Nước chanh có công dụng giảm cân và chống ung thư không? Uống nước chanh như thế nào là tốt nhất?

Người ta thường uống nước chanh vì nhiều lợi ích sức khỏe, do nước chanh chứa các chất dinh dưỡng như vitamin C và acid citric. Có rất nhiều tuyên bố trên internet cho rằng nước chanh cũng có thể giúp giảm cân, chống ung thư và ngăn ngừa sỏi thận. Nhưng những tuyên bố này có thực sự đúng?

1. Nước chanh có thể giúp giảm cân?

Vitamin C không tác động đến việc giảm cân. Vitamin C chủ yếu là chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn các gốc tự do gây hại cho tế bào. Acid citric cũng không thể giúp bạn giảm cân, nhưng [có thể] kích thích đường tiêu hóa tiết ra dịch tiêu hóa, trợ giúp quá trình tiêu hóa. Nước cũng không có tác dụng giảm cân nhưng có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và nhu động ruột.

Vậy nước chanh có thể giúp bạn giảm cân trong những trường hợp nào? Một là uống nước sẽ tạo cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn. Thay thế đồ uống nhiều đường như soda bằng nước chanh cũng sẽ làm giảm lượng đường nạp vào cơ thể. Ngoài việc chứa ít đường, nước chanh không chứa chất béo hoặc protein và lượng calorie thấp.

Nói tóm lại, nước chanh không có tác dụng giảm cân trực tiếp, nhưng có thể gián tiếp giúp giảm cân trong một số trường hợp nhất định.

2. Nước chanh có thể chống ung thư?

Vitamin C có tác dụng chống oxy hóa, có thể làm giảm nguy cơ bị các bệnh mạn tính, bao gồm ung thư. Tuy nhiên, không có cơ sở khoa học nào khẳng định rằng nước chanh có thể chống ung thư. Nói cách khác, nước chanh sẽ không chống lại các khối u ung thư đã hình thành mà chỉ có thể giúp ngăn ngừa ung thư.

Một số nghiên cứu khoa học ở cấp độ tế bào và động vật cho thấy chiết xuất từ trái chanh có thể ức chế sự phát triển và thậm chí tiêu diệt của tế bào ung thư. Nhưng các thử nghiệm lâm sàng hiện tại không đủ để chứng minh rằng chanh có thể điều trị ung thư ở người.

Một số thống kê quy mô lớn cũng cho thấy ăn nhiều trái cây có múi có liên quan đến nguy cơ ung thư thấp, nhưng mối tương quan không có nghĩa là quan hệ nhân quả. Những người thường xuyên ăn trái cây có múi có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến cách ăn có lợi cho sức khỏe.

3. Nước chanh có trị được sỏi thận không?

Trong một số khía cạnh thì nước chanh có tác dụng ngừa sỏi thận nhưng chưa chắc đã trị được sỏi thận. Một nghiên cứu được công bố trên EClinicalMedicine vào năm 2022 cho thấy rằng uống 60ml nước chanh tươi hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ tái phát sỏi thận.

Acid citric đi vào nước tiểu sẽ kết hợp với muối calcium để tạo thành citrate, do đó ngăn ngừa muối calcium hình thành sỏi calcium oxalate. Tuy nhiên, nếu bạn đã bị sỏi thận, tác dụng của việc uống nước chanh là rất ít.

4. Không uống sữa sau khi uống nước chanh?

Một số người nói rằng nước chanh sẽ làm đông sữa. Có thể làm đông sữa nếu vắt nước cốt chanh trực tiếp vào sữa, nhưng vì nước cốt chanh đã được pha loãng trong ly nước chanh nên hiện tượng này [xảy ra] không đáng kể.

5. Không ăn cà rốt sau khi uống nước chanh?

Cũng có tin đồn rằng các enzyme trong cà rốt sẽ phân hủy vitamin C trong nước chanh. Tuy nhiên, vitamin C là một hợp chất ổn định và các enzyme thông thường không thể phá vỡ. Không khí, ánh nắng, nhiệt độ cao là những tác nhân chính phá hủy vitamin C.

6. Nước chanh nóng có tốt hơn không?

Không có gì sai khi uống nước chanh ở nhiệt độ dưới 140°F (60°C), nhưng bạn cần lưu ý rằng vitamin C tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao sẽ bị phá hủy.

7. Có nên thêm mật ong vào nước chanh?

Nước chanh pha với mật ong sẽ ngon hơn và chất flavonoid trong mật ong cũng có tác dụng chống viêm. Uống nước chanh pha mật ong có thể làm dịu cơn ho khi bị cảm lạnh. Nhưng lưu ý không nên uống quá nhiều nước chanh mật ong để tránh nạp quá nhiều đường vào cơ thể.

8. Uống nước chanh vào buổi sáng để thải độc và vào buổi tối để giúp bạn ngủ ngon?

Uống nước chanh vào buổi sáng không có tác dụng thải độc và uống vào buổi tối cũng không giúp bạn ngủ ngon. Tuy nhiên, một nửa lợi ích của nước chanh đến từ nước và uống nhiều nước thực sự có thể thải độc. Do đó, có thể uống nước chanh vào bất cứ lúc nào.

9. Ai không nên uống nước chanh?

Nước chanh là một thức uống lành mạnh và sảng khoái mà hầu hết mọi người đều có thể thưởng thức. Tuy nhiên, do acid citric có tác dụng kích thích nên những bệnh nhân bị viêm dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản (ợ nóng) không nên uống quá nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân bị sỏi thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Thanh An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm thần học tích hợp," "Các vấn đề về thuốc," và "Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư." Đồng tác giả "Hướng về phương Đông: Bí quyết cổ xưa về sắc đẹp+sức khỏe cho thời hiện đại" của HarperCollins và "Châm cứu lâm sàng và Trung y" của Oxford Press. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York, kể từ tháng 7/2022.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn