Gout không hẳn là do acid uric cao, còn một điều quan trọng khác

Bệnh gout từ xa xưa đã được biết đến là “bệnh hoàng đế”, rất nhiều người bị gout cấp sau khi ăn nhiều thịt, cá. Nguyên nhân được cho là do ăn nhiều thức ăn giàu purin như thịt, hải sản khiến acid uric trong cơ thể tăng cao dẫn đến bệnh.

Tuy nhiên, một số người có acid uric trong cơ thể cao nhưng không mắc bệnh gout, một số người có acid uric thấp nhưng lại bị bệnh gout. Thực ra, bệnh gout không nhất định là do ăn thức ăn nhiều purin và acid uric cao, mà còn có một nguyên nhân chủ yếu khác.

Acid uric cao nhưng không bị gout? 

Cơn gout phát tác là một điều khủng khiếp, nó đến nhanh chóng và dữ dội như một mũi kim đâm vào xương khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.

Cơn gout phát tác liên quan đến việc cơ thể có quá nhiều acid uric, chúng kết tủa và trở thành tinh thể trong khớp, vì vậy tăng acid uric máu được coi là một yếu tố nguy cơ của bệnh gout. Acid uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa purin, khoảng 80% purin trong cơ thể con người đến từ quá trình dị hóa của cơ thể, 20% còn lại là từ thức ăn. Trong tình huống thông thường, 2/3 lượng acid uric trong cơ thể được bài tiết qua thận và 1/3 được thải ra ngoài qua đường ruột. [1]

Tuy nhiên, các khoa học gia đã phát hiện ra rằng không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa acid uric và bệnh gout. Một số người có nồng độ acid uric trong máu thấp nhưng vẫn bị bệnh gout, một số người có nồng độ acid uric trong máu cao hơn bình thường nhưng lại không phát triển thành bệnh gout. Bác sĩ Trần Tuấn Húc, Giám đốc Phòng khám Y học Tự nhiên DCNHC tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, mấu chốt của việc bệnh gout phát tác là liệu acid uric có kết tủa hay không.

Ông giải thích rằng điều này liên quan đến nguyên tắc trung hòa acid – base, các chất acid dễ kết tinh trong dung dịch acid nhưng sẽ bị trung hòa trong dung dịch kiềm và sẽ không tạo thành tinh thể. Một đánh giá của Trường Y Đại học New York đã chỉ ra rằng, sự hình thành các tinh thể acid uric liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó bao gồm môi trường acid. [2]

Tuy nhiên, máu phải có tính kiềm nhẹ, với độ pH từ 7.35-7.45. Nếu pH dưới 7.35 (nhiễm toan) hoặc trên 7.45 (nhiễm kiềm), chúng ta sẽ phải đến phòng cấp cứu. Mà trong tế bào thường có tính kiềm yếu, vậy môi trường acid từ đâu mà có? Bác sĩ Trần Tuấn Húc nói rằng điều này liên quan đến tính acid và kiềm của dịch mô khớp.

Khi dịch mô trong khớp có tính acid, dù acid uric không cao thì cũng dễ dàng kết tủa và kết tinh tại đây, gây ra các cơn gout. Nếu dịch mô có tính kiềm nhẹ thì dù acid uric có cao một chút cũng không bị kết tủa vì sẽ được trung hòa.

Làm thế nào để biết dịch mô có tính acid hay tính kiềm?

Dịch mô (hay còn gọi là dịch kẽ) tồn tại trong khoảng kẽ giữa các mô và là môi trường trao đổi vật chất giữa tế bào mô và máu. Ông Trần Tuấn Húc chỉ ra rằng, để duy trì giá trị pH của máu, các chất chuyển hóa có tính acid phải được bài tiết vào dịch mô, dẫn đến giá trị pH của dịch mô tương đối không ổn định.

Ông Yoshinori Marunaka, giáo sư danh dự tại Đại học Y khoa tỉnh Kyoto kiêm chủ tịch Hiệp hội Sinh lý Nhật Bản đã đề cập trong nghiên cứu của mình rằng, dịch mô có rất ít khả năng điều hòa pH, ngay cả khi pH của tế bào và máu động mạch vẫn bình thường, sản xuất quá nhiều các chất chuyển hóa có tính acid cũng sẽ làm giảm độ pH của dịch mô, khiến nó có tính acid. [3]

Ngoài ra, một nghiên cứu trên tạp chí BioMed Research International đã chỉ ra rằng, khi dịch mô trở nên có tính acid do ảnh hưởng của các chất chuyển hóa có tính acid, sự cân bằng của chuyển hóa tế bào sẽ bị rối loạn, dẫn đến các bệnh chuyển hóa. [4]

Những người béo phì và béo bụng do quá trình trao đổi chất kém nên dịch mô cũng thường có tính acid. Mà các yếu tố nguy cơ của bệnh gout chính là bao gồm béo phì, cùng hội chứng chuyển hóa mà đặc trưng là béo bụng.

Gout không hẳn là do acid uric cao, còn một điều quan trọng khác
Dịch mô ở những người béo phì và béo bụng thường có tính acid, những người này cũng dễ bị các cơn gout. (Ảnh: Shutterstock)

Vậy làm thế nào để biết rằng dịch mô có tính acid? Ônh Trần Tuấn Húc cho biết nó có thể được đo từ nước bọt. Nước bọt bình thường có tính kiềm yếu, và giá trị pH ở trong khoảng từ 7.2-7.4. Nếu kiểm tra ra nước bọt có tính acid yếu, thì dịch mô của khớp rất có khả năng cũng có tính acid. Nếu ai đó bị bệnh gout đến đo nước bọt của họ, độ pH có thể sẽ giảm xuống 5.5 vào thời điểm bệnh gout bùng phát.

Bổ sung những thực phẩm này vào ba bữa ăn, bệnh gout sẽ không phát tác

Theo lý thuyết trên, để điều trị bệnh gout, chỉ cần dịch mô có tính kiềm yếu thì acid uric sẽ từ từ bị hòa tan.

Trong điều trị lâm sàng, bác sĩ Trần Tuấn Húc chủ yếu yêu cầu bệnh nhân bổ sung các khoáng chất có tính kiềm, chẳng hạn như calci và magie. Đây là những khoáng chất có rất nhiều trong cơ thể con người, nhưng lại rất dễ bị thiếu.

Để làm cho dịch mô có tính kiềm yếu, những bệnh nhân nặng hơn cần bổ sung 1000mg calci và 500mg magie mỗi ngày từ thực phẩm chức năng. Khi người bệnh được bổ sung calci và magie, tránh đồ ăn chiên rán và thực phẩm chế biến sẵn khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể kém đi, đồng thời đi khám hàng tuần trong khoảng 1 tháng, thì bệnh gout sẽ dần được cải thiện. Lúc này đo nước bọt, giá trị pH thường có thể trở về 7.2.

Bệnh nhân nhẹ và người bình thường có thể ăn các loại rau xanh có hàm lượng calci và magie cao, ví dụ như rau chân vịt, cải rổ, rau dền đỏ, cải chíp, lá khoai lang, đậu bắp, v.v.

Trong một nghiên cứu khác của mình, ông Yoshinori Marunaka đã đề cập rằng rau và trái cây được xếp vào nhóm thực phẩm có chỉ số PRAL thấp (PRAL là khả năng kiềm hóa acid của thức ăn, PRAL càng thấp thì thức ăn càng có tính kiềm), trong khi thực phẩm động vật có chỉ số PRAL cao hơn. Ngoài ra, thực phẩm tự nhiên như trái cây và rau quả có chứa nhiều yếu tố hoạt tính sinh học, có thể có tiềm năng kiềm hóa và thúc đẩy sự cân bằng pH trong cơ thể thông qua nhiều cơ chế khác nhau. [5]

Rau chân vịt, cần tây, cà tím, cà chua, đậu xanh, nho khô, lý chua đen, chuối, mơ, cam, táo và các loại rau quả khác có chỉ số PRAL khá thấp, có thể làm giảm tải lượng acid của cơ thể.

Gout không hẳn là do acid uric cao, còn một điều quan trọng khác
Rau chân vịt với màu xanh đậm rất giàu calci và magie. (Ảnh: Shutterstock)

Khi dịch mô của cơ thể được điều chỉnh trở lại thành tính kiềm yếu, ngoài việc gout không phát tác, bạn còn có một sự thay đổi khác: mùi cơ thể và mùi miệng sẽ được cải thiện.

Bác sĩ Trần Tuấn Húc cho biết khi cơ thể có tính acid, mùi cơ thể và mùi miệng sẽ rất khó chịu, có thể bản thân không ngửi thấy được nhưng người khác có thể ngửi thấy. Sau khi chức năng cơ thể phục hồi và các chất thải chuyển hóa có tính acid được thải ra ngoài bình thường, mùi cơ thể sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, nếu bạn lại bắt đầu ăn uống bừa bãi, thậm chí là thức khuya, dịch mô sẽ trở lại tính acid và bệnh gout sẽ quay lại. Để tránh tái phát bệnh gout, dưới đây là một số kiến nghị:

  1. Có thể ăn hải sản, thịt và các thực phẩm giàu purin khác một cách bình thường và vừa phải, nhưng rau nên chiếm gần một nửa khẩu phần.
  1. Uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Không cần thiết phải uống nước có tính kiềm bởi nó không giúp ích gì nhiều.
  1. Đối với bệnh nhân gout không nặng, bình thường nếu muốn bổ sung calci và magie thì calci là vài trăm miligam, còn magie bằng một nửa calci.
  1. Tập thể dục thường xuyên có thể trợ giúp cơ thể trao đổi chất, chỉ cần tránh vận động quá sức và nhịn ăn. Tập thể dục cường độ cao dễ làm tổn thương khớp, kích thích kết tủa acid uric và gây ra bệnh gout.
  1. Bắt đầu giảm cân. Giảm cân có thể giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh gout. [6]
  1. Duy trì thói quen sinh hoạt tốt, tránh uống rượu bia và thức khuya.

Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn