Đột tử không rõ nguyên nhân ở trẻ em có thể liên quan đến các cơn co giật

Phân tích video giấc ngủ của các bệnh nhi trước khi tử vong cho thấy một số xu hướng.

Nghiên cứu mới về đột tử ở trẻ em không rõ nguyên nhân (SUDC) cho thấy hiện tượng đau lòng này đã khiến 2,900 trẻ em dưới 4 tuổi thiệt mạng vào năm 2021 tại Hoa Kỳ có thể là kết quả của các cơn động kinh.

SUDC khác với hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). SUDC không phải là một chẩn đoán mà là nguyên nhân tử vong được sử dụng cho người từ 12 tháng đến 18 tuổi tử vong không rõ nguyên nhân.

Bà Elisabeth Haas, người có bằng thạc sĩ về sức khỏe cộng đồng, viết rằng SIDS phổ biến hơn nhiều, với tỷ lệ tử vong là 38.7 trên 100,000 ca sinh sống; SUDC có tỷ lệ tử vong từ 1 đến 1.4 trên 100,000 ca sinh sống. Các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với SIDS, chẳng hạn như tiếp xúc với khói thuốc lá, ngủ chung giường và để trẻ sơ sinh nằm sấp, trước đây không phải là yếu tố nguy cơ đối với SUDC.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), SUDC là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ năm đối với trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 4 tuổi.

Thường rất khó để xác định nguyên nhân tử vong của một đứa trẻ được chẩn đoán SUDC. Những cái chết “hiếm khi được chứng kiến và khám nghiệm tử thi không tiết lộ,” nhóm nghiên cứu từ Trường Y Grossman thuộc Đại học New York (NYU) đã xem xét nguyên nhân tử vong của SUDC cho biết. “Cơ chế tử vong và nguyên nhân tử vong vẫn chưa được biết rõ.”

Tiền sử co giật, thói quen ngủ có liên quan

Để xác định nguyên nhân của SUDC, nhóm nghiên cứu đã xem xét 301 trường hợp tử vong ở trẻ em liên quan đến giấc ngủ có trong Tổ chức hợp tác nghiên cứu và đăng ký đột tử trẻ em không rõ nguyên nhân của NYU. Cơ quan đăng ký được thành lập vào năm 2014 với sự chấp thuận của Hội đồng Đánh giá Thể chế Y tế NYU Langone và bao gồm sự đồng ý của cha mẹ các cá nhân đã đăng ký.

Nhóm nghiên cứu của NYU phát hiện ra rằng trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng có tiền sử sốt co giật, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc sốt 48 giờ trước khi tử vong hơn trẻ lớn. Ngoài ra, trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng ngủ úp mặt khi tử vong.

Phân tích bao gồm việc xem xét bảy video về đột tử ở trẻ em. Trong những video này, trẻ em từ 13 tháng đến 27 tháng tuổi tử vong trong đêm (6 trong 7) hoặc trong giấc ngủ ngắn ban ngày (1 trong 7). Nhóm nghiên cứu của NYU viết rằng các bản ghi âm nghe nhìn về những trường hợp tử vong này có liên quan mạnh mẽ đến chứng co giật, mặc dù nhiều trẻ mới biết đi đã bị bệnh tới ba ngày trước khi qua đời. Xem qua dữ liệu, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng 29.4% trường hợp trẻ tử vong trước 5 tuổi có tiền sử sốt co giật và 22% trẻ mới biết đi tử vong do nhiễm trùng hoặc tai nạn cũng bị co giật do sốt.

Theo bệnh viện Mayo, co giật do sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng cao. Sốt co giật đơn thuần kéo dài từ vài giây đến 15 phút và thường không lặp lại trong vòng 24 giờ. Có giật do sốt phức tạp kéo dài hơn 15 phút, xảy ra nhiều lần trong vòng 24 giờ và đôi khi chỉ giới hạn ở một bên cơ thể của trẻ. Các triệu chứng của sốt co giật bao gồm sốt cao hơn 100.4 độ F, bất tỉnh và run hoặc giật tay và chân.

Một số nghiên cứu cho thấy các cơn co giật có thể gây ra những thay đổi trong vùng hải mã trong não của trẻ, vùng này đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý và điều hướng không gian. Một nghiên cứu được công bố trên tập san Epilepsia vào tháng 10/2023 đã lưu ý rằng những bất thường nhỏ ở vùng đồi thị trong não thường gặp ở những bệnh nhân tử vong do SUDC, bất kể có tiền sử co giật do sốt hay không. Một nghiên cứu khác cho thấy 50% trường hợp SUDC liên quan dị tật vùng đồi thị ở trẻ.

Làm thế nào để giữ an toàn cho trẻ khi bị sốt co giật

Sốt co giật xảy ra ở 2% đến 5% trẻ em. Thật không may, không có hành động nào có thể dự phòng có giật một cách hiệu quả. Những triệu chứng do sốt có thể được kiểm soát bằng thuốc hạ sốt như acetaminophen, nhưng điều này chỉ giúp trẻ thoải mái chứ không ngăn ngừa được cơn co giật. Đôi khi, cơn co giật xảy ra do chấn thương đầu hoặc các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như lượng đường trong máu thấp.

Thuốc chống co giật hàng ngày không được khuyến cáo cho trẻ bị sốt co giật. Theo Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc, chỉ 30% trẻ em từng bị một cơn co giật do sốt sẽ trải qua lần thứ hai và chỉ 20% sẽ trải qua ba cơn co giật trở lên.

Để bảo đảm cho trẻ được an toàn khi bị co giật do sốt, hãy thực hiện các phương pháp phòng ngừa sau đây theo khuyến nghị của Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc:

  • Đừng bao giờ để con bạn một mình trong bồn tắm.
  • Giữ con bạn trong tầm tay khi ở hồ bơi.
  • Mang áo phao cho con bạn khi ở hồ hoặc sông.
  • Không cho phép con bạn trèo cao hơn 10 feet khi ở trên đồ chơi hoặc trên cây.
  • Luôn cho con bạn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp.

Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn