10 liệu pháp điều trị không dùng thuốc dành cho chứng đau kinh niên

Trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, bạn có thể thử thực hiện những phương pháp điều trị thay thế nhẹ nhàng dưới đây.

Cơn đau kinh niên là một vấn đề kinh khủng, tác động lên mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả giấc ngủ. Chứng kiến cảnh bạn phải vật lộn với sự đau đớn chắc hẳn là điều khó khăn với những người thân yêu. Bạn cũng cảm thấy bản thân dường như bất lực và không thể làm gì. Cuối cùng, theo thời gian, sự đau đớn triền miên khiến bạn nản lòng và suy sụp.

Liệu có điều gì có thể giúp bạn cảm thấy đỡ hơn mà không phải dùng thuốc giảm đau hàng ngày? Câu trả lời là “có.” Một số phương pháp dưới đây có thể giúp bạn giảm đau, tăng khả năng vận động, cũng như khiến tâm thái của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn:

1. Sử dụng nhiệt

Chườm nóng vào chỗ đau sẽ giúp tăng tuần hoàn máu và giãn cơ bắp đang căng cứng. Lưu ý: Nếu vùng da bị sưng đỏ, chườm đá lạnh có thể hữu ích.

2. Liệu pháp massage

Không chỉ giúp bạn thư thái một cách bất ngờ, massage còn giúp tăng tuần hoàn máu, thả lỏng cơ bắp và khiến cơ thể trở nên linh hoạt. Hãy tìm một chuyên viên massage hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bạn cũng như cách thức và lực độ massage mà cơ thể bạn cần.

3. Vật lý trị liệu

Nếu bạn chưa từng thực hiện điều này, hãy thử tham gia một vài buổi học với các chuyên gia vật lý trị liệu. Họ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra các bài tập cụ thể để kéo giãn hoặc tăng sức mạnh [cơ bắp] tùy theo nhu cầu cơ thể. Bác sĩ vật lý trị liệu không chỉ giúp bạn tập tại phòng khám, mà còn hướng dẫn một số bài tập để bạn thực hiện tại nhà.

4. Đạp xe trong nhà hoặc ngoài trời

Hầu hết các nhà vật lý trị liệu sẽ để bệnh nhân khởi động trên một chiếc xe đạp cố định trong vòng năm hoặc 10 phút. Đạp xe là một phương pháp ít gây căng thẳng, làm ấm cơ thể, thả lỏng xương khớp và tăng nhịp tim.

5. Đi bộ

Thi thoảng, phương pháp này có thể là điều cuối cùng mà bạn muốn làm, nhưng đi bộ lại thực sự giúp giảm cơn đau và tình trạng cứng khớp, đặc biệt khi bạn bị bệnh đau cơ xơ hóa hoặc đau lưng. Đi bộ cũng rất tốt cho phổi và tim, giúp tăng lượng oxy lưu thông trong máu và bổ sung năng lượng cho cơ thể.

6. Kéo giãn cơ thể

Những động tác kéo giãn chậm rãi, nhẹ nhàng sẽ giúp thả lỏng các cơ căng cứng và mang lại cảm giác dễ chịu.

7. Tập yoga

Hãy thử thực hành các bài yoga nhẹ nhàng kết hợp các động tác kéo giãn, tăng sức mạnh [cơ bắp] cùng với hít thở sâu, thông qua tư thế và động tác khác nhau. Điều này có thể giúp bạn thả lỏng cơ bắp, giảm đau và thư giãn đầu óc.

8. Cử tạ

Nếu bạn có khả năng thực hiện điều này, việc nâng tạ sẽ giúp tăng sức mạnh cơ bắp để hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn đau. Cử tạ đặc biệt thích hợp với các cơn đau ở cổ, vai, lưng và cột sống. Hãy thử tập luyện với một huấn luyện viên chuyên nghiệp, và đừng cố gắng quá mức khi mới bắt đầu. Bạn luôn có thể tăng thêm trọng lượng trong một thời gian sau đó.

9. Tập luyện dưới nước

Các bài tập dưới nước ít gây tác động đến cơ thể là một cách tuyệt vời để thả lỏng cơ bắp và giúp cơ thể trở nên linh hoạt. Nếu bạn đang cảm thấy đau, hãy thử watsu, một liệu pháp massage nhẹ nhàng dựa trên chuyển động ở dưới nước. Dù là tập aerobic dưới nước hay watsu, bạn hãy thử tìm một cơ sở trị liệu có một hồ nước ấm áp. Nước lạnh có thể làm cơ bắp vốn đã căng cứng và nhức mỏi sẽ càng trở nên co cứng hơn nữa

10. Châm cứu

Được biết đến với khả năng giảm đau hiệu quả, châm cứu có tác dụng thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương để giảm “cường độ” cơn đau và kích hoạt hệ thống opioid tích hợp ở trong cơ thể. Châm cứu cũng giúp giảm căng thẳng, giảm viêm và hỗ trợ trị bệnh. Bác sĩ có thể kết hợp các loại thảo mộc Trung Hoa, liệu pháp nhiệt, bài tập cơ thể hoặc giác hơi vào quá trình điều trị để có những kết quả tốt nhất. Điều quan trọng là bạn cần tìm được bác sĩ châm cứu hiểu rõ tình trạng mà bạn đang gặp phải.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Lynn Jaffee
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Lynn Jaffee là một bác sĩ có chứng nhận châm cứu và là tác giả của quyển sách “Các phương pháp Trung Hoa đơn giản để đạt được sức khỏe tốt hơn”. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên AcupuntureTwinCities.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn