Một hành trình đặc biệt: Tinh thần lạc quan bất chấp cái chết – Cuộc chiến 10 năm với căn bệnh ung thư gan

Ông Bob Lau, một người Mỹ gốc Hoa 75 tuổi cho biết: “Tôi đã cận kề với cái chết trong suốt cuộc đời mình, lần nào cũng thoát khỏi lưỡi hái của tử thần một cách kỳ diệu. Như thể có một sinh mệnh cao hơn đang dõi theo tôi và tôi không hề hối hận về cách sống của mình!” Từ vị trí lãnh đạo Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa đến khi bị đàn áp và bỏ tù, ông Bob đã trải qua ba lần vượt ngục đầy nguy hiểm trước khi từ Hồng Kông di cư đến Hoa Kỳ vào những năm 1970. Kể từ đó, ông đã làm việc không mệt mỏi để nuôi sống gia đình. Thật kỳ diệu, ông đã vượt qua lưỡi hái tử thần trong nhiều hoàn cảnh phi thường.

Mười năm trước, ông Bob được chẩn đoán bệnh ung thư gan và đang cận kề cái chết. Tuy nhiên, một cuốn sách đặc biệt có tên “Chuyển Pháp Luân” đã thay đổi quan điểm của ông về sự sống và cái chết, dẫn đến sự hồi phục đáng kinh ngạc. Năm ngoái, ông bị ung thư tái phát, nhưng ông đã chọn cách bình thản đối mặt với căn bệnh và nói rằng, “Tôi cảm thấy như mình không còn mang bất kỳ gánh nặng nào nữa. Tôi còn có những phước lành nào? Tôi không biết. Tôi phó mặc mọi thứ cho đức tin.” Trò chuyện với ông Bob, người ta thực sự có thể cảm nhận được cái nhìn cởi mở và thông tuệ của ông về cuộc sống.

Khối u gan hơn nắm tay: Dũng cảm đối mặt với thử thách sinh tử

Mười năm trước, vào một đêm giông bão, ông Bob lúc này 65 tuổi, nhận được một cuộc điện thoại từ bác sĩ đã khiến cuộc đời ông thay đổi sau đó. Bác sĩ thông báo rằng bệnh ung thư gan của ông đã đến giai đoạn tiến triển, với một khối u lớn hơn nắm tay, khoảng 13.5 cm. Nghĩ về thời khắc then chốt đó, ông Bob chia sẻ, “Sau khi nhận được cuộc gọi, tôi tin rằng nhiều người sẽ cảm thấy như đang đứng trên vực thẳm của sự suy sụp, như thể cuộc đời của họ sắp kết thúc. Tuy nhiên, ngay trong đêm đó, tôi đã làm hai việc. Đầu tiên, tôi tra cứu tuổi thọ của nhiều vị hoàng đế Trung Hoa thuộc các triều đại khác nhau. Thứ hai, tôi đọc ‘Chuyển Pháp Luân’, cuốn sách một người bạn đã tặng cho tôi.”

Khi biết rằng ngay cả các hoàng đế cũng có tuổi thọ khoảng 60 tuổi, ông Bob bày tỏ cảm giác hài lòng vì bản thân đã đạt đến độ tuổi đó.

Sau đó ông Bob bắt đầu đọc “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách được viết bởi Sư phụ Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công. Sách Chuyển Pháp Luân là cuốn sách soi đường chỉ lối cho các học viên đề cao đạo đức bản thân thông qua nguyên lý “chân, thiện và nhẫn” trong khi thực hành năm bộ công pháp nhẹ nhàng và uyển chuyển, cuối cùng đạt được sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau 28 năm xuất bản, cuốn sách đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng và đến tay hàng trăm triệu độc giả trên toàn thế giới.

Khi ông đọc những ví dụ do Sư phụ Lý Hồng Chí đưa ra trong sách “Chuyển Pháp Luân”, ông đột nhiên cảm thấy hiểu ra. Đại ý cuốn sách viết rằng:

“Xưa có một người bị trói trên giường. Người ta giữ cánh tay của anh này và nói rằng sẽ cắt tay anh ta chảy máu. Họ tiến hành bịt mắt anh ta lại và [giả vờ] rạch một đường trên cổ tay của anh (kỳ thực không có vết cắt hay chút máu nào.) Rồi họ mở vòi nước lên, người đàn ông nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt và nghĩ rằng đó là máu của mình đang rỉ xuống. Một lúc sau thì người đàn ông qua đời. Trên thực tế, anh ta không hề có vết cắt nào cả — đó chỉ là tiếng nước nhỏ giọt. Trạng thái tâm lý của anh ta đã dẫn tới cái chết của mình.”

Câu chuyện này đã có tác động sâu sắc đến ông. Ông hiểu rằng khối u mà ông đã chung sống trong nhiều năm không đột nhiên phát triển đến kích thước đó chỉ sau một đêm. Ông tự nhủ, “Nếu [khối u] đã chung sống hòa bình với cơ thể mình lâu như vậy mà không gây tổn hại gì thì tại sao bây giờ mình lại sợ khi biết đó là bệnh ung thư? Nhiều người tự sợ hãi đến mức chết.” Với nhận thức mới mẻ và sâu sắc này, ông quyết định buông bỏ gánh nặng trong tâm và dũng cảm đương đầu với những thử thách của cuộc sống. Bất chấp tiên lượng ban đầu của các bác sĩ là ông chỉ sống được ba tháng, ông đã băng qua mọi khó khăn và sống thêm mười năm một cách kỳ diệu.

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Ung thư Lâm sàng năm 2016 cho biết tập luyện Pháp Luân Công có thể giúp kéo dài thời gian sống thêm và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Nghiên cứu đã phân tích các báo cáo từ 406 bệnh nhân, trong đó có 152 bệnh nhân được các bác sĩ nói rằng có thời gian sống thêm dưới 12 tháng. Tuổi thọ trung bình dự kiến ​​của các bệnh nhân là 5.1 ± 2 tháng, rất phù hợp với dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Giám sát, Dịch tễ học và Kết quả cuối cùng của Viện Y tế Quốc gia, chứng tỏ độ tin cậy của các báo cáo này. Tính đến ngày báo cáo, thời gian sống sót thực tế của các bệnh nhân đã kéo dài đáng kể lên 56 ± 60.1 tháng.

Ông Bob có niềm tin riêng về việc điều trị ung thư, “Tôi biết rõ rằng các phương pháp điều trị Tây y liên quan đến việc liên tục loại bỏ các tế bào ung thư và hóa trị được ví như một ‘vũ khí có sức hủy diệt cao’ nhưng lại gây tổn hại đáng kể cho cơ thể. Sau khi trải qua liệu pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích một thời gian, tôi đã quyết định ngừng sử dụng do những tác hại đáng kể mà thuốc gây ra. Thật trùng hợp, một người bạn đã giới thiệu tôi thử ‘liệu pháp Gerson’, một phương pháp điều trị tự nhiên và thật ngạc nhiên, phương pháp đã mang lại kết quả khả quan.”

Ông Bob chia sẻ rằng ông đã duy trì được sức khỏe tốt trong suốt 10 năm qua nhờ thực hiện liệu pháp Gerson. Liệu pháp này chủ yếu tập trung vào ba khía cạnh: khẩu phần ăn uống, giải độc và sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng.

Về ăn uống, ông Bob ăn chay nghiêm ngặt, chủ yếu là các loại rau hữu cơ và nước ép tươi.

Để giải độc, ông kết hợp một phương pháp gọi là “thuốc xổ cà phê”, sử dụng tính chất acid của cà phê để kích thích thành ruột, tạo thuận lợi cho nhu động ruột, loại bỏ vi khuẩn có hại trong trực tràng và thúc đẩy quá trình thanh lọc toàn thân.

Ngoài ra, ông còn dùng các chất bổ sung dinh dưỡng theo liều lượng cụ thể hàng ngày, bao gồm vitamin A, B3 và C, cũng như các enzyme tụy, cùng những loại khác.

Trong suốt cuộc hành trình của ông, bà Bob đã vô cùng quan tâm, trợ giúp tích cực cho ông trong cuộc sống hàng ngày.

Ông Bob cũng thiết lập một thói quen nghiêm khắc trong cuộc sống của ông, bao gồm việc luyện tập năm bài công pháp Pháp Luân Công mỗi ngày. Tự coi mình là “một người bạn của Pháp Luân Công”, ông hết lòng ủng hộ niềm tin của các học viên Pháp Luân Công. Ông đề cập rằng ngay cả trước khi đọc “Chuyển Pháp Luân”, ông đã có ấn tượng tích cực về môn tập này và luôn thể hiện sự ủng hộ thông qua hành động của ông.

Mặc dù không coi mình là một học viên toàn tâm nhưng ông Bob vẫn bày tỏ lòng biết ơn đối với những lợi ích chữa bệnh kỳ diệu mà Pháp Luân Công đã mang lại cho cuộc sống của ông trong những năm qua. Một lợi ích đáng kể là sự thay đổi sâu sắc trong quan điểm của ông về cuộc sống khi ông đã vượt qua được nỗi sợ hãi về cái chết. Sự thay đổi thái độ này có thể chính là điều đã giúp ông đối mặt với mối đe dọa của cái chết mà không sợ hãi.

Giữ lấy thiện lương – Chọn cách không đổ trách nhiệm cho bác sĩ gia đình

Năm 2023, ông Bob biết được khối u trong gan của ông đã tái phát, gây đau đớn và khó chịu dữ dội. Bác sĩ gia đình của ông, người đã không theo dõi chặt chẽ sức khỏe của ông, đã xác định được một vấn đề trầm trọng trong lần kiểm tra gần đây. “Bệnh ung thư của tôi đã tái phát và khối u mới phát triển có kích thước 14.5 cm, thậm chí còn lớn hơn khối u trước đó. Một luật sư mà tôi quen đã tiếp cận tôi và đề nghị giúp đỡ, vì đây có vẻ là một trường hợp sơ suất y khoa khi bác sĩ gia đình không theo dõi tình trạng của tôi.”

Ông xua tay với luật sư, từ chối đưa vấn đề ra tòa. Ông nói: “Tôi không muốn kéo thêm người vào chuyện này. Kể cả nếu tôi thắng kiện thì mục đích là gì? Mạng sống của tôi quan trọng hơn tiền bạc. Tôi sẽ cảm thấy tội lỗi nếu điều đó gây ra hậu quả xấu cho bác sĩ. Vì vậy, tôi quyết định không theo đuổi.” Ngay cả khi đối mặt giữa sự sống và cái chết, ông vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến người khác.

Ông Bob (ngoài cùng bên phải) cùng vợ chia tay bạn bè và người thân tại sân bay Kai Tak khi họ nhập cư vào Hoa Kỳ cuối những năm 1970. (Được sự cho phép của ông Bob Lau)
Ông Bob (ngoài cùng bên phải) cùng vợ chia tay bạn bè và người thân tại sân bay Kai Tak khi họ nhập cư vào Hoa Kỳ cuối những năm 1970. (Được sự cho phép của ông Bob Lau)

Chấp nhận sự vô thường của cuộc sống, tin vào số mệnh con người

Ông Bob bị dày vò bởi cơn đau dữ dội, đến mức không thể ăn được. Vào tháng Ba năm nay, cơ thể ông đã đạt đến giới hạn của sự chịu đựng khiến ông phải nằm liệt giường. Khi ông bắt đầu sắp xếp công việc, thiết kế bia mộ, giải quyết các vấn đề kinh doanh và thảo luận về những mong muốn cuối cùng của mình với các con, một phương thuốc bất ngờ đã xuất hiện. Một người họ hàng đề nghị sử dụng cần sa để giảm đau và đưa cho ông một ít kẹo cần sa.

Ông Bob nhận thấy cần sa giúp ông giảm bớt cơn đau và phục hồi khả năng ăn uống, cuối cùng cứu sống ông. Nhận thấy tác dụng kép của cần sa vừa là thuốc giảm đau vừa là thuốc gây nghiện, ông Bob đã nhận được đơn thuốc cần sa và chỉ sử dụng thuốc vì đặc tính giảm đau. Ông mỉm cười nói, “Có lúc tôi tưởng như không còn lối thoát, tưởng như đã đi đến cuối cùng, nhưng rồi đột nhiên lại có hy vọng. Có lẽ thiên đường vẫn chưa sẵn sàng đón nhận tôi.”

Ông Bob nhớ lại một số trải nghiệm cận kề cái chết trong đời, điều này đã dạy ông đối mặt với thử thách qua lăng kính bình hòa hơn.

Ông hồi tưởng lại một ngày đặc biệt, ngày 31/08/1983. Khi đó, ông vừa mới có quốc tịch Hoa Kỳ và lòng tràn ngập niềm vui khi chuẩn bị trở về thăm gia đình. Ông đã mua vé máy bay trên chuyến bay 007 của Korean Airlines từ một công ty du lịch. Tuy nhiên, khi ông đến lấy vé, nhân viên đại lý đã đề nghị một phương án thay thế, “Ông có sẵn lòng đi chuyến bay muộn hơn không? Giá vé được giảm xuống $70. Ngày 31/08 rơi vào mùa cao điểm, trùng với kỳ nghỉ của sinh viên, trong khi ngày 01/09 đánh dấu sự bắt đầu của mùa thấp điểm.” Sau khi cân nhắc chốc lát, ông quyết định đổi chuyến bay sang ngày 01/09. Vì việc thay đổi ngày được thực hiện vào phút cuối và do liên lạc không thuận tiện như hiện nay nên vợ ông không hề biết về sự thay đổi trong kế hoạch chuyến đi của ông.

“Bạn có biết điều gì đã xảy ra không?” Ông Bob hỏi. “Chuyến bay mà tôi dự định đi, Chuyến bay 007 của Korean Air Lines, đã bị máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn hạ. Toàn bộ 269 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay đều thiệt mạng. Đó là một thảm kịch tàn khốc, và nếu tôi có mặt trên chuyến bay đó, chắc chắn tôi sẽ chết.”

Khi đó, các con của ông Bob vẫn còn rất nhỏ. Sau sự việc, vợ ông vô cùng lo lắng, lo sợ rằng sẽ không bao giờ được gặp lại chồng mình nữa. Sau khi biết tin ông đã quyết định đổi vé máy bay, gia đình ông đã được đoàn tụ vui vẻ. Ông Bob chia sẻ: “Những sự kiện này đã khiến tôi có niềm tin vững chắc vào số phận. Tử thân luôn hiện diện đâu đó trong suốt cuộc đời tôi.”

Điểm đến đầu tiên của ông bà Bob tại Hoa Kỳ—Hawaii. (Được sự cho phép của ông Bob Lau)
Điểm đến đầu tiên của ông bà Bob tại Hoa Kỳ—Hawaii. (Được sự cho phép của ông Bob Lau)

Đối với ông Bob, có vẻ như cứ mười năm lại có một thử thách lớn xảy ra. Một tình huống nguy hiểm khác xảy ra vào năm 1994 khi ông đột ngột mất thị lực sau khi bơi. Ông nhập viện ngay lập tức và được chẩn đoán bị bệnh viêm màng não virus. “Các bác sĩ không thể điều trị được bệnh của tôi và bệnh viện cũng không có thuốc chữa. Tôi nằm viện mười ngày và thật kỳ diệu, cơ thể tôi bắt đầu hồi phục và thị lực của tôi trở lại. Tôi không dựa vào bất kỳ phương pháp điều trị đặc hiệu nào để hồi phục. Đó thực sự là một phép lạ.”

Những trải nghiệm này càng khiến ông Bob tin tưởng hơn vào một số phận đã định trước, nơi mà những điều kỳ diệu luôn xảy ra khi chưa đến lúc ông phải ra đi. Vì vậy, ông không còn sợ hãi cái chết và càng trân trọng hơn mỗi ngày trong đời.

Trong suốt cuộc phỏng vấn, ông Bob luôn nở nụ cười như thể đang kể lại câu chuyện của người khác.

Ông nói, “Con gái tôi bảo tôi đừng rời đi, và tôi trấn an cháu rằng cuộc sống của mỗi người đều do số phận dẫn dắt. Tôi bảo con gái đừng lo lắng. Tôi không biết mình có thể trụ được bao lâu nhưng nếu còn sức, tôi rất muốn đi du lịch khắp thế giới bằng xe hơi. Ai là người hạnh phúc nhất? Đó không phải là người giàu có nhất, mà là người đón nhận sự sống và cái chết một cách thanh thản. Tôi không hề sợ hãi khi thảo luận về chủ đề cái chết. Trên thực tế, tôi đã thuê người thiết kế bia mộ cho mình. Thiết kế rất đơn giản—một bông hoa sen, tượng trưng cho sự siêu việt khỏi những bụi trần. Đó là triết lý sống của tôi.”

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Jenny Zeng
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn