Hướng dẫn cơ bản về bệnh viêm mũi dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

Viêm mũi dị ứng, là tình trạng dị ứng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% số người tại một thời điểm nào đó trong đời và ước tính khoảng 40 đến 60 triệu người Mỹ [bị căn bệnh này].

Viêm mũi dị ứng phát triển khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các yếu tố trong môi trường và ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bệnh nhân. [Việc xác định] chẩn đoán viêm mũi dị ứng thường đơn giản vì các triệu chứng xuất hiện thường xuyên mỗi khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh từ môi trường.

Hai dạng viêm mũi dị ứng thường gặp là gì?

Có hai loại viêm mũi dị ứng, tùy thuộc vào thời gian xuất hiện của triệu chứng và nguyên nhân gây nhạy cảm. Hai loại đó là:

Theo mùa: Các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa thường xảy ra vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu mà không phải quanh năm. Các nguyên nhân gây dị ứng thông thường bao gồm tiếp xúc với các yếu tố như nấm mốc trong không khí và phấn hoa từ cây, cỏ và cỏ dại.

Lâu năm: Các triệu chứng viêm mũi dị ứng lâu năm thường xảy ra quanh năm. Dị nguyên thường là mạt bụi, lông thú nuôi, nấm mốc, gián, dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm không xác định. Thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân nhưng ít phổ biến hơn so với các nguyên nhân khác.

Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của viêm mũi dị ứng là gì?

Khi một người tiếp tục tiếp xúc với chất gây dị ứng, các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường gặp sau đây là:

  • Chảy nước mũi, ngứa hoặc nghẹt mũi.
  • Chảy nước mắt, ngứa hoặc đỏ mắt.
  • Sưng hoặc hơi xanh, xuất hiện vết thâm dưới mắt.
  • Hắt xì.
  • Ho.
  • Chất nhầy nhỏ giọt sau mũi ở phía sau cổ họng.
  • Mệt mỏi do ngủ không ngon giấc.

Vì nhiều tình trạng bệnh lý và bệnh tật có thể gây ra nhiều triệu chứng nêu trên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bắt đầu xuất hiện một vài triệu chứng như trên để loại trừ các nguyên nhân khác, đặc biệt nếu bạn không thấy giảm triệu chứng.

Nếu bạn đang thắc mắc liệu các triệu chứng bạn gặp phải là do viêm mũi dị ứng hay do bệnh khác, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chăm sóc sức khỏe có chuyên môn.

Nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là do bệnh nhân liên tục tiếp xúc với chất gây dị ứng. Khi khoang mũi tiếp xúc với chất gây dị ứng này, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch và các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Hệ miễn dịch xem những dị nguyên này là có hại và tạo ra một loại protein gọi là immunoglobulin E (IgE) để bảo vệ bản thân khỏi chất gây dị ứng. Kháng thể IgE sẽ chuyển đến tế bào mast, một loại bạch cầu [chuyên] phóng thích các hóa chất như histamine, tạo ra một dòng phản ứng miễn dịch. Do đó, khi mức độ tiếp xúc của bệnh nhân với các chất gây dị ứng tăng lên, nồng độ IgE sẽ tăng lên và các triệu chứng viêm mũi dị ứng bắt đầu [xuất hiện].

Hướng dẫn cơ bản về bệnh viêm mũi dị ứng: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Khi tiếp xúc nhiều lần với chất gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE), kích hoạt tế bào mast (bạch cầu) phóng thích histamine để chống lại chất gây dị ứng. Quá trình này dẫn đến các triệu chứng viêm mũi dị ứng. (Ảnh minh họa từ Shutterstock/Thiết kế bởi The Epoch Times)

Ai dễ bị bệnh viêm mũi dị ứng?

Các nghiên cứu đã xem xét tác nhân kích thích di truyền và môi trường đối với bệnh viêm mũi dị ứng. Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn nhưng nghiên cứu [hiện tại] cho thấy cả [yếu tố] di truyền và môi trường đều làm tăng khả năng phát triển căn bệnh này.

Các yếu tố sau đây được cho là làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm mũi dị ứng:

  • Bị dị ứng khác, hen suyễn hoặc bệnh chàm.
  • Bị viêm da cơ địa.
  • Có tiền sử gia đình bị bệnh dị ứng, hen suyễn hoặc bệnh chàm.
  • Sống hoặc làm việc trong môi trường có nhiều phấn hoa, mạt bụi, lông động vật, hoặc nấm mốc.
  • Tiếp xúc với khói và mùi mạnh gây kích ứng khoang mũi.
  • Tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong năm đầu đời.
  • Là bé trai, mặc dù phụ nữ có vẻ dễ bị viêm mũi dị ứng hơn nam giới một chút.
  • Thuộc hai chủng tộc trở lên, đặc biệt là da đen và trắng.
  • Sinh ra vào mùa phấn hoa hoạt động mạnh.
  • Có trình độ học vấn cao hơn. Những người có trình độ học vấn cao dường như có tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao hơn những người có trình độ học vấn thấp hơn.

Bệnh viêm mũi dị ứng được chẩn đoán như thế nào?

Nếu một người đang có triệu chứng viêm mũi dị ứng, các xét nghiệm tiếp theo có thể xác nhận hoặc loại trừ chẩn đoán. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm da, bôi các tác nhân gây dị ứng lên da (thường ở vùng cẳng tay hoặc lưng) và quan sát các phản ứng [của bệnh nhân].

Các xét nghiệm về viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm chích da: Bác sĩ sẽ nhỏ dung dịch nước có chứa chất gây dị ứng lên những điểm khác nhau trên da. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kim chích vào da để chất gây dị ứng có thể xâm nhập vào bề mặt da dễ dàng hơn. Các vết sưng đỏ thường xuất hiện ở những vị trí được thử nghiệm khi tiếp xúc với chất gây dị ứng gây viêm mũi dị ứng.
  • Xét nghiệm vết xước hoặc vết cạo trên da: Tương tự như xét nghiệm chích da, bác sĩ sẽ chà xát chất gây dị ứng lên da để chất gây dị ứng có thể xâm nhập vào các lớp da dễ dàng hơn. Nếu xét nghiệm chích da không kết luận [chẩn đoán] được, có thể sử dụng xét nghiệm gãi hoặc cạo da, cho phép chất gây dị ứng xâm nhập vào những lớp mô sâu hơn so với xét nghiệm chích.
  • Xét nghiệm trong da: Bác sĩ sẽ chích dung dịch gây dị ứng vào da. Bác sĩ thường dùng xét nghiệm nếu bệnh nhân có phản ứng dị ứng yếu hơn đối với các tác nhân kích hoạt hoặc các phương pháp xét nghiệm khác (như xét nghiệm trên da) không cho thấy phản ứng rõ ràng.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ lấy máu để đo kháng thể IgE. Nếu một người bị dị ứng, nồng độ kháng thể IgE sẽ cao hơn. Tuy nhiên, vì nồng độ kháng thể lưu hành IgE cao hơn có thể là do một số nguyên nhân [khác] (như hút thuốc hoặc nhiễm trùng) nên không thể sử dụng xét nghiệm này để chẩn đoán [viêm mũi dị ứng]. Thay vào đó, xét nghiệm này cho thấy khả năng một người bị dị ứng viêm mũi dị ứng là khá cao. Người ta cũng thường thực hiện xét nghiệm máu nếu xét nghiệm da có nhiều rủi ro.
  • Xét nghiệm kích thích: Bác sĩ sẽ bôi chất gây dị ứng vào niêm mạc khoang mũi. Khi làm xét nghiệm viêm mũi dị ứng, có thể bôi phấn hoa cỏ và sau đó bác sĩ sẽ đợi để quan sát bất kỳ phản ứng nào. Các phản ứng thông thường có thể bao gồm hắt hơi, nghẹt mũi và chảy nước mắt. Người ta thường thực hiện các xét nghiệm này nếu bệnh nhân không có phản ứng dị ứng đủ mạnh đối với xét nghiệm da và thường được xem là giải pháp cuối cùng.

Các biến chứng của viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng có thể gây ra một số biến chứng tiềm ẩn, trong đó những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất là hệ hô hấp và tiền đình.

Một số biến chứng cấp tính phổ biến nhất bao gồm:

1. Viêm xoang

Viêm xoang có thể là biến chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng và thường liên quan đến viêm niêm mạc xoang. Thông thường, chất nhầy chảy qua mũi và quá trình này bị suy giảm khi niêm mạc xoang bị viêm.

Các triệu chứng của viêm xoang bao gồm:

  • Chất dịch có màu chảy ra từ mũi.
  • Nghẹt mũi.
  • Đau ở má, răng hàm trên, mắt và/hoặc trán.
  • Sốt.
  • Đau đầu do xoang.
  • Khứu giác suy giảm.
  • Hơi thở hôi.

2. Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là nhiễm trùng vùng tai giữa, có thể xảy ra do viêm mũi dị ứng gây viêm ở tai giữa kèm theo tích tụ chất lỏng phía sau màng nhĩ. Biến chứng này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ khi triệu chứng viêm mũi dị ứng trầm trọng hơn, [nguyên nhân] có thể là do ống Eustachian bị viêm và tắc nghẽn, khiến chất lỏng ứ đọng trong tai giữa.

Các triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa bao gồm:

  • Đau tai.
  • Sốt.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm thính lực nhẹ.

3. Polyp mũi

Polyp mũi đôi khi có thể hình thành do viêm mũi dị ứng kéo dài. Những polyp này là do mô bị viêm mạn tính phát triển thành hình dạng giống quả nho. Polyp mũi có thể xuất hiện ở niêm mạc mũi hoặc xoang. Mặc dù polyp mũi thường không gây ra vấn đề [trầm trọng] nhưng những polyp lớn có thể chèn ép hệ thống thoát nước của xoang, dẫn đến nhiễm trùng xoang, xương xoang, mắt hoặc thậm chí là não (viêm màng não).

4. Giảm chất lượng cuộc sống

Chất lượng cuộc sống giảm sút do các hoạt động hàng ngày bị gián đoạn và giảm năng suất cũng có thể là biến chứng tiềm ẩn của viêm mũi dị ứng. Các triệu chứng viêm mũi dị ứng cũng có thể làm rối loạn chất lượng giấc ngủ, dẫn đến tăng tỷ lệ mệt mỏi và giảm chất lượng cuộc sống.

5. Các bệnh hô hấp khác trở nên trầm trọng hơn

Đối với những người đang gặp khó khăn với các biến chứng hô hấp khác như hen suyễn, tình trạng viêm do viêm mũi dị ứng có thể khiến việc hô hấp trở nên khó khăn hơn. Các triệu chứng của những bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc xơ nang cũng có thể trở nên nặng hơn do viêm mũi dị ứng.

Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng là gì?

Các phương pháp điều trị bệnh viêm mũi dị ứng khác nhau tùy vào mức độ trầm trọng của các triệu chứng và mong muốn điều trị của mỗi người. Các cách điều trị thông thường bao gồm nhiều loại thuốc khác nhau để trợ giúp kiểm soát triệu chứng. Một số loại thuốc phổ biến nhất bao gồm:

1. Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin giúp cơ thể giảm bớt tác dụng của histamin (chất hóa học tích tụ trong cơ thể khi có phản ứng dị ứng). Có nhiều loại thuốc kháng histamin an thần và không an thần, trong đó thuốc không an thần ít gây buồn ngủ hơn. Thuốc kháng histamin có tác dụng tốt nhất nếu được dùng để phòng ngừa trước khi xuất hiện các triệu chứng, vì thuốc này giúp ngăn chặn các thụ thể của tế bào mast phóng thích histamin. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin vẫn sẽ có tác dụng nếu dùng thường xuyên sau khi xuất hiện các triệu chứng.

Các tác dụng phụ thường gặp của việc dùng thuốc kháng histamin để điều trị viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:

  • Khô miệng.
  • Táo bón.
  • Buồn ngủ.
  • Bồn chồn.
  • Thay đổi [tần suất] đi tiểu.

2. Thuốc thông mũi

Thuốc thông mũi là một loại thuốc khác có thể giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng như nghẹt mũi. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách làm giảm độ rộng của mạch máu trong mũi, giúp giảm lượng chất dịch có thể thoát ra khoang mũi.

Tác dụng phụ tiềm ẩn của việc dùng thuốc thông mũi để điều trị viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:

  • Bồn chồn.
  • Tăng nhịp tim.
  • Viêm mũi tái phát, khi dùng thuốc thông mũi dạng xịt kéo dài sẽ dẫn đến tăng mức dung nạp thuốc, đòi hỏi phải sử dụng thường xuyên hơn để có tác dụng tương tự và cuối cùng làm cho tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn.

3. Steroid

Steroid mũi là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh viêm mũi dị ứng, vì loại thuốc này giúp giảm viêm ở mũi. Cần sử dụng steroid thường xuyên để có hiệu quả, [thích hợp cho] những người có triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm. Steroid mũi có cả dạng lỏng và dạng bột khô.

Các tác dụng phụ tiềm ẩn của việc dùng steroid mũi để điều trị viêm mũi dị ứng có thể bao gồm:

  • Khô hoặc nóng rát ở mũi.
  • Chảy máu cam.
  • Tăng áp lực nội nhãn ở người bị glaucoma.

Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến viêm mũi dị ứng như thế nào?

Mặc dù dị ứng xảy ra do tiếp xúc với một chất gây dị ứng cụ thể, nên đây xem như là phản ứng sinh lý của hệ miễn dịch, nhưng các yếu tố tâm lý đôi khi có thể làm nặng thêm triệu chứng.

Lối suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm mũi dị ứng, vì mức độ căng thẳng gia tăng làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng. Vì căng thẳng khuếch đại các phản ứng cảm xúc, nghiên cứu cho thấy các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn khi mức độ căng thẳng cao hơn. Mặc dù vẫn chưa hiểu được cơ chế chính xác, nhưng người ta cho rằng mức hormone căng thẳng gia tăng khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức so với những người có thể giữ bình tĩnh.

Một phần của phản ứng sinh lý này có liên quan đến thực tế là cả căng thẳng và phản ứng miễn dịch đều có ảnh hưởng đến thể chất. Khi cơ thể cảm thấy căng thẳng, các hormone gây căng thẳng sẽ được phóng thích, khiến cơ thể rơi vào trạng thái chống hoặc chạy. Nếu tình trạng này trở thành mạn tính, có thể gây tổn hại cho hệ miễn dịch, làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng liên quan đến viêm mũi dị ứng. Điều này cho thấy việc duy trì lối suy nghĩ tích cực có thể giúp giảm các triệu chứng.

Một mối liên quan thú vị khác giữa lối suy nghĩ và viêm mũi dị ứng là nghiên cứu xung quanh việc gia tăng tỷ lệ xúc động, lo lắng và rối loạn ăn uống ở những người bị dị ứng suốt đời. Vì dị ứng có thể làm tăng lo lắng và căng thẳng về tâm lý, dẫn đến gia tăng rối loạn cho nhiều người bị dị ứng. Ngoài ra, các hormone do não tiết ra để phản ứng với căng thẳng sẽ làm thay đổi và ức chế hoạt động bình thường của hệ miễn dịch, khiến các triệu chứng dị ứng trở nên nặng hơn.

Mối liên quan giữa rối loạn ăn uống và dị ứng cần được nghiên cứu thêm; tuy nhiên, người ta đoán có tồn tại mối liên hệ này bởi vì sự gia tăng lượng protein gây viêm được tiết ra trong cơ thể (do căng thẳng) đi kèm với việc giảm lượng ăn.

Nghiên cứu này cho thấy những người đang bị viêm mũi dị ứng và các bệnh dị ứng khác có thể hưởng lợi từ việc chăm sóc và điều trị tâm lý dự phòng để củng cố sức khỏe tinh thần và giảm tái phát triệu chứng và/hoặc sự phát triển của các rối loạn tâm thần khác.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với viêm mũi dị ứng là gì?

Có một số giải pháp tự nhiên giúp giảm bớt triệu chứng viêm mũi dị ứng. Nếu một người biết chất nào gây ra các triệu chứng dị ứng thì việc không tiếp xúc với chất đó (nếu có thể) là điểm khởi đầu tốt. Nếu bạn không chắc chắn về tác nhân [gây dị ứng], có thể thử một số phương pháp tự nhiên.

1. Ăn kiêng

Bởi vì hầu hết hệ miễn dịch [của cơ thể] nằm tại ruột nên việc cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể giúp giảm một số triệu chứng. Nếu bạn biết [cơ thể] mình nhạy cảm với một số loại thực phẩm, hãy tránh ăn những thực phẩm đó để xem liệu sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch của bạn có cải thiện hay không. Ngoài ra, việc bổ sung các nguồn thực phẩm chứa nhiều men vi sinh, như sữa chua và thực phẩm lên men, có thể giúp củng cố lợi khuẩn có sẵn trong ruột.

Ngoài ra, việc bổ sung các loại thảo mộc, thực phẩm và vitamin [có đặc tính] chống oxy hóa và chống viêm có thể cải thiện hệ miễn dịch và giảm các cơ chế gây viêm trong cơ thể. Giảm tình trạng viêm sẽ tác động tích cực đến những người bị viêm mũi dị ứng bằng cách làm dịu hệ miễn dịch. Việc bổ sung các thực phẩm dồi dào omega-3 như cá hồi và cá cơm, sẽ giúp giảm các triệu chứng vì những thực phẩm này có khả năng chống viêm mạnh mẽ.

2. Môi trường

Làm sạch không khí bằng cách giảm bụi, lông thú nuôi và phấn hoa trong nhà có thể giúp những người bị dị ứng với [các thành phần trong] môi trường. Nếu bạn sống ở nơi có nhiều phấn hoa, việc đóng cửa ra vào và cửa sổ có thể giúp kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra, thường xuyên làm sạch cơ thể (da và tóc), cũng như quần áo và khăn trải nói chung, có thể giúp giảm tiếp xúc với chất gây dị ứng. [Sử dụng] máy lọc không khí cũng là một cách hiệu quả để lọc các chất ô nhiễm và chất gây dị ứng từ không khí.

3. Châm cứu

Một số nghiên cứu ban đầu cho thấy phương pháp điều trị bằng châm cứu có thể giúp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng. Vì châm cứu có lợi ích củng cố khả năng miễn dịch nên [có thể] giúp kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng.

4. Rửa mũi bằng nước muối

Rửa bằng nước muối làm ẩm đường mũi và giảm nghẹt mũi. Mặc dù có thể mất công một chút nhưng nhiều người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhờ phương pháp này. Bạn có thể sử dụng bóng xịt mũi (bulb syringe) hoặc bình rửa mũi (neti pot) để rửa mũi. Bạn có thể mua bộ dụng cụ làm sẵn hoặc tự pha dung dịch gồm 1 lít nước (chưng cất, đóng chai hoặc đun sôi, sau đó để nguội để tránh chất bẩn), 1.5 muỗng cà phê muối hột và 1 muỗng cà phê muối nở.

5. Cây bơ gai

Loại cây bụi này đã được sử dụng từ thời Trung Cổ để điều trị nhiều bệnh khác nhau, kể cả bệnh dịch hạch. Cây này thường được dùng để điều trị bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng, và trong khi một bài tổng quan năm 2007 cho thấy cây bơ gai có khả năng điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa, các tác giả nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu thêm do có thể [tồn tại] mâu thuẫn lợi ích trong việc tài trợ cả ba nghiên cứu.

6. Tảo xoắn (Spirulina)

Loại tảo xanh lam này đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng vào năm 2008. Trong số 129 người tham gia nghiên cứu đã ghi lại nhật ký điều trị của họ một cách chính xác, 85 người dùng viên Spirulina và 44 người dùng giả dược. [Nghiên cứu] xác định tảo xoắn có lợi ích đáng kể về mặt lâm sàng so với giả dược, giúp cải thiện các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa, chảy nước mũi và hắt hơi.

8. Dây Thần thông (Tinospora Cordifolia)

Xuất xứ từ Ấn Độ, một thử nghiệm lâm sàng cho thấy loại thảo dược Ayurveda này có tác dụng rất tốt. [Trong thử nghiệm này], 75 người tham gia dùng giả dược hoặc dây Thần thông trong hai tháng và 83% người cho biết tình trạng hắt hơi đã cải thiện 100%. Các triệu chứng nghẹt mũi, ngứa cũng cải thiện đáng kể.

Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa viêm mũi dị ứng?

Mặc dù không có cách nào bảo đảm [có thể] ngăn chặn hoàn toàn bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng bạn có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Một số giải pháp tối ưu giúp giảm nguy cơ bị viêm mũi dị ứng liên quan đến môi trường và lối sống, bao gồm:

  • Bẫy phấn hoa: Ngăn phấn hoa xâm nhập vào khoang mũi và/hoặc mắt bằng cách bôi sáp dầu khoáng dưới mũi và/hoặc đeo kính bảo vệ mắt có thể giúp ích.
  • Quản lý môi trường [xung quanh] bạn: Đóng cửa sổ và cửa ra vào, giữ nhà cửa sạch sẽ và có bộ lọc không khí hiệu quả đều có thể giúp kiểm soát việc tiếp xúc với chất gây dị ứng.
  • Quản lý căng thẳng: Giảm tiếp xúc với các tình huống căng thẳng cao độ có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng bằng cách giảm hormone gây căng thẳng.
  • Giảm viêm: Giảm viêm bằng cách hạn chế thực phẩm gây viêm, áp dụng thói quen sinh hoạt có lợi và phòng bệnh sẽ giúp giảm triệu chứng.

Bài viết đã được bác sĩ Beverly Timeding xem xét về mặt y tế.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jordan Stachel
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Jordan Stachel là chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề ở cơ sở phòng khám tư nhân, nơi cô giúp khách hàng qua việc cung cấp thông tin dinh dưỡng dựa trên bằng chứng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn