lành đường ruột của mình,” cô Mays cũng đề nghị thêm một danh sách các mục hành động bao gồm những thực phẩm gây viêm mà bạn cần loại bỏ khỏi bữa ăn hàng ngày của mình và những thực phẩm bổ dưỡng nào bạn cần thêm vào.

Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn