Lọc bỏ sự thật: Từ ảnh selfie đến phẫu thuật thẩm mỹ

Mạng xã hội đang đẩy số ca phẫu thuật thẩm mỹ trong nhóm người trẻ tăng lên một cách đáng ngạc nhiên

Trong một thế giới mà người ta có thể xóa vết thâm bằng kỹ thuật số hoặc làm cho cặp mắt long lanh chỉ bằng một cú nhấp chuột, nhiều người đang tìm kiếm những “chỉnh sửa” lâu dài hơn thông qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Hành trình tìm kiếm bức ảnh selfie hoàn hảo

Từ những bức ảnh bị vỡ khi chụp bằng camera gắn phía trước điện thoại hồi đầu những năm 2010 cho đến những bức chân dung có độ phân giải cao với nhiều loại kính lọc máy ảnh hiện nay, sự phát triển tính năng “selfie” được coi là một điều hiển nhiên. Những bức ảnh chân thực được chụp nhanh hồi đầu đã chuyển thành những bức ảnh có độ tinh tế cao, phần lớn là nhờ tiến bộ công nghệ và ảnh hưởng của mạng xã hội.

Instagram và Facebook hiện đang ngập tràn hình ảnh chất lượng cao được chỉnh sửa kỹ lưỡng. Snapchat và TikTok đã tiến xa hơn bằng cách giới thiệu các bộ lọc thân thiện với người dùng với vô số hiệu ứng tức thì. Giờ đây, người ta có thể có làn da sáng hơn, gò má nổi bật và ánh sáng lý tưởng chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Một báo cáo của Đại học London đã vẽ ra một bức tranh đáng chú ý: 90% phụ nữ sử dụng các bộ lọc hoặc [phần mềm] chỉnh sửa, không chỉ để có làn da không tì vết hay làm trắng răng mà còn để thay đổi cấu trúc khuôn mặt và thân hình thon gọn.

Tiến sĩ Tara Well, giáo sư tâm lý học tại Đại học Barnard và là tác giả của cuốn Mirror Meditation (Thiền Trước Gương) cho biết, “Những bức ảnh selfie thường được chọn lọc và chỉnh sửa cẩn thận để làm nổi bật những đặc điểm thu hút nhất đồng thời che giấu những khuyết điểm có thể nhận thấy.”

Bà nói với The Epoch Times rằng, “Việc này có thể dẫn đến những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế và [tâm lý] so sánh liên tục với những hình ảnh hoàn hảo mà chúng ta thấy trên mạng”.

Khao khát kỹ thuật số: Chụp ảnh selfie và phẫu thuật thẩm mỹ

Kỷ nguyên kỹ thuật số không chỉ thay đổi cách chúng ta ghi nhớ những khoảnh khắc mà còn định hình lại những tiêu chuẩn về cái đẹp. Sự thay đổi này đã dẫn đến “rối loạn Snapchat” [một kiểu hội chứng mặc cảm ngoại hình], như được đặt ra trong một nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Boston. Thuật ngữ này đề cập đến mong muốn hình ảnh bản thân ở hiện thực phải giống như những gì đã được [chỉnh sửa] qua bộ lọc trực tuyến.

Một cuộc khảo sát năm 2019 của Học viện Phẫu thuật Tạo hình và tái tạo Khuôn mặt Hoa Kỳ (AAFPRS) đã nhấn mạnh xu hướng này: 72% bác sĩ phẫu thuật đã lưu ý rằng bệnh nhân muốn các thủ thuật để tăng sức hấp dẫn khi chụp ảnh selfie, sự gia tăng 15% này đáng chú ý so với năm trước.

AAFPRS tóm tắt một cách ngắn gọn xu hướng này và nhận xét, “Cho dù bạn gọi nó là ‘Hiệu ứng Kardashian’, ‘Selfie Mania’, ‘rối loạn Snapchat’ hay thử thách ‘Glow-Up’, thì mọi xu hướng có thể gắn thẻ đều nhắm đến cùng mục đích: sự bảo đảm của mạng xã hội và ảnh hưởng ngày càng tăng đối với ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt.”

Đào sâu về đặc điểm nhân khẩu học toàn cầu [giúp chúng ta] vẽ nên một bức tranh hấp dẫn. Con số đáng chú ý là 51.4% nữ sinh viên đại học ở Ả Rập Saudi là những người theo dõi nhiệt tình các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trên mạng. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, 6.4% những người có trình độ học vấn cao hơn đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. Trong số đó, 43% đang cân nhắc các thủ thuật tiếp theo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hình mẫu về sắc đẹp trên phương tiện truyền thông và sự lôi cuốn không ngừng của các chương trình khuyến mãi phẫu thuật thẩm mỹ.

Xu hướng này tiếp tục vượt ra ngoài cánh cửa trường đại học. Tiến sĩ Rod J. Rohrich của Viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Dallas nhấn mạnh đến ảnh hưởng sâu rộng của mạng xã hội đối với cả nhóm người trẻ hơn.

Ông nói với The Epoch Times, “Có một mối quan hệ rõ ràng giữa sự phổ biến của mạng xã hội và tình trạng gia tăng các thủ thuật thẩm mỹ ở thanh thiếu niên.”

Nghiên cứu của ông cho thấy chỉ riêng năm 2016, số thủ thuật dành cho người dưới 19 tuổi đã vượt qua 229,551 lượt. Theo Tiến sĩ Rohrich, sự gia tăng này là do áp lực từ bạn bè và một xu hướng làm đẹp mới nổi được gọi là “trẻ hóa”—một “miếng đánh” phủ đầu chống lại các nếp nhăn. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng chỉ ra phương pháp này thiếu bằng chứng ủng hộ một cách vững chắc.

Tiến sĩ Rohrich cũng đưa ra cảnh báo về sự gia tăng không kiểm soát tình trạng thanh thiếu niên tìm kiếm các phương pháp trị liệu như botox tại các spa.

“Thật đáng lo ngại khi thanh thiếu niên có thể dễ dàng bước vào bất kỳ spa nào ở Hoa Kỳ để chích botox hoặc chất làm đầy.” Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm đến các chuyên gia có trình độ, kêu gọi thanh thiếu niên và cha mẹ của họ tham khảo ý kiến ​​của các bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được chứng nhận, những người còn duy trì các tiêu chuẩn đạo đức, bao gồm xác minh độ tuổi và bảo đảm có được sự đồng ý của cha mẹ.

Ngành công nghiệp mỹ phẩm đang hái ra vàng

Xu hướng selfie không chỉ thu hút thanh thiếu niên và những người có ảnh hưởng mà đã đưa ngành công nghiệp mỹ phẩm lên tầm cao chưa từng thấy. Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn các phương pháp điều trị để nâng cao “thương hiệu cá nhân” trên mạng, và vì thế, các bệnh viện thẩm mỹ đang hái ra tiền.

Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Quốc tế (ISAPS) ghi nhận số ca thủ thuật thẩm mỹ tăng 19.3% vào năm 2021, lên tới 12.8 triệu ca phẫu thuật và 17.5 triệu ca không phẫu thuật. Trong bốn năm, thủ thuật thẩm mỹ đã đạt mức tăng trưởng 33.3%, trong đó các thủ thuật không phẫu thuật có mức tăng đáng kinh ngạc là 54.4%.

Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ chỉ ra sự gia tăng rõ rệt các liệu pháp can thiệp thẩm mỹ ở những người từ 18 đến 30 tuổi, bao gồm chích botox, chất làm đầy da và tái tạo bề mặt da bằng laser. Điều đáng kinh ngạc là trong số 1.9 triệu người đam mê Botox dưới 35 tuổi, có 106,000 người dưới 18 tuổi.

Tận dụng một cách khéo léo xu hướng này, các bệnh viện thẩm mỹ đang ve vãn những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội bằng các liệu pháp điều trị được giảm giá hoặc miễn phí, với hy vọng thu hút được sự chú ý trên mạng. Chiến lược hợp tác này nhấn mạnh vào sự chuyển đổi văn hóa: Các thủ thuật [thẩm mỹ] từng dành riêng cho giới thượng lưu ngày càng dễ tiếp cận hơn đối với khách hàng trẻ tuổi.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác mật thiết giữa những người có ảnh hưởng và các bệnh viện [thẩm mỹ] đang bị giám sát chặt chẽ về mặt đạo đức. Khi các thẻ hashtags bắt đầu bằng “phẫu thuật thẩm mỹ” và “bơm môi” thu hút hàng tỷ lượt xem trên TikTok, việc phân biệt nội dung chân thực từ quảng cáo che đậy ngày càng trở nên khó khăn.

Được mệnh danh là “phẫu thuật selfie,” các phương pháp điều trị đáp ứng nhu cầu về vẻ ngoài nhất định của thế hệ am hiểu công nghệ này, chẳng hạn như “đôi môi dày gợi cảm của nữ diễn viên Kylie Jenner” được săn đón. Kết quả tài chính mang lại cho ngành này thật đáng kinh ngạc. Dịch vụ thẩm mỹ có khoảng chi phí rất rộng, từ 300 – 1,000 USD và thậm chí hơn thế nữa. Với việc ISAPS ghi nhận mức tăng 5% hàng năm của các phương pháp điều trị phẫu thuật thì Hoa Kỳ là quốc gia quan trọng trong dẫn động thị trường.

Dự kiến mức tăng trưởng sẽ rất mạnh: Từ 67.3 tỷ USD vào năm 2021, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ toàn cầu sẵn sàng tăng gấp ba lần vào năm 2031 lên 201 tỷ USD.

Những mối nguy tiềm ẩn của việc theo đuổi thẩm mỹ

Đối ngược với sự hấp dẫn lóa mắt của văn hóa selfie là những nguy cơ thường bị bỏ qua trong phẫu thuật thẩm mỹ. Những rủi ro ngay sau phẫu thuật hiếm khi được chú ý, từ nhiễm trùng và sẹo đến huyết khối và tổn thương thần kinh. Những ca phẫu thuật lớn cần gây mê toàn thân tiềm ẩn những nguy cơ khó lường hơn.

Nghiên cứu kéo dài 20 năm trên 26,032 trường hợp đã xác nhận tính an toàn tương đối của phẫu thuật thẩm mỹ ngoại trú khi được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có chứng nhận từ hội đồng và tại các cơ sở được công nhận. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, cứ 100 bệnh nhân thì có 1 người phải đối mặt với các biến chứng.

Ngay cả những phương pháp có vẻ an toàn như chích botox đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ cũng có những cạm bẫy. Một nghiên cứu chi tiết về việc chích Botulinum Toxin A cho nửa mặt trên cho thấy 16% người dùng phải đối mặt với các biến chứng, từ đau đầu đến các triệu chứng thần kinh cơ. Mặc dù nhiều vấn đề có vẻ không đáng ngại nhưng nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các chuyên gia có trình độ cũng như sự thiếu đồng nhất trong việc báo cáo những biến chứng này.

Tìm hiểu sâu hơn, chúng ta còn thấy được xu hướng giới trẻ tìm kiếm các địa điểm không có giấy phép hoặc các phòng khám ở nước ngoài ngày càng tăng với lý do tiết kiệm chi phí. Các tiểu bang như Florida, Texas và California đã trở thành tâm điểm vào năm 2013 về những lối đi tắt nguy hiểm này. Tuy nhiên, phần lớn những kết cục bi thảm, từ nhập viện đến tử vong, cho thấy một cuộc khủng hoảng lớn hơn, không được báo cáo.

Tuy nhiên, những tác động này còn vượt ra ngoài phạm vi thể chất. Sự gia tăng của chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình (BDD)—một tình trạng đặc trưng bởi sự ám ảnh những khiếm khuyết về ngoại hình—đang gây lo ngại. Trớ trêu thay, phẫu thuật, được coi là giải pháp, lại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn tâm lý này.

Một nghiên cứu toàn diện từ Ấn Độ, quốc gia nổi tiếng với nhiều vụ tai nạn liên quan đến chụp ảnh selfie, đã đi sâu vào vấn đề này. Khảo sát 300 cá nhân trên khắp các thành phố lớn, nghiên cứu cho thấy mối lo lắng xã hội và xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng gia tăng đối với văn hóa selfie, trong đó chủ yếu là ở phụ nữ.

Nghiên cứu đề cập đến “những tác động có hại của việc đăng ảnh selfie lên sức khỏe con người.” Các tác giả cảnh báo về một “nền văn hóa ám ảnh về ngoại hình” đang nhấn chìm giới trẻ, chỉ ra các bộ lọc kỹ thuật số với sự gia tăng các thủ thuật thẩm mỹ trong thế giới thực.

Các tác giả kết luận, “Nền văn hóa ám ảnh về ngoại hình đang thịnh hành đã nhấn chìm sự ngây thơ của giới trẻ và cần được quan tâm ngay lập tức.”

Tiến sĩ Well nhấn mạnh thêm khía cạnh sức khỏe tâm thần.

“Những người bị chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình có thể làm thủ thuật thẩm mỹ nhiều lần nhằm cố gắng khắc phục những khiếm khuyết, ngay cả khi những khiếm khuyết mà người khác không nhìn thấy.”

Tiến sĩ Susruthi Rajanala cho biết, “Tính phổ biến của những hình ảnh qua bộ lọc này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của một người, khiến họ cảm thấy không hài lòng khi không được nhìn ngắm theo một lăng kính nhất định trong thế giới thực và thậm chí có thể đóng vai trò là tác nhân kích hoạt và dẫn đến rối loạn mặc cảm ngoại hình.”

Tương lai của cái đẹp trong thời đại kính lọc

Trong một thế giới mà kỹ thuật số có thể làm sai lệch nhận thức, sự gia tăng của các cải tiến về mặt thẩm mỹ càng làm mờ đi ranh giới về tính xác thực. Nhưng ngày càng có nhiều lời kêu gọi sự tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên.

Dẫn đầu sự thay đổi này là chiến dịch #NoFilter. Nỗ lực này truyền cảm hứng về tính chân thực bằng cách thúc giục người dùng, chủ yếu là phụ nữ, thể hiện bản thân mà không cần trang điểm hay qua chỉnh sửa kỹ thuật số. Chiến dịch này dựa trên ý tưởng rằng vẻ đẹp thực sự ẩn trong những khiếm khuyết tự nhiên của chúng ta, một sức hấp dẫn mà không có cải tiến kỹ thuật số nào có thể nắm bắt được.

Campaign for Real Beauty (Chiến dịch vẻ đẹp chân thực) của Unilever được khởi xướng vào năm 2004 dành cho nhãn hàng Dove, đã khuếch đại thông điệp này bằng cách giới thiệu vẻ đẹp của những người phụ nữ trên những phông nền khác nhau. Điểm nổi bật trong chiến dịch này là bộ phim “Evolution,” đã phơi bày những thay đổi mạnh mẽ mà phương tiện truyền thông có thể tạo ra và nêu bật những tiêu chuẩn méo mó được truyền bá tới công chúng,.

Gần đây hơn, Dove đã phát hành video “Reverse Selfie.” Những nỗ lực của Dove không chỉ giới hạn ở các chiến dịch; họ đã tạo dựng một cộng đồng sôi động trên mạng xã hội, ủng hộ sự tinh tế của vẻ đẹp đích thực.

Dove đang đẩy mạnh sứ mệnh của mình với dự án Self-Esteem. Hợp tác với các chuyên gia về tâm lý, sức khỏe và hình ảnh cơ thể, sáng kiến này nhằm mục đích định hình lại rằng, cái đẹp là khởi nguồn của sự tự tin chứ không phải là lý do để lo lắng. Trang web của công ty tiết lộ phạm vi tiếp cận rộng lớn của dự án này với hơn 82 triệu thanh niên được hưởng lợi từ giáo dục về lòng tự trọng, đồng thời hướng tới việc trao quyền cho 1/4 tỷ người vào năm 2030.

Tiến sĩ Well cho biết, “Khuyến khích [thái độ] chấp nhận bản thân và đề cao các tiêu chuẩn vẻ đẹp chân thực có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của văn hóa selfie đối với hình ảnh cơ thể và sức khỏe tâm thần.”

Thanh Long biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Sheramy Tsai
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Sheramy Tsai, Cử nhân Điều dưỡng, điều dưỡng viên có đăng ký hành nghề, là một y tá dày dạn kinh nghiệm với sự nghiệp viết lách kéo dài hàng thập niên. Là cựu sinh viên của Đại học Middlebury và Johns Hopkins, cô Sheramy kết hợp chuyên môn viết và điều dưỡng của mình để mang đến nội dung có sức ảnh hưởng. Sống ở Vermont, cô cân bằng giữa nghề nghiệp với cuộc sống và đang nuôi dạy ba đứa con nhỏ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn