Giải mã điều trị ung thư: Khám phá khía cạnh “Con Người”

Một số đặc điểm tính cách dường như có liên quan đến ung thư

“Ung thư” là một chẩn đoán đáng sợ [đối với bệnh nhân] và là một trong những căn bệnh phổ biến nhất trong thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, đã có trường hợp các tế bào ung thư biến mất một cách bí ẩn, ngay cả ở những bệnh nhân được các chuyên gia y tế coi là vô vọng.

Y học chính thống mô tả những trường hợp này là “hồi phục tự phát.”

Cách suy nghĩ y học thống trị cố gắng giải thích sự hồi phục tự phát và các chuyên gia có nhiều cách giải thích khác nhau. Đối với những người cởi mở, hiện tượng đã được ghi chép từ lâu này mở ra những cách mới và quan trọng để hiểu về bệnh ung thư và cách điều trị.

Các nhà khoa học y tế và các bác sĩ từ lâu đã biết rằng tâm trí là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh tật, nhưng y học thông thường hiện nay phần lớn đã bỏ qua khía cạnh này. Trong một số trường hợp, y học hiện đại thậm chí còn phớt lờ bệnh nhân, hầu như chỉ tập trung vào căn bệnh.

Tiến sĩ Bernard Lown, một bác sĩ tim mạch và nhà nhân đạo tiên phong, người đã thành lập Viện Lown, đã viết về điều này trong cuốn sách “The Lost Art of Healing: Practicing Compassion in Medicine. (Nghệ Thuật Chữa Bệnh Đã Mất: Thực Hành Lòng Trắc Ẩn trong Y Học.)”

Ông viết, “Bệnh nhân sẽ không chấp nhận căn bệnh tinh thần cuối cùng của việc bị biến đổi thành các đối tượng tiêu chuẩn hóa. Không ai sẽ chấp nhận lâu dài việc bị nhận dạng chỉ bởi căn bệnh, như không là gì ngoài một tập hợp các bộ phận sinh học bị hỏng. Bệnh nhân khao khát được hợp tác với các bác sĩ chữa trị, những người [có thể] cảm nhận được tâm hồn đau đớn cũng như với cơ thể đang gặp trục trặc bất thường. Điều khao khát không phải là một giao kèo kinh doanh được soạn thảo chặt chẽ mà là một giao ước tin tưởng giữa các bên ngang hàng đạt được từ bác sĩ qua việc thực hành nghệ thuật chăm sóc.”

Tuyên bố của tác giả Lown nhấn mạnh vào những thiếu sót và thách thức mà y học hiện đại phải đối mặt. Để vượt qua những thiếu sót này, y học phải xem xét con người một cách toàn diện — tổng thể, bao gồm cả suy nghĩ, cảm xúc và tính cách.

Hiện trạng khó khăn của y học hiện đại: Bỏ qua việc chăm sóc ‘Con người Toàn diện’

Các bệnh ký sinh trùng, bệnh truyền nhiễm và thiếu hụt dinh dưỡng đã từng là những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, các căn bệnh liên quan đến tâm lý và các yếu tố xã hội đã nổi lên như một vấn đề sức khỏe quan trọng mà phương pháp tiếp cận y sinh học truyền thống để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa không đạt được hiệu quả.

Y học hiện đại tập trung vào nghiên cứu những thay đổi sinh học — đi sâu vào giải phẫu, sinh lý học, bệnh lý, hóa sinh và các khía cạnh khác để tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh.

Do quá chú trọng đến khía cạnh y sinh nên y học hiện đại chỉ nhìn thấy “bệnh”, dựa vào thuốc và phẫu thuật để loại bỏ bệnh trên lâm sàng. Nếu căn bệnh đó là trầm cảm, các phác đồ điều trị giúp thuyên giảm bệnh nhưng cũng dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh hóa.

Nhưng bên cạnh cơ thể vật chất, con người còn sở hữu những yếu tố vô hình như tâm trí và ý thức. Trong nguyên nhân và diễn tiến của bệnh, mặt tinh thần và ý thức thường đóng vai trò chủ đạo. Sự thực quan trọng này cuối cùng đã được công nhận trong cộng đồng y tế, mặc dù chưa thực sự thâm nhập vào thực hành lâm sàng. Điều đó nói lên rằng, Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay định nghĩa sức khỏe là “một tình trạng toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay thương tật.”

“Mô hình y sinh” tách con người khỏi căn bệnh và xem xét chất bài tiết của bệnh nhân (chất thải) và các mô bệnh lý tách biệt với phần còn lại của bệnh nhân, chỉ tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh mà bỏ qua ảnh hưởng của các yếu tố xã hội, tâm lý, và các yếu tố hành vi, do đó hoàn toàn xóa bỏ ý tưởng về con người.

Nhưng nếu đối tượng của y học là con người, thì việc điều trị bất kỳ căn bệnh nghiêm trọng nào, đặc biệt là bệnh ung thư, đều cần sự kết hợp giữa cơ thể và tâm trí.

Đặc điểm tính cách liên quan đến ung thư

Trọng tâm các nghiên cứu ung thư trong y học hiện đại thường liên quan đến các chất gây ung thư hữu hình có thể đo lường được và các yếu tố di truyền. Các yếu tố lối sống cũng bắt đầu được chú ý và một số chuyên gia thậm chí còn khám phá nguyên nhân gây ung thư từ các góc độ khác nhau.

Theo ông Andrew Goliszek, giáo sư tại Đại học North Carolina A&T State University, có mối tương quan giữa cảm xúc và khả năng bị bệnh của con người. Giáo sư Goliszek trích dẫn nghiên cứu liên kết những cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, tức giận và thù địch với nguy cơ ung thư cao hơn, trong khi những thái độ tích cực như hy vọng, lạc quan và hạnh phúc có liên quan đến nguy cơ thấp hơn. Những đặc điểm tính cách này có thể làm dịu hệ thống thần kinh giao cảm và tăng cường chức năng miễn dịch, do đó bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật.

Có những yếu tố sinh hóa liên quan đến điều này, chẳng hạn như hormone gây căng thẳng, và những yếu tố này thường được chú ý nhiều nhất. Nhưng ở đây một lần nữa, chúng ta lại đối mặt với nguy cơ đưa bệnh nhân về lại vấn đề sinh lý của cơ thể.

Giáo sư Goliszek thảo luận về một số “tính cách dễ bị bệnh ung thư” bao gồm:

  • Kìm nén cả cảm xúc tích cực và tiêu cực
  • Thể hiện sự tức giận, oán giận hoặc thù địch với người khác
  • Đảm nhận thêm nhiệm vụ và trách nhiệm, ngay cả khi có thể gây ra căng thẳng
  • Phản ứng tiêu cực và vật lộn để đối phó với những thay đổi trong cuộc sống
  • Thái độ bi quan
  • Dễ bị trầm cảm hoặc cảm giác tuyệt vọng
  • Lo lắng thường xuyên và quá mức về người khác
  • Cảm thấy cần được chấp thuận và liên tục tìm cách làm hài lòng người khác

Nhà trị liệu tâm lý Lawrence LeShan ở New York, đã quan sát các mô hình tương tự trong điều trị ung thư lâm sàng. Các cá nhân thường thể hiện nỗi buồn sâu sắc, sự chán nản và mất mát trước những sự kiện không thuận lợi trong cuộc sống đồng thời kìm nén cảm xúc bên trong. Thái độ tiêu cực này có thể làm suy yếu đáng kể hệ thống miễn dịch, tạo cơ hội cho sự phát triển của tế bào ung thư.

Trong những năm tiếp xúc với bệnh nhân ung thư, ông LeShan phát hiện ra rằng một số bệnh nhân ung thư đã có những cải thiện đáng kể về sinh lý, tâm lý và tinh thần khi đối mặt với bệnh ung thư. Điều này dường như ảnh hưởng đến căn bệnh này.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của suy nghĩ tích cực và loại bỏ độc tố tinh thần đối với sức khỏe thể chất.

Louise L. Hay, bác sĩ chữa lành nổi tiếng người Mỹ được biết đến với công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể, đưa ra một ví dụ điển hình về trường hợp ung thư hồi quy tự phát. Một bệnh nhân nữ 52 tuổi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Sau đó, bà đã trút bỏ được sự tức giận và oán hận tích tụ từ việc bị lạm dụng trong thời thơ ấu. Sáu tháng sau, các tế bào ung thư trong cơ thể bà biến mất.

Ngoài ra còn có một xu hướng ngày càng tăng các bệnh nhân chuyển sang các phương pháp y học bổ sung và thay thế như Trung y, châm cứu, thiền định, chánh niệm và khí công khi đối mặt với chẩn đoán ung thư.

Chăm sóc sức khỏe toàn diện là rất quan trọng để giảm thiểu sự rối loạn bên trong cơ thể của bệnh ung thư

Để giải quyết những hạn chế của mô hình y sinh trong y học hiện đại, người ta đã bắt đầu suy ngẫm và sửa đổi cách tiếp cận phương pháp y sinh.

Cuốn sách “Healing Cancer from Within: The Key Report on Cancer Psychology” (Chữa Bệnh Ung Thư từ Bên Trong: Báo Cáo Chính về Tâm Lý Học Ung Thư) nhấn mạnh rằng ung thư là một căn bệnh toàn diện và có hệ thống do “rối loạn bên trong” gây ra do sự gián đoạn ở nhiều khía cạnh của cơ thể. Vì vậy, để ngăn ngừa di căn và tái phát thì việc điều chỉnh toàn diện các rối loạn này là cần thiết không kém, thậm chí là rất quan trọng,

Ung thư không chỉ là sự trục trặc của quá trình tái tạo tế bào cơ bản mà còn là sự trục trặc của các chức năng miễn dịch bên trong giúp nhận biết và loại bỏ các tế bào bất thường. Các nhà nghiên cứu hiện đã xác minh, qua một số cơ chế, rằng trạng thái tâm trí của một người có tác động ngay lập tức và đáng kể đến sinh lý học của họ. Căng thẳng liên tục cũng được biết là góp phần gây ra các bệnh mạn tính. Ngay cả trạng thái cô đơn cũng có liên quan đến sự gia tăng đáng kể nguy cơ bị bệnh.

Nhà tâm lý học George L. Engel đã viết trong một bài viết đăng trên Tập san Science (Khoa học) rằng “mô hình tâm sinh lý xã hội” khắc phục những hạn chế của mô hình y sinh bằng cách nhấn mạnh sự tích hợp toàn diện và có hệ thống của các quan điểm sinh học, tâm lý và xã hội trong việc tìm hiểu sức khỏe và bệnh tật của con người. Mô hình này nhận ra tầm quan trọng của việc giải quyết nhu cầu tâm lý và các yếu tố xã hội của cá nhân.

Một mô hình mới nổi khác, “mô hình sinh thái” bao gồm một phạm vi rộng hơn. Viện Ung thư Quốc gia mô tả mô hình này là “sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố bên trong và xuyên suốt mọi cấp độ của một vấn đề sức khỏe. Mô hình nhấn mạnh sự tương tác của mọi người với môi trường vật chất và văn hóa xã hội trong đó.”

Mô hình này nghiên cứu mối quan hệ giữa tình trạng sức khỏe với môi trường nội và ngoại vi của cơ thể con người thông qua khái niệm hệ sinh thái.

Trong giai đoạn đầu, mô hình này tập trung vào môi trường ngoại vi, bao gồm các tác động của môi trường tự nhiên và xã hội đối với cơ thể con người. Trong các giai đoạn sau, mô hình đã nhận ra vai trò của môi trường nội vi bên trong cơ thể con người, nhấn mạnh việc duy trì sự cân bằng vi sinh vật bên trong. Tóm lại, mô hình sinh thái nhấn mạnh tính cần thiết về sự hợp nhất môi trường nội và ngoại vi nhằm mục đích đạt được sự hài hòa và điều hợp [trơn tru] vì sức khỏe lâu dài.

Mô hình sinh thái nhấn mạnh sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên và sự phối hợp bên trong của cơ thể con người, phù hợp với các nguyên tắc Trung y. Từ góc độ vĩ mô, Trung y tập trung vào tổng thể và sử dụng các phương pháp phân tích toàn diện để nghiên cứu các kết nối nội bộ trong cơ thể con người và mối quan hệ với môi trường nội và ngoại vi. Về bản chất, các mô hình y tế sinh thái và Trung y là tương thích.

Phương pháp tiếp cận của y học Tây phương thường tập trung vào điều trị cục bộ, có thể kết hợp với phương pháp điều chỉnh tổng thể và vĩ mô của Trung y để tăng hiệu quả điều trị ung thư và cải thiện sức khỏe tổng quát. Đây là một sự phát triển đầy hứa hẹn.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Wu Kuo-Pin
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bác sĩ Wu Kuo-pin (Ngô Quốc Bân) là giám đốc Phòng khám Trung y Tâm y đường, Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học chuyên ngành Trung y và lấy bằng cử nhân tại Đại học Trung Y ở Đài Loan.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn