Kinh nghiệm người xưa: Ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng để chuẩn bị cho thai kỳ

Người dân trên khắp thế giới đã nhận định một số thực phẩm như gan, trứng và bơ có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của thai nhi và trẻ nhỏ

Một trong những khám phá thú vị nhất của Tiến sĩ Weston Price khi ông nghiên cứu về người dân ở những quốc gia không công nghiệp hóa là việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng để chuẩn bị cho việc mang thai.

Theo báo cáo của ông trong cuốn sách “Nutrition and Physical Degeneration” (tạm dịch: Dinh Dưỡng Và Thoái Hóa Thể Chất), các loại thực phẩm này được xem là linh thiêng và được cả nam giới và phụ nữ ăn vào khoảng 6 tháng trước khi thụ thai, sau đó là các bà mẹ mang thai và cho con bú.

Cha mẹ cũng cho trẻ ăn những thực phẩm này trong giai đoạn đang lớn. Nhiều nền văn hóa công nhận việc bổ sung dinh dưỡng là cần thiết trong khi cơ thể trẻ đang hình thành và phát triển.

Những thực phẩm linh thiêng

Tại Thụy Sĩ, các cặp đôi đã đính hôn và phụ nữ mang thai đều ăn bơ vàng từ những con bò ra đồng cỏ lần đầu vào mùa xuân.

Họ xem loại bơ này thiêng liêng đến nỗi các mục sư đều đặt một chén bơ mùa xuân lên bàn thờ ở nơi cầu nguyện trong nhà thờ – họ đặt một cái bấc trong bơ để tôn vinh sinh khí của sự sống mà loại bơ này chứa đựng.

Nhiều nền văn hóa xem gan như một loại thực phẩm thiêng liêng – có thể là gan của gia súc, cừu, dê và thú săn, hoặc gan của cá.

Món ăn thiêng liêng ở quần đảo Outer Hebrides là đầu cá tuyết, món nhồi yến mạch, và gan cá tuyết băm nhỏ – cho trẻ ăn vào buổi sáng để bảo đảm trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh!

Các bộ lạc Phi Châu đã đưa gan lên vị trí cao nhất, họ xem gan là món ăn thiêng liêng.

Tại vùng biển South Seas, đàn ông chấp nhận nguy hiểm để săn cá mập, mục đích chủ yếu là thu về lá gan, để có sức khỏe sinh sản khỏe mạnh. Họ thường cho gan vào dạ dày của cá mập rồi treo lên cây, như vậy dầu gan cá mập lên men sẽ chảy ra. Sản phẩm này được cho là rất quan trọng để sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Các loại thực phẩm quan trọng khác bao gồm trứng và trứng cá. Tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với các bậc phụ huynh Á Châu, họ nói với tôi rằng cha mẹ họ tin rằng trứng và trứng cá sẽ giúp con họ trở nên thông minh.

Bạn có nhận thấy điểm chung từ các loại thực phẩm này không?

Những món này đều giàu chất béo và cholesterol – chính những thực phẩm mà chúng ta được khuyên không nên ăn lại là những thực phẩm mà các nền văn hóa truyền thống đánh giá là tốt nhất cho sức khỏe – đặc biệt là đối với trẻ em.

Tiêu thụ những loại thực phẩm này để chuẩn bị cho việc mang thai là rất phù hợp với quan điểm khoa học. Ví dụ, hãy nói về việc hấp thụ vitamin A. Không có thực phẩm nào giàu vitamin A hơn gan – ngoài ra bơ, lòng đỏ trứng, và trứng cá cũng là những nguồn giàu vitamin A.

Trong một bài báo đáng chú ý được xuất bản vào năm 2010, các nhà nghiên cứu tại Đại học tiểu bang Michigan (Michigan State University), đã tóm tắt nghiên cứu về vai trò của vitamin A đối với sự phát triển của thai nhi. Họ báo cáo rằng, nhu cầu vitamin A bắt đầu ngay từ tuần thứ 2 hoặc 3 kể từ khi thụ thai – khi xảy ra quá trình biệt hóa của các tế bào tim và não, trước cả khi biết được một người đang mang thai – lúc này tim và não của thai nhi đang được hình thành! Nếu không có vitamin A, những cơ quan này sẽ bị khiếm khuyết và dễ bị sảy thai.

Khi quá trình thụ thai xảy ra và phôi bắt đầu phát triển, các tế bào gốc vẫn chưa biệt hóa. Sau 3 tuần, các tế bào này bắt đầu biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt và hình thành tim, tủy sống, phổi và hệ thần kinh. Đó là khi các tế nào này nhận được tín hiệu – và tín hiệu đó là vitamin A.

Mỗi hệ cơ quan bắt đầu phát triển trong một khoảng thời gian cụ thể. Vitamin A điều chỉnh sự biệt hóa của các tế bào nguyên thủy thành các tế bào đặc trưng của mỗi hệ cơ quan – về bản chất, các gene sẽ nhận được tín hiệu về vị trí xếp đặt của mình, nhờ đó gene sẽ “biết” được vị trí và loại mô sẽ hình thành – đó là lý do vì sao tôi thích gọi vitamin A là “yếu tố điều khiển sự phát triển của thai nhi.” Nếu thiếu vitamin A trong bất kỳ giai đoạn nào, các cơ quan sẽ phát triển bất thường hoặc hoàn toàn không phát triển.

Trong suốt thai kỳ, vitamin A tiếp tục giúp điều chỉnh sự hình thành của hệ thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn, hệ tiết niệu, hệ hô hấp, và sự phát triển của hộp sọ, xương và tứ chi. Thiếu vitamin A trong bất kỳ giai đoạn biệt hóa của hệ cơ quan nào đều có thể dẫn đến các bất thường và khiếm khuyết.

Vitamin A có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mắt, tai, vùng sọ mặt, và tuyến ức, tuyến giáp và tuyến cận giáp. Trong giai đoạn giữa thai kỳ, vitamin A cần cho sự phát triển của phổi và thận của thai nhi.

Sau khi hình thành tất cả các hệ cơ quan, vitamin A hỗ trợ sự tăng trưởng của những hệ cơ quan này. Thiếu vitamin kéo dài trong quá trình mang thai sẽ làm tổn thương gan, tim, thận, và làm suy yếu sự tăng trưởng và phát triển của phổi trong các tuần cuối của thai kỳ.

Vì vậy, chúng ta có thể thấy trí tuệ của người xưa trong việc tích lũy nguồn dự trữ vitamin A trước khi mang thai và duy trì hàm lượng loại vitamin này qua các loại thực phẩm trong suốt thai kỳ – cách làm này hoàn toàn trái ngược với sự thiếu quan tâm của người Tây phương khi đưa trẻ đến với thế giới.

Cách chuẩn bị để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh chính xác là những gì nên được dạy trong các lớp học giáo dục giới tính – nhưng trên thực tế không có. Thay vào đó, người ta khuyến khích người trẻ nên ăn nhiều thực phẩm dựa trên thực vật vốn thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ sinh ra và lớn lên khỏe mạnh.

Ngoài vitamin A, các loại thực phẩm thiêng liêng truyền thống này còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác cho sự phát triển tối ưu của thai nhi trong bụng mẹ: vitamin nhóm D và K2, vitamin E, acid béo omega-3, biotin và folate. Một loại acid amin cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển là glycine, có trong da của động vật (vui lòng ăn ức gà có da!) và từ nước hầm xương.

Các loại chất dinh dưỡng này đều cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển tối ưu ở độ tuổi đang lớn. Vì vậy các quý phụ huynh hãy cho con mình ăn uống đúng cách!

Quay lại chủ đề về vitamin A

Hiện tại, Viện Y tế Quốc gia và các cơ quan chính phủ khác không khuyến nghị bổ sung vitamin A cho phụ nữ mang thai, mặc dù gần đây nhất là vào năm 2005, FDA đã khuyến nghị 8000 đơn vị quốc tế (IU) đối với vitamin A trong thai kỳ.

Người ta thường trích dẫn nghiên cứu năm 1995 để ủng hộ việc tránh dùng vitamin A trong thai kỳ. Các nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa của Đại học Boston (Boston University School of Medicine) đã yêu cầu hơn 20,000 phụ nữ trả lời bảng câu hỏi về các loại thực phẩm và chất bổ sung mà họ đã ăn trước và trong thời kỳ mang thai.

Dữ liệu cho thấy dị tật mào thần kinh sọ tăng lên khi tăng liều dùng vitamin A, ngược lại dị tật ống thần kinh giảm. Đối với các loại dị tật khác thì không tìm thấy mối tương quan nào.

Nghiên cứu này không đủ bằng chứng để cảnh báo phụ nữ mang thai không nên ăn gan và dầu gan cá tuyết vì có nhiều sai sót trong nghiên cứu. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu không phân biệt giữa vitamin A tổng hợp (thu được từ multivitamins và thực phẩm chế biến như bơ thực vật) và vitamin A tự nhiên từ thực phẩm – và họ không xác định tình trạng vitamin A qua các mẫu máu. Một sai sót khác là kết luận của họ dựa trên các cuộc điều tra thu hồi thực phẩm, vốn có nhiều khả năng không chính xác.

Tuy nhiên vấn đề chính là chính sách chống vitamin A dựa trên bằng chứng từ nghiên cứu năm 1995 vốn mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đó, cho thấy hàm lượng vitamin A cao không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Một nghiên cứu năm 1998 từ Thụy Sĩ cho thấy liều dùng 30,000 IU mỗi ngày cho phụ nữ mang thai tạo ra nồng độ [chất này] trong máu không có liên quan gì đến các dị tật bẩm sinh.

Một nghiên cứu năm 1999 được tiến hành ở Rome, Ý đã không tìm thấy bất kỳ dị tật bẩm sinh nào ở trẻ sơ sinh có mẹ tiêu thụ lượng vitamin A trung bình 50,000 IU mỗi ngày – đó là lượng lớn vitamin A! Một số người tham gia đã bổ sung tới 300,000 IU vitamin A mỗi ngày trong thời kỳ mang thai mà không sinh con có dị tật bẩm sinh nào.

Bữa ăn hàng ngày để chuẩn bị cho việc thụ thai và trong thời kỳ mang thai

Tổ chức Weston Price (Weston Price Foundation) khuyến nghị bữa ăn hàng ngày nên bao gồm:

  • Bơ và trứng từ các loài động vật nuôi thả
  • Ăn gan 2 lần/tuần. Hãy nghĩ đến món pate hoặc xúc xích gan thơm ngon.
  • Các sản phẩm từ sữa chất lượng cao như sữa tươi nguyên chất, phô mai
  • Thịt đỏ
  • Các loại động vật có vỏ
  • Nước xương hầm tại nhà.
  • Dầu gan cá tuyết tự nhiên để bổ sung vitamin A và D.

Bữa ăn này sẽ cung cấp lượng vitamin A phù hợp với các nghiên cứu của Rome và Thụy Sĩ, cùng với các vitamin nhóm D và K2.

Tổ chức Weston A. Price cổ vũ các báo cáo về những đứa trẻ khỏe mạnh, xinh đẹp, và những bậc cha mẹ thông minh đã áp dụng cách ăn giàu dinh dưỡng trước và trong thai kỳ. Trong thời đại mà rất nhiều trẻ em gặp các vấn đề sức khỏe trầm trọng, những em bé này là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể làm tốt hơn cho [sự phát triển lành mạnh của] con em mình.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sally Fallon Morell
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Sally Fallon Morell là chủ tịch sáng lập của Weston A. Price Foundation và là người sáng lập A Campaign for Real Milk (Chiến dịch sử dụng sữa thật). Bà là tác giả của sách dạy nấu ăn bán chạy nhất có tên là “Nourishing Traditions” (Tạm dịch: Nuôi Dưỡng theo Phương Thức Truyền Thống - đồng tác giả với Tiến sĩ Mary G. Enig) và nhiều cuốn sách khác về cách ăn uống và sức khỏe.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn