Làm thế nào để duy trì sức khỏe trí óc khi về già?

Nếu bạn thực sự muốn duy trì sức khỏe trí óc khi về già, hãy thử học cách đón nhận những khó khăn trong cuộc sống.

Khi lần đầu tiên biết rằng hầu hết mọi người bắt đầu bị suy giảm trí nhớ với những dấu hiệu không rõ ràng nhưng có thể đo lường được ở độ tuổi 50, tôi cảm thấy không vui chút nào.

Là một người thuộc thế hệ bùng nổ dân số, tôi chỉ đơn giản không thể hiểu được tại sao chúng ta không làm gì đó để trẻ mãi không già cho dù năm tháng trôi qua.

Sau đó tôi biết về nghiên cứu quan trọng do nhà thần kinh học đáng kính – Tiến sĩ Marsel Mesulam tại trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern đang thực hiện. Ông là nhà nghiên cứu đã đặt ra thuật ngữ “Superagers” nói về những người cao tuổi may mắn có trí nhớ và khả năng tập trung ngang bằng với một thanh niên 25 tuổi khỏe mạnh. Về cơ bản, lý do chủ yếu là vì họ sẵn sàng làm những công việc khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Người ta từng tin rằng những trò giải đố như ô chữ, ghép hình hoặc Sudoku đã đủ để kích thích bộ não của những người cao tuổi, nhưng nghiên cứu hiện tại cho thấy làm những công việc đòi hỏi nhiều sự cố gắng mới tạo nên sự khác biệt đáng chú ý.

Lý do là việc thực hiện một nhiệm vụ khó khăn giúp cho các vùng não quan trọng như thùy đảo phía trước, hồi hải mã và vỏ não trước trán, chống lại tình trạng teo não do tuổi tác. Các vùng não này càng dày thì chúng ta thực hiện những nhiệm vụ cụ thể càng tốt, như nhớ một danh sách danh từ, rồi nhắc lại những từ đó sau 20 phút.

Vì vậy nếu bạn thực sự muốn trở thành một người già có trí óc khỏe mạnh, hãy thử học cách đón nhận những khó khăn trong cuộc sống.

Hãy nhớ về cảm giác thất vọng khi bạn cố gắng học một chương trình máy tính mới?

Hoặc giải quyết một bài toán hóc búa?

Hay kết thúc một chuyến đi bộ đường dài mệt mỏi? Chính cảm giác mệt mỏi và sẵn sàng bỏ cuộc đó thực ra lại có ích cho bộ não.

Nếu bạn có khuynh hướng chùn bước trước những thử thách không mấy hấp dẫn giống như tôi, việc ghi nhớ phương châm của Marine Corps, “Nỗi đau là [để] trừ bỏ sự yếu đuối,” có thể sẽ hữu ích.

Và nếu bạn cũng lo ngại về sức khỏe tinh thần của bản thân như tôi, bạn cũng có thể bổ sung thêm rằng “và giúp ích cho bộ não,” hoặc tự nhắc nhở rằng “nếu không dùng, bộ não sẽ teo mất.”

Đương nhiên, yếu tố di truyền đóng một vai trò to lớn về cách chúng ta già đi, nhưng lối sống cũng rất quan trọng. Dưới đây là một vài mẹo để có trí óc khỏe mạnh khi về già:

  • Duy trì vận động. Tập thể dục cải thiện sức khỏe tim mạch và kích thích yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não, góp phần giúp bộ não tạo ra những kết nối thần kinh mới quan trọng.
  • Không nên hút thuốc. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng hút thuốc ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh sức khỏe.
  • Duy trì các kết nối xã hội. Sự cô lập tạo cơ hội cho bệnh trầm cảm, có thể dẫn tới những hành vi có hại, không lành mạnh.
  • Bảo đảm việc ngủ đủ giấc. Một giấc ngủ ngon vào ban đêm góp phần củng cố trí nhớ bởi vì giai đoạn ngủ REM là lúc chúng ta lưu trữ dữ liệu mới để truy xuất sau này.
  • Hãy chú ý đến cách ăn uống. Một chương trình ăn uống có kế hoạch cẩn thận có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ. Ăn kiêng kiểu MIND (với các nhóm thực phẩm tốt cho bộ não) và ăn kiêng DASH (Phương pháp ăn kiêng chống cao huyết áp) là những kế hoạch ăn uống hợp lý với những gợi ý hữu ích. Hãy tìm kiếm trực tuyến để biết thêm thông tin chi tiết về những loại ăn kiêng này và xem xét cách nào phù hợp với bạn.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Marilyn Murray Willison
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn