Nghiên cứu: Một loại thuốc phổ biến có thể cứu nhiều trẻ bị tiêu chảy

Hiện có một giải pháp đơn giản có thể cứu sống gần nửa triệu trẻ em thiệt mạng mỗi năm vì một trong những nguyên nhân lớn nhất thế giới dẫn đến tử vong ở trẻ em – nhưng giải pháp này hầu như không được sử dụng.

Nghiên cứu mới tiết lộ rằng chỉ có 42% trường hợp được kê đơn Oresol (một loại thuốc rẻ tiền giúp bù nước và điện giải đường uống trong điều trị bệnh tiêu chảy đe dọa tính mạng ở trẻ em một cách nhanh chóng) mặc dù hiệu quả của liệu pháp này đã được chứng minh.

Điều này khiến các chuyên gia nghi hoặc tại sao nhiều bác sĩ không dùng phương thuốc đơn giản này để ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca tử vong do tiêu chảy ở trẻ em, vốn xảy ra hàng năm tại các nước đang phát triển.

500,000 trẻ em tử vong do tiêu chảy mỗi năm ở các nước nghèo

Theo bài nghiên cứu trên tập san Science, tiêu chảy là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai cho trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, khiến gần 500,000 trẻ nhỏ thiệt mạng mỗi năm.

Tiêu chảy có đặc trưng là đi cầu phân lỏng, toàn nước. Các triệu chứng có thể khác nhau nhưng thường bao gồm chuột rút, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, đi vệ sinh khẩn cấp thường xuyên, phân có máu, sốt, mất nước và tiểu không tự chủ.

Tiêu chảy có thể dẫn đến biến chứng mất nước. Có thể điều trị tình trạng mất nước nhẹ bằng nước, dung dịch điện giải glucose hoặc oresol (ORS.) Tuy nhiên, tình trạng mất nước từ trung bình đến nặng sẽ làm tăng áp lực cho tim và phổi. Trong trường hợp xấu nhất, có thể dẫn đến cơn sốc đe dọa đến tính mạng.

Nhóm nghiên cứu viết, “Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các nước đang phát triển đều biết rằng ORS là phương pháp điều trị vừa có thể cứu người vừa tiết kiệm chi phí đối với bệnh tiêu chảy ở trẻ em, nhưng rất ít người kê đơn.”

Nghiên cứu đã tìm thấy gì?

Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu việc chăm sóc [điều trị] tiêu chảy ở hai tiểu bang có dân số khác nhau của Ấn Độ là Karnataka và Bihar. Nghiên cứu lưu ý rằng về mặt kinh tế xã hội, hai tiểu bang có sự khác biệt đáng kể trong thực hành chăm sóc.

Bihar, nằm ở phía đông Ấn Độ, là một trong những tiểu bang nghèo nhất. Gần một nửa số người trưởng thành không được đi học và chỉ có 42% hoàn thành bậc trung học cơ sở. Ngược lại, Karnataka ở miền nam Ấn Độ có thu nhập và trình độ học vấn cao hơn – chỉ có 26% người trưởng thành không được đi học trong khi 62% học xong trung học cơ sở.

Phản ánh những khác biệt này, Bihar có mức sử dụng ORS dưới mức trung bình, chỉ điều trị 57% trường hợp tiêu chảy so với mức trung bình toàn quốc là 61%. Mặt khác, Karnataka có mức sử dụng cao hơn mức trung bình, điều trị 70% trường hợp [tiêu chảy] bằng ORS.

Rào cản về hương vị, niềm tin hạn chế việc hấp thu muối bù nước

Các nhà nghiên cứu đã liên lạc với 59% nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân ở hai tiểu bang, trong đó 69% đồng ý và hoàn thành nghiên cứu.

Hầu hết các bác sĩ (92%) là nam giới, có độ tuổi trung bình là 44 với 18.5 năm kinh nghiệm. 1/5 số người có bằng MBBS (tương tự với bằng MD), 37% có bằng y học cổ truyền, chỉ hơn 1% là những người hành nghề ở nông thôn không được đào tạo chính quy và 22% làm việc tại các hiệu thuốc không được đào tạo y tế, mặc dù họ thường tư vấn về các lựa chọn điều trị.

Trung bình, các nhà cung cấp tiếp nhận 24.7 bệnh nhân mỗi ngày và 6.3 trường hợp tiêu chảy hàng tuần. Chỉ hơn một nửa (56%) kê đơn ORS trực tiếp cho bệnh nhân.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng “những bệnh nhân tiêu chuẩn” – những nhân viên được thuê đóng vai các tình huống theo kịch bản với tư cách là bệnh nhân và người chăm sóc. Trong các chuyến thăm không báo trước tới các văn phòng của nhà cung cấp dịch vụ trên khắp 253 thị trấn ở Bihar và Karnataka, những bệnh nhân giả đã trình bày các trường hợp tiêu chảy do virus ở một em bé 2 tuổi. Tổng cộng, các bệnh nhân tiêu chuẩn đã đến các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở hai tiểu bang khoảng 2,000 lượt để khám.

Nghiên cứu cho thấy chỉ có 42% nhà cung cấp kê đơn muối bù nước bằng đường uống. Rào cản chính của việc không kê đơn là do nhà cung cấp cho rằng bệnh nhân không thích mùi vị hoặc không xem đó là thuốc “thật”. Bệnh nhân không nhận được thuốc này trong 6% trường hợp do hết hàng và 5% trường hợp khác vì các nhà cung cấp có động cơ tài chính để đề nghị các phương pháp điều trị thay thế.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn