Liệu pháp Ozone chữa trị hiệu quả nhiều căn bệnh

Liệu pháp ít được biết đến này đang được 40,000 bác sĩ và nha sĩ ở hơn 50 quốc gia sử dụng rộng rãi, từ thoát vị đĩa đệm, nhiễm trùng nội nha đến bệnh Lyme, và hầu như không có tác dụng phụ.

Cho đến đầu thế kỷ này, liệu pháp ozone vẫn là “bí mật y tế được giấu kín nhất” ở Bắc Mỹ. Đây là điều đáng tiếc vì liệu pháp ozone có thể là giải pháp mạnh, an toàn và tiết kiệm chi phí giúp nâng cao sức khỏe, thuyên giảm nhiều loại bệnh gây đau đớn và tàn tật.

Việc sử dụng ozone rộng rãi trong y tế xuất hiện lần đầu tiên ở Đức vào đầu những năm 1950 và lan tỏa trên khắp châu Âu kể từ đó. Trong Đệ nhất thế chiến, liệu pháp ozone được dùng để điều trị vết thương bị nhiễm trùng, nhưng sau đó ozone đã bị ngành công nghiệp dược phẩm che giấu vì mục đích đẩy mạnh thuốc kháng sinh. Với số lượng ngày càng tăng của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, giờ đây chúng ta có nhu cầu cấp thiết về các thuốc chống nhiễm trùng mạnh mẽ hơn để tiêu diệt những siêu vi khuẩn này trước khi vi khuẩn có thể giết chúng ta.

Do khả năng khử trùng vượt trội của ozone, ứng dụng công nghệ phổ biến nhất của ozone là lọc nước. Đối với khả năng khử trùng, ozone mạnh gấp 1,000 lần so với chlorine, đó là lý do tại sao hơn 600 thành phố của Hoa Kỳ sử dụng ozone trong các cơ sở lọc nước.

Giống như liệu pháp oxy cao áp, liệu pháp ozone khai thác khả năng chữa bệnh của oxy. Ozone đặc biệt ở chỗ dễ sản xuất và hầu như không có độc tính, trở thành lựa chọn khả thi cho cả điều trị và phòng ngừa bệnh tật.

Nhưng chờ đã – Ozone không nguy hiểm sao?

Có và không. Điều này phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc và các chất trộn chung với ozone. Các bác sĩ y học thực chứng thường thận trọng trước các phương pháp điều trị mà họ không quen thuộc và nhiều cảnh báo về “mối nguy hiểm” của ozone, phần lớn phát sinh từ sự thiếu hiểu biết và những lầm tưởng trước đó.

Ozone y tế khác với ozone khí quyển. Ở mặt đất, ozone khí quyển phản ứng với khí thải tự nhiên và công nghiệp của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và nitrogen oxide (NOx) khi có nhiệt và ánh sáng mặt trời, và những sản phẩm phản ứng này không tốt cho việc hít thở. Không phải là ozone mà là các tác nhân độc hại hình thành trong các phản ứng này mới gây hại cho phổi.

May mắn thay, cơ thể có cơ chế tự nhiên để cảnh báo rằng bạn đang hít vào quá nhiều ozone: Đó là ho. Bạn sẽ ho rất lâu trước khi phổi bị tổn thương.

Tương tự như tập thể dục, ozone là chất oxy hóa. Liệu pháp ozone tương tự như tập thể dục ở chỗ đem lại lợi ích sức khỏe bằng cách tạo ra mức độ căng thẳng oxy hóa vừa phải, buộc cơ thể kích hoạt hệ thống chống oxy hóa của bản thân. Điều này cũng đúng với liệu pháp vitamin C, trong đó vitamin đóng vai trò là chất oxy hóa hoặc chất chống oxy hóa tùy vào liều lượng.

Tập thể dục giúp tăng sức mạnh cơ bắp bằng cách gây ra “tổn thương” oxy hóa, khiến cơ trở nên mạnh hơn để đáp ứng [với kích thích]. Tương tự như vậy, máu tiếp xúc với ozone trải qua căng thẳng oxy hóa tạm thời, cần cho việc kích hoạt các chức năng sinh học quan trọng mà không gây tác dụng bất lợi. Cũng giống như tập thể dục và bổ sung vitamin C liều cao, cần ở trong khoảng vừa phải: Bạn cần đủ căng thẳng để tạo ra hiệu quả, nhưng không quá nhiều đến mức lấn át hệ thống chống oxy hóa tự nhiên của bạn.

Enzyme chính trong liệu pháp ozone là superoxide dismutase (SOD). SOD kích thích một loại enzyme khác gọi là telomerase, có vai trò giữ cho DNA luôn trẻ trung bằng cách duy trì telomere ở cuối mỗi chuỗi DNA. Một nghiên cứu liên quan đến những người bị thoát vị đĩa đệm đã phát hiện rằng liệu pháp ozone giúp bảo vệ khỏi quá trình oxy hóa, cũng như giảm đau.

Sự thật là ozone trị liệu có mức độ an toàn vô cùng tốt và không có tác dụng độc hại nào được quan sát thấy nếu được chỉ định đúng trên lâm sàng. Trên thực tế, các bác sĩ có kinh nghiệm báo cáo rằng ozone an toàn hơn nhiều so với thuốc theo toa, vốn khiến 290 người tử vong mỗi ngày chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ – và đó chỉ là ước tính thận trọng. Tác dụng phụ hiếm khi xảy ra với liệu pháp ozone, nhưng bệnh nhân thỉnh thoảng báo cáo tình trạng hơi yếu, chóng mặt hoặc buồn ngủ một thời gian ngắn trong hoặc sau khi điều trị. Phản ứng dị ứng da (như nổi mề đay) có thể xảy ra khi sử dụng ozone tại chỗ, mặc dù những trường hợp này hiếm gặp, nhẹ và nhanh chóng hồi phục.

Tại nơi bị nhiễm trùng, luôn có khả năng xảy ra phản ứng chết dần (phản ứng Herxheimer), mặc dù một số chuyên gia báo cáo rằng ozone ít gây phản ứng Herxheimer hơn so với các chất chống nhiễm trùng khác.

Có một số chống chỉ định. Ở nồng độ thấp, ozone có tác dụng giảm đông máu vừa phải, vì vậy nên ngừng sử dụng các loại thuốc làm giảm đông máu (thuốc chống đông máu, aspirin, v.v…) trong quá trình điều trị bằng ozone. Ozone có lẽ không phải là phương pháp tốt nhất cho những người bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, đột quỵ xuất huyết hoặc ngập máu não.

Các ống dẫn bơm oxy đến và tạo ra ozone. Khử trùng thực phẩm bằng ozone. (Ảnh: Avelina/Shutterstock)
Các ống dẫn bơm oxy đến và tạo ra ozone. Khử trùng thực phẩm bằng ozone. (Ảnh: Avelina/Shutterstock)

Ozone giúp giảm đau, tiêu diệt virus và là chất thải độc mạnh mẽ

Danh sách các ứng dụng trị liệu của ozone đã phát triển vượt xa những đặc tính khử trùng, vốn được biết đến đầu tiên. Cho đến nay, [bằng chứng] khoa học cho thấy ozone mang lại những lợi ích trị liệu sau:

  1. Tăng tuần hoàn.
  2. Cải thiện khả năng hấp thu và sử dụng oxy, kích hoạt các quá trình phụ thuộc vào oxy; tối đa hóa quá trình oxy hóa và chống oxy hóa; điều chỉnh lại quá trình hô hấp của ty thể và tạo ra năng lượng tế bào lớn hơn.
  3. Thải độc mạnh mẽ là một chức năng chính của ozone; loại bỏ các chất độc (bao gồm dầu hóa chất) làm suy yếu quá trình hô hấp của tế bào, sản xuất năng lượng và hấp thụ chất dinh dưỡng; kích thích các quá trình trao đổi chất ở gan và thận.
  4. Tăng hiệu suất hoạt động của hệ thống enzyme chống oxy hóa của cơ thể.
  5. Điều chỉnh hệ miễn dịch; tăng sản xuất bạch cầu, interferon và interleukin-2; kích hoạt miễn dịch tế bào và dịch thể, điều chỉnh các quá trình tự miễn dịch.
  6. Chống viêm tác dụng nhanh: oxy hóa các hợp chất kích thích quá trình viêm, điều chỉnh các phản ứng trao đổi chất và cải thiện độ pH.
  7. Giảm đau: oxy hóa các tác nhân kích thích đầu dây thần kinh ở mô bị tổn thương, do đó làm giảm phản ứng đau.
  8. Chống nhiễm trùng (kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm); tiêu diệt vi khuẩn bằng cách phá vỡ màng tế bào.
  9. Chống ung thư: kích thích sản xuất yếu tố hoại tử khối u.
  10. Tác dụng chống lão hóa (tăng sản xuất telomerase).

Những đặc tính này khiến liệu pháp ozone y tế trở thành một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đối với tất cả các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả những vùng cơ thể thường có ít mạch máu. Ozone đã được chứng minh là có hiệu quả đối với nhiễm trùng xoang và nhiễm trùng nội nha, hoại tử xương hàm (ONJ), nhiễm trùng tai, viêm gan, viêm bàng quang, HIV, nhiễm trùng đường ruột và máu cũng như bệnh Lyme.

Ozone cũng đang được dùng để giảm viêm khớp, bệnh lý thần kinh, thoái hóa khớp và bệnh đĩa đệm, đau cơ xơ hóa và mệt mỏi mạn tính. Một trong những ứng dụng dựa trên bằng chứng ấn tượng nhất là giảm đau do thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là thắt lưng. Nhiều phân tích gộp cho thấy điều trị bằng ozone là quy trình hiệu quả và “vô cùng an toàn” với kết quả giảm đau và chức năng tương đương hoặc tốt hơn so với phẫu thuật, nhưng có tỷ lệ biến chứng thấp hơn nhiều (dưới 0.1%) và thời gian phục hồi ngắn hơn đáng kể.

Tiến sĩ Robert Rowen, chuyên gia hàng đầu về liệu pháp oxy hóa, báo cáo rằng ozone có hiệu quả khoảng 85% đối với bệnh viêm xương khớp gối và gần như hiệu quả đối với bệnh viêm khớp hông khi chích.

Đối với bệnh lý thần kinh, một nghiên cứu cho thấy một liều chích ozone dưới da giúp giảm đau và viêm thần kinh ở chuột. Liệu pháp ozone cũng mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân đau cơ xơ hóa: Nghiên cứu thí điểm cho thấy sự cải thiện các triệu chứng thể chất và triệu chứng trầm cảm của hội chứng đau xơ cơ.

Áp dụng liệu pháp ozone đúng cách cũng có lợi cho tim bằng cách cải thiện tuần hoàn và cung cấp oxy. Độ nhớt của máu giảm giúp tim bơm máu dễ dàng hơn và cải thiện tưới máu mao mạch. Các tế bào hồng cầu có khả năng cung cấp oxy đến các mô tốt hơn, lợi ích này dường như vẫn tồn tại lâu dài sau khi kết thúc quá trình điều trị. Tình trạng viêm cũng giảm, đưa đến sự hình thành nitric oxide tốt hơn giúp làm thông thoáng và giảm xơ cứng mạch máu, đồng thời cải thiện lưu thông máu. Ozone cũng được cho là làm giảm tình trạng xơ vữa động mạch qua quá trình oxy hóa.

Cũng có những lợi ích tiềm ẩn đối với chứng thoái hóa điểm vàng, trong đó các tác giả viết rằng liệu pháp ozone là “lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả cho những bệnh nhân có nguy cơ cao bị AMD thể khô (thoái hóa điểm vàng nặng).” Để biết danh sách toàn diện về các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến việc sử dụng ozone trong y tế, hãy tham khảo cơ sở dữ liệu này trên Zotero.

Một ly nước đá được ozone hóa bằng đá ozone hình tròn. (Ảnh: Zenith/Shutterstock)
Một ly nước đá được ozone hóa bằng đá ozone hình tròn. (Ảnh: Zenith/Shutterstock)

Liệu pháp ozone liên quan đến khí

Khi bạn nghĩ đến thuốc xổ, có thể bạn sẽ nghĩ đến chất lỏng, nhưng ozone có thể được đưa vào bất kỳ lỗ nào trên cơ thể ở dạng khí. Ozone thực sự tương thích với một số thiết bị truyền thuốc:

  • MiAHT (liệu pháp chích máu tự thân lượng nhỏ): Máu [bệnh nhân] được hút vào một ống tiêm, trộn với hỗn hợp ozone và oxy, sau đó đưa trở lại cơ thể qua chích bắp.
  • MAH (liệu pháp chích máu tự thân lượng lớn): Máu được lấy từ bệnh nhân qua đường tĩnh mạch, trộn với ozone và một lượng nhỏ chất chống đông máu, sau đó đưa trở lại cơ thể qua đường tĩnh mạch.
  • Liệu pháp prolozone: Ozone được chích trực tiếp vào các mô; những người ủng hộ tuyên bố rằng liệu pháp này có thể khắc phục ngay lập tức và lâu dài cho các vấn đề như đau lưng và thoát vị đĩa đệm, viêm cân gan bàn chân, khớp thái dương hàm, đau thần kinh tọa, viêm xương khớp, hội chứng khuỷu tay Tennis và các chấn thương thể thao khác.
  • Tưới khí để điều trị vết thương: Các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng như tay chân, có thể được bọc trong túi nhựa để tiếp xúc lâu dài với khí ozone.
  • Bơm hơi trực tràng hoặc âm đạo (tưới khí): Tương tự như thuốc xổ, hỗn hợp khí oxy và ozone được truyền vào.
  • Bơm hơi vào mũi hoặc tai.
  • Nước ozone hóa: Các nghiên cứu cho thấy tác dụng chống viêm tiềm năng từ việc uống nước ozone hóa.
  • Dầu ozone hóa: Ozone có thể được cố định và giữ lại giữa các liên kết đôi của PUFA (acid béo không bão hòa đa), sau đó có thể dùng dầu để bôi tại chỗ.
  • Phòng xông hơi Ozone: Phòng xông hơi ướt chứa ozone giúp kích thích quá trình thải độc sâu của tất cả các cơ quan và mô chính của cơ thể, bao gồm cả hệ bạch huyết.

Tiến sĩ Rowen khuyên dùng MAH cho các bệnh nhiễm trùng cấp tính và các bệnh nhiễm trùng mạn tính kháng thuốc như bệnh Lyme và các bệnh đi kèm Lyme. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh mạn tính, bơm hơi trực tràng có hiệu quả cao và ít xâm lấn hơn. Vì là chất khí nên ozone có thể di chuyển qua các mô, giúp ozone có khả năng khuếch tán vào những vùng khó tiếp cận hơn của cơ thể khi được chích vào các mô lân cận dễ tiếp cận.

Một số bác sĩ đang kết hợp liệu pháp ozone với liệu pháp oxy hóa “chị em” đi kèm, chiếu xạ máu bằng tia cực tím (UBI), theo phương pháp tương tự như MAH. UBI được chứng minh bằng một nghiên cứu rất thuyết phục, được đăng trên Tập san uy tín American Journal of Surgery (Phẫu Thuật Hoa Kỳ) năm 1947. Nghiên cứu này nêu chi tiết 445 trường hợp nhiễm trùng sinh mủ (do vi khuẩn) cấp tính với tỷ lệ chữa khỏi gần như 100%. Ngay cả những người bệnh nặng và cận kề tử vong cũng có tỷ lệ chữa khỏi là 50%. Gần đây, Tiến sĩ Rowen đã công bố một bài viết về UBI, trong đó ông viết rằng: “Với sự xuất hiện gần đây của vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh đã biết, UBI nên được nghiên cứu nhiều hơn về [phương diện] là phương pháp thay thế đối với bệnh nhiễm trùng và về [vai trò] điều hòa miễn dịch.”

Để biết thêm thông tin

Ozone là liệu pháp ít được sử dụng, hữu ích cả trong điều trị và phòng ngừa nhờ đặc tính thải độc và chữa bệnh mạnh mẽ, với rủi ro không đáng kể. Liệu pháp này thường ít tốn kém hơn so với các phương pháp điều trị khác, mặc dù khả năng tiếp cận vẫn còn hạn chế ở một số vùng địa lý nhất định.

Thông tin về ozone có sẵn trên Amerademy of Ozonotherapy (Học Viện Liệu Pháp Ozone Hoa Kỳ – AAOT). Công cụ tìm bác sĩ trên trang web của họ có thể giúp bạn tìm một bác sĩ có chuyên môn này ở địa phương của mình.

Đăng lại từ GreenMedInfo.com

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Valerie Burke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn