Thuốc kháng viêm có thể dẫn đến đau mạn tính, trong khi viêm có thể chữa lành

Nghiên cứu cho thấy rằng khi bị đau cấp tính, việc để cơ thể tự chữa lành có thể sẽ có thể có lợi hơn.

Các bác sĩ đã khuyên dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen để giảm viêm cấp tính trong nhiều thập niên. Nhưng liệu việc giảm đau ngắn hạn – và can thiệp vào quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể – có phải trả giá bằng cơn đau mạn tính không?

Cơn đau do chấn thương nhẹ, như bong gân mắt cá chân hoặc đau lưng, thường tự khỏi. Nhưng đối với một số người, cơn đau cấp tính kéo dài và trở thành mạn tính.

Jeffrey Mogil, nhà khoa học thần kinh tại Đại học McGill nói với The Epoch Times, “Việc chăm sóc y tế tiêu chuẩn cho loại đau này (đau mạn tính) có lẽ đang khiến cho vấn đề trở nên xấu hơn, đó là những gì nghiên cứu cho thấy.”

Viêm giai đoạn đầu ngăn ngừa cơn đau mạn tính

Chấn thương gây ra tình trạng viêm là có lý do và các nhà nghiên cứu đang nỗ lực để hiểu rõ hơn về nguyên nhân này.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Science Translational Medicine (Y khoa Dịch mã Khoa học), tập trung vào 98 bệnh nhân bị đau lưng trong thời gian ba tháng. Trong thời gian đó, 1/2 số tình nguyện viên đã bình phục hoàn toàn, trong khi nửa còn lại bị đau lưng mạn tính. Dùng trình tự RNA, các nhà nghiên cứu đã so sánh mức độ hoạt động của các tế bào miễn dịch giữa cả hai nhóm.

Họ phát hiện ra rằng bạch cầu trung tính, tế bào miễn dịch biểu hiện nổi bật khi bắt đầu quá trình viêm, đóng vai trò giúp cơ thể không bị đau. Bạch cầu trung tính giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và sửa chữa các tổn thương mô.

Theo các nhà nghiên cứu, những người thuộc nhóm đau mạn tính bắt đầu với hoạt động của bạch cầu trung tính ít gây viêm hơn và sau đó có rất ít hoặc không có hoạt động nào trong các tế bào tạo ra chứng viêm. Ngược lại, gene của những bệnh nhân hồi phục lại hoạt động rất tích cực với các tế bào liên quan đến tình trạng viêm.

Ông Mogil, tác giả cấp cao của bài viết, cho biết, “Bạch cầu trung tính xuất hiện khá sớm sau một số loại chấn thương, gây ra quá trình ngăn ngừa cơn đau mạn tính.”

Các nhà khoa học đã biết rằng thuốc kháng viêm ức chế hoạt động bạch cầu trung tính ở người và động vật. Tuy nhiên, mối liên hệ với cơn đau mạn tính đã bị bỏ qua vì các nghiên cứu trước đây không theo dõi bệnh nhân đủ lâu ngoài việc giảm đau ngay lập tức.

Eugene Aiello, chuyên gia chỉnh xương và nhà nghiên cứu thần kinh, nói với The Epoch Times, “NSAID chắc chắn sẽ can thiệp vào quá trình này. Nhưng không phải tất cả mọi người trong nhóm đau mạn tính đều dùng NSAID. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định điều gì khác đang ngăn cản bạch cầu trung tính hoàn thành quá trình sửa chữa.”

Nhận biết tình trạng viêm là tốt hay xấu

Thông thường có hai loại viêm: cấp tính và mạn tính. Để xác định xem tình trạng viêm có hữu ích hay không, chúng ta phải hiểu sự khác nhau của hai tình trạng này.

Tình trạng viêm mạn tính kéo dài và lan rộng khắp cơ thể. Điều này trở thành vấn đề hơn là giải pháp cho nhiễm trùng hoặc chấn thương. Hoặc có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như bệnh tim hoặc thậm chí là bệnh ung thư.

Ngược lại, viêm cấp tính thì có lợi – miễn là phản ứng viêm đủ mạnh, tồn tại trong thời gian ngắn và đặc hiệu tại một vị trí. Khi dây chằng hoặc gân bị căng hoặc rách, sẽ kích hoạt máu, chất lỏng và tế bào miễn dịch tràn vào khu vực đó.

Brandon LaGreca, bác sĩ châm cứu được cấp phép và được chứng nhận quốc gia về Trung y, nói với The Epoch Times, “Sưng là khả năng bẩm sinh của cơ thể nhằm tăng diện tích bề mặt để các chất trung gian chữa bệnh có thể đi vào khu vực đó.” Bạch cầu trung tính là một phần của những phản ứng đầu tiên này. Sự hiện diện của bạch cầu trung tính là chìa khóa để loại bỏ các tổn thương và mảnh vụn qua hệ thống dẫn lưu bạch huyết, tạo tiền đề cho các mô tổn thương được sửa chữa.

Đau và sưng là thông điệp rõ ràng rằng “nhân viên y tế” đang làm việc. Giảm đau mà không đóng “đường cao tốc” là rất quan trọng để bổ trợ quá trình chữa bệnh. Ông Aiello nói, “Nếu bạn bị thương, một viên Advil gây khó chịu hoặc để ngủ sẽ khác với việc uống 800mg Advil ba lần/ngày trong một tuần. Đó là lúc bạn có thể gặp vấn đề.”

Ông Mogil cho biết, “Có nhiều cách để giảm đau mà không ngăn chặn chứng viêm, và cách nổi tiếng nhất trong đó là thuốc viên Tylenol.” Nhưng việc lạm dụng Tylenol, hay acetaminophen sẽ gây ra những nguy cơ như tổn thương gan.

Xem xét lại phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho cơn đau cấp tính

Dựa trên nghiên cứu ban đầu của họ, ông Mogil và các nhà nghiên cứu khác đã đưa ra giả thuyết rằng việc ức chế phản ứng viêm ban đầu của cơ thể sẽ dẫn đến chứng đau mạn tính. Họ mở rộng nghiên cứu bằng một nghiên cứu trong đó có những con chuột có bàn chân bị thương được cho dùng thuốc kháng viêm không kê đơn hoặc nước muối.

Mặc dù những con chuột trong nhóm dùng thuốc ban đầu có ít triệu chứng đau hơn do phản ứng đau viêm đã yếu đi, nhưng cơn đau cuối cùng lại quay trở lại và trở thành mạn tính. Đối với những con chuột được chích nước muối, cơn đau giảm đi trong một nửa thời gian và chuột không còn đau nữa.

Để xem liệu giả thuyết của họ có áp dụng cho con người hay không, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một phân tích riêng đối với các bệnh nhân ở Anh. Những người bị đau lưng cấp tính đã dùng thuốc kháng viêm có nguy cơ bị đau cao hơn khoảng 70% từ 2 đến 6 năm sau, tác dụng này không thấy ở những người dùng acetaminophen hoặc thuốc chống trầm cảm.

Trong khi các nhà nghiên cứu liên hệ việc ngăn chặn tình trạng viêm ở giai đoạn đầu với sự phát triển cơn đau mạn tính, quan điểm y học chính thống hàng thập niên sẽ không bị lật đổ chỉ bởi một nghiên cứu duy nhất. Các thử nghiệm lâm sàng là cần thiết cho việc đó, nhưng việc tài trợ tỏ ra khó khăn.

Ông Mogil lưu ý rằng không nên nhầm lẫn những phát hiện này với việc dùng NSAID cho các bệnh mạn tính, trong đó việc giảm viêm là cần thiết.

Làm việc với phản ứng viêm tự nhiên của cơ thể

Làm thế nào để bạn có thể tăng cường quá trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể, bảo đảm phục hồi hoàn toàn? Trung y đã dùng nhiều phương pháp để điều trị vết thương cấp tính trong hàng ngàn năm.

Theo ông LaGreca, Trung y tập trung vào việc kích thích tuần hoàn đến vùng bị thương, phục hồi khả năng vận động và chức năng, đồng thời làm tăng quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể.

Ông nói, “Chúng tôi khuyến khích quá trình chữa lành để tình trạng viêm tự khỏi, thay vì ngăn chặn triệu chứng.” Có thể dùng kết hợp phương pháp dùng nguyên tắc Trung y để làm giảm nhẹ mà không chống lại tình trạng viêm cấp tính.

1. Tập vận động nhẹ nhàng

Đau, nóng, đỏ, và sưng có thể kéo dài từ một đến ba ngày sau chấn thương. Mặc dù nghỉ ngơi là quan trọng nhưng nghỉ ngơi quá nhiều sẽ khiến cơ thể suy yếu, làm chậm quá trình lành vết thương. Nghỉ ngơi nên được cân bằng với chuyển động nhẹ nhàng trong khả năng chịu đau.

Ông Aiello nói, “Điều này phụ thuộc vào chấn thương, nhưng bạn có thể thận trọng khám phá phạm vi chuyển động, giãn cơ, và chuyển động ngay lập tức.” Các chuyển động trong phạm vi chuyển động nhẹ nhàng, bao gồm đi bộ và xoay khớp từ từ, giúp duy trì sức khỏe của dây chằng và cân bằng cách ngăn ngừa cứng khớp và thúc đẩy tuần hoàn. Điều này cũng giúp di chuyển chất lỏng qua hệ thống bạch huyết.

Ông LaGreca nói, “Ví dụ, khi bị chấn thương mắt cá chân, bạn có thể không muốn bước đi vì nhiều áp lực, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách xoay mắt cá chân nhẹ nhàng.” Khi cơn đau và sưng tấy giảm đi, bạn có thể tăng cường vận động cẩn thận cho đến khi có thói quen tập thể dục đều đặn.

Ông Aiello cho biết, “Đặt lượng tải nhỏ lên dây chằng sẽ giúp mô mới phát triển trở lại đúng cách.” Lý tưởng nhất là việc này được thực hiện với một nhà vật lý trị liệu hoặc huấn luyện viên thể thao. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng tập thể dục và các liệu pháp vật lý khác có hiệu quả đối với những người bị đau cơ xương, như đau lưng dưới.

2. Hãy thử các biện pháp chữa trị không dùng thuốc

Dinh dưỡng có thể giúp giảm đau cấp tính. Ông Aiello cho biết, “Phản ứng miễn dịch của bạn cần nhiên liệu từ các chất dinh dưỡng và nhiều chất chống oxy hóa vì chìa khóa để vượt qua cơn đau là bạch cầu trung tính giúp làm sạch các mô bị tổn thương. Mảnh vỡ đó chính là nguyên nhân gây đau.”

Gừng, nghệ, capsaicin, và rễ cây Nữ lang đều được chứng minh là thuốc giảm đau tự nhiên hiệu quả. Theo ông LaGreca, nhiều loại thảo dược Trung Hoa cũng có thể được bôi tại chỗ để giảm đau. Châm cứu hoặc bấm huyệt vào các huyệt cụ thể là một trong những phương pháp giảm đau trực tiếp nhất, đồng thời thúc đẩy tuần hoàn, tăng dẫn lưu bạch huyết.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng châm cứu điều trị hiệu quả các chấn thương khi chơi thể thao như căng cơ, bong gân, và sưng cơ. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát được công bố trên American Journal of Emergency Medicine (Tập san Y khoa Khẩn cấp Hoa Kỳ) đã chứng minh rằng châm cứu hiệu quả hơn và ít có tác dụng phụ hơn so với morphine chích tĩnh mạch.

Các nghiên cứu về bấm huyệt đã phát hiện rằng việc tạo áp lực để kích thích các điểm cụ thể cũng có thể làm giảm cơn đau cấp tính. Bấm huyệt có thể dễ dàng tự thực hiện.

3. Chọn nhiệt thay vì hàn

Từ góc độ Trung y, nhiệt làm tăng lưu thông. Ông LaGreca khuyến nghị nên tắm nước ấm với muối Epsom để “kích thích tuần hoàn và trợ giúp quá trình này.” Ông nói, hàn thì ngược lại, làm chậm chuyển động và làm suy yếu sự lưu thông của máu và chất lỏng.

Ông LaGreca nói, “Chườm đá có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách giảm sưng tấy, nhưng tình trạng sưng tấy đó là có lý do.” Nước đá có thể thậm chí làm chậm quá trình lành vết thương.

Tiến sĩ Gabe Mirkin, người đã giới thiệu R.I.C.E. – nghỉ ngơi, chườm đá, nén, gác cao chân – cho giới y học thể thao vào năm 1978, đã sửa đổi khuyến nghị của ông vào năm 2015. Ông viết: “Cả chườm đá và nghỉ ngơi hoàn toàn đều có thể trì hoãn việc chữa lành thay vì giúp ích.”

4. Ngủ sâu

Thuốc kháng viêm có thể dẫn đến đau mạn tính, trong khi viêm có thể chữa lành

Mặc dù không nên nghỉ ngơi hàng tiếng liền nhưng giấc ngủ sâu rất quan trọng để phục hồi chấn thương. Khi cơ thể bước vào giai đoạn ngủ sâu, tuyến yên sẽ tiết ra các hormone tăng trưởng kích thích quá trình sửa chữa và phát triển cơ bắp. Hormone tăng trưởng phải được phóng thích với số lượng lớn hơn khi cơ thể đang lành vết thương.

Việc chữa lành cần có thời gian và đòi hỏi sự tin tưởng vào quá trình tự nhiên của cơ thể. Ông LaGreca nói, “Chúng ta cần làm những việc khuyến khích quá trình quá trình chữa lành đó.” Ông Aiello nói, “Viêm không phải lúc nào cũng xấu. Biết cách dùng hiện tượng viêm để chữa lành hoàn toàn có thể ngăn ngừa các vấn đề lâu dài hơn.”

Team Sức khỏe biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Cara Michelle Miller
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Cara Michelle Miller là một nhà văn tự do và nhà giáo dục sức khỏe toàn diện. Cô đã giảng dạy tại Trường Cao đẳng Khoa học và Y tế Thái Bình Dương tại thành phố New York trong 12 năm và dẫn dắt các cuộc hội thảo về truyền thông cho sinh viên kỹ thuật tại The Cooper Union. Hiện tại cô viết bài tập trung vào chăm sóc tích hợp và các phương thức toàn diện.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn