Hướng dẫn cơ bản về bệnh Lyme: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, và cách tiếp cận tự nhiên

Bệnh Lyme là một bệnh truyền nhiễm do ve gây ra, ảnh hưởng đến khoảng 300,000 đến 476,000 người Mỹ mỗi năm.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh Lyme

Bệnh Lyme có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau ở mỗi người, do đó gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Phát ban mắt bò. (Ảnh: Shutterstock)
Phát ban mắt bò. (Ảnh: Shutterstock)

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh Lyme có thể là:

  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Đau đầu.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Mệt mỏi.
  • Đau cơ.
  • Sưng hạch Lympho.
  • Phát ban ban đỏ di chuyển (EM) hình “mắt bò.” Trái với suy nghĩ của nhiều người, ban mắt bò không điển hình như các biểu hiện khác của phát ban. Vết ban thường có màu đồng nhất, tròn (giống như vết nhện cắn), và/hoặc có màu hơi xanh.

Nếu bệnh không được điều trị, có thể dẫn đến các triệu chứng sau:

  • Đau đầu dữ dội hơn.
  • Liệt mặt (yếu dây thần kinh ở một bên mặt).
  • Viêm khớp.
  • Đau xương.
  • Tim đập nhanh hoặc nhịp tim không đều.
  • Chóng mặt.
  • Đau dây thần kinh.
  • Viêm não hoặc tủy sống.
  • Tê tay hoặc chân.

Hầu hết mọi người không tử vong vì bệnh Lyme trừ khi các biến chứng bắt đầu xuất hiện trên toàn thân và ảnh hưởng trầm trọng đến cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh Lyme?

Bệnh Lyme do vi khuẩn Borrelia burgdorferi và Borrelia mayonii gây ra, truyền sang người qua vết cắn của bọ ve. Thông thường, bọ ve chân đen, còn được gọi là bọ ve hươu, là loại truyền bệnh và có vòng đời từ hai đến ba năm.

Để lây nhiễm bệnh, bọ ve thường phải bám trên da người từ 36 đến 48 tiếng trước khi vi khuẩn bắt đầu lây truyền. Nếu bọ ve được tìm thấy [trên người] trước khoảng thời gian này thì có khả năng tránh được việc truyền bệnh Lyme.

Hướng dẫn cơ bản về bệnh Lyme: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, và cách tiếp cận tự nhiên
Bọ ve thường phải bám trên vật chủ ít nhất 36 tiếng để lây truyền vi khuẩn gây bệnh Lyme. (Ảnh minh họa: The Epoch Times, Shutterstock)

Các giai đoạn của bệnh Lyme

  • Giai đoạn 1 (khu trú sớm): Bệnh Lyme khu trú. Bệnh nhân có thể bị nổi ban đỏ di chuyển, trên hoặc gần vết cắn và/hoặc sốt nhẹ. Giai đoạn ban đầu này thường xảy ra trong vòng một tháng đầu tiên sau khi bị bọ ve cắn. Nhiều người có thể không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào ở giai đoạn 1.
  • Giai đoạn 2 (lan truyền sớm): Giai đoạn này có thể xuất hiện nhiều triệu chứng hơn, bao gồm mệt mỏi, chóng mặt và các triệu chứng liên quan đến tim. Bệnh Lyme giai đoạn 2 thường phát triển từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 12 sau nhiễm bệnh. Đây là giai đoạn bệnh Lyme [biểu hiện triệu chứng] phổ biến hơn hoặc lan rộng khắp cơ thể.
  • Giai đoạn 3 (kéo dài): Giai đoạn này thường phát triển từ vài tháng đến nhiều năm sau khi nhiễm bệnh. Trong giai đoạn này, các triệu chứng thần kinh, viêm khớp (đặc biệt là ở đầu gối) và các biến chứng về nhịp tim có thể phổ biến. Điều quan trọng là phải tìm cách điều trị y tế nếu gặp những triệu chứng này.

Điều quan trọng cần lưu ý là bệnh Lyme có thể phát triển cùng với các bệnh đồng nhiễm khác do bọ ve gây ra, vì bọ ve có thể bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Một số trường hợp đồng nhiễm này bao gồm:

  • Babesia: Ký sinh trùng giống sốt rét này lây nhiễm vào các tế bào hồng cầu và có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh Lyme. Bệnh này thường được điều trị bằng thuốc chống sốt rét và kháng sinh.
  • Bartonella: Những vi khuẩn này lây nhiễm vào các tế bào hồng cầu và có thể gây phát ban dạng sọc tương tự như vết rạn da. Bartonella cũng cần được điều trị bằng cách kết hợp các loại kháng sinh.
  • Rickettsia: Những vi khuẩn này có thể gây sốt, nhức đầu dữ dội, phát ban, đau cơ và làm suy yếu các mạch máu của cơ thể. Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc uống và/hoặc kháng sinh đường tĩnh mạch. Bệnh nhiễm trùng rickettsial phổ biến nhất ở Hoa Kỳ là bệnh sốt phát ban Rocky Mountain.

Ai có nguy cơ cao bị bệnh Lyme?

Vì đây là một căn bệnh có thể phòng ngừa nên chúng ta cần phải nhận thức được các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Thông thường, nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn trong khoảng thời gian từ mùa xuân đến mùa thu. Tuy nhiên, khả năng nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra nếu thời tiết ở trên mức đóng băng.

Một số yếu tố này bao gồm:

  • Sống ở một số tiểu bang và vùng nhất định ở Hoa Kỳ, bao gồm vùng Đông Bắc, các tiểu bang giữa Đại Tây Dương, Wisconsin, Minnesota và miền bắc California.
  • Sống ở vùng ngoại ô hoặc vùng nông thôn có nhiều thảm thực vật làm tăng khả năng gặp phải bọ ve.
  • Làm việc ngoài trời.
  • Các hoạt động ngoài trời như đi bộ đường dài, săn bắn hoặc làm vườn ở những khu vực có mức độ lây truyền cao hơn.
  • Nuôi thú cưng có thể mang ve từ bên ngoài vào.

Chẩn đoán bệnh Lyme như thế nào?

Nếu bạn xuất hiện phát ban mắt bò hoặc các triệu chứng tương tự như bệnh Lyme, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau.

  • Xét nghiệm máu: Chẩn đoán bệnh Lyme thường là một quá trình gồm hai bước. Xét nghiệm máu tìm vi khuẩn tích tụ trong cơ thể gây ra bệnh Lyme. Xét nghiệm máu đầu tiên là xét nghiệm miễn dịch liên kết với enzyme (ELISA) để kiểm tra các kháng thể chống lại bệnh Lyme. Kết quả có thể âm tính giả nếu được thực hiện quá gần thời điểm nghi ngờ bị vết cắn, vì phải mất vài tuần để kháng thể phát triển. Có hai lựa chọn nếu cần làm xét nghiệm thứ hai: xét nghiệm ELISA lần hai hoặc xét nghiệm Western blot, đôi khi được ưu tiên cho bệnh Lyme giai đoạn sau.
  • Xét nghiệm dịch não tủy (CSF): Có thể làm xét nghiệm CSF nếu bệnh Lyme được cho là ảnh hưởng đến hệ thần kinh và/hoặc nếu kết quả xét nghiệm máu không đưa ra kết luận.
  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Xét nghiệm PCR có thể phát hiện vật liệu di truyền (DNA) của vi khuẩn Lyme. Những xét nghiệm này thường chỉ chính xác nếu một người đang có nhiễm trùng hoạt động.

Nếu chẩn đoán bệnh Lyme được xác nhận, bạn nên có kế hoạch hành động toàn diện từ nhóm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có trình độ để tối ưu hóa kết quả.

Biến chứng của bệnh Lyme

Bệnh Lyme có thể dẫn đến một vài biến chứng, có khả năng ảnh hưởng đến toàn cơ thể, phụ thuộc vào tiến triển và biểu hiện của bệnh.

Một số biến chứng phổ biến nhất của bệnh Lyme giai đoạn muộn bao gồm:

  • Mệt mỏi dai dẳng.
  • Viêm và viêm khớp: Một người có thể bị đau khớp và/hoặc sưng ở đầu gối, khuỷu tay, vai, cổ tay, mắt cá chân hoặc hông. Biến chứng này thường có thể được điều trị bằng kháng sinh và/hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
  • Tổn thương thần kinh: Tổn thương thần kinh có thể dẫn đến yếu ở một số vùng trên cơ thể và cũng có thể gây đau, tê và/hoặc ngứa ran.
  • Biến chứng thần kinh: Có thể xảy ra các biến chứng thần kinh, còn được gọi là bệnh rối loạn thần kinh, như lú lẫn, mất trí nhớ, khó tập trung hoặc các vấn đề về giọng nói khác.
  • Hội chứng bệnh Lyme: Tình trạng này có thể xảy ra sau khi bệnh Lyme đã được điều trị bằng kháng sinh. Triệu chứng có thể bao gồm: mệt mỏi dai dẳng, đau nhức cơ bắp, khó nhận thức và đau đầu. Hội chứng này thường được chẩn đoán nếu triệu chứng xuất hiện sau sáu tháng điều trị.
  • Viêm tim Lyme: Biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng này xảy ra trong khoảng 1% trường hợp.

Điều trị bệnh Lyme

Các phương pháp điều trị bệnh Lyme sẽ khác nhau tùy theo mức độ tiến triển của bệnh và những gì nhóm nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho là phù hợp nhất. Các phương pháp điều trị thông thường thường liên quan đến kháng sinh nhưng có thể bao gồm sự kết hợp của nhiều phương thức điều trị tự nhiên hơn.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh đường uống như doxycycline, amoxicillin và cefuroxime được sử dụng để điều trị bệnh Lyme. Thuốc bổ sung có thể được kê toa để kiểm soát các triệu chứng của bệnh Lyme, chẳng hạn như đau, viêm hoặc nhận thức.

Những vấn đề đặc biệt mà những bệnh nhân Lyme phải đối mặt là gì?

Vì căn bệnh này có thể khó chẩn đoán nên nhiều người phải chịu đựng đáng kể và thậm chí vô thời hạn trước khi có câu trả lời. Ngoài ra, cần có thêm nghiên cứu và tài trợ trong lĩnh vực này.

Bệnh Lyme, đặc biệt là ở giai đoạn sau, có thể rất khó điều trị và xuất hiện các triệu chứng khiến cơ thể suy nhược. Vi khuẩn gây bệnh có thể tiến hóa và thích nghi với các phương pháp điều trị, cụ thể là kháng sinh. Vì lý do này, việc cố gắng điều trị bệnh Lyme bằng cả thuốc kháng sinh và thuốc toàn diện thường được khuyến khích. Giống như bất kỳ căn bệnh mạn tính nào, việc giúp người bệnh tăng miễn dịch để góp phần giảm các triệu chứng và chống lại bệnh tật là điều tối quan trọng.

Nhiễm nấm là một trong số những đồng nhiễm thường gặp ở nhiều bệnh nhân Lyme. Điều này khiến việc điều trị và sinh hoạt hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một số chuyên gia cũng tin rằng độc tính của nấm mốc cũng có thể là thủ phạm gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh Lyme mạn tính. Trong trường hợp bệnh Lyme kháng trị, người ta nên cân nhắc việc xét nghiệm xem có bất kỳ bệnh nấm mốc tiềm ẩn nào không, vì triệu chứng thường giống bệnh Lyme.

Bệnh Lyme kháng kháng sinh có thể yêu cầu thử nghiệm và các phương thức điều trị tốn kém mà có thể không được bảo hiểm chi trả. Ngoài ra, cơ thể có thể không bao giờ loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, khiến đây là một cuộc chiến suốt đời. Cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này, tài trợ và phương thức điều trị để trợ giúp những bệnh nhân Lyme.

Ảnh hưởng của tâm trí với bệnh Lyme

Vì bệnh Lyme có nguyên nhân thể chất rõ ràng nên tinh thần không ảnh hưởng trực tiếp đến việc bị bệnh hay không. Tuy nhiên, cách đối phó về mặt tinh thần với chẩn đoán có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu cho thấy rằng bệnh Lyme có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chất lượng giấc ngủ, khả năng tập trung, tần suất các triệu chứng trầm cảm, hiệu suất trí nhớ và khả năng phát triển trong sự nghiệp của một người. Nói chung, trong tất cả các khía cạnh này, những bệnh nhân Lyme có kết cục xấu hơn khi so sánh với các nhóm đối chứng. Điều này được cho là do những tổn hại về tinh thần và thể chất có thể gây ra bởi bệnh Lyme.

Điều hứa hẹn là một số nghiên cứu phát hiện thấy rằng thực hành sức khỏe tâm thần tích cực có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và tái phát triệu chứng đối với người bệnh.

Để bắt đầu, việc theo dõi các triệu chứng và chất lượng cuộc sống bằng cách ghi nhật ký về các triệu chứng để chia sẻ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế là rất hữu ích. Điều này có thể giúp bắt đầu theo dõi sự tái phát triệu chứng và xác định các mô hình [bệnh tật]. Theo dõi những thứ như thay đổi khẩu vị, năng lượng và tâm trạng đều là những chỉ số hữu ích về tình trạng sức khỏe tâm thần tổng thể, có thể giúp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế hiểu rõ hơn về cách cung cấp hướng dẫn và đề nghị được cá nhân hóa.

Ngoài ra, áp dụng cách tiếp cận chủ động bằng cách tham gia vào các phương pháp thiền định, giảm căng thẳng có thể hữu ích cho những bệnh nhân Lyme. Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tập yoga kundalini có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng thông thường. Bệnh nhân tập loại yoga này cho thấy sự cải thiện trong việc giảm triệu chứng đa hệ thống, nhận thức và mệt mỏi.

Các cách tiếp cận tự nhiên dành cho bệnh Lyme

Trong khi phương pháp điều trị truyền thống đối với bệnh Lyme tập trung vào thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác, thì các phương pháp tự nhiên có thể trợ giúp kiểm soát các triệu chứng cho những bệnh nhân Lyme.

Một số nghiên cứu về nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm đã cố gắng khám phá cơ chế mà tinh dầu có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Nhiều giả thuyết cho rằng đặc tính kháng khuẩn của các loại dầu này có thể giúp kiểm soát sự phát triển của mầm bệnh vi khuẩn. Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn về những kết hợp cụ thể, nhưng sử dụng liệu pháp tinh dầu có thể không có tác dụng phụ nào đối với bệnh nhân Lyme. Trong nghiên cứu cụ thể về nuôi cấy này, các loại dầu sau đây cho thấy tác dụng chống vi khuẩn hiệu quả, trong đó hợp chất có hoạt tính trong lá kinh giới cay là hiệu quả nhất:

Ngoài ra, tuân theo các ăn chống viêm với nhiều loại thực phẩm có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, carbs tinh chế, đường và dầu hạt gây viêm có thể giúp những bệnh nhân Lyme ít bị viêm hơn, cải thiện các triệu chứng và chất lượng cuộc sống.

Bởi vì phần lớn hệ miễn dịch nằm ở ruột và ruột là nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng nên sức khỏe của hệ vi sinh vật là rất quan trọng. Ăn các loại thực phẩm chống viêm, chứa nhiều chất xơ có thể giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa và do đó cải thiện khả năng miễn dịch tổng thể. Việc bổ sung các loại thực phẩm như cá béo, rau, chất béo lành mạnh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt là bước khởi đầu tuyệt vời để chống viêm. Để được hướng dẫn phù hợp với tình trạng bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến ​​của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có trình độ.

Bổ sung các chất dinh dưỡng và vitamin chống viêm cũng có thể cải thiện triệu chứng ở những bệnh nhân Lyme. Một loại vitamin tổng hợp chất lượng cao bao gồm vitamin D, vitamin A và kẽm có thể hữu ích, đồng thời giúp gia tăng miễn dịch. Như mọi khi, bạn nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc y tế có trình độ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung mới nào.

Một số nghiên cứu hướng tới liệu pháp oxy cao áp như một phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh Lyme mạn tính. Trong quá trình điều trị này, oxy được hút vào trong buồng có áp suất lớn hơn mực nước biển. Điều này được cho là có khả năng giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn bằng cách cho phép các tế bào cải thiện khả năng tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả hơn.

Mặc dù có một số bằng chứng truyền miệng về việc những bệnh nhân Lyme được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị tự nhiên bổ sung như phòng xông hơi khô, phòng xông hơi ướt, tia cực tím và nọc ong, nhưng vẫn chưa có đủ nghiên cứu lâm sàng để ủng hộ cho những tuyên bố này.

Kết hợp các phương pháp bổ sung với thuốc kháng sinh hoặc dùng khi các triệu chứng vẫn tồn tại sau điều trị kháng sinh có thể giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Một trong các phương pháp này bao gồm:

  • Các kỹ thuật giảm căng thẳng giúp kiểm soát cơn đau (trị liệu, thiền định, v.v…).
  • Các bài tập về tâm trí và cơ thể như khí công giúp cải thiện tư thế, chuyển động và kỹ thuật thở.
  • Châm cứu giúp giảm mệt mỏi.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và các kỹ thuật thả lỏng cơ thể giúp ngủ ngon hơn.
  • Dầu chanh và/hoặc bổ sung melatonin để giúp ngủ ngon.
  • Các bài tập rèn luyện trí óc trực tuyến nhằm góp phần tăng khả năng tập trung và/hoặc trí nhớ làm việc cho những người gặp phải các triệu chứng về nhận thức.

Cách phòng ngừa bệnh Lyme

Một vài cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị bệnh Lyme:

  • Lưu ý về việc tiếp xúc với môi trường: Ở những khu vực mọc cỏ cao hoặc bụi cây mọc um tùm, hãy mặc quần dài và có tay áo để giảm thiểu tiếp xúc. Ngoài ra, đi giữa các con đường mòn khi đi bộ đường dài, đeo thuốc chống côn trùng và tắm ngay sau khi trở về từ hoạt động ngoài trời có thể hữu ích. Ngoài ra, hãy cho ống quần vào tất khi đi qua bãi cỏ cao.
  • Tự kiểm tra: Nếu nghĩ rằng có khả năng bạn hoặc một thành viên trong gia đình có thể tiếp xúc với bọ ve, bạn nên tự kiểm tra mỗi khi trở về sau một hoạt động ngoài trời. Nếu phát hiện thấy bọ ve, điều quan trọng là phải loại bỏ ngay lập tức, bảo đảm loại bỏ phần đầu [đâm vào da] chứ không phải [thân] phần hở ra phía sau.
  • Tạo vùng không có bọ ve: Bạn nên tạo vùng an toàn không có bọ ve nếu sống hoặc làm việc ở khu vực có nguy cơ cao. Dùng các chất kiểm soát hóa học và tránh xa hươu là những lời khuyên hữu ích để giảm thiểu rủi ro.

Bài viết được xem xét về mặt y tế bởi Beverly Timeding, MD.

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jordan Stachel
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jordan Stachel là chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề ở cơ sở phòng khám tư nhân, nơi cô giúp khách hàng qua việc cung cấp thông tin dinh dưỡng dựa trên bằng chứng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn