Bàn tay tiết lộ điều gì về tình trạng sức khỏe

Bàn tay tiết lộ nhiều điều về tình trạng sức khỏe. Ít nhất từ thời của Hippocrates, cha đẻ của y học hiện đại đã sớm công nhận điều này.

Bác sĩ Hy Lạp cổ đại lần đầu tiên mô tả “ngón tay dùi trống” ở một bệnh nhân bị tràn mủ màng phổi (mủ lấp đầy khoảng trống giữa phổi và lớp màng xung quanh) vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên. Ngón tay dùi trống là hiện tượng móng tay khum, giống như mặt sau của chiếc thìa, hiện vẫn được xem là một dấu hiệu của bệnh tật. Thời nay, ngón tay dùi trống không chỉ liên quan đến bệnh tràn mủ màng phổi mà còn liên quan đến bệnh xơ nang (cystic fibrosis), xơ gan, và các bệnh về tuyến giáp.

Một dấu hiệu bệnh tật khác là móng Lindsay. Đây là trường hợp một hoặc nhiều móng tay có một nửa trắng một nửa đỏ nâu. Khoảng 50% số người bị bệnh thận mạn tính có kiểu móng này. Nhưng móng Lindsay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh xơ gan và bệnh Behcet, một tình trạng hiếm gặp gây viêm mạch máu.

Móng Terry, là hiện tượng một hoặc nhiều móng tay có hình dạng như kính mờ. Đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh xơ gan, nhưng cũng liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2, suy thận và HIV.

Những đường Muehrcke trên móng tay do hóa trị của một phụ nữ 28 tuổi. (Ảnh: Wikimedia)
Những đường Muehrcke trên móng tay do hóa trị của một phụ nữ 28 tuổi. (Ảnh: Wikimedia)

Nghe có vẻ mang tính y học hơn một chút và hơi giống một tiệm làm móng trên tuyến phố lớn, móng Muehrcke, là hiện tượng có một hoặc nhiều đường ngang ở móng tay. Kiểu móng tay này cho thấy sự suy giảm của loại protein nhiều nhất trong máu: albumin. Móng Muehrcke có thể là dấu hiệu của bệnh thận.

Nhưng đôi khi, sự thay đổi về màu sắc và hình dạng móng tay không hề nguy hiểm mà chỉ đơn thuần là dấu hiệu của sự lão hóa. Ví dụ móng Neapolitan, có ba vùng màu riêng biệt, thường thấy ở những người trên 70 tuổi và không có gì phải lo lắng.

Lòng bàn tay

Tuy nhiên, móng tay không phải là bộ phận duy nhất của bàn tay có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe kém. Lòng bàn tay cũng có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe.

Nếu bạn nhận thấy lòng bàn tay mình đổ mồ hôi dù không lo lắng, trong môi trường nhiệt độ cao hoặc tập thể dục, đó có thể là do các tín hiệu thần kinh không chính xác khiến tuyến mồ hôi hoạt động. Điều này có thể chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát lành tính. Nhưng lòng bàn tay đổ mồ hôi không rõ nguyên nhân, và cả ở mặt, cổ, nách có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.

Cường tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp ở cổ sản xuất quá nhiều thyroxine. Sự dư thừa hormone này sẽ làm tăng nhanh các quá trình [chuyển hóa] trong cơ thể và có thể là nguyên nhân khiến lòng bàn tay đổ mồ hôi. Rất may, cường tuyến giáp có thể dễ dàng điều trị bằng các loại thuốc phù hợp.

Một sự thay đổi đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện của các vùng nhỏ đổi màu đỏ hoặc tím trên lòng bàn tay và các ngón tay. Đây có thể là dấu hiệu của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (viêm lớp lót bên trong của tim), có tỷ lệ tử vong cao.

Sự đổi màu này có hai dạng: nốt Osler và tổn thương Janeway. Nốt Osler thường là các nốt màu đỏ, kích thước từ 1 đến 10mm, gây đau trên các ngón tay, xuất hiện trong nhiều giờ đến nhiều ngày. Trong khi đó, các tổn thương Janeway có hình dạng không đều với các kích cỡ khác nhau, thường thấy ở lòng bàn tay và không gây đau, tồn tại trong vài ngày cho đến vài tuần.

Cả hai kiểu lòng bàn tay này đều rất nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Cảm giác kim châm

Nếu bạn có cảm giác như kim châm ở bàn tay mà không thể khiến nó biến mất, thì đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome). Đây là hiện tượng dây thần kinh chính (dây thần kinh giữa) ở cổ tay bị chèn ép, gây tê, ngứa ran hoặc đau.

Thường thì tình trạng sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị, nhưng nẹp cổ tay có thể giúp giảm áp lực lên dây thần kinh. Những người thừa cân hoặc đang mang thai có nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay cao hơn.

Cảm giác kim châm ở bàn tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Đường huyết tăng ở bệnh tiểu đường gây tổn thương thần kinh, biểu hiện dưới dạng cảm giác ngứa ran hoặc tê ở các chi, chẳng hạn như bàn tay. Tình trạng này được gọi là “bệnh dây thần kinh do tiểu đường.”

Mọi người đều gặp phải cảm giác kim châm ở một thời điểm nào đó, nhưng nếu bạn thường xuyên có cảm giác này hoặc tình trạng này kéo dài thì bạn nên đến gặp bác sĩ.

Chiều dài ngón tay

Chiều dài của ngón tay có thể cho biết một số dấu hiệu về nguy cơ bị một số bệnh về sau này.

Độ dài của ngón trỏ và ngón đeo nhẫn khác nhau ở nam và nữ. Ở phụ nữ, chúng có chiều dài khá bằng nhau, nhưng ở nam giới, ngón đeo nhẫn thường dài hơn ngón trỏ. Điều này được cho là do tiếp xúc với hormone trong tử cung.

Chiều dài ngón tay có thể tiết lộ lượng testosterone bạn đã tiếp xúc khi còn trong tử cung. (Ảnh: logika600/Shutterstock)
Chiều dài ngón tay có thể tiết lộ lượng testosterone bạn đã tiếp xúc khi còn trong tử cung. (Ảnh: logika600/Shutterstock)

Ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ có liên quan đến thành tích tốt hơn trong một số môn thể thao ở nam và nữ, nhưng cũng có nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa đầu gối và khớp hông ở phụ nữ.

Bạn không thể làm gì để thay đổi độ dài ngón tay của mình, nhưng bạn có thể ngăn ngừa chứng viêm xương khớp bằng cách giữ cân nặng khỏe mạnh, duy trì hoạt động và kiểm soát đường huyết. Trên thực tế, nếu làm theo những lời khuyên đó, bạn có thể ngăn ngừa được hầu hết các bệnh tật.

Bài viết này được tái bản từ The Conversation theo giấy phép Creative Commons.


Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Adam Michael Molon
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn