Ăn trứng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch không?

Đây là những gì một bác sĩ nói về lợi ích của việc ăn trứng

Gần đây, tại một số quốc gia trên thế giới đã xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu trứng quy mô nhỏ. Giá trứng đã tăng vọt ở Hoa Kỳ và ở Đài Loan, mọi người phải xếp hàng chờ mua trứng. Tất cả những ồn ào về trứng này có thể khiến bạn tự hỏi liệu trứng có thực sự là một loại thực phẩm không thể thiếu hay không.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn càng nhiều trứng thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Tuy nhiên, bác sĩ Zhang Shiheng, giám đốc Phòng khám Y học Tích hợp Chi Le Đài Loan, cho biết trong chương trình “Health 1+1” rằng nếu bạn ăn trứng đúng cách, thậm chí ăn bốn hoặc năm quả một ngày cũng không thành vấn đề. Như vậy, ăn trứng như thế nào là tốt và nhận được nhiều lợi ích sức khỏe nhất?

Khi bận rộn ở khoa cấp cứu nơi ông làm việc, bác sĩ Zhang thích ăn trứng trà (trứng nấu với trà và nước tương) để nhanh chóng bổ sung chất dinh dưỡng đã mất. Ông cho biết, thành phần dinh dưỡng của trứng khá toàn diện và phong phú, với sự kết hợp khá đầy đủ của các acid amin nên là nguồn cung cấp protein dồi dào. Lòng đỏ trứng gà chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho tim mạch, mắt cũng như sự phát triển trí não. Lecithin trong trứng là thành phần quan trọng đối với màng tế bào và giúp duy trì chức năng não bình thường, trong khi zeaxanthin là thành phần quan trọng đối với võng mạc và chức năng bảo vệ thị lực.

Trước đây, trứng được cho là thủ phạm làm tăng cholesterol. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã khuyến nghị trong Hướng dẫn cách ăn uống năm 2010 cho người Mỹ về lượng cholesterol ăn vào hàng ngày là dưới 300mg.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị xóa trong phiên bản 2015–2020. Phiên bản mới cũng chỉ ra rằng mặc dù trứng có hàm lượng cholesterol cao nhưng lại ít chất béo bão hòa và có thể là một nguồn protein tốt.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hầu hết mọi người không trải qua sự gia tăng đáng kể nồng độ cholesterol trong máu sau khi ăn thực phẩm giàu cholesterol.

Cộng đồng y tế vẫn chưa quyết định liệu ăn quá nhiều trứng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không. Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đã công bố một nghiên cứu vào năm 2019 đề cập đến kết quả theo dõi thói quen ăn uống của gần 30,000 người Mỹ trong khoảng 17.5 năm. Nghiên cứu phát hiện ra rằng càng nhiều cholesterol trong thức ăn, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao và ăn hơn nửa quả trứng mỗi ngày làm tăng 6% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, một phân tích gộp được công bố trên Tạp chí Y học Hoa Kỳ vào năm 2021 cho thấy ăn nhiều trứng không liên quan đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ngược lại, những người ăn nhiều trứng có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành thấp hơn.

Bác sĩ Zhang chỉ ra rằng nghiên cứu của JAMA không phân biệt rõ những thứ khác mà mọi người ăn cùng với trứng và do đó không thể xác định mối quan hệ nhân quả giữa việc ăn trứng và bệnh tim mạch. Thông thường, mọi người không ăn riêng trứng khi ăn sáng kiểu Mỹ; họ có thể ăn thịt xông khói với trứng bác trộn bơ, bánh mì hoặc bánh mì băm, tất cả đều chứa nhiều chất béo và đường. Ông tin rằng cách chế biến trứng có tác động lớn hơn đến bệnh tim mạch so với chính quả trứng.

Ăn trứng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch không?
(Ảnh: Shutterstock)

Bác sĩ Zhang tin rằng những người có chỉ số cholesterol bình thường sẽ không gặp vấn đề gì khi ăn 4-5 quả trứng mỗi ngày. Tuy nhiên, khi ăn trứng ta không nên cho quá nhiều bơ hoặc ăn kèm với đồ ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ. Chính là chất béo không lành mạnh từ những thực phẩm như vậy sẽ làm tăng cholesterol.

Cách ăn trứng lành mạnh

Bác sĩ Zhang chỉ ra rằng cách tốt nhất để nấu trứng là luộc chín.

Ông cũng khuyên mọi người không nên ăn trứng sống. Thứ nhất, trứng sống không dễ hấp thụ, thứ hai, trứng sống có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Bệnh nhân đang điều trị hóa trị ung thư và/hoặc người có hệ miễn dịch yếu nên tránh ăn trứng sống.

Nếu bạn thực sự thích hương vị của trứng chưa nấu chín, bạn có thể ăn trứng luộc mềm mà lòng đỏ chưa đông lại hoàn toàn.

Ăn trứng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch không?
(Ảnh: Shutterstock)

Trứng có giá trị dinh dưỡng hoàn chỉnh và phù hợp với mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già răng yếu hoặc thiểu cơ.

Bác sĩ Zhang khuyến nghị người cao niên nên tiêu thụ 1.2 đến 1.5g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể và gấp đôi so với những người trẻ tuổi có cùng cân nặng. Chế biến kiểu gì cũng được miễn là ăn được.

Nếu người già khó nuốt lòng đỏ trứng thì nên cho thêm dầu hoặc nước khi nấu trứng. Một vài gợi ý về công thức nấu ăn là súp trứng, trứng hấp kiểu Nhật có thêm thịt gà, cá ngừ bào hoặc sò điệp.

Cách bảo quản và chọn trứng

Đề cập đến tình trạng thiếu trứng toàn cầu, bác sĩ Zhang khuyên chúng ta không tích trữ trứng vì trứng tươi thì tốt cho sức khỏe.

Bên ngoài Hoa Kỳ, trứng được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ phòng, nhưng ở Hoa Kỳ, các quy định về chế biến thực phẩm khiến hầu hết trứng cần được bảo quản trong tủ lạnh. Trứng cũng nên ăn càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng một tuần.

Chọn trứng có bề mặt vỏ nhẵn, sáng bóng dưới ánh đèn và không bị dập. Không có mối quan hệ trực tiếp giữa màu sắc của vỏ trứng và giá trị dinh dưỡng của trứng.

Lan Hoa biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn