Nấu ăn để chữa bệnh – Nhiều công dụng chữa bệnh của cây bạc hà

Từ cổ đại, con người đã biết sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để chữa lành cơ thể, tâm trí, và cả tinh thần. Trong khi giới Tây phương đã thay thế phần lớn các liệu pháp tự nhiên bằng dược phẩm, thì khoảng 80% người dân thế giới vẫn sử dụng y học truyền thống hay y học cổ truyền. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi hơn 80% dược phẩm có nguồn gốc hoặc được phát triển từ các sản phẩm tự nhiên, bao gồm thực vật. Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá khả năng chữa bệnh của các loại thảo mộc và gia vị đồng thời tìm hiểu cách kết hợp những phương thuốc cổ xưa này vào khẩu phần ăn hàng ngày.

Bạc hà (Mentha) được sử dụng rộng rãi với các đặc tính phù hợp làm thực phẩm, dược liệu, và trị liệu bằng hương thơm. Bạc hà là đại diện cho một nhóm các loại thảo mộc lâu năm bao gồm 18 loài và 11 giống lai. Phổ biến nhất được biết đến là bạc hà Âu (peppermint), bạc hà Á (spearmint), và bạc hà dại (wild mint).

Ngày nay, bạc hà chủ yếu được biết đến với hương vị và mùi thơm sảng khoái. Tuy nhiên, vào thời cổ đại, loài cây này được tin dùng nhờ nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Hàng ngàn năm trước, bạc hà đã được sử dụng ở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp, và La Mã để điều trị chứng khó tiêu và làm dịu dạ dày. Người ta tìm thấy lá bạc hà Âu trong các kim tự tháp Ai Cập có niên đại 1,000 năm trước Công nguyên.

Vào thời Trung cổ, bạc hà Âu được dùng để đánh bóng răng và đuổi chuột ra khỏi các cửa hàng. Đến thế kỷ 18, ở Tây Âu, bạc hà Âu được dùng để chữa chứng buồn nôn, ốm nghén, nôn mửa, rối loạn kinh nguyệt, và nhiễm trùng đường hô hấp. Năm 1721, bạc hà được liệt kê trong Dược điển Luân Đôn như một phương thuốc chữa cảm lạnh, đau đầu, lở loét, và bệnh hoa liễu.

Bạc hà còn được công nhận về khả năng tương tác với hệ thần kinh trung ương trong y học cổ truyền. Ví dụ, ở Nam Phi, người ta đốt những chiếc lá [bạc hà] khô và hít khói để điều trị bệnh tâm thần. Ở các quốc gia vùng Địa Trung Hải, bạc hà được sử dụng để điều trị chứng đau dây thần kinh, cũng như chống co giật và an thần.

Gần đây, các nhà khoa học đã xác nhận nhiều đặc tính chữa bệnh của bạc hà thông qua nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của loại thảo mộc này trong việc điều hoà hệ thần kinh.

15 công dụng của bạc hà

Trong khi sức mạnh chữa bệnh của bạc hà đã được khai thác trong các nền văn hóa cổ đại từ hàng ngàn năm, y học hiện đại lại chậm trễ trong việc nhận ra lợi ích của nó. Tuy nhiên, nhận thức về cây bạc hà đang thay đổi khi các nhà khoa học bắt đầu nhận thức ra trí tuệ của người xưa thông qua các nghiên cứu chứng minh nhiều khả năng chữa bệnh, chẳng hạn như:

Chống ung thư: Theo một nghiên cứu được công bố trên Tập san Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp, bạc hà ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ruột kết. Bạc hà cũng có thể ức chế sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Theo nghiên cứu tiền lâm sàng, bạc hà có chứa tinh dầu, được báo cáo là có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt.

Đảo ngược bệnh tiểu đường: Bạc hà là một “phương pháp điều trị đầy hứa hẹn” cho bệnh tiểu đường. Bạc hà được phát hiện là làm giảm đường máu lúc đói, cholesterol toàn phần, triglycerides (chất béo trung tính) và lipoprotein-cholesterol tỷ trọng thấp. Theo các nhà nghiên cứu: “Những tác dụng này tương đương với tác dụng của thuốc trị tiểu đường tiêu chuẩn (glibenclamide).”

Giảm đau do viêm xương khớp: Kết hợp bạc hà với tinh dầu hương thảo giúp giảm đau do viêm xương khớp bằng cách tăng khả năng chống oxy hóa và cải thiện tính toàn vẹn của cấu trúc khớp gối ở chuột.

Cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức: Hương bạc hà có thể cải thiện trí nhớ và tăng sự tỉnh táo. Bạc hà, dù được tiếp xúc bằng miệng hay qua hương thơm, đều ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và tâm trạng.

“Điều trị” bệnh Alzheimer: Chiết xuất bạc hà giúp bảo vệ các tế bào thần kinh và có thể được sử dụng như “nguồn điều trị khả thi trong việc kiểm soát bệnh Alzheimer.” Ví dụ, chiết xuất bạc hà được cho là bảo vệ chống lại căng thẳng do tuổi tác và thoái hóa thần kinh, đồng thời cải thiện trí nhớ và khả năng nhận thức.

Giảm lão hóa da: Phương pháp điều trị da bằng vỏ bạc hà có hiệu quả trong việc điều trị các dấu hiệu lão hóa da, bao gồm đổi màu, nếp nhăn, và độ đàn hồi của da.

Giảm dị ứng: Bạc hà có thể làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Bạc hà ức chế giải phóng histamine từ tế bào mast của chuột. Các triệu chứng về mũi, bao gồm hắt hơi và dụi mũi, cũng bị ức chế. Do đó, chiết xuất bạc hà “có thể có hiệu quả lâm sàng trong việc làm giảm các triệu chứng ở mũi của bệnh viêm mũi dị ứng,” theo các nhà nghiên cứu.

Giảm đau do bệnh zona: Một nghiên cứu ca bệnh năm 2002 đã báo cáo rằng bôi trực tiếp dầu bạc hà lên da giúp “cải thiện gần như ngay lập tức” cơn đau do bệnh zona gây ra. Giảm đau kéo dài 4-6 giờ sau khi áp dụng. Hơn nữa, bạc hà tiếp tục phát huy “tác dụng giảm đau mạnh đối với chứng đau thần kinh” trong suốt hai tháng theo dõi tiếp theo.

Cải thiện giấc ngủ: Liệu pháp mùi hương với tinh dầu bạc hà đã cải thiện chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân tim và ung thư.

Tăng sự tỉnh táo: Mùi bạc hà giúp người lái xe tỉnh táo hơn, cũng như giảm sự thất vọng, mệt mỏi và lo lắng.

Kháng nấm: Tác nhân gây bệnh nấm phổ biến nhất ở người là Candida albicans. Nấm Candida thường hiện diện với một lượng nhỏ trong miệng, da, và đường tiêu hóa. Khi mất cân bằng có thể dẫn đến nhiễm trùng niêm mạc đau đớn như nhiễm trùng nấm âm đạo và nấm miệng. Bạc hà có tác dụng kháng nấm Candida albicans mạnh mẽ.

Làm dịu hội chứng ruột kích thích (IBS): Viên nang dầu bạc hà tan trong ruột được báo cáo là an toàn và hiệu quả trong điều trị hội chứng ruột kích thích. 79% bệnh nhân trưởng thành uống viên nang này ba đến bốn lần mỗi ngày, 15-30 phút trước bữa ăn trong một tháng đã báo cáo giảm mức độ nặng của cơn đau bụng, 56% hoàn toàn không đau và 83% ít chướng bụng hơn.

Tác dụng chữa bệnh của viên dầu bạc hà bao tan trong ruột trên trẻ em cũng như người lớn. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nhi khoa, 75% trẻ em được dùng dầu bạc hà trong hai tuần đã báo cáo giảm mức độ trầm trọng của cơn đau liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Các nhà nghiên cứu kết luận, “Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng như một tác nhân trị liệu trong giai đoạn có triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.”

Bạc hà có thể có hiệu quả một phần trong việc làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích bằng cách làm giãn các cơ đường tiêu hóa do làm giảm dòng calcium.

Giảm đau đầu do căng thẳng: Bôi dầu bạc hà tại chỗ có hiệu quả trong điều trị đau đầu do căng thẳng, dạng đau đầu phổ biến nhất. Hiệu quả giảm đau đầu do căng thẳng của dầu bạc hà tương tự như acid acetylsalicylic (aspirin) hoặc paracetamol (acetaminophen).

Giảm buồn nôn: Một nghiên cứu năm 2016 đã kết luận rằng “hít tinh dầu bạc hà là phương pháp điều trị ưu tiên một khả thi đối với chứng buồn nôn ở bệnh nhân sau phẫu thuật tim”.

Tương tự như vậy, một nghiên cứu năm 2021 đã đồng tình rằng hít tinh dầu bạc hà trong liệu pháp mùi hương là “một phương thức độc lập hoặc bổ sung hiệu quả để giảm bớt” chứng buồn nôn và nôn ở bệnh nhân nhập viện.

Giảm lo lắng: Bạc hà đã được chứng minh là làm giảm lo lắng, chẳng hạn như ở bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp tính.

Giảm ho: Một nghiên cứu năm 2013 đã báo cáo rằng những bệnh nhân bị ho kinh niên được hưởng lợi từ việc hít menthol (thành phần hoạt tính của bạc hà) dưới dạng phun sương

Cách thêm bạc hà vào khẩu phần ăn

Toàn bộ cây bạc hà gồm thân, lá và hoa đều có thể ăn được. Bạc hà được sử dụng trong ẩm thực, dược liệu và còn có thể được dùng như một loại tinh dầu.

Bạn có thể trồng bạc hà trong sân hoặc trong nhà. Cây cần nhiều nắng, nhiều nước, và không gian để phát triển. Ngoài ra, có thể mua bạc hà tươi ở chợ nông sản địa phương hoặc tiệm tạp hóa. Bạc hà khô có thể mua trực tuyến. Bạn chỉ nên dùng bạc hà được trồng hữu cơ hoặc canh tác tái sinh.

Những cách đơn giản để dùng bạc hà

  • Trà thảo dược: Đun sôi nước, giảm lửa nhỏ, thêm 5-10 lá và thân bạc hà, đậy nắp, và ngâm trong 10 phút.
  • Sinh tố: Thêm một vài lá bạc hà tươi hoặc một giọt tinh dầu bạc hà vào món sinh tố hoặc đồ uống yêu thích của bạn. Bạc hà và nước chanh là một sự kết hợp tuyệt vời (xem công thức bên dưới).
  • Súp: Bạn có thể thử thêm một vài lá bạc hà vào món súp trong khi nấu. Lý tưởng là súp kem, chẳng hạn như súp đậu.
  • Salad: Cho một vài lá bạc hà vào món salad sẽ giúp tăng hương vị. Bạc hà kết hợp tốt với dưa chuột và lựu.
  • Nước sốt: Nghiền bạc hà tươi hoặc khô với một chút muối bằng cối và chày và thêm vào nước sốt dầu ô liu và giấm.
  • Món tráng miệng: Bạc hà kết hợp tốt với chocolate, chẳng hạn như kẹo bạc hà socola, bánh brownie bạc hà, hoặc kem bạc hà chocolate.

Nếu bạn đang tìm kiếm một loại thức uống giải khát trong ngày hè nóng bức, hãy thử nước chanh bạc hà!

Nước chanh bạc hà

Lượng dùng cho 8 ly

Thành phần:

  • 1-1/2 chén nước cốt chanh mới vắt (~10 quả chanh hữu cơ lớn)
  • 1/2 muỗng cà phê vỏ chanh
  • 5 ly nước lọc lạnh
  • 1 ly nước lọc âm ấm
  • 1/2 chén mật ong hữu cơ địa phương thô, chưa lọc
  • 1 chén lá bạc hà hữu cơ, đóng gói lỏng lẻo
  • 2 viên đá

Cách làm:

Vắt chanh và cho vào bình thủy tinh cùng với 5 ly nước lạnh.

Thêm 1 ly nước ấm, vỏ chanh, mật ong và lá bạc hà. Cho tất cả vào máy xay sinh tố công suất lớn. Trộn cho đến khi hỗn hợp đồng nhất. Cho vào bình thủy tinh và khuấy đều.

Thêm đá vào bình. Trang trí mỗi ly bằng một nhánh bạc hà tươi. Uống ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3 ngày.

Vui lòng không thử công thức này nếu bạn bị dị ứng hoặc nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào.

Thận trọng khi sử dụng và tương tác có thể xảy ra

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trước khi dùng bạc hà. Bạc hà có thể tương tác với một số loại thuốc theo toa, chẳng hạn như cyclosporine, thuốc giảm acid, thuốc trị loét, thuốc chặn calcium và các loại thuốc khác dùng để điều trị cao huyết áp. Những người bị thoát vị hoành, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy hoặc tình trạng dạ dày không sản xuất đủ acid nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ và dược sĩ trước khi dùng bạc hà. Dầu bạc hà chống chỉ định ở trẻ em dưới hai tuổi.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sina McCullough
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Sina McCullough là tác giả của "Go Wild: How I Reverse Chronic & Autoimmune Disease" - (tạm dich:Tôi đã chống lại bệnh mãn tính và bệnh tự nhiễm như thế nào), đồng thời là tác giả của cuốn "Hands Off My Food" và "Beyond Labels," (tạm dịch: Đừng can thiệp vào thức ăn của tôi" và “Phía bên kia của nhãn mác"). Cô có bằng tiến sĩ dinh dưỡng tại Đại học California – Davis. Cô ấy là một nhà thảo dược bậc thầy, bác sĩ được chứng nhận của Gluten Free Society và dạy học tại nhà cho ba đứa con của cô.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn