Cách khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột bị tổn hại

Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngăn ngừa bệnh tật (Phần 8)

Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngăn ngừa bệnh tật” này chúng tôi sẽ chia sẻ về cách mà những phát triển mới nhất trong lĩnh vực vi sinh y học đang thay đổi phương pháp chúng ta tiếp cận với bệnh tật và đưa ra các chiến lược mới trong điều trị và dự phòng như thế nào.

Phần 1: Khoa học mới về vi sinh vật: Diệt khuẩn bằng kháng sinh có thể là thiển cận

Phần 2: Ruột chữa bệnh và gây bệnh như thế nào

Phần 3: Tại sao các nhà khoa học ám ảnh về vi sinh vật trong phân của chúng ta

Phần 4: Giải mã chứng rối loạn hệ khuẩn đường ruột: Vi khuẩn đường ruột của bạn có bị hỏng không?

Phần 5: Vi khuẩn đường ruột tạo ra 3 chất chuyển hóa nhỏ bé nhưng đảm nhận công việc khổng lồ

Phần 6: Vi khuẩn đường ruột quyết định cơ thể bạn chống ung thư tốt như thế nào

Phần 7: Hệ vi sinh đường ruột bị hủy hoại bởi 3 yếu tố mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát

Một số chiến lược chữa lành đường ruột đã chứng minh được hiệu quả. Thật tốt, vì các vấn đề trong hệ vi sinh vật có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ nguy cơ ung thư và trầm cảm đến khả năng hoạt động hàng ngày trong khi chúng ta không cảm thấy đau đớn hay khó chịu gì.

Đứng đầu trong số các chiến lược này là các thực đơn ăn loại trừ khác nhau hoạt động giống như tên gọi — loại bỏ thực phẩm khỏi thực đơn ăn để xác định nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng sức khỏe. Những gì chúng ta ăn vào ruột hoặc là trợ giúp các yếu tố quyết định sức khỏe — như khả năng miễn dịch, trao đổi chất, sản xuất hormone và chất dẫn truyền thần kinh — hoặc là làm gia tăng viêm nhiễm và bệnh tật.

Đơn giản là không có một thực đơn ăn nào có thể chữa khỏi mọi vấn đề vì cấu tạo hệ vi sinh vật — hàng nghìn tỷ vi khuẩn, virus và nấm sống trong đường tiêu hóa — cũng mang tính cá thể như dấu vân tay vậy. Thực phẩm có vấn đề đối với người này có thể chữa lành cho người khác. Ngay cả một số loại thực phẩm lành mạnh nhất cũng có thể gây ra các triệu chứng mất cân bằng hệ vi sinh vật (rối loạn hệ khuẩn ruột) ở ai đó.

Công việc dò tìm là cần thiết để tìm ra loại thực phẩm gây ra vấn đề, do đó việc thực hiện thực đơn ăn loại trừ và kiểm tra độ nhạy cảm với thực phẩm là lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề gốc rễ và chữa lành các vấn đề đường ruột một cách tự nhiên. Cách tiếp cận có thể hơi khác nhau nhưng thực đơn ăn loại trừ có thể tự thực hiện hoặc được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng am hiểu giám sát. Nếu các vấn đề vẫn tiếp diễn, việc xét nghiệm và điều trị cũng có thể trở thành một phần trong kế hoạch điều trị của bạn.

Bà Amy Pieczarka, giám đốc Dịch vụ Dinh dưỡng PreviMedica, nói với The Epoch Times rằng, “Việc loại bỏ những món ăn yêu thích thực sự khó khăn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và hy sinh. Uống thuốc còn dễ dàng hơn [cách này] nhiều.”

Mặc dù việc uống thuốc có thể dễ dàng hơn trong ngắn hạn nhưng bà Pieczarka — một chuyên gia về dinh dưỡng chức năng và tích hợp — và những người khác đã chứng minh về cái giá của các giải pháp dược phẩm. Một ví dụ là thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường được chỉ định cho chứng trào ngược acid và loét dạ dày. Các nghiên cứu gần đây liên kết việc sử dụng PPI lâu dài với các tác dụng phụ do rối loạn hệ khuẩn ruột như nhiễm trùng Clostridium difficile, kém hấp thu vitamin và khoáng chất, mất trí nhớ, viêm phổi, v.v…

Trên thực tế, nhiều loại thuốc và kháng sinh dùng để điều trị các vấn đề đường ruột và các bệnh khác đang chứng minh gây hại cho hệ vi sinh vật. Theo một bài đánh giá của tập san Frontiers in Medicine (Lĩnh vực Y khoa) năm 2022, gần 25% trong số 1,000 loại thuốc được thử nghiệm cho thấy có tác dụng ức chế ít nhất một chủng vi khuẩn trong thử nghiệm trong ống nghiệm.

Điều trị chậm và ổn định

Bệnh nhân loạn khuẩn ruột hiếm khi phàn nàn về một triệu chứng duy nhất. Thông thường, họ gặp phải một loạt các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, đau đớn, hệ thần kinh, cân nặng, các vấn đề về da, sức khỏe tâm thần và giấc ngủ. Tiến sĩ Doni Wilson là một bác sĩ trị liệu tự nhiên và chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận nói với The Epoch Times rằng việc cố gắng giải quyết tất cả các vấn đề cùng một lúc giống như bạn học lái máy bay và nghĩ rằng bạn có thể ngay lập tức di chuyển và điều chỉnh hàng chục bộ chỉ số mà không cần biết cách thức hoạt động của mỗi cái này ảnh hưởng đến những cái khác như thế nào.

Bà Wilson, tác giả cuốn sách “Master your stress, Reset Your Health” (Làm Chủ Căng Thẳng, Thiết Lập Lại Sức Khỏe của Bạn) cho biết, “Tôi chưa bao giờ coi đây là một vấn đề đơn lẻ. Cơ thể chúng ta được kết nối nhờ nhiều hệ thống giao tiếp với nhau. Nhưng điều chúng ta muốn làm là tận dụng sự kết nối đó. Tôi nghĩ một trong những điều chúng ta thiếu là lòng trắc ẩn đối với cơ thể và quá trình này.”

Sức mạnh của nhật ký ăn uống

Có thể chỉ cần bắt đầu nhận thấy phản ứng của cơ thể với thực phẩm là đủ. Một chút sự nhận biết bản thân này có thể mang lại nhiều lợi ích. Tiến sĩ William Li, bác sĩ, nhà khoa học nổi tiếng và là tác giả của cuốn “Eat to Beat Your Diet” (Ăn Để Đánh Bại Thực Đơn Ăn Kiêng của Bạn), nói với The Epoch Times rằng ông khuyên bệnh nhân nên ghi nhật ký ăn uống.

Ông nói, “Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi làm điều này vì họ sẽ biết được họ đã ăn bao nhiêu và chất lượng thực phẩm họ đã ăn.”

Bà Wilson cho biết, cần nhớ rằng hệ vi sinh vật không phải là nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật mà là sự phản ánh tình trạng sức khỏe. Việc học cách điều chỉnh các tín hiệu hoặc triệu chứng có thể giúp chúng ta phát triển thói quen ăn uống nhằm nuôi dưỡng một cộng đồng vi sinh vật khỏe mạnh và trợ giúp. Thói quen ăn uống chính là nguyên nhân gốc rễ thực sự của sức khỏe hoặc bệnh tật đối với nhiều người. Thực phẩm tự nhiên, bổ dưỡng thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của vi khuẩn và các vi sinh vật khác có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Bà nói, “Hãy coi hệ vi sinh vật giống như một khu vườn. Nếu bạn bón phân quá nhiều mà không chăm sóc thì không chỉ những cây bạn muốn trồng sẽ phát triển quá mức mà bạn cũng đang bón phân cho đám cỏ dại.”

Cách ăn loại trừ cũng giống như việc xới đất và gieo hạt. Do đó, việc viết nhật ký là một phương tiện để quan sát khu vườn đang phát triển trong ruột của bạn và xác định xem bạn cần trồng nhiều hay ít những gì và những cách thực hành nào giúp nuôi dưỡng cộng đồng vi sinh vật mà bạn muốn.

Công việc dò tìm trợ giúp loại trừ

Cách ăn loại trừ có nhiều dạng khác nhau, thường được đặt tên theo bác sĩ chuyên khoa đã phát triển phương pháp điều trị cụ thể nào.

Bà Pieczarka dạy khung 5R vốn được Viện Y khoa Chức năng giảng dạy:

  • Remove (loại bỏ) các thực phẩm không lành mạnh, gây viêm, cũng như đường, thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn.
  • Replace (thay thế) những thực phẩm đó bằng protein không gây phản ứng và thực phẩm nguyên chất như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, cũng như thực phẩm có khả năng kháng khuẩn và kháng nấm tự nhiên.
  • Reinoculate (tái tạo), có nghĩa là xây dựng lại hệ sinh vật đường ruột bằng cách đưa vào và cung cấp dinh dưỡng cho các vi sinh vật. Điều này được thực hiện bằng thực đơn ăn bao gồm chất xơ và thực phẩm lên men – prebiotic (loại chất xơ có trong rau) và men vi sinh sẽ tạo ra một cộng đồng phong phú.
  • Repair (sửa chữa) niêm mạc ruột bằng vi chất dinh dưỡng để bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm.
  • Rebalance (tái cân bằng) cơ thể bằng các lựa chọn lối sống tốt hơn và các hoạt động chống căng thẳng.

Bà Pieczarka cho biết cuối cùng, chữ R thứ sáu là reintroduce (tái giới thiệu) những thực phẩm mà trước đây gây phản ứng.

Bà nói rằng, “Chúng tôi không bao giờ muốn người bệnh quay trở lại với đường, thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn cũng như đồ ăn vặt nhưng giả sử bệnh nhân phản ứng với hạt chia, mà thông thường vốn là thực phẩm tăng cường sức khỏe. Hãy thêm hạt chia trở lại. Chúng tôi tái giới thiệu một cách có hệ thống từng loại một. Nếu các triệu chứng không xuất hiện trở lại trong khoảng thời gian bốn ngày, bạn có thể tiếp tục.”

Khi nào và tại sao cần kiểm tra

Có sẵn các xét nghiệm về độ nhạy cảm với thực phẩm, nhiễm trùng mạn tính và tình trạng vi chất dinh dưỡng. Nhiều xét nghiệm đã được kiểm chứng lâm sàng, như xét nghiệm Alcat có thể kiểm tra hơn 450 chất ở cấp độ tế bào để xác minh có dấu hiệu kích hoạt hệ miễn dịch mạn tính.

Bà Pieczarka cho biết việc kết hợp xét nghiệm độ nhạy cảm với thực phẩm giúp thực đơn ăn trở nên thiết thực hơn đối với những bệnh nhân thường cảm thấy khó khăn khi chỉ ăn một vài loại thực phẩm trong các giai đoạn đầu. Việc này cũng giúp bệnh nhân biết liệu việc nấm tăng trưởng quá mức có thể ảnh hưởng đến niêm mạc ruột hay không và cách trợ giúp niêm mạc ruột trong quá trình này.

Bà Wilson sử dụng thông tin từ các xét nghiệm để cá nhân hóa không chỉ thực đơn ăn uống của bệnh nhân mà còn cả các chất bổ sung thảo dược.

Trên tinh thần ví von hệ vi sinh vật như khu vườn, bà muốn tránh phải “làm hỏng toàn bộ khu vườn.”

“Đó không phải là chiến lược tốt nhất. Chúng ta muốn tỉa những cây chúng ta muốn và nhổ những cây chúng ta không muốn.”

Bác sĩ tích hợp, tiến sĩ Akil Palanisamy nói với The Epoch Times rằng những điều chỉnh nhỏ thường cho phép cơ thể tự chữa lành. Ông sử dụng Giao thức T.I.G.E.R. là chương trình năm bước được trình bày chi tiết trong cuốn sách mới cùng tên ông viết.

Đôi khi, các vấn đề về đường ruột có liên quan đến một sự nhiễm trùng có vấn đề, chẳng hạn như virus Epstein-Barr, hoặc thậm chí các bệnh ở trẻ em như enterovirus, có thể gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, những kẻ xâm nhập gây bệnh này thường là những kẻ cơ hội. Điều đó có nghĩa là đây không phải là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mà virus sinh sôi nảy nở vì môi trường vi sinh vật phù hợp với chúng hoặc khiến chúng ta thiếu các vi khuẩn trợ giúp sức khỏe có khả năng ngăn chặn các virus này một cách tự nhiên.

Nhưng tiến sĩ Palanisamy lưu ý việc xét nghiệm những kẻ xâm nhập này không hề dễ dàng. Ông nói, vấn đề là không có một xét nghiệm máu nào có thể phát hiện ra danh sách dài các vi khuẩn gây ra vấn đề.

Ông nói, “Tôi không thích làm [xét nghiệm lây nhiễm] ở giai đoạn đầu. Tôi luôn thích làm những việc khác trước. Trọng tâm của chúng ta là làm cho cơ thể không bị nhiễm trùng và cho phép cơ thể tự giải quyết tình trạng nhiễm trùng.”

Dùng vi sinh vật như thuốc

Tất nhiên, nếu bạn đủ tuyệt vọng, có một phương án điều trị khác đã được nhắc đến nhiều gần đây: cấy vi khuẩn ruột từ phân (FMT). Phương pháp này bao gồm việc lấy phân của một người khỏe mạnh và đưa vào ruột của bệnh nhân bị bệnh bằng đường trực tràng hoặc đường uống. Viên thuốc đầu tiên trong điều trị FMT gần đây đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn.

Hiện tại, phê chuẩn này áp dụng cho việc điều trị bệnh nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng nhất, Clostridium difficile (C. diff), và có thể được bảo hiểm chi trả. Nhưng có những nghiên cứu về hơn 200 tình trạng bệnh khác và rất nhiều chuyên gia tin rằng việc dùng vi sinh vật như thuốc là tương lai của y học.

FMT hiện là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng cho tình trạng tái phát triển C. diff quá mức gây tiêu chảy kéo dài. C. diff có thể gây tử vong ở người lớn tuổi và tình trạng nhiễm trùng thường tái phát sau khi điều trị bằng kháng sinh. Những bệnh nhân được cấy ghép phân dường như vẫn giữ được sự đa dạng vi khuẩn trong ruột, có thể trong nhiều năm.

Tiến sĩ Neil Stollman, chủ tịch khoa tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Alta Bates Summit, cho biết tại Cuộc họp Hệ vi sinh vật Malibu rằng, “Thực sự C. diff là chứng minh cho khái niệm [rối loạn hệ khuẩn ruột]. Chúng ta có một bệnh do rối loạn hệ khuẩn ruột gây ra mà chúng ta có thể chữa trị đáng tin cậy bằng cách ghép phân khỏe mạnh và tôi nghĩ rằng điều này thật sự phi thường.”

“Hiện có dữ liệu đặc biệt về FMT. Nhìn chung, 85 đến 95% mọi người đều tốt hơn.”

Hồ sơ của một vi khuẩn quan trọng

Giống như một số vi khuẩn, như C. diff, có vấn đề, còn có những vi khuẩn khác rất cần thiết.

Lactobacillus có thể là một trong những vi khuẩn đường ruột quen thuộc hơn vì thường được tìm thấy trong chế phẩm sinh học, mặc dù chỉ chiếm không quá 1% hệ khuẩn đường ruột.

Có khả năng lên men carbohydrate thành acid lactic nên lactobacillus rất dễ nuôi cấy và tăng trưởng. Lactobacillus có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm bảo vệ hệ vi sinh vật khỏi mầm bệnh, thúc đẩy sự phát triển của tế bào T điều tiết trong hệ miễn dịch, sản xuất acid béo chuỗi ngắn, sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và biến đổi polyphenol để vi khuẩn đường ruột hấp thụ hoặc sử dụng.

Lactobacillus cũng đóng vai trò trong tính toàn vẹn của hàng rào ruột.

Bệnh tiểu đường loại 1 ở trẻ em có liên quan đến lượng Lactobacillus thấp đáng kể. Các nghiên cứu trên bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cho thấy việc sử dụng nhiều loại lactobacillus khác nhau có thể làm giảm viêm và đau.

Lactobacillus là loài chiếm ưu thế nhất trong hệ vi sinh vật âm đạo, nơi ít đa dạng hơn — ngược lại với ruột — là dấu hiệu của sức khỏe.

Thông tin phỏng theo Giao thức T.I.G.E.R. của tiến sĩ y khoa Akil Palanisamy. Bản quyền 2023 của Akil Palanisamy, M.D. Với sự cho phép của Balance, một chi nhánh của Nhà xuất bản Grand Central. Đã đăng ký bản quyền.

Bài tiếp theo: Căng thẳng đe dọa hệ vi sinh vật đường ruột nhưng việc tận dụng trục ruột-não có thể trợ giúp quá trình chữa lành.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amy Denney
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amy Denney là ký giả về sức khỏe của The Epoch Times. Amy có bằng thạc sĩ về báo cáo các vấn đề công cộng của Đại học Illinois Springfield và đã đạt được một số giải thưởng về báo cáo điều tra và sức khỏe. Cô tập trung vào hệ vi sinh vật, các phương pháp điều trị mới và sức khỏe tích hợp.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn