Nghiên cứu cho thấy tiềm năng của liệu pháp tăng nhiệt trong điều trị trầm cảm

Liệu pháp tăng nhiệt có thể giúp giảm nhẹ chứng trầm cảm, căn bệnh ảnh hưởng đến 1/5 dân số Hoa Kỳ.

Liệu một phương thuốc chữa trầm cảm cổ xưa có thể được tái sử dụng như một phương pháp điều trị hiện đại, không dùng thuốc?

Đối với nhiều người bị trầm cảm, các phương pháp điều trị tiêu chuẩn chỉ mang lại sự cải thiện một phần, và thuốc thường đi kèm với tác dụng phụ. Hơn nữa, 30% bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm kháng trị.

Các thầy thuốc thời xưa nổi tiếng tin vào sức mạnh của nhiệt độ để chữa chứng “u sầu” – danh từ chỉ chứng trầm cảm của người Hy Lạp cổ xưa. Ông Galen xứ Pergamon, là bác sĩ của Marcus Aurelius, đã gợi ý tắm nước nóng để chữa u sầu. Ông Hippocrates – được xem là cha đẻ của nền y học – tin rằng sức nóng có thể chữa được nhiều bệnh.

Mặc dù nguyên nhân gây ra trầm cảm phức tạp hơn nhiều so với hiểu biết của người Hy Lạp thời xưa, nhưng ít nhất quan điểm của họ về việc tăng nhiệt độ cơ thể có tiềm năng điều trị phù hợp với một phát hiện mới về mối quan hệ giữa nhiệt độ cơ thể và trầm cảm.

Người bị trầm cảm có nhiệt độ cơ thể cao hơn

Các nhà khoa học từ University of California-San Francisco (UCSF) phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm nặng (MDD) có nhiệt độ cơ thể cao hơn so với những người không bị trầm cảm, mở ra cánh cửa cho việc sử dụng các liệu pháp tác động lên cơ thể để điều chỉnh nhiệt độ của bệnh nhân.

Các nghiên cứu trước đây sử dụng các điều kiện có kiểm soát đã gợi ý về mối liên hệ tiềm năng giữa nhiệt độ cơ thể và chứng trầm cảm, nhưng nghiên cứu mới trên Scientific Reports (Tập san Báo cáo Khoa học) là nghiên cứu lớn nhất trong lĩnh vực này. Các nhà điều tra đã kiểm tra dữ liệu phút của hơn 20,000 cá nhân từ 106 quốc gia, được thu thập trong bảy tháng qua các cảm biến đeo trên người.

Họ cũng phát hiện ra rằng sự gia tăng mức độ trầm trọng của trầm cảm tương ứng với sự gia tăng nhiệt độ cơ thể.

“Thật thú vị là làm nóng cơ thể thực sự có thể đưa đến phản ứng giảm nhiệt độ kéo dài hơn so với trực tiếp làm mát cơ thể (như tắm nước đá),” theo tuyên bố trong thông cáo báo chí của cô Ashley Mason, tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư [phụ tá] tâm thần học tại Viện UCSF Weill về Khoa học thần kinh.

Trong những nghiên cứu nhỏ hơn, khi những người bị trầm cảm hồi phục, nhiệt độ tăng cao của cơ thể giảm xuống, cho thấy các can thiệp làm giảm thân nhiệt bằng cách kích thích cơ thể tự làm mát khi đổ mồ hôi cũng có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng.

Trong khi các phương pháp điều trị bằng thuốc hiện tại nhắm vào một số chất dẫn truyền thần kinh nhất định, nghiên cứu mới này ủng hộ cho liệu pháp tăng nhiệt, một liệu pháp tăng nhiệt độ trong thời gian ngắn để kích thích phản ứng làm mát tự nhiên của cơ thể.

“Mặc dù có vẻ trái ngược khi các can thiệp tăng thân nhiệt độ tạm thời có thể mang lại lợi ích cho bệnh lý đặc trưng bởi nhiệt độ cơ thể tăng cao, việc tiếp xúc nhanh với nhiệt độ cao kích thích …các quá trình làm mát tạo ra sự giảm nhiệt độ cơ thể lâu dài và bền vững hơn,” theo các tác giả nghiên cứu của UCSF.

“Đổ mồ hôi là cách cơ thể chúng ta hạ thân nhiệt xuống,” ông Chris Minson, nhà sinh lý học môi trường và giáo sư tại University of Oregon, chia sẻ với The Epoch Times.

Ông nói thêm rằng mồ hôi hấp thụ nhiệt từ cơ thể và sau đó bốc hơi, làm mát da và giảm nhiệt độ.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng thân nhiệt phản ánh sự cân bằng giữa cơ chế làm nóng (có thể xảy ra qua tập thể dục) và cơ chế làm mát của cơ thể, và các vấn đề với bất kỳ quá trình làm nóng hay làm mát nào cũng có thể dẫn đến nhiệt độ cao hơn.

Tăng nhiệt độ

Có nhiều tài liệu ghi nhận rằng một số loại trầm cảm có liên quan đến tình trạng viêm mạn tính, trong đó phản ứng viêm của cơ thể trở nên mất kiểm soát và tiếp tục diễn ra, mặc dù không có nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng tình trạng viêm nhẹ kéo dài có thể kích thích hoặc làm trầm trọng chứng trầm cảm ở một số người. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu trầm cảm gây ra viêm hay ngược lại.

Nhưng trong nhiều thiên niên kỷ, nhiều nền văn hóa đã hưởng lợi từ các tác dụng cải thiện tâm trạng của liệu pháp tăng nhiệt toàn thân (WBH) từ các suối nước nóng và spa. Một số nghiên cứu nhỏ về liệu pháp tăng nhiệt đã tìm thấy tác dụng chống trầm cảm lâu dài từ các biện pháp can thiệp bằng hơi nóng bao gồm yoga nóng, tắm nước nóng và ánh sáng hồng ngoại.

Một nghiên cứu từ tháng 4/2023 đã tiến hành để xác định xem tác động tích cực của liệu pháp tăng nhiệt đối với tâm trạng có liên quan đến những thay đổi trong tình trạng viêm hay không.

Các nhà nghiên cứu đo nồng độ cytokine ở bệnh nhân trầm cảm nặng trước và sau khi điều trị bên trong một thiết bị gia nhiệt toàn thân bằng tia hồng ngoại để điều trị ung thư và đau cơ xơ hóa. Cytokine là các protein truyền tín hiệu giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy WBH đã làm tăng tạm thời mức cytokine của bệnh nhân, đặc biệt là sản xuất interleukin-6, giảm viêm và giảm các triệu chứng trầm cảm một cách nhanh chóng và kéo dài.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng mối quan hệ giữa liệu pháp tăng nhiệt, hệ miễn dịch và trầm cảm cho thấy WBH là một liệu pháp đầy hứa hẹn.

Liệu pháp tăng nhiệt bắt chước tập thể dục

Ông Minson giải thích rằng khi cơ thể có nhiệt độ quá cao, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt cơ chế chống viêm.

“Chúng ta bắt chước tập thể dục bằng cách thực hiện các lần tăng nhiệt độ cơ thể lặp đi lặp lại, và tăng nhiệt độ cơ thể lặp lại không chỉ bắt chước tập thể dục mà còn mang lại cho chúng ta những lợi ích tương tự.”

Ông nói, “Khi tập thể dục, các cơ tạo ra rất nhiều nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, lưu lượng máu tăng, bắt đầu đổ mồ hôi, số lần hô hấp thay đổi, các dấu hiệu chống viêm tăng lên, và điều tương tự xảy ra với liệu pháp nhiệt.”

May mắn thay, liệu pháp điều trị bằng hơi nóng không chỉ giới hạn ở các thiết bị y tế đắt tiền. Trong một nghiên cứu khác gần đây được công bố vào tháng 10/2023, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng yoga nóng, được tập trong một phòng có nhiệt độ cao, có thể giảm hơn 50% các triệu chứng trầm cảm.

Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng bao gồm 80 tình nguyện viên bị trầm cảm từ mức trung bình đến nặng. Các nhà nghiên cứu chia những người tham gia thành hai nhóm trong một khoảng thời gian tám tuần. Một nhóm thực hiện ít nhất hai buổi tập yoga nóng trong 90 phút mỗi tuần. Nhóm còn lại được đưa vào danh sách chờ.

Khoảng 60% nhóm người tập yoga cho biết các triệu chứng trầm cảm giảm đáng kể, so với 6.3% trong nhóm chờ đợi.

Đối với những bệnh nhân có thể chưa sẵn sàng cho những yêu cầu thể chất của yoga, nghiên cứu cho thấy tắm nước nóng cũng có hiệu quả.

Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng năm 2020 với 45 người bị trầm cảm, những người tắm hai lần mỗi tuần, mỗi lần 20 phút ở nhiệt độ khoảng 40ºC đã giảm các triệu chứng trầm cảm. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tắm nước nóng có thể là một phương pháp tác dụng nhanh, an toàn và dễ tiếp cận giúp cải thiện trầm cảm đáng kể về mặt lâm sàng.

Trở lại truyền thống

Khi liệu pháp tâm lý và dược lý được giới thiệu vào những năm 1900, truyền thống spa trị liệu lâu đời đã trở nên ít phổ biến. Trong khi các cơ chế điều trị của các liệu pháp nhiệt sẽ tiếp tục được nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy kết hợp điều trị với đi spa thường xuyên hoặc tập yoga nóng có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm.

Nhiều người đã quen thuộc với các phòng xông hơi kiểu Phần Lan (sử dụng hơi nóng khô) và phòng xông hơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ (có nhiều hơi ẩm hơn), vì những phòng này có ở hầu hết các phòng tập thể dục. Các liệu pháp nhiệt thụ động khác bao gồm liệu pháp Waon của Nhật Bản và phòng xông hơi hồng ngoại.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times


Cara Michelle Miller
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Cara Michelle Miller là một nhà văn tự do và nhà giáo dục sức khỏe toàn diện. Cô đã giảng dạy tại Trường Cao đẳng Khoa học và Y tế Thái Bình Dương tại thành phố New York trong 12 năm và dẫn dắt các cuộc hội thảo về truyền thông cho sinh viên kỹ thuật tại The Cooper Union. Hiện tại cô viết bài tập trung vào chăm sóc tích hợp và các phương thức toàn diện.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn