Nghiên cứu làm sáng tỏ mối liên hệ giữa sinh non và bệnh tự kỷ

Một phân tích đoàn hệ mới trên gần 115,000 ca sinh đã bác bỏ giả thuyết cho rằng sinh non dẫn đến rối loạn phổ tự kỷ.

Trái ngược với nghiên cứu trước đây và niềm tin phổ biến, chỉ riêng việc sinh non không dẫn đến tự kỷ.

Một nghiên cứu mới của Israel cho thấy không có mối liên quan đáng kể nào giữa sinh non và rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Phát hiện này khẳng định rằng nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ phức tạp hơn nhiều.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (American Journal of Obstetrics & Gynecology), ban đầu phát hiện ra mối liên quan chặt chẽ giữa sinh non và bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, sau khi xem xét các yếu tố khác, bao gồm chủng tộc, tuổi của mẹ, kích thước và giới tính của trẻ nhỏ, mối liên hệ đáng kể đã biến mất.

Những phát hiện này được trình bày trong The Pregnancy Meeting, một cuộc họp hàng năm của Hội Y Học Bà Mẹ và Thai Nhi vào ngày 14/02.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét bệnh án từ các bệnh viện và phòng khám cộng đồng của gần 115,000 ca sinh ở Israel từ năm 2005 đến năm 2017. Dữ liệu bao gồm các bà mẹ và trẻ nhỏ là người Do Thái, Hồi giáo và Bedouin, một nhóm thiểu số Hồi giáo. Có hơn 93% các ca sinh đủ tháng (từ 37 tuần trở lên). Chỉ 1.2% là sinh non, trong khi 6% là sinh muộn hoặc sinh muộn mức độ vừa phải.

Thay vì liên kết sinh non với chứng tự kỷ, nhóm nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố phát triển chứng tự kỷ ở trẻ.

Tiến sĩ Sapir Ellouk, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nguyên nhân chính xác của bệnh tự kỷ rất phức tạp. Nhưng dựa trên dữ liệu của chúng tôi, một yếu tố sản khoa đơn lẻ khó có thể là nguyên nhân gây ra ASD. Một lý thuyết hợp lý hơn [gây ra bệnh tự kỷ] liên quan đến sự hiện diện đồng thời của nhiều yếu tố.”

Nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh tự kỷ, đặc biệt là nghiên cứu nhằm điều tra mối liên hệ có thể có giữa sinh non và bệnh tự kỷ, vẫn gây tranh cãi.

Một số nghiên cứu trước đây cho rằng sinh non có thể làm tăng đáng kể nguy cơ trẻ mắc chứng tự kỷ và nguy cơ này có liên quan đến thời kỳ mang thai. Một nghiên cứu cho thấy 8 trong số 657 (1.22%) trẻ sinh non trước 28 tuần mắc chứng tự kỷ, trong khi 80 trong số 13,108 trẻ sinh non (0.61%) được sinh từ 33 đến 38 tuần đã mắc chứng tự kỷ.

Tuy nhiên, ngay cả nghiên cứu trước đây cũng lưu ý rằng sự khác biệt về giới tính và các yếu tố môi trường khác có thể đóng một vai trò tiềm ẩn trong khả năng phát triển rối loạn ở trẻ.

Dấu hiệu sớm cho thấy tỷ lệ tự kỷ đang tăng lên ở Hoa Kỳ

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), vào năm 2020, tại Hoa Kỳ, tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ là 1/36. Bé trai có khả năng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phát triển này cao hơn với tỷ lệ 4/100 bé trai so với 1/100 bé gái. Theo báo cáo của CDC, tự kỷ cũng phổ biến hơn ở trẻ em da đen, Hispanic, Á Châu hoặc người dân đảo Thái Bình Dương so với trẻ em da trắng. Tỷ lệ này cao hơn so với những con số được báo cáo trong giai đoạn 2000-2018.

Định nghĩa về ASD khá mơ hồ vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa nắm vững được cách mà rối loạn này phát triển. Thêm vào đó, rối loạn này biểu hiện theo nhiều cách khác nhau từ người này sang người khác. Những bệnh nhân mắc ASD có thể hành xử, giao tiếp, học hỏi hoặc tương tác theo những cách khác biệt so với người khác, nhưng thường không có gì khác biệt khác. Thực tế, các kỹ năng của những người trong phổ tự kỷ rất đa dạng; một số người có thể có kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp hoàn thiện, trong khi người khác có thể không nói được.

Theo CDC, ASD thường bắt đầu xuất hiện vào khoảng 3 tuổi và thường kéo dài suốt cuộc đời của bệnh nhân, mặc dù các triệu chứng có thể cải thiện. Một số dấu hiệu sớm bao gồm việc trẻ bỏ lỡ một số cột mốc phát triển nhất định, như:

  • Không đáp ứng với việc gọi tên của mình lúc 9 tháng tuổi
  • Thiếu biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt lúc 9 tháng tuổi
  • Không chơi các trò chơi tương tác đơn giản lúc 12 tháng tuổi
  • Không có hoặc rất ít thực hiện cử chỉ đơn giản lúc 12 tháng tuổi
  • Không có sở thích như bạn bè cùng lứa lúc 15 tháng tuổi
  • Không thể hiện lòng thông cảm khi người khác bị tổn thương lúc 24 tháng tuổi
  • Không chơi với trẻ khác lúc 3 tuổi
  • Không tham gia vào trò chơi giả vờ lúc 4 tuổi
  • Không hát, nhảy múa hoặc diễn kịch lúc 5 tuổi

Các đặc điểm khác liên quan đến bệnh bao gồm sự chậm trễ trong học hỏi ngôn ngữ, chuyển động và kỹ năng nhận thức hoặc học tập; tính hiếu động, bốc đồng hoặc thiếu tập trung; động kinh hoặc rối loạn giấc ngủ; thói quen ăn uống kỳ lạ; rối loạn tiêu hóa; biểu hiện cảm xúc hoặc tâm trạng bất thường; lo âu; không sợ hãi hoặc sợ hãi hơn bình thường.

Thiên vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.

Amie Dahnke
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do ở tiểu bang California. Bà đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập niên và đã đạt Giải thưởng Xuất bản Báo chí California cho các tác phẩm đã đăng.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn