Lo lắng có thể không chỉ ở trong tâm trí mà có thể xuất phát từ trái tim

Nghiên cứu xem xét kỹ hơn về mối quan hệ giữa tim-não và cách thức tín hiệu từ tim đến não có thể quyết định cảm giác của chúng ta

Cơ thể chúng ta thực sự rất tuyệt vời, với hai cơ quan quan trọng – tim và não – làm việc liền mạch với nhau để giúp chúng ta sống và khỏe mạnh. Tim hoạt động như một máy bơm, giúp máu lưu thông không ngừng trong hệ mạch máu, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho não, phổi và các cơ quan khác để hoạt động tốt. Bộ não đóng vai trò là trung tâm chỉ huy, tương tác với cơ thể thông qua hệ thần kinh.

Sự tương tác giữa tim và não là một cuộc đối thoại năng động diễn ra theo 2 chiều, trong đó cơ quan này liên tục ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan kia và ngược lại. Nghiên cứu khoa học gần đây đã tiết lộ những tương tác phức tạp giữa hai cơ quan này, nhấn mạnh rằng tim cũng có thể đóng một vai trò trong hành vi và sinh lý học.

Một phát hiện quan trọng là sự thay đổi nhịp tim có thể góp phần phát triển hoặc làm nặng thêm chứng lo lắng, một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất.

Nhịp tim nhanh có thể khởi phát lo âu

Nghiên cứu gần đây của nhóm các nhà thần kinh học từ Đại học Stanford đã điều tra mối quan hệ giữa tăng nhịp tim với hành vi lo lắng ở một nhóm chuột biến đổi gen.

Các nhà nghiên cứu dùng ánh sáng để kích thích các tế bào đặc biệt trong tim của những con chuột này nhằm kiểm tra giả thuyết rằng nhịp tim tăng có thể gây ra lo lắng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc kích hoạt các protein cụ thể trong tim chuột đã dẫn đến sự gia tăng tín hiệu điện trong tế bào tim và tăng nhịp tim. Những con chuột trở nên lo lắng hơn khi tim đập nhanh hơn và ít sẵn sàng khám phá những khu vực trống trải hoặc tìm kiếm nguồn nước.

Đây là bằng chứng rõ ràng, ít nhất là ở chuột, cho thấy việc tăng nhịp tim có thể gây ra lo lắng, đồng nghĩa rằng cùng với bộ não, tim có thể đóng một vai trò trong sự phát triển các trạng thái cảm xúc.

Sự thay đổi nhịp tim ảnh hưởng đến chứng lo lắng như thế nào?

Nghiên cứu tiết lộ rằng hoạt động ở thùy đảo – một vùng não ảnh hưởng đến cảm xúc và cảm giác của cơ thể – tăng lên khi nhịp tim tăng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng việc ức chế thùy đảo trong quá trình tạo nhịp quang học làm giảm các hành vi lo lắng ở chuột. Những kết quả này cho thấy thùy đảo đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền thông tin về nhịp tim đến não, do đó ảnh hưởng đến mức độ lo lắng.

Nhìn chung, nghiên cứu đột phá này cung cấp những thông tin quan trọng về cách mà các cấu trúc não cụ thể, chẳng hạn như thùy đảo, tham gia điều chỉnh các hành vi liên quan đến lo lắng để đáp ứng với sự thay đổi nhịp tim.

Nói cách khác, để hiểu được nguồn gốc của tâm trạng và trạng thái cảm xúc, chúng ta phải xem xét mối liên quan giữa não và tim.

Tim tương tác với não theo 4 cách chính:

  • Thông qua các xung thần kinh
  • Thông qua các hormone
  • Dao động áp suất
  • Tương tác điện từ trường.

Mối tương tác này rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não và gây lo lắng.

Trong thực hành lâm sàng, bệnh nhân tim mạch thường bị lo lắng và rối loạn cảm xúc. Điều này liên quan đến việc tăng nguy cơ có hại cho tim mạch và góp phần làm trầm trọng thêm bệnh tim.

Mối quan hệ giữa rối loạn lo âu và bệnh tim mạch có thể do nhiều yếu tố, bao gồm rối loạn thần kinh thực vật, viêm, rối loạn chức năng nội mạc và thay đổi kết tập tiểu cầu.

Tương tác giữa tim và não

Bộ não đóng vai trò là hệ thống điều khiển trung tâm cho toàn bộ cơ thể, với nhiều con đường truyền tín hiệu từ não đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả tim. Cơ thể sử dụng một mạng lưới thần kinh phức tạp và vòng lặp điều hòa ngược để liên tục tương tác với não.

Những dây thần kinh này hoạt động như những sứ giả nhỏ, thu thập thông tin về môi trường bên trong và bên ngoài cơ thể, bao gồm những gì chúng ta nhìn, ngửi, chạm và nếm. Thông tin đến não sẽ được biến đổi và kết hợp với kích thích của giác quan khác cùng trí nhớ, tạo nên nhận thức của chúng ta về thế giới. Điều này có nghĩa là màu sắc chúng ta nhìn thấy, mùi hương chúng ta ngửi và hương vị chúng ta nếm đều là sản phẩm của cuộc trò chuyện đang diễn ra giữa cơ thể chúng ta với bộ não.

Làm thế nào để trục tim-não điều chỉnh sự lo lắng?

“Trục tim-não” đề cập đến sự giao tiếp và tương tác hai chiều giữa tim và não.

Tim không chỉ là một máy bơm mà còn có hệ thống thần kinh riêng biệt có thể nhận diện và đáp ứng với môi trường xung quanh một cách độc lập với não. [Bằng chứng] cho thấy trục này đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh một loạt các quá trình tâm – sinh lý, bao gồm tâm trạng và lo lắng.

Nghiên cứu khoa học gần đây đã phát hiện rằng tim gửi thông tin đến não nhiều hơn não gửi đến tim, nêu bật bản chất phức tạp trong giao tiếp giữa tim và não, dường như phức tạp hơn so với suy nghĩ ban đầu.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng hệ thống thần kinh nội tại của tim có thể hoạt động độc lập với chỉ lệnh từ thần kinh trung ương. Khám phá này giúp chúng ta hiểu biết thêm về sự phức tạp trong chức năng tim và mối quan hệ của tim với não.

Lo lắng làm kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, có thể gây tăng nhịp tim, huyết áp và tần số hô hấp. Sự kích hoạt này đôi khi có thể dẫn đến những thay đổi trong hoạt động điện tim, có khả năng gây ra nhịp tim không đều hay rối loạn nhịp tim.

Trục tim-não rất quan trọng trong việc điều chỉnh phản ứng lo lắng. Theo nghiên cứu, khi tim hoạt động bình thường, tim sẽ gửi tín hiệu đến não làm giảm lo lắng và căng thẳng. Điều này được thực hiện bằng cách phóng thích các hormone chống lo âu, chẳng hạn như oxytocin và vasopressin.

Lo lắng được thừa nhận rộng rãi là một tình trạng rất phức tạp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác biệt đáng kể giữa người với người. Trục tim-não chỉ là một hệ thống liên quan đến phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng.

Khi tim hoạt động không bình thường, như trong trường hợp bệnh tim, có thể góp phần gây mất cân bằng trục tim-não, làm tăng nguy cơ lo lắng và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

Nói tóm lại, trục tim-não đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự lo lắng. Tim không khỏe mạnh có thể làm tăng nguy cơ lo lắng và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Ngược lại, tim khỏe mạnh giúp giảm lo lắng và căng thẳng.

Nhiều cơ quan trong cơ thể giao tiếp với não thông qua các ‘trục’ khác nhau, bao gồm cả trục dạ dày-não. Các nhà khoa học gọi nhận thức liên tục của não đối với các tín hiệu từ bên trong cơ thể (bao gồm cả những tín hiệu từ hệ hô hấp, tiêu hóa và tim mạch) là “nội cảm thụ” [cảm nhận về những gì đang diễn ra trong cơ thể]. “Nội cảm thụ” là một phần quan trọng trong tiềm thức của chúng ta, có thể bao gồm cảm xúc và suy nghĩ.

Chẩn đoán và các triệu chứng lo âu

Rối loạn lo âu được chẩn đoán dựa trên các tiêu chí cụ thể, theo định nghĩa trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, là sự lo lắng quá mức và những sợ hãi mơ hồ xảy ra trong ít nhất sáu tháng và liên quan đến một số sự kiện hoặc hoạt động, chẳng hạn như kết quả học tập hoặc công việc.

Theo DSM, để đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa, một người phải bị lo lắng quá mức và có ít nhất ba trong số các triệu chứng sau:

  • bồn chồn hoặc cảm thấy hồi hộp hoặc căng thẳng
  • dễ mệt mỏi
  • khó tập trung hoặc đầu óc trống rỗng
  • cáu gắt
  • căng cơ
  • rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ, hoặc ngủ không yên và không đủ giấc

Nhiều triệu chứng lo âu kể trên là do những cảm giác tiềm thức gây ra.

Làm thế nào để giảm bớt lo lắng

Rối loạn lo âu là rối loạn tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến gần 30% người trưởng thành tại một số thời điểm trong quãng đời của họ. May mắn thay, rối loạn lo âu có thể điều trị được, và có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Việc điều trị có thể giúp hầu hết mọi người có cuộc sống cải thiện. Nghiên cứu của Stanford đã khám phá ra làm thế nào mà tim đập nhanh có thể dẫn đến hành vi lo lắng và cung cấp cái nhìn sâu sắc về các chiến lược hiện tại giúp điều trị chứng lo âu.

Phản hồi sinh học về sự thay đổi nhịp tim

Phản hồi sinh học về sự thay đổi nhịp tim (HRV) là một kỹ thuật phổ biến cung cấp phản hồi theo thời gian thực về những thay đổi của nhịp tim và hô hấp đồng thời hướng dẫn mọi người thở một cách có kiểm soát. Kỹ thuật này có thể là một công cụ can thiệp điều trị lo lắng và trầm cảm hiệu quả.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tập san Frontiers in Neuroscience, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng việc sử dụng phản hồi sinh học HRV có thể làm tăng 18% khả năng thay đổi nhịp tim và giảm 5.2 nhịp mỗi phút. Điều này dẫn đến những thay đổi trong mạng lưới chức năng rộng lớn của các vùng não, bao gồm hạch hạnh nhân (vùng não giúp kiểm soát cảm xúc) và thùy đảo.

Người ta cũng cho rằng phản hồi sinh học HRV có thể khôi phục sự cân bằng bên trong của hệ thần kinh thực vật (bộ phận kiểm soát các chức năng tự động) và giảm viêm.

Thân tâm liệu pháp [Thực hành thân-tâm]

Các phương pháp rèn luyện thân tâm, bao gồm yoga, thái cực quyền, thiền chánh niệm và các kỹ thuật thư giãn, ngày càng được nghiên cứu về khả năng làm giảm các triệu chứng lo âu.

Nhiều nghiên cứu hiện tại cho thấy những thực hành này có thể có hiệu quả điều trị chứng lo âu, kể cả khi can thiệp đơn lẻ hoặc kết hợp với các liệu pháp thông thường như điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý.

  • Các nghiên cứu cho thấy yoga có thể làm giảm các triệu chứng lo âu liên quan đến rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ và rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
  • Thái cực quyền đã được phát hiện là có ảnh hưởng tích cực đến các triệu chứng lo âu, bao gồm việc giảm lượng hormone gây căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
  • Thiền chánh niệm có thể làm giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm và có thể đặc biệt hiệu quả đối với những người bị rối loạn lo âu.
  • Các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như giãn cơ tiến triển và các bài tập hít thở sâu, cũng có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng lo âu, bao gồm rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu và rối loạn lo âu xã hội.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về cơ chế và hiệu quả của các phương pháp thực hành thân-tâm đối với việc điều trị chứng lo âu, nhưng các bằng chứng hiện tại cho thấy những phương pháp này có thể là công cụ hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng lo âu và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các phương pháp thực hành thân-tâm không nên được sử dụng để thay thế cho các phương pháp điều trị thông thường. Thay vào đó, thực hành thân-tâm nên được sử dụng bổ sung cùng với các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng khác.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên môn và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.

Bạn muốn đọc về những chủ đề nào? Vui lòng cho chúng tôi biết tại [email protected]

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Dr. Yuhong Dong, M.D., Ph.D.
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Đổng Vũ Hồng (Yuhong Dong), bác sĩ y khoa và tiến sĩ, phụ trách chuyên mục Sức khỏe của The Epoch Times. Và là cựu chuyên gia khoa học y tế cao cấp và lãnh đạo cảnh giác dược tại Trụ sở chính của Novartis ở Thụy Sĩ. Bà đã từng đoạt giải thưởng Novartis trong bốn năm. Bà có kinh nghiệm nghiên cứu tiền lâm sàng về virus học, miễn dịch học, ung thư học, thần kinh học và nhãn khoa, đồng thời cũng có kinh nghiệm lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nội khoa. Bà lấy bằng bác sĩ và tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn