Nghiện thực phẩm: Nguyên nhân chính và 3 cách vượt qua
Dù không lành mạnh, nhưng vì hương vị thơm ngon mà thực phẩm chế biến có thể dẫn đến cơn thèm ăn giống như chứng nghiện. Dưới đây là ba cách để vượt qua.
Vào tháng 07/2022, cuộc điều tra quốc gia của Đại học Michigan về Lão hóa lành mạnh đã phỏng vấn những người trưởng thành trong độ tuổi từ 50 đến 80 về các triệu chứng nghiện thực phẩm chế biến và xem xét mối liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ như thế nào.
Nghiên cứu: Cứ 8 người Mỹ thì có hơn 1 người có thể nghiện thực phẩm
Các nhà nghiên cứu cho rằng thực phẩm chế biến như nước ngọt, khoai tây chiên, và thức ăn nhanh có thể gây nghiện cho một số người, giống như thuốc lá và rượu.
Kết quả khảo sát cho thấy cứ 8 người thì có hơn 1 người đáp ứng các tiêu chí nghiện thực phẩm chế biến trong năm vừa qua và 44% cho thấy họ có ít nhất một triệu chứng.
3 triệu chứng phổ biến nhất của chứng nghiện thực phẩm là:
- Thèm ăn mạnh mẽ
- Không có khả năng giảm ăn
- Xuất hiện triệu chứng cai nghiện
Khoảng 12% số người được hỏi nói rằng hành vi ăn uống [nghiện thực phẩm chế biến sẵn] khiến họ cảm thấy đau khổ ít nhất hai đến ba lần một tuần.
Một số người nói rằng ăn thực phẩm chế biến gây ra những vấn đề đáng ngại cho cuộc sống của họ.
Kết quả còn thấy phụ nữ đáp ứng các tiêu chí nghiện thực phẩm chế biến cao gấp đôi so với đàn ông. Điều này cũng có mối liên quan với sức khỏe tâm thần.
Những người tham gia tự đánh giá sức khỏe tâm thần của họ ở mức khá hoặc kém có khả năng đáp ứng các tiêu chí nghiện thực phẩm nhiều hơn hơn ít nhất 3 lần so với những người báo cáo có sức khỏe tâm thần tốt, rất tốt hoặc tuyệt vời. Người cảm thấy bị cô lập cũng có nhiều khả năng đáp ứng các tiêu chí nghiện thực phẩm.
Nguyên nhân gây nghiện thực phẩm
Có 3 yếu tố liên quan đến nghiện thực phẩm.
1. Căng thẳng và cảm xúc
Hạnh phúc, buồn bã, tuyệt vọng, căng thẳng, hay cô đơn thường dẫn đến điều mà chúng ta gọi là “ăn do cảm xúc.” Cô Emily Feivor, một chuyên gia dinh dưỡng ghi danh tại Long Island Forest Hills, một phần của Northwell Health ở New York, nói với The Epoch Times.
Những người nghiện thực phẩm có thể ăn để làm tăng những cảm xúc tích cực và giảm những cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, bạn có thể ăn một chiếc bánh pizza để tự thưởng cho bản thân sau khi đạt được một thành tích, nhưng bạn cũng có thể làm vậy vì điều gì đó tiêu cực đã xảy ra mà ‘bạn xứng đáng gặp phải.
Có mối liên hệ quan trọng giữa nghiện thực phẩm và trạng thái cảm xúc tiêu cực như trầm cảm và lo lắng.
Khi tâm trạng đi xuống hoặc thiếu năng lượng, chúng ta muốn tìm kiếm một thứ gì đó ngọt ngào. Chúng ta có thể chuyển sang ăn carbohydrate trong những lúc căng thẳng tột độ hoặc khi cần cảm giác dễ chịu.
Cô Feivor khuyên thay vì kiêng hoàn toàn thực phẩm ưa thích, chúng ta nên tìm một sự thay thế lành mạnh hơn để duy trì các mục tiêu dinh dưỡng và sức khỏe trong khi ăn một lượng các thực phẩm chế biến sẵn thích hợp.
2. Hóa chất trong não
Tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate, chất béo, đường, muối, và chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra một quá trình giống như nghiện. Điều này kích hoạt các vùng khen thưởng của não phóng thích serotonin và dopamine.
Kích thích quá mức vùng não khen thưởng phóng thích lượng lớn dopamine có thể dẫn đến cảm giác hưng phấn, tương tự như những trải nghiệm khi dùng ma túy hoặc rượu.
3. Di truyền
Một yếu tố bổ sung khác gây gia tăng chứng nghiện thực phẩm là di truyền. Nghiên cứu đã cho thấy rằng một số người mang gene khiến họ có nguy cơ phát triển các chứng nghiện cao hơn bình thường, bao gồm cả nghiện thực phẩm.
Thực phẩm chế biến có nguy cơ gây bệnh nặng
Một nghiên cứu mới từ Trường Y Công cộng Imperial College cho thấy thực phẩm chế biến làm tăng nguy cơ ung thư, bao gồm thức uống có ga, ngũ cốc, bữa ăn đóng gói sẵn, bánh mì đóng gói và sản xuất hàng loạt.
Họ nhấn mạnh rằng những thực phẩm này không phải là những nguyên liệu kinh điển được dùng nấu ăn trong gia đình mà là các thành phần dẫn xuất, chẳng hạn như syro bắp với quá nhiều đường fructose hoặc tinh bột biến đổi.
Sau khi tiến hành khảo sát trên 200,000 người tham gia ở độ tuổi trung niên trong hơn 10 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người ăn thực phẩm chế biến có nguy cơ bị ung thư và tử vong cao hơn đáng kể. Trong số đó, ung thư buồng trứng và ung thư não nhiều khả năng phát triển ở những người ăn thực phẩm siêu chế biến hơn. Tuy nhiên, tử vong do ung thư buồng trứng và vú tăng cao ở quần thể này.
3 cách vượt qua chứng nghiện thực phẩm
Tin vui là chứng nghiện thực phẩm có thể tự biến mất.
Để vượt qua chứng nghiện thực phẩm, bạn phải bắt đầu bằng cách tìm lại chính mình để thay đổi. Đó có thể là quãng thời gian đầy thách thức, vì vậy bạn cần bảo đảm có một hệ thống trợ giúp hoặc thậm chí là một chuyên gia về sức khỏe tâm thần.
1. Giới hạn thực phẩm gây nghiện
Loại bỏ rượu và thức uống chứa caffein ra khỏi khẩu phần ăn để giảm các lựa chọn ăn uống kém lành mạnh, vì các chất này thường có thể gây ra cảm giác thèm ăn.
Nghiên cứu từ Đại học Cornell xác nhận rằng caffeine có thể làm cho thực phẩm có hương vị ít ngọt hơn và kích thích chúng ta ăn nhiều đường hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy rượu có thể kích thích các tế bào thần kinh trong não làm tăng sự thèm ăn.
Đơn giản chỉ cần bỏ caffein hoặc thức uống có cồn, thay vào đó là nước lọc thì bạn đã có thể có thể ngăn chặn cảm giác thèm ăn.
2. Rèn luyện để tránh thức ăn vặt
Bổ sung các thực phẩm lành mạnh hơn vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ khiến cho cơ thể sẽ làm quen với việc tránh đồ ăn vặt và ít thèm ăn thực phẩm không lành mạnh hơn.
Thực phẩm lành mạnh thực sự khiến cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng, trong khi thực phẩm chế biến gây ra cảm giác nặng nề. Nguyên do là sau khi hoàn thành quá trình tiêu hóa đồ ăn vặt, cơ thể sẽ bắt đầu đào thải chất cặn bã và phục hồi thương tổn.Quá trình này gây ra mệt mỏi, đau đầu và lo lắng.
Nhưng khi bạn ăn thực phẩm lành mạnh thì sẽ không xuất hiện những triệu chứng này. Ngoài ra, bạn sẽ không có cảm giác muốn ăn trở lại cho đến khi nguồn dự trữ glycogen gần cạn kiệt.
3. Nhận thức lại
Việc nhận thức lại thường được dùng để làm giảm cảm xúc tiêu cực. Nhưng các nhà nghiên cứu thấy giải pháp này cũng khá hiệu quả cho chứng nghiện thức ăn.
Khi nhìn thấy đồ ăn vặt, bạn có thể nghĩ về những hậu quả tiêu cực của nó– ví dụ như đồ ăn vặt có thể gây ung thư hoặc béo phì, hoặc ý tưởng tiêu cực về thức ăn như ai đó đã hắt hơi vào hoặc đầu bếp đã dùng tay không sạch trong khi đóng gói. Những suy nghĩ này có thể giúp giảm đáng kể cơn thèm những thực phẩm này.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times