Hướng dẫn cơ bản về bệnh rối loạn lưỡng cực: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

Rối loạn lưỡng cực, từng được gọi là bệnh hưng trầm cảm, là một bệnh tâm thần khá phổ biến, cứ 100 người thì có 1 người được chẩn đoán vào một thời điểm nào đó trong đời.

Rối loạn lưỡng cực, từng được gọi là bệnh hưng trầm cảm, là một bệnh tâm thần khá phổ biến, với tỷ lệ 1/100 người trên toàn cầu được chẩn đoán tại một thời điểm nào đó trong đời. Số liệu thống kê từ Hoa Kỳ cao hơn một chút, với gần 3% dân số bị loại rối loạn này hàng năm. Gần 83% các trường hợp được coi là nghiêm trọng. Mặc dù tỷ lệ bị bệnh hiện chưa rõ, rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán khi người bệnh ở độ tuổi từ 15 đến 19 và hiếm khi sau 40.

Một phần thách thức của việc chẩn đoán có liên quan đến kiểm tra tâm lý, trong đó một cá nhân được hỏi về triệu chứng, tiền sử gia đình và tình trạng sức khỏe tâm thần tổng thể. Nhiều câu trả lời trong số này thường mang tính chủ quan và ban đầu có thể không trực tiếp hướng đến rối loạn lưỡng cực.

Phân loại rối loạn lưỡng cực

Có một số loại rối loạn lưỡng cực. Bởi vì đó là do tình trạng não làm thay đổi tâm trạng, năng lượng và khả năng hoạt động của một người, bệnh nhân rối loạn lưỡng cực thường trải qua trạng thái cảm xúc mãnh liệt trong khoảng thời gian nhất định. Sự phân loại chính giữa người trải qua thay đổi tâm trạng và người rối loạn lưỡng cực là độ dài của các giai đoạn, và chứng rối loạn lưỡng cực ảnh hưởng đến tâm trạng trong vài ngày mỗi lần.

Rối loạn lưỡng cực 1

Đây là trạng thái mà khi một người trải qua giai đoạn hưng cảm. Trong giai đoạn này, người ta sẽ có những thay đổi cực độ về mức năng lượng, có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Giai đoạn hưng cảm kéo dài ít nhất một tuần trong đó một người trải qua những cảm xúc rất rất cao và/hoặc rất rất thấp. Thay đổi này thường dẫn đến rối loạn trong công việc, cuộc sống gia đình và/hoặc khả năng quản lý các trách nhiệm khác.

Giai đoạn trầm cảm cũng xảy ra và theo quy luật, kéo dài khoảng hai tuần hoặc hơn. Nếu một cá nhân trải qua cảm xúc nặng nề trong thời gian này, thì thường là giai đoạn “trầm cảm nặng.” Các giai đoạn hưng cảm nhẹ cũng có thể theo sau giai đoạn hưng cảm. Trong thời kỳ hưng cảm nhẹ, năng lượng vẫn ở mức cao, lòng tự tôn cũng tăng lên. Tuy nhiên, các triệu chứng không quá nghiêm trọng và chỉ kéo dài vài ngày.

Rối loạn lưỡng cực 2

Những người bị rối loạn lưỡng cực 2 có ít nhất một giai đoạn trầm cảm nặng và một giai đoạn hưng cảm nhẹ. Giai đoạn hưng cảm nhẹ ít nghiêm trọng hơn giai đoạn hưng cảm mà người bị rối loạn lưỡng cực 1 gặp phải.

Rối loạn khí sắc chu kỳ

Đây là dạng rối loạn lưỡng cực nhẹ thường liên quan đến sự thay đổi tâm trạng, với triệu chứng hưng cảm nhẹ và trầm cảm cùng xảy ra. Những người bị rối loạn khí sắc chu kỳ thường có nhiều thăng trầm về cảm xúc nhưng triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với rối loạn lưỡng cực 1 hoặc 2. Triệu chứng tái phát xảy ra trong ít nhất hai năm và sự thay đổi tâm trạng không ngừng kéo dài hơn hai tháng mỗi lần.

Rối loạn lưỡng cực khác hay rối loạn lưỡng cực không xác định

Nếu một người không đáp ứng được các tiêu chí của các loại rối loạn lưỡng cực trên nhưng lại biểu hiện những biến động tâm trạng bất thường liên quan đến lâm sàng, thì người đó sẽ thuộc loại này.

Triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của rối loạn lưỡng cực

Dấu hiệu hoặc triệu chứng chính của rối loạn lưỡng cực là giai đoạn hưng cảm kéo dài ít nhất một tuần và có thể bao gồm các giai đoạn hưng cảm nhẹ.

Bởi vì trải nghiệm rối loạn lưỡng cực mang tính cá nhân, triệu chứng có thể khác nhau với mỗi người. Tuy nhiên, dưới đây là các triệu chứng thường gặp trong giai đoạn hưng cảm:

  • Thay đổi liên tục về tâm trạng.
  • Trạng thái cảm xúc cực độ, cao và thấp.
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột, nghiêm trọng.
  • Sự bồn chồn.
  • Nói nhanh và suy nghĩ nhanh.
  • Tăng năng lượng.
  • Khả năng phán đoán kém.
  • Tăng tính bốc đồng.
  • Hành vi liều lĩnh.
  • Cảm giác không thực tế.
  • Rối loạn tâm thần.

Các triệu chứng sau đây có thể phổ biến trong giai đoạn hưng cảm nhẹ:

  • Tăng cảm giác tích cực và/hoặc năng suất.
  • Tâm trạng lâng lâng.

Các triệu chứng sau đây có thể phổ biến trong giai đoạn trầm cảm:

  • Buồn bã tột độ.
  • Năng lượng thấp.
  • Thiếu động lực.
  • Cảm thấy vô dụng hoặc vô vọng.
  • Khó tập trung.
  • Cáu gắt.
  • Tăng nhu cầu ngủ.

Mặc dù rối loạn lưỡng cực được cho là liên quan chặt chẽ đến di truyền, nhưng cho dù là do môi trường hay di truyền, việc xét nghiệm thường xuyên với người có nguy cơ cao là điều nên làm nếu triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực

Nguyên nhân chính xác của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được hiểu rõ. Một số yếu tố được cho là gây ra rối loạn lưỡng cực gồm:

  • Di truyền: Người ta cho rằng rối loạn lưỡng cực có liên quan đến gene và di truyền được trong gia đình. Đây là một trong những tình trạng tâm thần có khả năng di truyền cao nhất được xác định – dù là do môi trường hay di truyền. Hơn 2/3 bệnh nhân có ít nhất một người thân ruột thịt bị rối loạn này.
  • Mất cân bằng hoặc thay đổi vùng não: Mất cân bằng hóa học trong não có thể gây ra rối loạn lưỡng cực. Các chất dẫn truyền thần kinh trong não, như serotonin, norepinephrine và dopamine, thường bị ảnh hưởng, khiến cá nhân rơi vào tình trạng rối loạn. Chất xám hoặc khối lượng hồi hải mã cũng có thể giảm ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

Mặc dù nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được hiểu rõ, một số yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh bao gồm:

  • Căng thẳng: Ví dụ như mất dần các mối quan hệ, lạm dụng thuốc, bệnh tật, nguy cơ về sinh kế và/hoặc sự ra đi của người thân.
  • Bệnh lý.
  • Rối loạn giấc ngủ.
Hướng dẫn cơ bản về bệnh rối loạn lưỡng cực: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Mặc dù nguyên nhân chính xác của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được hiểu rõ, các chuyên gia tin rằng bệnh có thể là do sự mất cân bằng của các chất hóa học trong não, những bất thường về chất não, di truyền hoặc các yếu tố môi trường. Sự kết hợp giữa các yếu tố cũng có thể là nguyên nhân. (Ảnh: Illustrations from Shutterstock/The Epoch Times thiết kế)

Ai có nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực?

Như đã đề cập ở trên, rối loạn lưỡng cực có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, căng thẳng và tình trạng mất cân bằng. Nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực trùng lặp với các nguyên nhân có khả năng phát triển những tình trạng này.

Rối loạn lưỡng cực được cho là ảnh hưởng đến cả nam và nữ với tỷ lệ như nhau và người ta không có đủ nghiên cứu để xác định xem bệnh có ảnh hưởng đặc biệt đến chủng tộc nào hay không. Sau đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh:

  • Tiền sử gia đình: Có người thân trực hệ bị rối loạn lưỡng cực.
  • Tuổi tác: Rối loạn lưỡng cực có thể phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18 đến 29.
  • Bệnh tâm thần khác: Người bị rối loạn cảm xúc theo mùa sẽ dễ bị rối loạn lưỡng cực hơn. Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cũng bị rối loạn lo âu và khoảng một nửa người bệnh bị một rối loạn tâm thần kèm theo khác.
  • Nghiện ma túy hoặc rượu: Có mối liên quan giữa lạm dụng chất gây nghiện và rối loạn lưỡng cực, với khoảng 60% bệnh nhân biểu hiện nghiện ma túy hoặc rượu.
  • Biến cố đau buồn hoặc căng thẳng: Những người trải qua căng thẳng cao độ hoặc biến cố đau thương, chẳng hạn như sự ra đi của người thân, thường dễ bị rối loạn lưỡng cực hơn.

Chẩn đoán rối loạn lưỡng cực

Mặc dù hiện nay có một số xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, nhưng thông thường, mọi người không được sàng lọc trừ khi có triệu chứng. Với người có triệu chứng, các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện để xác định và/hoặc loại trừ chẩn đoán:

  • Khám thực thể và làm xét nghiệm: Giúp loại trừ các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra triệu chứng.
  • Đánh giá về tâm thần: Thông thường, bác sĩ sẽ hoàn thành đánh giá tâm thần cho bệnh nhân để xem liệu gia đình họ có tiền sử rối loạn lưỡng cực hay không cũng như đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần ở thời điểm hiện tại. Các câu hỏi thường xoay quanh việc một cá nhân có triệu chứng trong bao lâu và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Đánh giá này cũng có thể liên quan đến thói quen sinh hoạt của một người nếu họ dùng ma túy và/hoặc rượu, đồng thời bác sĩ cũng tham khảo thêm ý kiến và đặt câu hỏi cho bạn bè và gia đình.
  • Lập biểu đồ tâm trạng: Đôi khi, như một phần của đánh giá tâm lý, bác sĩ sẽ yêu cầu một cá nhân tự theo dõi tâm trạng, giấc ngủ, các triệu chứng, v.v. để giúp tìm ra loại rối loạn lưỡng cực và kế hoạch điều trị phù hợp.

Biến chứng của rối loạn lưỡng cực

Một số bệnh nhân có thể gặp các biến chứng tiềm ẩn trong sinh hoạt hàng ngày do sự thay đổi tâm trạng đáng kể.

Các biến chứng phổ biến bao gồm:

  • Lạm dụng chất gây nghiện: Do ảnh hưởng tâm thần mà rối loạn lưỡng cực mang lại, nhiều người có thể chuyển sang dùng chất gây nghiện để chống đỡ khi bệnh khởi phát. Nếu bạn hoặc người quen đang vật lộn với chứng bệnh và/hoặc lạm dụng chất gây nghiện, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ có trình độ để tối ưu hóa kết quả điều trị.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần khác: Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có thể bị các bệnh tâm thần khác như lo âu và/hoặc trầm cảm.
  • Bệnh đi kèm: Một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân còn bị các bệnh đi kèm, chẳng hạn như tăng nguy cơ bị tim mạch, béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. Do tình trạng sức khỏe tâm thần thường tương quan với cách mọi người chăm sóc sức khỏe thể chất, người ta cho rằng có mối liên quan đáng kể giữa sức khỏe tâm thần kém và/hoặc rối loạn lưỡng cực với các vấn đề sức khỏe thể chất tổng thể.
  • Tự tử: Khoảng 1/5 bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cố gắng để tự tử. Hãy gọi 911 hoặc Đường dây nóng Tự tử và Khủng hoảng theo số 988 để được giúp đỡ nếu bạn có ý định này.

Phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực

Các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực khác nhau tùy vào độ tuổi, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của mỗi người. Phương pháp thông thường bao gồm dùng thuốc, trị liệu tâm lý hoặc cả hai.

Phương pháp dùng thuốc

Loại thuốc phổ biến nhất là thuốc ổn định tâm trạng. Điều quan trọng cần lưu ý là tất cả các thuốc đều có tác dụng phụ và phải được kê đơn và giám sát bởi bác sĩ để bảo đảm hiệu quả và độ an toàn. Các chất ổn định tâm trạng sau có thể được dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực:

  • Lithium là một loại thuốc ổn định tâm trạng cho người có triệu chứng hưng và trầm cảm.
  • Thuốc chống co giật là thuốc ổn định tâm trạng gồm divalproex natri, lamotrigine và acid valproic.
  • Thuốc chống loạn thần gồm olanzapine, risperidone, quetiapine, lurasidone, aripiprazole và asenapine.
  • Thuốc chống trầm cảm gồm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), serotonin, ức chế tái hấp thu norepinephrine (SNRI), ức chế monoamine oxidase (MAOIs) và thuốc ba vòng. Những loại thuốc này đôi khi làm trầm trọng thêm cơn hưng cảm, vì vậy chúng thường được kê đơn cùng các thuốc khác để giảm tác dụng phụ.
  • Benzodiazepin gồm alprazolam, chlordiazepoxide, clonazepam, diazepam và lorazepam, thường được kê nhờ đặc tính giảm lo âu.

Tâm lý trị liệu

Phương pháp này thường hay kết hợp với thuốc. Các liệu pháp bao gồm giáo dục tâm lý để tìm hiểu về rối loạn lưỡng cực, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) để giảm triệu chứng trầm cảm và/hoặc liệu pháp gia đình áp dụng trong bối cảnh các mối quan hệ của một người.

Tư duy ảnh hưởng đến rối loạn lưỡng cực như thế nào?

Do rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần, việc quản lý bệnh nhân để duy trì tư duy tích cực là điều rất quan trọng.

Nghiên cứu cho thấy người có suy nghĩ bi quan thường tái phát rối loạn lưỡng cực nhiều hơn người giữ quan điểm tích cực hơn. Do bệnh nhân rối loạn lưỡng cực thường cảm thấy tiêu cực, việc quản lý tư duy là rất quan trọng.

Vì chẩn đoán rối loạn lưỡng cực đôi khi khó thực hiện, mỗi cá nhân nên tự lập ra một nhóm chăm sóc phù hợp, toàn diện để tối ưu hóa việc quản lý sức khỏe tổng thể.

Mối quan tâm phổ biến nhất của người bị rối loạn lưỡng cực là:

  • Làm thế nào người khác hiểu được về chứng rối loạn của họ.
  • Bệnh ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như thế nào.
  • Lo lắng về việc truyền bệnh cho trẻ em.
  • Bệnh ảnh hưởng đến việc hẹn hò/cuộc sống cá nhân như thế nào.

Mặc dù chẩn đoán bệnh là điều quan trọng, việc tuyển dụng đội ngũ bác sĩ chăm sóc sức khỏe có trình độ phù hợp, bao gồm bác sĩ và nhà trị liệu, là rất cần thiết. Cân nhắc các nhóm trợ giúp và kết nối với những cá nhân có trải nghiệm tương tự cũng sẽ giúp bạn cải thiện bệnh.

Cách tiếp cận tự nhiên với rối loạn lưỡng cực

Mặc dù thuốc và liệu pháp là những phương pháp thông thường để điều trị rối loạn lưỡng cực, một số cách tự nhiên có thể giúp kiểm soát triệu chứng.

Thực phẩm bổ sung

  • Omega-3: Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đầy đủ dầu cá có thể giúp giảm triệu chứng ở người bị rối loạn lưỡng cực. Dầu cá có chứa omega-3, một chất tương tác với chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng để cải thiện sự liên kết và truyền tín hiệu, từ đó giúp ổn định tâm trạng. Những người bị rối loạn lưỡng cực có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung dầu cá chất lượng cao thường xuyên. Acid béo omega-3 cũng làm giảm viêm.
  • NAC: N-acetyl-L-cysteine (NAC) là chất bổ sung được nghiên cứu ở người bị rối loạn lưỡng cực. Trong khi cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định, NAC được cho là có tác dụng giống như chất chống oxy hóa, giúp bài tiết dopamine và tăng mức tạo mô thần kinh trong não.
  • Inositol: Dù được gọi là vitamin B8, inositol không phải là vitamin. Loại chất này được chứng minh là giúp giảm triệu chứng ở một số người bị rối loạn lưỡng cực, do sự suy giảm tự nhiên của inositol có thể xảy ra với người dùng thuốc trị bệnh. Thực phẩm bổ sung này cho thấy một số hứa hẹn với bệnh nhân, mặc dù vẫn cần nghiên cứu thêm. Việc bổ sung inositol còn gây tranh cãi khi dùng cùng lithium hoặc acid valproic và người bệnh nên thảo luận với bác sĩ trước khi áp dụng.
  • Choline: Một tổng quan hệ thống cho thấy liệu pháp điều trị bằng vitamin choline tan trong nước làm giảm đáng kể triệu chứng hưng cảm ở 5/6 bệnh nhân rối loạn lưỡng cực với rapid-cycling (thuật ngữ mô tả khi người bệnh có từ bốn cơn trở lên trong vòng 12 tháng) và bốn người đã giảm triệu chứng trầm cảm và hưng cảm.

Thay đổi lối sống

Như đã đề cập ở trên, chăm sóc cơ thể sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của một người. Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và ăn uống cân bằng giúp ổn định sinh lý nói chung. Tập thể dục thường xuyên giúp ổn định tâm trạng và tăng tiết dopamine tự nhiên. Giấc ngủ giúp phục hồi não và giảm bớt kích thích. Ăn uống cân bằng gồm acid béo omega-3 và chất chống oxy hóa chống viêm giúp nuôi dưỡng não và đẩy mạnh cân bằng hóa học tích cực.

Một loại trị liệu tâm lý được gọi là liệu pháp nhịp điệu xã hội và cá nhân (IPSRT) cũng cho thấy hứa hẹn trong điều trị triệu chứng rối loạn lưỡng cực. IPSRT nhằm mục đích giải quyết tình trạng rối loạn nhịp sinh học, cung cấp các buổi trị liệu tâm lý và hướng dẫn bệnh nhân cách tuân thủ tốt hơn phương pháp điều trị bằng thuốc. Một thử nghiệm có đối chứng ngoài cộng đồng cho thấy phương pháp này làm giảm gánh nặng triệu chứng cho bệnh nhân trong hơn sáu tháng.

Làm thế nào để ngăn ngừa rối loạn lưỡng cực?

Mặc dù không có cách nào loại bỏ hoàn toàn rối loạn lưỡng cực, bạn có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ tiến triển thành của bệnh đến mức không thể kiểm soát được.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực trầm trọng là thay đổi thói quen sinh hoạt, gồm:

  • Luôn chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo: Nếu bạn có nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực do di truyền hoặc lo lắng về sự phát triển của triệu chứng, việc chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo thường xuyên là điều cần thiết. Nếu triệu chứng bắt đầu phát triển, việc điều trị sớm sẽ mang lại kết quả tốt. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình và/hoặc bác sĩ để giúp phát hiện triệu chứng có thể có ích cho bạn.
  • Duy trì thói quen lành mạnh: Duy trì chăm sóc bản thân thường xuyên, như tập thể dục và ăn uống lành mạnh, là điều quan trọng để giảm nguy cơ phát triển và/hoặc làm trầm trọng thêm chứng rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, cần tránh dùng ma túy và rượu, vì những chất này có thể làm nặng thêm và/hoặc tăng khả năng tái phát triệu chứng.
  • Ăn các thực phẩm bổ dưỡng: Bằng chứng cho thấy những người tiêu thụ protein chất lượng tốt, ăn nhiều trái cây và rau quả, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt đã giảm nguy cơ phát triển rối loạn tâm trạng so với người ăn theo kiểu Tây phương, nhất là các thực phẩm đã qua chế biến. Do đó, việc duy trì vi hệ đường ruột đa dạng và khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tâm thần.
  • Duy trì dùng thuốc: Uống thuốc thường xuyên và theo chỉ dẫn là rất quan trọng để kiểm soát tỷ lệ mắc và tái phát triệu chứng. Việc tự dừng thuốc mà không có sự giám sát thích hợp của bác sĩ có thể khiến triệu chứng trở nên trầm trọng hoặc tái phát trở lại.

Được xem xét về mặt y tế bởi bác sĩ y khoa Beverly Timeding.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jordan Stachel
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jordan Stachel là chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề ở cơ sở phòng khám tư nhân, nơi cô giúp khách hàng qua việc cung cấp thông tin dinh dưỡng dựa trên bằng chứng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn