Sống chậm giúp ta khơi lại nguồn đam mê

Có thể có điều gì đó kỳ diệu khi chúng ta sống chậm lại và dành trọn vẹn sự chú tâm vào thức ăn, âm nhạc, hoặc những người thân yêu của chúng ta.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Hãy mỉm cười, hít thở và đi từ từ.”

Gần đây, tôi có một chiếc đồng hồ chạy bộ, và luôn giữ nhịp tim dưới một mức nhất định trong các lần chạy bộ của mình để gia tăng sức bền cho tim bằng nhiều lần chạy chậm.

Tốc độ chạy của tôi trong tháng qua đạt ở mức rất chậm.

Điều này đã giúp tôi cảm thấy thích chạy bộ trở lại.

Tôi sẽ chia sẻ thêm về điều đó, còn bây giờ tôi muốn chia sẻ một suy nghĩ tổng quát hơn: Sống chậm có thể giúp chúng ta yêu bất cứ thứ gì nếu chúng ta cảm thấy.

Hãy để tôi chia sẻ một vài ví dụ:

1. Âm nhạc

Hàng ngày, chúng ta thường nghe nhạc trong khi đang bận làm một việc gì đó, chẳng hạn như khi chúng ta đang đi bộ, làm việc, hoặc dọn dẹp. Nhưng chúng ta sẽ có được niềm vui ngọt ngào nếu chúng ta dừng tất cả những việc đó lại và chỉ ngồi thưởng thức toàn bộ album theo cách mà chúng ta đã từng làm.

2. Công việc

Chúng ta thường gán cho công việc những cái tên không đẹp bởi vì công việc làm cho chúng ta cảm thấy nặng nề, choáng ngợp và mệt mỏi. Chúng ta phải ép mình làm việc. Nhưng nếu chúng ta thực hiện chậm lại các nhiệm vụ đó, tạo chút không gian cho công việc và cho phép bản thân tập trung hoàn toàn vào từng công việc – sẽ giúp chúng ta thay đổi được trải nghiệm. Lúc này, tên của những công việc được giao sẽ trở nên thân thiện và sang trọng hơn.

3. Ăn uống

Nhiều người trong chúng ta thường ăn rất vội vàng trong các bữa ăn hàng ngày. Chúng ta thường vừa lướt điện thoại, xem TV, video, hay vừa làm việc vừa ăn. Thật khó có thể thưởng thức được món ăn theo cách này – thức ăn sẽ không có hương vị nếu chúng ta không tập trung chú ý vào món ăn. Có thể sẽ có điều gì đó thú vị khi chúng ta sống chậm lại và dành trọn sự chú tâm vào thức ăn, thậm chí chỉ cần trong 5 đến 10 phút thôi. Chúng ta thưởng thức món ăn và bày tỏ lòng biết ơn đối với những bữa ăn vừa bổ dưỡng vừa hấp dẫn trước mắt.

4. Đi bộ

Thông thường, chúng ta đi bộ là để vội vàng đi đến một nơi nào đó (ít nhất là như vậy), hoặc đi bộ là để tập thể dục nhưng lại vừa đi vừa nghe nhạc hoặc podcast tải sẵn nên không còn chú ý đến việc đi bộ nữa. Tuy nhiên, việc bước chậm lại và tận hưởng cuộc hành trình – ngay cả khi đang trên đường đến một nơi nào đó – sẽ mang lại sự thay đổi. Nên tận hưởng cảm giác được ở bên ngoài, tận hưởng chuyến hành trình ngắn từ nơi này sang nơi khác, tận hưởng không gian giữa thiên nhiên, tận hưởng sự di chuyển cơ thể trong không gian.

Tất nhiên, ý tưởng tương tự có thể được áp dụng cho mọi thứ chứ không phải chỉ riêng những ví dụ này. Điều này được áp dụng cả cho việc đọc sách, tập thể dục, các mối quan hệ, uống trà hoặc nghi lễ trước khi đi ngủ.

Sống chậm lại đã giúp tôi khơi lại nguồn đam mê đối với môn chạy bộ như thế nào?

Rất ít điều có thể lấy đi niềm vui mà trải nghiệm mang lại hiệu quả như sự vội vã.

Tôi đã đọc một loạt bài viết (và một cuốn sách có tên là “Chạy Bộ 80/20”), giúp truyền cảm hứng cho tôi giảm tốc độ chạy của mình xuống để có thể trò chuyện thoải mái. Tốc độ chạy chậm lại đã giúp tôi chạy lâu hơn (cả về khoảng cách và thời gian) và không cảm thấy mệt mỏi hoặc có nguy cơ bị chấn thương. Tôi bắt đầu chạy hầu như mỗi ngày.

Những lần chạy dài hơn, chậm hơn này đã trở thành nơi kết nối lại với chính tôi. Đôi khi tôi tải lại một cuốn sách nghe hoặc nghe một album. Những lúc khác, tôi chỉ đơn giản là tận hưởng cuộc sống ngoài trời trôi qua với tốc độ chậm hơn.

Điều ngạc nhiên lớn nhất là tôi đã bắt đầu biết mong chờ các cuộc chạy bộ hàng ngày! Thay vì một buổi tập luyện vất vả, mệt mỏi mà tôi phải “vượt qua,” những cuộc chạy bộ đã trở thành khoảng thời gian yên bình và thảnh thơi của tôi. Chạy thật chậm chính là thử thách của riêng tôi (tôi thường cảm thấy là mình đang đi quá chậm) nhưng điều ấy lại mang lại những niềm vui bất ngờ.

Sau vài tuần như vậy, tôi nhận ra rằng mình lại yêu thích chạy bộ, lần đầu tiên sau một thập niên.

(Ảnh: Jelleke Vanooteghem/Unsplash)
(Ảnh: Jelleke Vanooteghem/Unsplash)

Sống chậm lại để khơi lại nguồn đam mê lần nữa

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc chậm lại này vào bất cứ điều gì mà chúng ta không còn hứng thú nữa?

Sống chậm lại bắt đầu bằng việc thiết lập ý định sống chậm lại. Tôi đã áp dụng việc sống chậm vào việc chạy bộ vì tôi tin vào lợi ích của việc chạy bộ. Nếu bạn tin rằng sẽ có một lợi ích tuyệt vời nào đó dành cho bạn khi bạn thực hiện chậm lại một hoạt động cụ thể thì hãy đặt mục tiêu cho việc đó.

Sau đó sẽ tìm cách ghi nhớ. Khi chạy, tôi đeo đồng hồ chạy để đồng hồ sẽ đưa ra cảnh báo nếu tôi chạy quá nhanh. Đối với việc ăn uống, việc không sử dụng công nghệ trong khi ăn đã giúp ích rất nhiều và chỉ có đồ ăn trước mặt. Việc đọc, viết, hoặc uống một tách trà cũng vậy.

Tiếp theo, hãy tìm cách để thực hiện hoạt động này. Điều gì giúp bạn yêu thích trải nghiệm này? Bạn có thể khám phá được những niềm vui nào nếu bạn giữ tâm trí và trái tim mình rộng mở? Bạn có thể cho phép chính mình thưởng thức những điều ấy không?

Cuối cùng, tôi thích có cảm giác mong chờ, vị ngọt của sự mong mỏi được chơi, tận hưởng niềm vui, sự thích thú, không gian rộng rãi. Luôn kết thúc hoạt động với một chút khao khát – đừng làm cạn kiệt ham muốn của bạn. Bằng cách này, lần tới khi bạn chuẩn bị thực hiện một hoạt động nào đó, bạn sẽ cảm thấy lòng mình phấn chấn hơn.

Bạn sẽ muốn khơi lại nguồn đam mê với điều gì?

Ngọc Thuần biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Leo Babauta
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách; là tác giả của blog Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, và cũng là chuyên gia của một số chương trình trực tuyến giúp bạn làm chủ thói quen của mình. Truy cập ZenHabits.net
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn