Ù tai: Biến chứng thường gặp và không thể trị khỏi của vaccine COVID-19, bác sĩ chia sẻ cách trợ giúp

Các biến cố bất lợi của vaccine COVID đã bị bỏ qua (Phần 3)

Mặc dù cục máu đông có khả năng gây tử vong và viêm cơ tim đã được thừa nhận là tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine COVID-19, nhưng thực tế vaccine COVID-19 vẫn còn có nhiều biến cố bất lợi tiềm ẩn trên nhiều cơ quan khác nhau.

Trong loạt bài này, chúng tôi đánh giá một số biến cố bất lợi ít được biết đến nhưng được liệt kê trong nhiều tài liệu nghiên cứu cũng như xuất hiện trong nhiều phòng khám và quan trọng hơn là cách điều trị và giảm thiểu nguy cơ.

Bài trước: Ông Mike Belcher, dân biểu tiểu bang New Hampshire, Đảng Cộng hòa, đã bị đau nửa đầu ở mắt trong gần hai năm. Ông đã chích liều vaccine COVID-19 mRNA đầu tiên của hãng Pfizer vào tháng 04/2021 và kể từ đó mọi thứ không còn như trước nữa.

Cô Mary lo lắng nghĩ: “Mình không thể sống với điều này mãi được. Mình sẽ bị mất trí thôi.”

Bất chấp những suy nghĩ đó, tiếng ù ù trong tai vẫn dai dẳng như một chiếc đồng hồ báo thức không thể tắt, làm cô mất tập trung.

Chứng ù tai của Mary bắt đầu một tiếng đồng hồ sau khi cô nhận được liều Pfizer COVID-19 đầu tiên vào mùa hè năm 2021. Cô ngay lập tức liên hệ với hiệu thuốc nơi cô đã chích ngừa và họ nói rằng chứng ù tai không phải là tác dụng phụ của vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, [cô Mary] tìm hiểu trên Google thì thấy nhiều người đang thảo luận về tình trạng này trên các diễn đàn. Một số người còn suy nhược cơ thể nghiêm trọng hơn vì tình trạng này. Một bác sĩ đã khuyên Mary nên bắt đầu điều trị bằng kháng viêm steroid ngay lập tức để đẩy lùi chứng ù tai, nhưng các triệu chứng vẫn không cải thiện.

Cô Mary đã từ chối tiết lộ họ của mình, nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng, “Ban đầu, tôi đã than phiền về tình trạng này rất nhiều, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên. Tôi đã khóc và suy sụp.”

Ngoài thực tế đáng buồn rằng chứng ù tai của cô có thể vĩnh viễn [không thể khỏi], một lo lắng khác của Mary chính là liệu cô có nên chích liều thứ hai để hoàn tất quá trình chích ngừa hay không. Cô lo lắng liều bổ sung sẽ làm tình trạng của mình trở nên xấu hơn và cô cũng sợ sẽ bị ép buộc chích ngừa.

Mặc dù vậy, cô Mary nhận thấy bản thân không thể thảo luận cởi mở nỗi lo âu của mình với các nhà cung cấp dịch vụ y tế, bạn bè và gia đình.

Cô nói, “Tôi cảm thấy thoải mái khi nói mình bị ù tai nhưng lại sợ khi nói với mọi người rằng tình trạng này bắt đầu một tiếng sau khi chích vaccine. … Tôi không muốn họ nghĩ rằng tôi là người chống vaccine. Nhưng đây là trải nghiệm của riêng tôi và việc sợ phải nói ra điều này thật đáng buồn.”

Vaccine COVID-19 có gây ù tai không?

Ù tai là sự hiện diện của âm thanh như tiếng chuông [trong tai] khi không có âm thanh xung quanh. Nghiên cứu gần đây cho thấy chứng ù tai chủ yếu là vấn đề thần kinh, mặc dù nguyên nhân và cách xảy ra hiện tượng này vẫn là điều bí ẩn.

Các yếu tố như lão hóa, tiếp xúc với âm thanh có âm lượng lớn, thiếu hụt dinh dưỡng, bệnh tự miễn, nhiễm trùng và bệnh về tai đều thường liên quan đến chứng ù tai.

Các triệu chứng liên quan đến ù tai bao gồm mất thính lực cũng như quá nhạy với âm thanh hoặc không thể chịu đựng được khi âm thanh trong môi trường có vẻ quá lớn.

Cô Mary Kelley là một y tá, bị mất thính lực và sau khi chích liều thứ hai và thứ ba vaccine COVID-19, cô bị ù tai. Cô là một trong những người tham gia đợt chích ngừa đầu tiên dành cho các nhân viên y tế và đã chích liều thứ hai vào tháng 01/2021.

Trong vòng vài tháng sau đó, cô Kelley gặp khó khăn khi nghe mọi người nói vào nhiều thời điểm khác nhau. Cô nhớ lại đồng nghiệp và gia đình đã nói đùa, “Mary, cô điếc rồi!”

Khi được yêu cầu chích liều bổ sung, cô Kelley đã chích liều thứ ba vào tháng 02/2022 và trong vòng vài tiếng, chứng ù tai nghe như tiếng chuông báo cháy xuất hiện ở tai phải của cô.

Cô Kelley cho biết cô có thể ngăn chứng ù tai khỏi suy nghĩ của mình, nói rằng việc mất thính lực ảnh hưởng đến công việc của cô nhiều hơn chứng ù tai. Nhưng một số người cho biết tiếng ù tai gây hậu quả nghiêm trọng vì họ mất tập trung và mất ngủ.

Vaccine mRNA ngừa COVID-19 có liên quan đến chứng ù tai, mặc dù vẫn chưa xác định được mối liên quan này là nhân quả hay ngẫu nhiên. Báo cáo độc quyền của The Epoch Times tiết lộ rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nhận thấy chứng ù tai như là một dấu hiệu an toàn trong số hàng trăm dấu hiệu an toàn sau khi chích vaccine mRNA.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Laryngscope (Nội soi thanh quản) qua dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã phân tích gần 2.6 triệu người và phát hiện rằng những người trước đây chưa bao giờ được chẩn đoán là bị ù tai, sau khi chích một liều vaccine COVID-19 mRNA thì 0.038% trong số họ sẽ bị ù tai. So với các loại vaccine khác như: cúm, DTaP [vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván], cũng như phế cầu khuẩn, thì liều vaccine COVID-19 đầu tiên có nguy cơ gây ù tai hậu vaccine cao hơn.

Nhiễm COVID-19 cũng liên quan đến chứng ù tai, một nghiên cứu cho thấy hơn 20% bệnh nhân nhiễm COVID bị ù tai.

Ông Shaowen Bao, nhà nghiên cứu chứng ù tai và là giáo sư khoa Khoa học thần kinh và Sinh lý học của Đại học Arizona nói với đài truyền hình ABC15 rằng chứng ù tai hậu vaccine có thể liên quan đến tình trạng viêm do phản ứng miễn dịch vốn do vaccine mRNA kích hoạt. Tuy nhiên, các cơ chế khác cũng có thể có liên quan.

Vaccine kích hoạt các phản ứng tự miễn dịch bằng cách buộc các tế bào khỏe mạnh tạo ra các protein gai, làm cho hệ miễn dịch tấn công các tế bào này.

Chứng ù tai liên quan đến các bệnh tự miễn gây tổn thương dây thần kinh, bao gồm bệnh Alzheimer và Parkinson, cũng như các bệnh không ảnh hưởng đến dây thần kinh, như bệnh lupus và bệnh Crohn.

Tương tự, protein gai trong vaccine COVID-19 thường gây ra cục máu đông nhỏ làm cho máu trở nên nhớt hơn, chảy chậm hơn, do đó làm giảm quá trình trao đổi oxy trong máu và gây căng thẳng cho các dây thần kinh và tế bào trong tai.

Có hơn 17,000 trường hợp ù tai hậu vaccine đã được báo cáo trên Hệ thống Báo cáo Biến cố Bất lợi của Vaccine (VAERS) liên quan đến vaccine COVID-19, chiếm hơn 80% tổng số báo cáo về chứng ù tai trong toàn bộ hệ thống VAERS.

Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn, không chỉ vì các báo cáo gửi đến VAERS bị báo cáo thiếu đáng kể, mà còn vì người dân thường không báo cáo đầy đủ về chứng ù tai của mình.

Bà Jackie Clark, một nhà thính học và là giáo sư tại Đại học Texas, nói với The Epoch Times về chứng ù tai hậu chích ngừa rằng, “Chắc chắn [con số này] chưa được báo cáo đầy đủ.” Ngoài việc chích ngừa, “có rất nhiều người chỉ nói, Ồ, tôi nghĩ đó chỉ là chuyện bình thường thôi.”

Một số người ít quan sát những thay đổi của cơ thể và thậm chí không để ý đến chứng ù tai hậu vaccine đang xảy ra.

Bà Clark cho biết, trong số các học viên khiếm thính và bệnh nhân tại Trung tâm Rối loạn Giao tiếp Callier, bà nhận thấy những người có triệu chứng hậu chích ngừa ít có trường hợp bị ù tai hơn so với những người nhiễm COVID.

Phục hồi chứng ù tai là không khả quan

Bà Clark cảnh báo rằng hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị chứng ù tai và đối với nhiều người thì tốt nhất là tìm cách sống chung với tình trạng này.

Vì chứng ù tai trở nên rõ ràng nhất trong môi trường yên tĩnh, một số người nhận thấy nếu họ bật những bản nhạc êm dịu hoặc thêm những tiếng động nhẹ vào môi trường xung quanh, tâm trí họ sẽ không còn tập trung vào tiếng ù tai nữa. Đeo máy trợ thính có thể giúp người bị suy giảm thính lực và ù tai bằng cách tăng âm thanh nền để loại bỏ chứng ù tai.

Những lời khuyên này đã giúp ích cho một số người bị chứng ù tai nhẹ.

Tiến sĩ Robert Lowry, nhà thần kinh học và là chuyên gia về chấn thương sọ não, nói với The Epoch Times rằng, “Trong y học, chứng ù tai từ lâu đã là vấn đề gây ra nhiều trăn trở cho các bác sĩ tai mũi họng và thần kinh học. Không ai biết phải làm gì với tình trạng này.”

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy sự can thiệp của các liệu pháp vốn điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cũng có thể điều trị được chứng ù tai.

Một số nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh sự thiếu hụt vitamin nhóm B làm giảm mức độ nghiêm trọng của chứng ù tai ở một số người. Thuốc xịt mũi oxytocin giúp kích thích thần kinh ngay lập tức, có tác dụng giảm ù tai. Tuy nhiên, liệu pháp này không phù hợp với phụ nữ mang thai.

Tiến sĩ thần kinh học Diane Counce cho biết một phương pháp điều trị khác mà bà hiện đang nghiên cứu là kích thích não không xâm lấn [điều trị thần kinh bằng cách kích thích từ xuyên sọ (TMS)], đã được chứng minh là cải thiện chứng ù tai. Tuy nhiên, liệu pháp này rất tốn kém và vì không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị ù tai nên bảo hiểm có thể không chi trả cho liệu pháp này.

Tương tự, phẫu thuật và thuốc chống trầm cảm cũng cho thấy những hiệu quả hạn chế.

Điều trị nhắm vào cơ chế cốt lõi

Vì ù tai hậu vaccine có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bà Counce xem xét các triệu chứng đi kèm để xác định nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này.

Ví dụ, ù tai liên quan đến khó thở và khả năng tập luyện kém có thể là dấu hiệu cho thấy nồng độ oxy trong cơ thể thấp do cục máu đông. Do đó, có thể điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc làm loãng máu như aspirin, có bổ sung nattokinase và serrapeptase.

Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu bệnh tự miễn như tổn thương thần kinh, có thể chỉ định truyền kháng thể vào tĩnh mạch.

Bác sĩ nội khoa được hội đồng chứng nhận, tiến sĩ Syed Haider cho biết ông thường bắt đầu điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc ivermectin. Ông từng điều trị cho một bệnh nhân bị ù tai nặng đến mức người này có ý định tự tử. Tuy nhiên, sau khi được tiến sĩ Haider điều trị bằng thuốc Ivermectin, chứng ù tai của anh này đã biến mất.

Tiến sĩ Haider cũng đã tạo ra phác đồ điều trị bổ sung của riêng ông và khuyến nghị cho cả bệnh nhân bị COVID kéo dài và hậu chích ngừa, bao gồm các chiết xuất thảo dược tự nhiên, vitamin, khoáng chất và các chất bổ sung khác. Mỗi loại đều giúp khắc phục các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm cả chứng ù tai.

Tiến sĩ Haider cho biết một số bệnh nhân có đáp ứng [tích cực] với loại thực phẩm bổ sung đầu tiên mà họ thử, trong khi những người khác phải thử dùng nhiều loại để tìm ra loại phù hợp nhất với họ. Một số chỉ có đáp ứng khi điều trị với liều lượng cao.

Tiến sĩ Haider cho biết, phong bế hạch hình sao bằng cách chích [thuốc gây tê cục bộ] có thể ngăn cơn đau, cũng giúp loại bỏ hoàn toàn chứng ù tai ở một số bệnh nhân. Bởi vì liệu pháp này phong bế hệ thần kinh giao cảm và do đó giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi.

Tuy nhiên, bà Clark cảnh báo cần thận trọng với các liệu pháp điều trị “hứa ​​hẹn” chữa trị dứt điểm ù tai và lưu ý rằng liệu pháp bảo đảm cơ hội thành công cao nhất là điều chỉnh hành vi, trong đó bệnh nhân chỉ đơn giản là làm quen với chứng ù tai này.

Những người được chích ngừa đang chịu đựng ‘đau đớn một mình’

Cô Mary đã tham gia một nhóm trợ giúp ù tai trực tuyến dành cho những người bị tổn thương do hậu chích ngừa.

Việc gặp gỡ những người đang chịu đựng nỗi đau đớn với cùng nguyên nhân đã giúp cô Mary chấp nhận tổn thương do vaccine và tiếp tục cuộc sống của mình.

Sau khi đọc những câu chuyện từ những người mà chứng ù tai đã gây ra những hậu quả trầm trọng hơn, cô Mary cho biết bản thân rất biết ơn vì cô có thể chịu đựng được chứng ù tai hiện nay.

Cô cũng tham gia một nhóm trợ giúp cho cả những người bị COVID kéo dài và bị tổn thương do vaccine.

Cô Mary cho biết mặc dù những bệnh nhân bị COVID kéo dài cũng đang phải chịu đựng tình trạng nói trên và việc thiếu các nghiên cứu [khoa học về tình trạng này] nhưng trải nghiệm của họ đã được xác thực và công nhận, trong khi các biến chứng của vaccine có thể bị bỏ qua chỉ vì hiếm gặp.

Cô Mary nói, “Những người bị tổn thương do vaccine, họ phải chịu đựng một mình trong rất nhiều trường hợp. Ngay cả khi các biến chứng của vaccine thực sự hiếm gặp, điều đó không có nghĩa là chúng ta nên phớt lờ. Các biến chứng này vẫn cần được thừa nhận, xác nhận, nghiên cứu, trợ giúp và giúp đỡ.”

Tiếp theo: Ba ngày sau khi chích vaccine, cô Jessica Sutta, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Pussycat Dolls cho biết cô thức dậy với “cơn co thắt cơ vô cùng dữ dội” không giống bất cứ điều gì cô từng trải qua.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marina Zhang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Marina Zhang là một cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, cư trú tại New York. Tốt nghiệp cử nhân y sinh học tại Đại học Melbourne, cô chuyên đưa tin về các câu chuyện về COVID-19 và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quý vị có thể liên lạc với cô qua [email protected].
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn