Những bước đi vững chắc: Tìm hiểu về các bài tập đơn giản để cải thiện sự cân bằng và ổn định cho bệnh nhân Parkinson

Bệnh Parkinson là chứng rối loạn vận động do thiếu hụt tế bào thần kinh ở một số vùng não. Theo Hiệp hội Bệnh Parkinson Hoa Kỳ, hơn 10 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với bệnh Parkinson, trong đó có khoảng 1 triệu người ở Hoa Kỳ. Bệnh Parkinson đặc biệt phổ biến ở những người trên 50 tuổi. Những bệnh nhân này thường bị ngã khi đi lại, dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Điều quan trọng là cần cải thiện môi trường của bệnh nhân Parkinson và hướng dẫn họ những cách để giảm nguy cơ té ngã. Các nghiên cứu cho thấy rằng tập thái cực quyền có thể làm giảm số lần té ngã của bệnh nhân.

Tại sao bệnh nhân Parkinson dễ bị té ngã? Sự căng cơ ở phần thân trước khiến bệnh nhân phải nghiêng về phía trước, dễ bị mất thăng bằng. Dáng đi của bệnh Parkinson, như tên gọi của nó, khiến bệnh nhân bước những bước nhỏ và không vững. Tuy nhiên, tốc độ của người bệnh lại tăng lên, do đó khiến họ dễ ngã hơn. Hơn nữa, những người mắc bệnh Parkinson thường gặp vấn đề về thị lực, mắt nhìn mờ hoặc nhìn đôi khiến họ khó nhìn thấy con đường phía trước. Khi bệnh tiến triển, hoạt động thể chất của cơ thể giảm sút và sức mạnh cơ bắp yếu đi.

Ngoài việc cử động chậm lại, bộ não của người bệnh còn bị suy giảm khả năng điều hòa các dây thần kinh tự chủ, dẫn đến huyết áp thay đổi đột ngột. Ngoài ra, sử dụng thuốc trị bệnh Parkinson cũng có thể dẫn đến tụt huyết áp, dễ gây ngất xỉu khi người bệnh thay đổi tư thế đột ngột.

Làm thế nào để phòng ngừa té ngã cho bệnh nhân Parkinson? Bạn có thể bắt đầu bằng cách thay đổi môi trường và học các chiến lược tự rèn luyện.

Các khía cạnh môi trường

Môi trường xung quanh có thể gây khó khăn đối với bệnh nhân Parkinson. Trước khi có thể thực hành các bài tập để giảm nguy cơ té ngã, bạn cần chuẩn bị cho mình một môi trường phù hợp với nhu cầu của bản thân.

  1. Môi trường sống phải sáng sủa với đầy đủ ánh sáng.
  2. Sắp xếp lại đồ đạc và phương tiện để tránh cản trở. Đặt những đồ vật có thể khiến người khác vấp ngã ra xa, như đồ chơi của trẻ em.
  3. Kết cấu của sàn không được trơn trượt và luôn làm sạch các vết nước đổ hoặc bề mặt trơn trượt.
  4. Mang giày vừa vặn, đế bằng, không trơn trượt.
  5. Lắp đặt thảm chống trượt và tay vịn trong phòng tắm, nhà vệ sinh.
  6. Tránh việc lắp đặt quá nhiều thanh chắn giường hoặc vật cản gây khó khăn cho người có khả năng di chuyển hạn chế.

Tự rèn luyện bản thân

Các bước sau đây có thể giúp bạn hoặc người thân mắc bệnh Parkinson giảm nguy cơ té ngã.

  1. Tập thể dục để giữ cho cơ và khớp linh hoạt. Ngay cả khi bệnh nhân không thể di chuyển dễ dàng, điều quan trọng là cần giúp họ vận động khớp qua lực tác động bên ngoài hoặc các bài tập chuyển động thụ động. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và co rút, vốn có thể xảy ra khi khớp bất động trong thời gian dài.
  2. Hãy luyện tập “đi bộ trong chánh niệm”. Hãy dành toàn bộ sự chú ý vào việc đi bộ. Trong khi đi bộ, hãy giữ cơ thể thẳng, nhìn về phía trước và thực hiện các bước đi một cách có kiểm soát. Để ý đến kích cỡ của từng bước chân và duy trì nhất quán. Cố gắng tập trung và tránh suy nghĩ về những thứ khác trong khi đi bộ.
  3. Sử dụng gương trong khi đi bộ để tự điều chỉnh [dáng đi]. Nếu bạn hoặc bệnh nhân bắt đầu nghiêng sang một bên và không nhấc chân lên đủ cao, tình trạng này sẽ hiện rõ trong gương và có thể được khắc phục kịp thời.
  4. Hãy chuyển động thật chậm rãi và ổn định khi thay đổi tư thế cơ thể, ví dụ từ ngồi sang đứng hoặc đứng sang nằm.
  5. Nếu cần, hãy sử dụng nạng, xe tập đi hoặc xe lăn.
  6. Trong giai đoạn đầu của bệnh Parkinson, khi các triệu chứng đang biểu hiện nhẹ, luyện tập thái cực quyền có thể giúp rèn luyện cơ thể duy trì cân bằng tốt hơn.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát được công bố trên Tập san Y học New England năm 2012 cho thấy việc tập thái cực quyền có thể làm giảm nguy cơ vấp ngã của bệnh nhân Parkinson giai đoạn đầu đến giai đoạn giữa. Nghiên cứu chia ngẫu nhiên 195 bệnh nhân thành ba nhóm: Một nhóm tập thái cực quyền, một nhóm được huấn luyện sức đề kháng chịu tải và nhóm thứ ba thực hiện các bài tập giãn cơ. Sau 24 tuần, [kết quả cho thấy] tập luyện thái cực quyền giúp bệnh nhân có tư thế vững chắc hơn, khả năng vận động và thăng bằng được cải thiện.

Trung y điều trị bệnh Parkinson

Nguyên nhân của bệnh Parkinson vẫn chưa được tìm hiểu rõ. Nguyên nhân có thể là do bệnh mạch máu não, ngộ độc carbon monoxide, thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu trong não và các yếu tố môi trường hoặc di truyền khác.

Từ quan điểm của Trung y, phủ tạng là một hệ thống liên kết với nhau và hội chứng Parkinson có liên quan chặt chẽ đến gan và thận. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ Trung y có kinh nghiệm để được chăm sóc lâu dài bằng thuốc Trung y hoặc châm cứu. Các nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện rằng những bệnh nhân Parkinson được châm cứu kết hợp với điều trị Tây y có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng hơn so với những người chỉ điều trị bằng Tây y.

Ngoài ra, nhiều loại thuốc điều trị bệnh Parkinson đều chứa tác dụng phụ và sự tương tác giữa các loại thuốc khác nhau có thể rất phức tạp. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm số lượng đơn thuốc hoặc thay đổi liều lượng.

Nam Khanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn