Nghiên cứu mới: Quét mắt có thể phát hiện sớm bệnh thận mạn tính

Phương pháp quét mắt 3D mới hiện có thể tiết lộ sức khỏe đồng thời thay đổi cách theo dõi bệnh thận. 

Liệu kiểm tra mắt có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe thận? Theo nghiên cứu gần đây, phương pháp quét mắt 3D mới có thể tiết lộ sức khỏe thận và làm thay đổi cách theo dõi bệnh thận.

Nghiên cứu được công bố trong Tập san Nature Communications (Truyền đại Tự nhiên), cho thấy công nghệ quét mắt 3D mới giúp trợ giúp chẩn đoán sớm bệnh thận. Các xét nghiệm sàng lọc hiện tại thường không phát hiện bệnh thận cho đến khi bị mất một nửa chức năng thận.

Cách thức hoạt động

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu quét 3D võng mạc, bộ phận nằm ở phía sau mắt và chịu trách nhiệm cảm nhận ánh sáng và gửi tín hiệu đến bộ não. Các nhà nghiên cứu tin rằng quét 3D võng mạc là một phương pháp mới để dự đoán sức khỏe thận do cấu trúc tương đồng giữa đôi mắt và thận.

Bằng cách chụp ảnh 3D võng mạc sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (OCT), các nhà nghiên cứu có thể biết tình trạng bệnh thận mạn tính của bệnh nhân đang tiến triển đến mức độ nào. Sử dụng sóng ánh sáng, OCT tạo ra một hình ảnh cắt ngang võng mạc, chia các lớp riêng lẻ, giống như các lớp bột bánh phyllo.

Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra hình ảnh của 204 bệnh nhân. Các bệnh nhân ở các giai đoạn khác nhau của bệnh thận và bao gồm cả những người nhận cấy ghép thận. So sánh ảnh quét võng mạc của các bệnh nhân với 86 người khỏe mạnh, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy bệnh nhân bị bệnh thận có võng mạc mỏng hơn so với nhóm đối chứng khỏe mạnh.

Cụ thể, bệnh nhân bệnh thận mạn tính có lớp màng mạch mỏng hơn. Lớp màng mạch là mạng lưới mạch máu cung cấp dinh dưỡng cho các lớp sau của võng mạc. Khi chức năng thận suy giảm, võng mạc cũng trở nên mỏng hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng võng mạc lấy lại được độ dày sau khi cấy ghép thận. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy võng mạc của bệnh nhân bị bệnh thận nặng nhất cũng dày lên nhanh chóng sau khi cấy ghép thận.

Mối quan hệ thận-mắt

Dù việc các bác sĩ nhãn khoa có thể xác định bệnh thận qua khám mắt tưởng chừng khó tin, nhưng nếu bạn hiểu về sinh học thì điều này cũng hợp lý. Các chuyên gia giải thích rằng thận và mắt tương tự nhau cả về cả chức năng lẫn cấu trúc. Cả cầu thận và lớp màng mạch đều có các mạng lưới mạch máu có cấu trúc tương tự. Cả hai cơ quan này đều chung hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAAS), chịu trách nhiệm điều chỉnh thể tích máu, cân bằng điện giải và hơn thế nữa.

Vì hai cơ quan này rất giống nhau về chức năng và cấu trúc, các nhà nghiên cứu đã đặt giả thuyết rằng khi một cơ quan bắt đầu suy yếu, cơ quan còn lại cũng sẽ bắt đầu suy yếu theo. Bệnh có thể bắt nguồn từ thận nhưng cũng biểu hiện ở mắt, đó là lý do tại sao nhiều người bị bệnh suy thận mạn tính nhận thấy thị lực của họ suy giảm, đặc biệt là khi bệnh tiến triển.

Bước ngoặt lớn trong chẩn đoán bệnh thận mạn tính

Theo các tác giả nghiên cứu, trước khi có quét ảnh 3D, cả bệnh nhân và bác sĩ đều mong muốn một phương pháp mới và đáng tin cậy để theo dõi bệnh thận nhưng chưa được đáp ứng. Bệnh thận mạn tính là một vấn đề sức khỏe toàn cầu đang gia tăng. Theo nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh tăng 30% từ năm 1990 đến năm 2017. Riêng tại Hoa Kỳ, ước tính có 37 triệu người — khoảng 15% dân số — mắc bệnh thận.

Bệnh thận mạn tính chuyển biến xấu theo thời gian. Khi không được điều trị, bệnh thận mạn tính có thể tiến triển thành suy thận và bệnh tim mạch giai đoạn sớm. Bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính giai đoạn chưa chạy thận nhân tạo thường tử vong do bệnh tim mạch trước khi căn bệnh này tiến triển thành suy thận. Cấy ghép thận thường là phương pháp điều trị duy nhất cứu sống bệnh nhân và giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch.

Hiện nay, bệnh thận mạn tính được chẩn đoán bằng các xét nghiệm máu và nước tiểu và thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra định kỳ. Thông thường người bệnh thận mạn tính không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm 3D mới có thể chỉ ra những thay đổi trong các lớp võng mạc vốn xuất hiện trong bệnh thận mạn tính giai đoạn đầu.

Những người có nguy cơ bị bệnh thận mạn tính nên thực hiện xét nghiệm định kỳ, bao gồm những bệnh nhân bị các bệnh sau:

  • Huyết áp cao
  • Đái tháo đường
  • Tổn thương thận cấp, như thận bị tổn thương đột ngột dẫn đến ngừng hoạt động bình thường
  • Các bệnh lý thận khác, bao gồm sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, hoặc lupus ban đỏ hệ thống
  • Tiền sử gia đình bị bệnh thận mạn tính
  • Protein hoặc máu lẫn trong nước tiểu mà không rõ nguyên nhân
  • Trẻ em chỉ có một thận
  • Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến thận trong thời gian dài

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo chi tiết tại The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn